Truyền thống đạo đức Giáo hội dành kính tháng 10 cho Ðức Nữ Maria. Các sách lịch Công Giáo còn ghi tháng kính Ðức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, nhằm cổ võ lòng yêu mến Ðức Mẹ bằng việc cầu nguyện với kinh Mân Côi. Truyền thống đạo đức này đã có từ lâu đời trong Giáo Hội.
1. Maria Hình Tượng Mẫu
Chúng ta có thể nói quả quyết rằng, chính Thiên Chúa đã mặc khải hình ảnh người phụ nữ qua Ðức Maria. Thật ra, vai trò và sứ mạng cua Ðức Maria được giới thiệu với chúng ta chính là Maria, người Mẹ, người đa trao ban và giới thiệu Ðức Giêsu Kitô cho thế giới. Vai trò và phẩm tính cao cả này đã trở thành hình tượng mẫu cho mọi người, và người phụ nữ tìm được nơi Người hình tượng tuyệt vời cho chính mình. Mẫu tính, lòng chung thủy và tình khiêm hạ của Mẹ đã là yếu tố tuyết vời mà không làm xa cách các Kitô hữu mọi thời.
Càng tôn vinh và kính trọng Mẹ, người ta càng thấy gần gũi và yêu thương. Sự cao sang của Nữ Vương không ngăn cản lòng từ mẫu của Ðức Mẹ. Suốt bao thời đại, con cái Mẹ luôn chạy đến Mẹ như là một Mẫu Hoàng, đấng cầu bầu đầy quyền thế trước Ðức Kitô là Vua và là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. . . trong Người, muôn vật được tạo thành” (Col 1:15-19), là bởi vì với Mẫu tâm của Maria cho phép Mẹ gần gũi với Ðức Vua để chuyển cầu mọi ước nguyện của thần dân (chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của tước hiệu Mẫu Hoàng trong truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước).
Qua Mẹ Maria, ởi mọi thời người là cảm nhận được vinh dự là một người nữ; nữ tính và lòng trung thành của Mẹ đã được dâng hiến cho công cuộc Cứu Thế thế nào thì nữ tính và tình yêu nơi người phụ nữ cũng cần để thực hiện việc thay đổi bộ mặt thế giới cho dễ thương hơn như vậy.
2. Sức mạnh của phụ nữ để biến đổi thế giới
Trước 13 ngàn phụ nữ tại Conference on Women, ngày 26/9/2006, đức Ðạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, đã đọc diễn văn: “xuyên qua lòng từ bi yêu thương, người phụ nữ có sức mạnh biến đổi thế giới và quảng bá hòa bình. Cũng như nhờ lòng từ ái, yêu thương và cuộc sống hướng nội sâu sa, người phụ nữ có thể hóa giải nỗi bất công trong xã hội và tái lập mọi giá trị của gia đình.
Những khẳng định trên của đức Ðạt Lai Lạt Ma làm sáng tỏ hơn điều người ta vẫn thấy, vẫn nghe từ mấy chục năm nay, từ khi phong trào giải phóng phụ nữ phát khởi. Ngày nay, người phụ nữ đang tranh đấu để lật đổ cái huyền thoại nữ tính vốn ăn sâu trong quan niệm con người. Họ bắt đầu khẳng định tính độc lập cho dầu khó xóa mờ vai trò của nam giới. Công cuộc cách mạng của họ còn mãi là một cuộc chiến trường kỳ và đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết trong tầm mức vĩ mô: xã hội và thế giới, cả trong tầm mức vi mô: cộng đồng và gia đình.
Những phúc lợi chính đáng của người phụ nữ cũng chính là phúc lợi cho xã hội và gia đình, điều đó thì quá rõ ràng. Nhưng xem ra âm vang của các hội nghị quốc tế về phụ nữ khởi đi từ Mexicô (1975), tới Copanhage, Ðan Mạch (1980); từ Nairobi, Kenya (1985); tới Bắc Kinh (1995); từ con số 6000 phụ nữ tới 30 ngàn phụ nữ tham dự hội nghị . . . vẫn còn mãi là âm vang chưa gây được nhiều âm hưởng.
Nhìn vào bối cảnh toàn cầu, ngay cả trong lãnh vực quốc gia, cộng đoàn, gia đình ta vẫn thấy sự chênh lệch giới tính, địa vị phụ nữ, bạo hành trong gia đình và những cấm kỵ trong một số tôn giáo đối với phụ nữ. Những chênh lệch thực tế đó cho thấy cuộc sống phụ nữ chưa được cải thiện, hay ít ra chưa được cải thiện như các nghị quyết đã tuyên bố. Tôi nghĩ rằng, các văn bản pháp lý, các nghị quyết về nữ quyền là căn bản để thúc đẩy phong trào hành động cho công lý và giá trị của người phụ nữa, nhưng điều cần thiết hơn đó là ý thức sự hợp tác liên lỷ và thường xuyên của cả phụ nữ và nam giới. Bình đẳng nam nữ không phải là điều chỉ đạt được ở văn phòng hội nghị mà là sự ý thức trưởng thành ở nơi những người nam và người nữ, ở nơi những người chồng và người vợ.
3. Phụ nữ trong truyền thống Việt Nam
Theo sử gia Arnold Toynber thì nền văn minh nhân loại đại thể chia làm hai loại: nền văn minh du mục và nền văn minh nông nghiệp.
Trong nền văn minh nông nghiệp con người sống định canh định cư, ổn định và phát triển. Người phụ nữ trong nền văn minh này giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình ổn định và phát triển gia đình và bộ tộc. Người phụ nữa có thể trồng tỉa, gặt hái, thu hoa lợi. Trong gia đình, con cái cũng được họ sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên bên cạnh việc chăm lo cơm nước và thêu dệt quần áo . . . nói chung, trong những giai đoạn nhất định khá lâu dài của lịch sự, người phụ nữ nắm quyền quản trị gia đình, gia đình theo chế độ mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ.
Văn hóa Trung Hoa với hằng ngàn năm kéo dài áp đặt trên xã hội Việt Nam, dĩ nhiên cũng hình thành nên triết lý và định chế của xã hội đó. Trong xã hội Trung Hoa, thân phận người phụ nữ bị thiệt, chén ép và khinh miệt. Trong thời phong kiến, thân phận của người phụ nữ Việt Nam cũng không khá hơn gì. Nguyên tắc nền tảng của hệ thống giáo dục nho giáo đối với phụ nữ trong xã hội ta cũng như Trung Hoa quả là một trói buộc ngặt nghèo: tam tòng, tứ đức, quan niệm “phụ nữ nan hóa”, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, không con trai nối dõi là tội bất hiếu. . . đã là những ràng buộc chết người. Trong văn chương bác học, cũng như trong truyền tụng dân gian, người ta vẫn bắt gặp được thái độ trọng nam khinh nữ này.
Cho dầu thân phận phụ nữ Việt Nam bị ảnh nặng bởi phong tục tập quán, luật lệ từ chế độ phong kiến và lễ tắc của xã hội Trung Hoa, một số các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng nhờ truyền thống văn hóa cá biệt của Việt Nam, mà các luật lệ áp đặt khi được truyền sang Việt Nam cũng đã bị gạn lọc làm cho nhẹ đi nhiều. Chúng ta cũng có thể trưng dẫn bộ Hoàng Luật của nhà Nguyễn, thế kỷ 17, 18 đã minh họa phần nào bộ luật cổ Việt Nam đời nhà Lê, gọi là Quốc Triều Hình Luật, trong đó các luật lệ đã làm nhẹ đi phần nào những áp đặt trên thân phận phụ nữ:
· Chồng được phép đánh vợ, nhưng không được gây thương tích
· Người vợ thứ do vợ cả cưới cho và không được lần quyền vợ cả
· Con gái cũng được quyền thừa kế và được quyền lo hương lửa cho tổ tiên ông bà cha mẹ
· Luật cho phép phụ nữ từ hôn, nếu hôn phu có ác tật, phá tán tài sản …
· Bộ luật Gia Long còn thêm: chồng không được bỏ vợ trong các trường hợp như người vợ đã để tang cha mẹ chồng, người vợ đã làm cho nhà chồng giầu có, hoặc người vợ nếu bị bỏ sẽ không có nơi nương tựa.
Nói chung, vị trí và vai trò người nữ Việt Nam trong xã hội truyền thống vẫn còn được quý trọng, nhất là trong phạm vi gia đình. Vì những đức tính cao quí ở nơi họ: sự tận tụy, kiên nhẫn, kín đáo, hy sinh, v.v. mà người chồng cũng như con cái vẫn dành một tình cảm nồng nhiệt và trân quí cho người vợ, người mẹ.
Học giả Turley, Hoa Kỳ, đã nhận định: “vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội truyền thống đã được xác định bởi một sự pha trộn rất hấp dẫn giữa đạo đức nho giáo, các đặc thù văn hóa dân tộc theo dấu vết mẫu hệ, và các đạo luật” (Will S. Turley, Phụ Nữ trong CCCMCS ở Việt Nam, số 12, 1972, USA). Yu Insum cũng nêu lên những đặc thù: “Nếu gia đình Trung Hoa mang nặng nét quyền lực của người cha, thì gia đình Việt Nam lại khác, người vợ hầu như bình đẳng với chồng” (Yu Insum, Luật Pháp và Gia Ðình Việt Nam Thế Kỷ 17,18. Hoa Kỳ, 1987).
4. Người phụ nữ trong gia đình Công Giáo Việt Nam
Phụ nữ trong gia Ðình Việt Nam bị chi phối bởi các xã hội ảnh hưởng nho giáo. Nền giáo dục nẳng lễ nghĩa này đặt người cha, người chồng, và những người lớn khác lên địa vị cai trị gia đình, thì cũng đặt vị trí vai trò người vợ, con gái xuống hàng thứ yếu. Truyền thống xã hội Việt Nam vốn đã dành cho người vợ, người mẹ trong gia đình một chỗ đứng xứng đáng và trân trọng. Gia đình truyền thống Công Giáo đã phát huy được yếu tố tích cực này.
Ngay từ nhỏ, các cô gái đã được mẹ dắt dìu, bảo ban tham dự các đoàn thể phù hợp với lứa tuổi của các cô như: ca đoàn, hội tiến lễ, dâng hoa, làm các việc từ thiện bác ái. . . Việc tham gia này làm tăng thêm và củng cố nhiệm vụ giáo dục tôn giáo trong các gia đình Công Giáo. Khó mà biết được một cách chính xác việc huấn luyến tham gia các đoàn thể tôn giáo đã ảnh hưởng thế nào và trong chừng mực nào trên cuộc sống của người phụ nữ sau này; trong thực tế, đây quả là cách thức tuyệt vời để huấn luyện đức hạnh và niềm tin cho con cái.
Cha mẹ cũng chuẩn bị vai trò làm vợ, làm dâu sau này cho con gái bằng cách dạy ứng sử thích hợp, cách ăn nết ở sao cho phù hợp với đạo đức con người và con Chúa, bên cạnh những dạy bảo về kỹ năng gia chánh và đức hạnh truyền thống.
“Ðức hạnh của người phụ nữ liên quan đến sạch sẽ và trinh bạch, trầm lặng và kín đáo, làm mọi sự trong vinh dự và lương thiện. Người phụ nữ đòi hỏi chỉ nói khi thuận lới, không gian dối và không xúc phạm tới người khác, không quá lời kẻo gây chán ngán. Vẻ đẹp của người phụ nữ được lưu tâm vừa phải, và dựa trên sự trong sạch. Tóc và thân thể được tắm gội, cũng như giữ gìn quần áo và trang sức sạch sẽ, mát mẻ” (Sharma, Women in World Religious, New York, 1987)
Cụm từ “con nhà gia giáo” rất được ưa chuộng để ám chỉ những con cái cần mẫn giúp cha mẹ quán xuyến gia đình, từ bữa ăn tới việc chăm sóc từng người nhất là những người già cả và trẻ em, từ cách ăn nói đi đứng, tới cách ứng xử hẵng ngày. Ðó là những đứa trẻ được chuẩn bị tốt trong gia đình và được mọi người thương mến.
Với kỹ năng phục vụ, đức phục tùng, lòng đạo hạnh các cô gái mạnh dạn bước vào đời sống hôn nhân xây dựng một gia đình mới, một mực hết lòng chăm lo cho chồng, con, chu toàn chữ hiếu, nghĩa, đệ, huynh theo truyền thống văn hóa, trọn vẹn tình nghĩa xóm làng.
Với lòng nhân ái và thủy chung, các phụ nữ Công Giáo là nhà dìu dắt đạo đức cho con cái nhắc bảo cho con cái chu toàn luật Chúa thi hành việc đạo đức hằng ngày. Họ còn là nhà cố vấn tâm linh cho chồng, với lòng kiên nhẫn, yêu thương và một đôi khi can đảm đã khuyên bảo chồng trong những hành xử không đúng, ngăn cản những lệch lạc thái quá. Trong nhiều trường hợp các bà mẹ Công Giáo là mẫu mực về việc chăm sóc công việc từ thiện, bác ái, chăm lo người nghèo khốn …
Bước vào vai trò làm bà, họ càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Lo an ủi nâng đỡ những người mẹ trẻ (con cái của họ) mà chính họ đã trải qua cảm nghiệm bản thân, đồng thời họ còn phụ giúp con cái chăm sóc giáo dục đàn cháu.
Trong lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, biết bao người vợ, người mẹ, người phụ nữ trong gia đình Việt Nam nói chung, và gia đình Việt Nam Công Giáo nói riêng, đã giữ vững được niềm tin, lòng cậy trông không chỉ cho mình mà cả cho chồng, con trong những chao đảo thử thách của cuộc sống, nhất là chồng, con phải đi tù, cải tạo, đau ốm họ đã chứng tỏ không chỉ là phụ nữ đảm đang, mà còn là một phụ nữ vững vàng nữa, vững vàng ngay trong chính niềm tin tôn giáo của mình.
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo còn ghi đậm những người vợ, người mẹ Việt Nam Công Giáo đã can đảm tiễn chồng, con ra pháp trường tử đạo. Thánh nữ Annê Lê Thị Thành, một người mẹ gia đình, bị bắt và bị kết án tử hình vì dám chứa chấp các linh mục truyền giáo. Sau khi bà bị một trận đòn nhừ tử, chồng bà đến thăm, bà không hề than vãn và nói với chồng một cách bình thản: “Người ta đánh đòn tôi vô cùng hung dữ. . . Nhờ ơn Chúa, tôi cảm thấy ít đau hơn”. Con cái tới thăm, bà dặn dò: “Con hãy chuyển lời mẹ dặn bảo tới mọi anh chị em: hãy chăm sóc việc nhà, đọc kinh tối sớm, cầu nguyện cho mẹ vác thập giá đến cùng.”
5. Phụ nữ được nâng cao, gia đình và xã hội được hưởng lợi
Gia đình Việt Nam tại hải ngoại đã đối diện với không ít thách đố, nhất là thách đố về văn hóa tình nghĩa vợ chồng. Ðiều này giải thích phần nào con số ly dị, ly thân và các khủng hoảng của gia đình Việt Nam tại hải ngoại. Ngoài những tác nhân phát xuất từ xã hội mới với chủ nghĩa duy vật chất, duy thực tiễn và duy cá nhân, bên cạnh còn có cả một trào lưu tục hóa được luật pháp các quốc gia bảo vệ nhân danh việc giải phóng con người khỏi những ràng buộc phi lý; chuyện tình nghĩa vợ chồng trong gia đình Việt Nam hải ngoại nhiều khi đã trở thành một thách đố lớn lao, không hoặc khó vượt qua nơi một số gia đình Việt Nam.
Dầu thế nào đi nữa, người ta vẫn nhắc tới hình bóng âm thầm của người vợ đằng sau những thành công của chồng; sự ý thức bình đẳng và trưởng thành hơn trong mối quan hệ vợ chồng, người phụ nữ mỗi ngày một vươn cao nhờ học vấn, nhờ tài khéo kinh doanh, nhờ tích cực tham dự các hoạt động cộng đồng, đã là một thực tế không thể phụ nhận. Do đó, phụ nữ Việt Nam trong các gia đình hải ngoại không chỉ có khả năng trực tiếp giúp chồng thành đạt hơn, mà ngay cả chính bản thân họ càng ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của họ trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ có cơ hội không chỉ cống hiến khả năng điều hành và phát triển xã hội cộng đồng mà còn làm tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Linh hoạt trong đời sống xã hội và đảm đang trong đời sống gia đình là một ơn gọi mà họ đang nỗ lực thực hiện. Ðiều này không phải lúc nào cũng thuật lợi cho chính bản thân và cho những cách nhìn khác biệt trên vai trò và ơn gọi của họ.
Câu chuyện giáo dục không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp, khả năng tăng thêm ngân sách, nhưng quan trọng hơn là xóa đi ranh giới gia cấp: chồng chúa vợ tôi, chuyện môn đăng hộ đối, óc gia chủ, kỳ thị phái tính.. . Những dấu chỉ tích cực của thời đại về sự phát triển nhân quyền, xã hội, kinh tế, văn hóa đi liền với sự phát triển về bình đẳng nhân quyền của phụ nữ, đánh giá đúng hơn vai trò và ơn gọi của nữ giới. Các kết quả từ những phong trào đấu tranh nhân quyền nữ giới và sự ý thức trưởng thành trong mối tượng quan giữa vợ và chồng của một số gia đình Việt Nam hải ngoại cho thấy những con số đáng khích lệ: người phụ nữ có tuổi thọ cao hơn cách đây 50 năm, tỷ lệ sinh giảm 1/3, tỷ lệ tử vong của các sản phụ cũng giảm đi nhiều, gia tăng số các phụ nữ có kiến thức y khoa và sử dụng các phương tiện hiện đại để quản trị gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái, tỷ lệ phụ nữ xóa mù cũng tăng nhanh từ những thập niên 1970. Những điều trên, càng ngày càng chứng thực, khi phụ nữ được nâng cao giáo dục thì cuộc sống gia đình, xã hội cũng được nâng cao và hưởng lợi.
6. Lương tri của mọi ý thức
Không ai phủ nhận những giá trị tích cực của các phong trào đổi mới vai trò và nhân phẩm của phụ nữ trên các diễn đàn và trong thực tế. Những phúc lợi của nó đã được diễn đạt bằng nhiều hình thức. Nhưng cũng chính trong cái môi trường này không ít những cuộc ly dị, khủng hoảng gia đình, tự do kết hôn. . . và hàng loạt những tuột dốc khác của các giá trị gia đình, kéo theo những xáo trộn và bất ổn cho xã hội, những khủng hoảng đạo đức luân lý đã làm cho những ai quan tâm và tích cực với mục vụ gia đình phải suy nghĩ. Có thể có những lạm dụng và lệch lạc về nhận thức vai trò và ơn gọi của người phụ trong xã hội và gia đình, những khuynh hướng khác nhau về các quan niệm văn hóa sự sống, công bằng xã hội, vị trí và vai trò của người phụ nữ. Cũng có thể có những kích động thái quá nhân danh một cuộc giải phóng toàn diện. Bối cảnh trên mời gọi chúng ta cần hiểu cho đúng, cần một lương tri ngay thẳng để vượt lên trên mọi mờ ám chính trị, lợi nhuận kinh tế và óc cục bộ bè phái.
Ðối với người phụ nữ Công Giáo cần làm sáng tỏ mọi vấn đề bằng chính giáo huấn và lương tri của Gíao Hội. Ðiều này lại càng cần thiết hơn khi lương tri này trở thành mực thước trong bối cảnh hỗn mang thật thật giả giả này. Người phụ nữ Công Giáo cần thâm tín rằng các học thuyết, ý niệm về vai trò và ơn gọi củ phụ nữ phát xuất từ tấm lòng yêu thương của người mẹ và có khả năng giúp họ vượt lên trên mọi đố kỵ hẹp hòi, vượt qua biên cương của ý thức, chủng tộc. Chỉ có phẩm giá con người cùng với các giá trị luân lý ngàn đời của Tin Mừng mới thực sự là nguyên lý và hoạt động của người phụ nữ Công Giáo. Một vài giáo huấn mời gọi chúng ta suy nghĩ:
“Chắc chắn rằng về phẩm giá và trách nhiệm giữa người nam và người nữ đã biện minh cho người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội; đàng khác muốn thúc đẩy sự đề cao phụ nữ, thì cũng phải nhận rõ vai trò làm mẹ và chăm lo việc gia đình của phụ nữ có giá trị so với các chức nghiệp khác” (Familias Consortio, 23)
“Một phần của cử chỉ anh hùng này là chứng từ thinh lặng, nhưng phong phú và đầy hùng biện của tất cả những người mẹ can đảm, tự hiến mình hoàn toàn cho gia đình, những người mẹ chịu đau đớn khi sinh con, rồi sau đó sẵn sàng chịu đựng tất cả những mệt nhọc, đượng đầu với tất cả những hy sinh, để chuyển thông cho chúng những gì là tuyệt hảo nơi họ” (Gioan Phaolô II, bài giảng phong thánh, 1994).
“Cả khi phải nhìn nhận cho người nữ được quyền tham gia vào các chức năng công cộng như đã nhìn nhận cho người nam, xã hội cũng phải được tổ chức làm sao để những người vợ và người mẹ không bị bó buộc một cách cụ thể phải đi làm những việc ngoài gia đình, vẫn có thể sống và phát triển một cách tương xứng. Ngoài ra còn phải vượt qua não trạng cho rằng danh dự của phụ nữ là do việc làm ngoài xã hội hơn là hoạt động ở gia đình. Nhưng để đạt được những điều ấy, nam giới cần phải quí chuộng và thực sự yêu thương người nữ với tất cả sự kính trọng phẩm giá cá nhân của họ, và xã hội cần phải tạo ra và phát triển những điều kiện thích hợp cho công việc tại gia đình” (Andrew Frossard, Ðối thoại với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 193).
“Các chị em phụ nữ được kêu gọi chứng minh cho ý nghĩa của tình yêu đích thực, của sự hiến mình và tiếp nhận kẻ khác, được thực hiện một cách riêng biệt trong tình yêu vợ chồng. Kinh nghiệm tình mẫu tử làm cho chị em ý thức sâu sắc đối với nhân vị kẻ khác. . . Thực vậy, người mẹ đón rước và mang trong mình một người khác, bà cho phép nó lớn lên trong lòng bà, bà cho nó một chỗ dành riêng, nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt của nó. Vì phẩm giá phát sinh từ sự kiện làm một nhân vị, chứ không phải do một yếu tố khác, như sự hữu dụng, lý trí, vẻ đẹp, sức khỏe” (Evangelium Vitae, 99).
Chúng ta có thể tìm gặp được hàng loạt những giáo huấn và những tâm tư nồng ấm từ tấm lòng yêu thương của Giáo Hội. Một vài trích đoạn khởi nguồn cho những cảm hứng suy tư đứng đắn về vấn đề này, hẳn chưa đủ để tạo cho mình một lương tri ngay thẳng, nhưng vẫn là những bước đầu có ý nghĩa nhất. (Chúng ta sẽ trở cho những vấn đề có liên quan).
Kết Luận:
Nhà thơ Hồ ZDếnh đã cảm khái hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam qua những vần thơ từ trái tim:
“Cô gái Việt Nam ơi. Nếu chữ hy sinh có trên đời.
Tôi xin nạm vàng muôn khổ cực. Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”
Phụ nữ trong gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa gia đình Việt Nam. Gia đình thành công hay thật bại, hạnh phúc hay đau khổ, một phần lớn tùy thuộc vào thái độ ứng xử và tâm tình của người phụ nữ trong gia đình. Gia đình thành công là niềm vui lớn nhất đối với phụ nữ, nhưng thất bại, thì chính họ là nạn nhân bi thảm nhất. Ðược kêu mời để phục vụ đức ái và tình yêu của Thiên Chúa trong chính gia đình mình cũng như trong môi trường sống, người phụ nữ Công Giáo luôn tâm niệm Thiên Chúa cần tới mẫu tính và lòng trung trinh của họ để làm cho gia đình và xã hội mang bộ mặt thân ái hơn. Cũng như chính Thiên Chúa cần tới nữ tính mà mẫu tính của mẹ Maria để phô diễn tình yêu cứu độ của Người trên con người.
Lm. Hồ Văn Mậu
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Hình ảnh giống Chúa Giêsu xuất hiện trong đám cháy Nhà thờ Đức Bà Paris gây xôn xao
- Thánh vịnh này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm нồи để đón mừng Chúa Giáng sinh
- Tại sao bổ nhiệm Giám Mục thường lâu đến vậy?
- Bây giờ bạn có thể xin Phép lành Tòa Thánh qua mạng
- Rước Lễ Bằng Miệng Hay Bằng Tay?
- Dân Israel có thuộc về dân Do Thái không?
- Bác sĩ Bernard Nathanson: từ người ủng hộ phá thai trở thành người phò sự sống