Nét văn hóa đặc trưng của người Công giáo trong Tết Nguyên Đán

Tết là khoảng thời gian đặc biệt mà người công giáo Việt Nam muốn dành cho Thiên Chúa, cho gia đình và cho tha nhân. Ngoài những phong tục truyền thống của ngày tết như chúc tết, xông đất, mừng tuổi hay mâm cỗ, người Công giáo không quên Thiên Chúa luôn là mùa xuân của mỗi người. Bởi đó, ta thấy những thánh lễ, buổi nguyện cầu thật thiêng liêng đầm ấm của người Công giáo nơi giáo đường, trong gia đình, và trong từng lời chúc.

Đã từ lâu, đêm giao thừa luôn là đêm thánh thiêng của mọi người. Cách riêng, người Công giáo thường tham dự thánh lễ nửa đêm: Lễ giao thừa. Họ tề tựu nơi nhà thờ để cùng nhau cầu nguyện và tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa đã luôn yêu thương và chăm sóc cho mỗi người trong năm tháng vừa qua; đồng thời ai ai cũng ước nguyện cho mình và gia đình sẵn sàng bước sang năm mới với nhiều hạnh phúc bình an.

Sau thánh lễ đêm giao thừa, mỗi gia đình trở về nhà mình để chia sẻ những câu chuyện cuối năm. Họ muốn ngồi lại bên Chúa và cùng nhau hàn huyên tâm sự những gì đã xảy ra trong năm qua, nói lên những ước vọng trong năm mới. Và do đó, đêm cuối năm bao giờ cũng thật ấm cúng dành cho mỗi người khi họ cùng với Thiên Chúa đón thời khắc giao thừa.

Thật ý nghĩa và dễ thương biết bao khi người Công giáo chúc cho nhau những điều tốt đẹp đến từ Thiên Chúa. Những ngày xuân tay bắt mặt mừng, họ cầu mong cho người thân, bạn bè nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa. Trong từng câu chúc, họ tin vào bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa. Khi đó, niềm vui của ngày xuân luôn lan tỏa đến từng người mà họ có dịp gặp gỡ, chuyện trò.

Thánh lễ Tạ ơn đêm giao thừa

Người Việt nam có một nét văn hóa rất đẹp trong đêm giao thừa: Vào đêm ba mươi, gia đình tụ họp trước bàn thờ tổ tiên hoặc trước Bàn Thiên để cùng nhau tạ ơn trời đất một năm qua mưa thuận gió hòa; tạ ơn ông bà vì một năm phù hộ, độ trì cho con cháu làm ăn tốt đẹp. Thời khắc giao thừa cũng là lúc mọi người muốn loại bỏ những gì là muộn phiền của năm cũ, để bắt đầu năm mới với hy vọng một khởi đầu mới sáng tươi.

Đón nhận truyền thống văn hóa tốt đẹp đó, đêm giao thừa người Công giáo Việt Nam cùng nhau quy tụ nơi nhà của Chúa, nhìn lại một năm đã qua, để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả mọi sự tốt lành Chúa đã ban tặng, cho cuộc sống cá nhân, gia đình và cầu xin Chúa ban một mùa xuân và một năm mới được may lành hạnh phúc. Vì thế, các bài đọc Lời Chúa đêm nay đều nhắc tới phúc lành của Thiên Chúa như là quà tặng Chúa đã ban cho con người.

Hái lộc Thánh đầu năm

Đối với người Công giáo “hái lộc xuân” là “hái lộc thánh”. Ngày Mồng Một Tết, ngày linh thiêng nhất trong năm, ngày cầu bình an cho năm mới. Mỗi xứ đạo đều tổ chức hái lộc đầu xuân.

Lộc Thánh là những câu Lời Chúa được tuyển chọn trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên những nhánh mai vàng rực rỡ đặt trên Cung Thánh.

Sau Thánh Lễ, mỗi người lên tự tay hái lấy một cuộn, như kiểu hái lộc cây, mở ra đọc Lời Chúa ghi trong đó, trong lòng thầm cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình và cho những người thân, rồi đem về dán lên bàn thờ hay một nơi trang trọng trong gia đình. Để rồi cả năm mỗi người trong gia đình sẽ cố gắng sống theo điều răn dạy của câu Lời Chúa đó.

Tảo mộ đầu xuân

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam chúng ta thường đi tảo mộ, tức tu bổ, đắp lại mộ, cắt cỏ dại, lấp hang chuột, xâm phạm đến mộ phần người thân. Nếu là mộ xây thì quét vôi hay sơn mới mộ phần.

Việc này chúng ta làm vào trước Tết, khoảng 23, 24 tháng chạp. Đắp mộ cao hơn một chút vì nghĩ rằng “cao nấm ấm mồ”. Lấp hang chuột vì hang hố nơi mộ là đụng chạm đếm vong hồn người nằm dưới. Sửa sang phần mộ cho sạch sẽ, phong quang, mới mẻ, để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, những người đã khuất.

Việc tảo mộ thường được quy định rõ ràng, cụ thể trong gia phả, như một truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để con cháu các thế hệ nối tiếp, cứ theo đó mà thực hiện, như một nét đẹp của đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam; để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa người còn sống với người đã khuất.

Ước mong trong những ngày xuân năm nay, ai cũng hướng đến truyền thống xuân tốt lành của dân tộc. Đồng thời, mỗi người xin Thiên Chúa gieo ánh xuân với muôn vàn ơn lành. Để xuân năm nay, ai cũng được Thiên Chúa ở cùng, được vui xuân trọn vẹn và được một năm mới bình an!


Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết