Giữa một đô thị ngày càng huyên náo, ngày càng vắng bóng cây xanh, vẫn còn một chốn im ắng, tràn ngập hoa lá. Giữa một rừng nhà chọc trời lô xô và sặc sỡ, vẫn còn một khu đất nhỏ nơi tề tựu những ngôi nhà thấp tầng màu kem vàng thanh thoát. Từ kiến trúc cho đến cảnh vật và con người, khu nhà này toát lên vẻ hiền hòa, duyên dáng. Ở nơi đâu – giữa Sài Gòn hiện đại còn may mắn, lạ lùng như vậy?
Ốc đảo xanh trên con đường trần trụi
Êm đềm xanh bóng cây, con đường ấy dẫn đến khung trời đại học – Văn khoa, Dược khoa, Nông Lâm Súc… Và rồi, một ngày kia, người ta ngơ ngẩn, bàng hoàng khi thấy hai hàng cổ thụ ven đường biến mất. Cây vừa đốn xong, mỗi gốc cây có bán kính cả mét, nằm chơ vơ, đỏ hoẻn như một hài nhi. Có người đặt vào đấy những cành hồng ngậm ngùi, thương tiếc. Bây giờ, những gốc cây đó cũng đã bị bứng đi. Con đường xưa trở nên trần trụi, ai qua cũng cồn cào thương tiếc…
Cây cổ thụ cô đơn còn lại ở đầu đường Nguyễn Trung Ngạn, gạch nối khu chủng viện Giuse và tu viện Saint Paul
Trên con đường đó, xưởng Ba Son ngày nào tấp nập, cũng đã “bay lên trời”. Đối diện Ba Son, đang mọc lên nhiều cao ốc văn phòng, khách sạn năm sao, cao chót vót. Cùng chiều Ba Son, từ ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn ra đến Lê Duẩn là khu nhà xưa nép mình dưới hàng cây như không muốn phô bày. Khi hàng cây đã mất đi, khu nhà xưa lộ diện như một ốc đảo xanh hiếm hoi. Dấu hiệu để nhận ra ốc đảo ấy trên con đường không bóng cây là một cây cổ thụ – lạ chưa vẫn còn vươn cao, bám trụ ở đầu đường Nguyễn Trung Ngạn.
Con đường nhỏ, gần như hóa thành một con hẻm vì nhiều nhà cửa lấn chiếm, chia khu nhà xưa thành hai khối. Một bên là tu viện Saint Paul, một bên là đại chủng viện Giuse. Cả hai chỉ còn nhờ vào bức tường cao bên ngoài để ngăn cách không gian náo nhiệt, ô trọc trên đường phố với không gian tĩnh lặng, tôn nghiêm bên trong.
Vườn hoa, tượng đá, bảo tàng…
Cổng vào ốc đảo – cánh cửa sắt ở số 6 Tôn Đức Thắng – đại chủng viện Giuse, chỉ khép hờ. Không barrier, không ai chận hỏi. Đón khách ở lối vào là một vườn hoa nhỏ, đằng sau vườn hoa là một tòa nhà ba tầng, mái ngói thâm nâu. Viền quanh vườn hoa là bốn cây cổ thụ cao lớn, như giương một chiếc dù xanh khổng lồ che chở cho chốn này. Ở giữa vườn hoa là một hang đá lớn nhân tạo, được gọi là “núi Đức Mẹ”, hướng về mặt trước tòa nhà.
Toàn bộ khu nhà chủng viện Giuse và tu viện Saint Paul trên bản đồ không ảnh Google trước khi đường Tôn Đức Thắng mất hai hàng cây cổ thụ (Ảnh tư liệu của KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng)
Hành lang tầng trệt và tầng hai của tòa nhà đều thênh thang, có những vòm cong mềm mại và cân đối. Mặt ngoài phía trên các vòm cong được viền những viên gạch đỏ nâu, rất trang nhã. Nhìn từ xa, tòa nhà trông giống một chiếc đàn organ cổ kính khổng lồ thường thấy trong nhà thờ. Thật kỳ thú, trước hàng hiên tòa nhà kiểu phương Tây cổ điển, lại là những bia đá đặt trên mai rùa theo kiểu phương Đông. Trên bia là tên các giáo dân, linh mục đóng góp nhiều công lao cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tiếp nối hàng bia đá, ở cánh trái vườn hoa, có tượng bán thân của một nhà nho – áo dài khăn đóng – Petrus Trương Vĩnh Ký. Từ vườn hoa nhìn lên ban công giữa tầng hai tòa nhà, ta có thể nhận ra nụ cười phúc hậu của tượng Thánh Giuse.
Tượng thánh Giuse trên tòa nhà xưa
Theo sử sách của Giáo hội, tòa nhà mang phong cách kiến trúc Gothic này được xây dựng từ năm 1863 đến 1866 bởi linh mục Theodore Louis Wibaux, từng là giáo sư trung học Pháp, gia nhập Hội Thừa sai Paris. Suốt hai thế kỷ, tòa nhà được dùng làm phòng học của các chủng sinh mà những bức ảnh cuối thế kỷ XIX cho thấy các cậu học trò thời ấy – mặc áo the đen, tóc cắt ngắn, xinh xắn như những tiên đồng. Từ năm 2005, tòa nhà chủng sinh chuyển sang làm Nhà truyền thống văn hóa và đức tin của Giáo phận Sài Gòn. Nơi đây có thể coi là một bảo tàng lưu giữ nhiều chứng tích không chỉ về lịch sử Công giáo mà còn là lịch sử dân tộc.
Ngay trong hành lang tầng trệt của tòa nhà, dọc theo các vách tường có nhiều tủ kính trưng bày. Tại đây, qua màn kính lấp lánh những viên gạch xây, gạch trang trí, ngói lợp lâu đời và các hiện vật khảo cổ, từ cả ba miền. Kế đến là các phòng lớn dùng làm nơi triển lãm các chứng tích sinh hoạt Việt Nam và hoạt động Công giáo từ thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài hình ảnh của các nhà truyền đạo và các hiện vật Công giáo, triển lãm còn có những bức hoành phi, câu đối, tượng trang trí, bàn thờ và tủ bàn ghế xưa của người Sài Gòn và Nam Kỳ.
Khu nhà mộ và vườn hoa sau giáo đường chủng viện Giuse
Đặc biệt, tại đây đang trưng bày hàng trăm chiếc đèn cổ đủ loại, từ thủy tinh đến kim loại, gỗ và sành sứ của Việt Nam và nhiều nước từ châu Âu đến Trung Đông. Đó là bộ sưu tập độc đáo của linh mục Nguyễn Minh Triết – người chơi cổ vật nổi tiếng hiện nay. Linh mục cũng là người sưu tầm và khôi phục được bức tượng Petrus Ký bị hư nát trong các vựa ve chai, đem đến đặt trang trọng tại đây. Trong tòa nhà, ngoài phần bảo tàng và triển lãm còn có một thư viện nhiều sách báo giá trị.
Giáo đường thiêng liêng im bóng
Phía sau tòa nhà bảo tàng là một sân lớn, bao quanh là các tòa nhà mái ngói đỏ, bốn-năm tầng sơn trắng – kiến trúc hiện đại của những năm 1960. Duy chỉ có một tòa nhà mới xây 8 tầng nhưng vẫn giữ ngói đỏ và phong cách hành lang có vòm cong cổ điển. Tất cả đều hài hòa với một giáo đường cổ xưa màu vàng kem nằm giữa sân – ẩn mình dưới bóng cây me đại thụ. Mặt trước của giáo đường là cổng tam quan hình tam giác cân, thường thấy ở các nhà thờ tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha thời trung cổ.
Tòa nhà xưa của chủng viện Giuse nay là bảo tàng trong không gian xanh thẳm (hình dưới) và so với bản vẽ 1866
Bên trên chiếc cửa gỗ nhỏ dẫn vào bên trong là một phù điêu lớn, chạm khắc hình hoa lá châu Âu, rất công phu. Trên nóc giáo đường không có tháp chuông, chỉ có hai ngọn tháp nhỏ trang trí với những đường viền răng cưa ngộ nghĩnh. Nhìn từ lầu cao, ngôi giáo đường trông như một lâu đài cổ tích bé bỏng, một bông hoa xinh xắn bất ngờ hiện ra giữa ốc đảo xanh.
Bên trong giáo đường, chỉ có màu trắng thanh khiết và những vòm cong hình liềm cung quen thuộc của nhà thờ Công giáo Roma. Trang trí tại đây khá giản dị, không có nhiều đồ gỗ và nội thất xưa, ngoại trừ một chiếc thang cuốn bằng gỗ có chạm khắc hình thiên thần và một bục giải tội có từ thế kỷ XIX. Giáo đường này là nhà nguyện được xây dựng từ năm 1867-1871, cũng do linh mục Wibeaux chăm sóc. Phía sau giáo đường chính là nhà mộ của linh mục Wibeaux, về sau có thêm mộ của linh mục Hồ Văn Vui, người Việt Nam đầu tiên được Vatican giao làm linh mục chánh xứ nhà thờ chánh tòa Đức Bà – Sài Gòn. Nhà mộ của hai linh mục có cùng kiểu dáng kiến trúc và màu sắc với ngôi giáo đường.
Ngoài nhà mộ, trong giáo đường còn có khu vực đặt bình tro của hàng chục linh mục châu Âu và Việt Nam, đã qua đời từ thế kỷ XIX đến nay. Phía sau giáo đường, có thêm một vườn hoa được thiết kế theo lối hiện đại. Các bức tường cao cẩn gạch màu nâu thẫm đi cùng một chiếc hồ xinh xinh, bao quanh là cỏ cây xanh mát. Trong vườn hoa còn có tượng Đức Mẹ Maria trong trang phục áo dài khăn đóng Việt Nam.
Ốc đảo kiến trúc-văn hóa-lịch sử
Cả đại chủng viện Giuse và tu viện Saint Paul ở số 8 Tôn Đức Thắng kế cận, có diện tích hợp lại khoảng 100.000m2. Trong lịch sử, đây là vùng đất để trống trước cổng thành Gia Định (nay là ngã ba Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng). Sau khi Pháp đến, nó được giao cho Giáo hội để làm cơ sở đào tạo, y tế và tu hành. Chính tại phần đất của tu viện Saint Paul, các nữ tu thành Chartres – phía Nam Paris đã nhờ Nguyễn Trường Tộ – một sĩ phu Công giáo, thiết kế và chỉ huy xây dựng toàn bộ công trình, trong các năm 1862-1864.
Thầy Học – tên gọi trân trọng của các nữ tu dành cho ông Tộ, đã đến châu Âu và Vatican thời ấy nên có thể xây dựng toàn bộ tu viện theo đúng phong cách Roma cổ điển. Các dãy nhà xưa của tu viện trông ra bờ sông Thị Nghè và xưởng Ba Son có các hành làng vòm cong, các khung cửa sổ tuyệt đẹp. Một khối nhà này, phần giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh được dùng làm trường học, sau tháng 4.1975, tạm giao cho ngành giáo dục thành phố.
Mặt tiền giáo đường chủng viện Giuse, kiến trúc Gothic…
Giáo đường của tu viện Saint Paul lớn hơn giáo đường của chủng viện Giuse. Nơi đây từng có một tháp chuông nguy nga, xây xong năm 1876, như kiểu tháp chuông của nhà thờ Tân Định. Nó trở thành cột mốc tín hiệu cho tàu ra vào xưởng Ba Son nhận ra từ xa, giống như hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà đối với cảng Sài Gòn. Rất tiếc tháp chuông của giáo đường Saint Paul đã bị bom phá sập khi không quân Mỹ oanh tạc quân Nhật ở xưởng Ba Son kề bên, trong chiến tranh thế giới thứ hai.
… và bên trong giáo đường màu trắng thanh khiết
Xét về kiến trúc và tuổi đời, cũng như bối cảnh lịch sử, cả đại chủng viện Giuse và tu viện Saint Paul đều xứng đáng được coi là di tích giao lưu văn hóa Đông – Tây còn sót lại của Sài Gòn xưa. Các kiến trúc xinh đẹp tại đây đều thuộc hạng những kiến trúc châu Âu đầu tiên ra đời làm nên một Sài Gòn hiện đại. Hơn nữa, cả hai đang tạo thành một chốn tịnh tâm và thoát tục quý hiếm trong khung cảnh cả thành phố đang biến đổi vùn vụt, “siêu tốc” hàng ngày.
Giờ đây, khi cầu Thủ Thiêm 2 sắp thi công và những cao ốc đồ sộ đang rầm rộ mọc lên, chúng ta không khỏi hồi hộp, lo lắng cho sự tồn tại của ốc đảo này. Xin đừng quên cái góc Roma, hay có thể gọi là góc Vatican đó thực sự là một phần không thể thiếu và không thể mất của một Sài Gòn quốc tế phong phú và cũng lắm truân chuyên qua nhiều lần bể dâu, ngang trái!
Bài và ảnh: Phúc Tiến – https://baomoi.com/vatican-nho-giua-long-sai-gon/c/29778314.epi
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Nữ tu 116 tuổi – người nữ cao tuổi nhất châu Âu
- ĐTC Phanxicô chấp nhận Đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt.
- Đức tin là gì?
- Vì sao người ngoại đạo như tôi lại yêu nhà thờ – yêu Chúa ?
- Ăn Chay hay Ăn Tết
- Mỗi ngày một niềm vui (6): Đôi mắt
- Tôn giáo đơn thuần chỉ là món đồ chơi cho các đồng chí Trung quốc