Nguyện đường Tu viện ngập tràn màu trắng tinh khôi của những “Hiền Thê Áo Trắng” và sự sặc sỡ đủ màu từ những cánh hoa. Hôm nay là Lễ Khấn lần đầu của 30 Nữ tu, trong đó có Hương. Đã bảy năm rồi, tôi không gặp em. Em vẫn đẹp vẻ đẹp thánh thiện như xưa, nhưng hôm nay, trong bộ tu phục màu trắng tinh khôi, tôi cứ ngỡ em là thiên thần từ trên cao bay xuống. Không, không phải là tôi cứ ngỡ, nhưng đúng là như vậy. Em đã từng là thiên thần của tôi trong suốt mấy năm Đại học, và cũng bởi em là thiên thần, nên tôi đã không được chiếm đoạt em cho riêng mình.
Tôi đã vài lần tham dự “Lễ cưới” của các Nữ tu, nhưng sao lần này, tôi có một cảm xúc khác lạ. Có phải vì số lượng các Nữ tu áo trắng đông không xiết kể, hay vì ca đoàn Tập sinh hát bằng giọng mũi cao vút như dàn đồng ca họa mi? Cũng có thể, nhưng lý do quan trong nhất là bởi tôi sắp được gặp lại em trong một con người mới: Nữ tu của Thiên Chúa.
Thánh lễ kết thúc. Hương ra gặp gia đình, có bố mẹ, anh chị, cha xứ và rất nhiều người thân, bạn bè. Đợi cho Hương gặp gỡ và chụp ảnh với gia đình xong, tôi và mấy người bạn hồi sinh viên cũng tiến lại, tặng em bó hoa chúc mừng. Hương nhìn hết mọi người, rồi chợt dừng lại trước cặp mắt quen thuộc ấy, cặp mắt đã từng nhìn em bằng tất cả lòng yêu thương và trìu mến.
Chúc mừng Sơ! – Tôi nói chúc mừng một cách rất tự nhiên, để em khỏi ngại ngùng khi gặp lại người thương cũ. Ngày xưa, tôi với em đã nhiều lần nhìn nhau ngại ngùng như thế, khi bên nhau mà không biết nói câu gì.
***
Tôi vẫn còn nhớ hoàn cảnh tôi gặp em lần đầu. Đó là vào một buổi chiều đầu thu, khi tôi bắt đầu học năm hai ở trường Đại học. Tôi là sinh viên Công giáo, quê ở Nghệ An, học ở Hà Nội. Ở Thủ đô này, các nhóm sinh viên Công giáo hoạt động sôi nổi lắm, trong đó có Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội (tiền thân là nhóm Que Diêm gồm vài người, rồi đông dần gọi là nhóm Sinh viên Công giáo Vinh tại Hà Nội, và sau đó số lượng quá đông đảo và tổ chức chặt chẽ, nên gọi là Cộng đoàn, có Cha Linh hướng, có Ban điều hành Cộng đoàn lớn và các Cộng đoàn nhỏ chia theo từng khu vực sinh viên sinh sống). Tôi biết như vậy, nhưng tôi không tham gia, bởi tôi có nhiều đam mê và muốn dành nhiều thời gian để thực hiện những thú vui đó.
Thế mà, cái chiều Chúa nhật định mệnh ấy đã để lại trong tôi ấn tượng về những con người thân thiện, dễ thương trong Cộng đoàn Vinh. Anh Tài, trưởng Cộng đoàn, qua người khác giới thiệu, đã biết tôi là sinh viên Công giáo Vinh nhưng chưa tham gia Cộng đoàn. Anh rủ thêm mấy anh chị Ban điều hành, và cả Hương nữa, đến thăm hỏi tôi và rủ tôi tham gia sinh hoạt với mọi người cho vui. Tôi cũng vâng vâng dạ dạ cho có, nhưng khi những tin nhắn báo giờ Thánh lễ đến, những tin nhắn như hồi chuông gióng lên trong lòng tôi, khiến tôi không thể ở nhà được. Vả lại, tôi cũng muốn đi lễ để nhìn Hương, người con gái có nụ cười phúc hậu sáng cả khuôn mặt, người con gái nhỏ nhẹ, thùy mị mà mới gặp lần đầu tôi đã thấy mến.
Hương là một cô gái hiền lành và ít nói, nhưng lại rất năng nổ và nhiệt thành trong những công việc chung của Cộng đoàn, từ những công việc bé nhỏ âm thầm như quét sân nhà thờ hay lượm ve chai gây quỹ. Tôi đã từng nghĩ rằng người ít nói thường rụt rè và không biết ăn nói, nhưng tôi biết mình lầm khi thấy em làm MC rất duyên dáng và đứng trước Cộng đoàn tập hát trước giờ lễ khá tự tin. Tôi cũng chẳng bao giờ thấy em mặc váy và môi son má phấn khi đi lễ, điều này thật khó tìm giữa chốn Hà Thành này, chỉ trừ những con người đi tu. Hương có đi tu không nhỉ? Nhìn sự thánh thiện của em, nhiều người cứ gọi em là Sơ, nhưng tôi nghĩ, em thông minh, năng động như vậy ắt em sẽ tìm một công việc phù hợp, ngon lành, đi tu làm gì cho uổng. Nghĩ vậy, tôi tìm cách tiếp cận Hương.
Tôi không phải là người thơ văn lai láng để nhắn cho em những câu chúc mùi mẫn. Tôi bắt đầu cuộc nói chuyện với em bằng câu chuyện rất buồn cười, gửi bằng tin nhắn điện thoại.
“- Alo, anh Chỉnh phải không?
– Chuẩn không phải Chỉnh.
– Ôi, thật thế hả anh?
– Chuẩn không phải Chỉnh.
– Ôi, cám ơn anh, em đẹp lắm phải không?
– Ơ hay cái cô này, tôi tên Chuẩn, không phải tên Chỉnh.”
Bởi tôi không biết bắt đầu nói chuyện với em như thế nào, sợ người ta đánh giá mình thuộc loại sến súa, nên khi đọc được mẩu truyện cười đó trên mạng, tôi bấm gửi cho em. Không ngờ em lại thích, và kể từ ngày đó, em và tôi nhắn tin nói chuyện với nhau thường xuyên. Có vẻ chúng tôi rất hợp nhau.
Tôi biết em thường đạp xe một mình từ Cầu Giấy lên nhà thờ Cửa Bắc để đi lễ Tiếng Anh mỗi sáng Chúa nhật. Vì thế, vào buổi sáng Chúa nhật I Mùa Chay, trước giờ lễ 45 phút, tôi nhắn tin cho em: “Chúc em ngày mới tốt lành, bắt đầu hành trình những ngày Mùa Chay đi vào sa mạc với Chúa”.
“Cảm ơn anh, cũng chúc anh như vậy.”
“Hương đang làm gì thế?”
“Em đang chuẩn bị đi lễ Cửa Bắc.”
“Cửa Bắc à… Anh cũng đang có ý định chụp một bộ ảnh nhà thờ Cửa Bắc, nhưng chưa đến đó lần nào. Nghe nói kiến trúc ở đó rất đẹp?”
“Vâng, nhà thờ Cửa Bắc đẹp lắm ạ!”
“Hay là hôm nay cho anh đi lễ cùng em nhé?”
“Ok. Mà 10 giờ là lễ rồi đó anh.”
“Ừ, em chuẩn bị đi, 15 phút sau anh có mặt trước cổng Kí túc xá.”
“See you!”
Đó là lần đầu tiên tôi “hẹn hò” với em. Tôi không hề nói dối, bởi thực sự tôi cũng có ý định chụp bộ ảnh các nhà thờ ở Hà Nội mà. Với lại, tôi muốn thử đi lễ Tiếng Anh một lần xem như thế nào, và nhờ tôi, em không phải đạp xe đường xa đi lễ. Thánh lễ cũng vì thế mà có thêm một con chiên. Một công nhiều việc, lợi cả nhiều đường, cả Chúa, cả em và cả tôi. Khi nhắn tin bằng điện thoại, chúng tôi nói chuyện với nhau rất tự nhiên, rất vui, rất hài hước, đủ chuyện trên trời dưới đất, từ gia đình, học hành, sở thích… Nhưng khi chỉ có hai người đối diện với nhau, sao tôi thấy em hơi dè dặt và ngại ngùng. Tôi cũng cảm được một thứ tình cảm đặc biệt nào đó em dành cho tôi.
Trên đường đi lễ về, tôi chở em đi qua phố Hoàng Diệu để chụp ảnh con đường có hàng cây xà cừ cổ thụ đẹp như đường Hàn Quốc. Như nảy ra một ý tưởng gì tuyệt vời lắm, Hương vỗ vai tôi, reo vào tai:
– Anh Long này, anh có máy ảnh, thích chụp ảnh, lại giỏi kĩ thuật, anh tham gia Ban Truyền thông của Cộng đoàn đi, để đưa tin bài trên website. Cộng đoàn đang cần.
– Ban này, ban kia, nghĩa là Ban điều hành phải không? Anh không làm được đâu.
– Tại sao không?
– Vì anh không thích. Anh không muốn gánh trách nhiệm, chỉ muốn làm thường dân thôi. Với lại, anh không biết viết thì sao làm ban Truyền thông được.
– Anh không biết viết nhưng biết chụp ảnh, sẽ có người khác viết bài. Em vẫn cộng tác viết bài cho website Cộng đoàn mà. Thời buổi này, truyền thông cần thiết lắm. Giữa một xã hội nhiều sự lừa lọc, dối trá, người ta cần đọc những tin bài phản ánh Tin Mừng, phản ánh đời sống đức tin cách chân thật. Cần có nhiều bài viết, hình ảnh về người thật, việc thật để cảm hóa và biến đồi con người, làm cho xã hội tốt lên, thay vì những tờ báo lá cải tràn lan có thể làm suy đồi cả một thế hệ.
– Em nói cứ như là chuyên gia ấy nhỉ!
– Thì em học Truyền thông mà. Em nói thật lòng đấy anh. Em cứ thao thức làm sao cho mạng lưới truyền thông có thể góp phần thay đổi não trạng con người, canh tân thế giới. Không cần nói những thứ lớn lao cao siêu, chỉ cần người làm truyền thông có tâm. Chẳng hạn như những tin bài về Thánh lễ và sinh hoạt Cộng đoàn được đăng lên trên mạng, nhiều bạn chưa biết, thấy và có thể tham gia. Hay khi anh đăng ảnh Cộng đoàn mình đi cứu trợ lũ lụt ở miền Trung, hay giúp các trẻ em nghèo sống dưới gầm cầu Long Biên chẳng hạn, nhiều người sẽ biết được việc làm tốt của chúng mình, sẽ ủng hộ. Và quan trọng nhất, là qua đó, người ta biết được Chúa của người Công giáo.
– Nhưng làm Ban truyền thông nghĩa là Thánh lễ nào, hoạt động nào mình cũng phải có mặt đúng không? Anh chỉ muốn cộng tác khi mình thích, chứ không muốn có một trách nhiệm nào cả.
– Nếu ai cũng vậy thì ai xây dựng Cộng đoàn. Giáo Hội cần những con người dấn thân phục vụ trong khả năng của mình.
– Ừ, để anh suy nghĩ.
Thế rồi, tôi cũng xin vào Ban Truyền thông của Cộng đoàn. Năm cuối, tôi là trưởng Ban Truyền thông, còn Hương là Trưởng Ban Tâm linh, phụ trách việc cầu nguyện, phụng vụ Cộng đoàn. Hương nói với tôi thao thức làm sao để anh chị em trong Cộng đoàn đào sâu giáo lý, Kinh Thánh mà giữ đạo giữa môi trường nhiều cám dỗ. Thế rồi chúng tôi xin cha Linh hướng tổ chức cuộc thi Kinh Thánh vào mùa Phục Sinh và cuộc thi viết trước Thánh lễ quan thầy Teresa hàng năm. Trong cương vị là người tổ chức, dù không được lên bục vinh quang để nhận giải thưởng, nhưng cả Hương, tôi và những người tổ chức cảm thấy rất vui vì những hy sinh âm thầm chúng tôi đã gieo. Tôi tin là nhờ cuộc thi năm đó, và nhiều năm sau, nền tảng Đức tin của anh chị em tôi được củng cố và vững chắc hơn.
Buổi tối Valentine, trời vẫn còn buốt lạnh. Tôi gọi em ra cổng kí túc xá ăn ngô nướng. Mùi thơm của những hạt ngô non nướng trên than hồng bốc lên cùng khói nghi ngút, thơm phức. Không hiểu sao lúc đó tôi muốn dò hỏi em, hay bối rối thế nào, tôi nhìn vào mắt em và hỏi:
– Sắp tốt nghiệp rồi… Sau khi ra trường, Hương định đi Dòng nào: Phaolô, Clara hay một Dòng nào ở ngoại quốc?
Em cười, một nụ cười khó tả:
– Sao anh lại hỏi vậy?
– Thì hỏi thế, trúng thì trúng, không trúng thì trật.
Những ngày sau đó, tôi vẫn thường đi bên em. Hai đứa nghêu ngao hát những bài ca nhẹ nhàng của Thùy Chi- M4U hay phiêu phiêu của Lê Cát Trọng Lý. Tôi hỗ trợ em làm những bài khóa luận bằng power point, còn em phụ đạo tôi môn Tiếng Anh. Cái kỳ học cuối của sinh viên sao trôi nhanh đến thế. Rồi cũng đến ngày em tốt nghiệp. Ngày cuối cùng trước khi em về quê, đúng vào ngày lễ thánh Phêrô Tông đồ, bổn mạng của tôi, tôi chở em đi lễ Nhà thờ Lớn, lên cầu Long Biên, xuống bãi đá sông Hồng và lòng vòng hết các khu phố Hà Nội. Tôi cứ nghĩ là em chỉ về quê một thời gian rồi ra Hà Nội xin việc. Phút tạm biệt, tôi lấy hết can đảm, cầm tay em và hỏi:
– Hương, em có muốn làm người yêu anh không?
Em nhìn tôi, mắt rưng rưng. Rồi em khóc òa lên. Tôi ôm em vào lòng, lần đầu cũng là lần cuối. Em thều thào vào lòng tôi:
– Tại sao bây giờ anh mới hỏi câu này? Em yêu anh, và muốn làm người yêu của anh. Nhưng Giêsu đã ngỏ lời với em trước. Em đã phải chiến đấu rất nhiều, em từng muốn chọn một cuộc sống khác, với anh, nhưng tiếng gọi ấy cứ vang vọng trong em rất rõ. Em sẽ đi tu.
Nói rồi, Hương trao cho tôi một cuốn sổ màu ghi, rất dày và đẹp. Rồi em vùng chạy đi như để trốn tránh cặp mắt đang ướt nhòe của tôi. Tôi phóng xe về nhà thờ Thái Hà. Ngồi trong nhà thờ, tôi mở cuốn sổ của em tặng, kèm một lá thư viết nắn nót:
“Tạ ơn Chúa đã cho em được gặp anh. Cảm ơn anh vì tất cả sự quan tâm, yêu thương mà anh đã dành cho em suốt những năm qua. Qua anh, em cảm nhận được tình yêu của Chúa. Chúa ban cho em thật nhiều ơn, và em nhận ra Ngài muốn em dùng những ơn đó để phục vụ mọi người. Em muốn thuộc về Chúa và hết mọi người, chứ không phải một người. Rời Hà Nội, em sẽ tham gia một khóa Linh thao, sau đó, em sẽ vào Dòng tìm hiểu. Con đường phía trước còn rất mờ mịt, nhưng em tin, cứ can đảm đi về phía có tiếng gọi, mỗi bước đi sẽ càng sáng thêm. Anh nhớ cầu nguyện cho em thật nhiều nhé!
Em tặng anh cuốn sổ này, để anh có thể viết những gì anh muốn: nhật kí, cảm xúc, những biến cố xảy đến, và cầu nguyện. “Hãy nhảy vào lọ mực và lăn trên những thảm giấy”, đã có người nói với em như vậy. Cứ tập viết mỗi ngày, ngòi bút sẽ nhạy bén với cuộc sống. Mến chào anh!”
Em về quê, tôi vẫn nhắn tin thăm em, nhưng những liên lạc thưa dần cho đến ngày em nhắn lại một tin rằng em đã vào Dòng. Từ đó trở đi, tôi không liên lạc gì với em, nhưng vẫn luôn dõi theo cầu nguyện, và hôm nay, nghe tin em Khấn Dòng, tôi vui mừng khôn tả, và dù em không gửi giấy mời, tôi vẫn đi dự lễ để tạ ơn Chúa với em.
***
Đang miên man trong dòng kí ức, tôi không biết là chỉ có tôi còn đứng lại trước cửa nhà nguyện, còn mọi người đã di chuyển về các bàn tiệc. Sơ Hương chạy lại gọi tôi:
– Mời anh qua bên kia, mọi người đã về chỗ hết rồi.
– Hương, chúc mừng em nhé! Hãy sống hạnh phúc trong ơn gọi của mình nghen!
– Cảm ơn anh! Mà hình như trước năm em vào Nhà Tập, em có nghe tin anh đi tu phải không?
– Đúng. Anh đã từng vào tìm hiểu Dòng Tên một năm, nhưng anh cảm thấy không hợp với đời sống tu trì, nên anh đã xin về. Dù sao, một năm ở đó cũng cho anh rất nhiều trải nghiệm quý, nhất là thời gian sống và phục vụ các em cô nhi ở Kon Tum. Anh quyết định về kinh doanh, làm ông chủ nhỏ. Anh đã hứa với Chúa là sẽ dùng một nửa số tiền kinh doanh của mình để giúp các em cô nhi, những người thiếu vắng tình yêu thương gia đình.
– Ôi, thế thì tốt quá!
– Cuối năm này anh sẽ cưới vợ đó Hương. Sau này anh sẽ gửi con trong Cộng đoàn của em, để mong nó sẽ được hưởng sự giáo dục thật tốt, và lớn lên nó sẽ đi theo Sơ Hương, được chứ! – Tôi nói nửa đùa nửa thật.
– Ồ, ở Dòng em, nhiều Cộng đoàn nhận dạy trẻ và nội trú lắm. Nhưng dù sao đi nữa, nền giáo dục sớm nhất và tốt nhất cho con cái phải từ những bậc làm cha mẹ, trong gia đình. Còn em, em đã viết đơn đi truyền giáo ở một nơi rất xa, ở đất nước Công-gô bên châu Phi. Dù biết rằng ở Việt Nam thì gần gũi người thân và an yên hơn, nhưng mỗi khi cầu nguyện, em nghe tiếng kêu của những người nghèo bên đó. Và em bình an với quyết định mạo hiểm này.
– Em luôn thế, dấn thân phục vụ không ngại khó. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ em.
– Em cần rất nhiều lời cầu nguyện. Nếu Chúa muốn, thì giữa năm sau em sẽ lên đường.
– Ừ, anh hứa sẽ luôn cầu nguyện, và xin anh chị em trong Cộng đoàn Vinh cầu nguyện cho em nữa. À, anh có cái này tặng em.
Tôi rút trong chiếc xắc ra một cuốn sách.
– Đây là cuốn tuyển tập “Những đứa con của Mẹ”, gồm những truyện ngắn đạt giải Viết Văn Đường Trường do giáo phận Qui Nhơn tổ chức. Anh đã nghe lời em, tập viết, và cũng thử gửi bài dự thi. Năm đầu không được giải, còn năm vừa rồi nhận giải Ba. Anh vẫn luôn nhớ tinh thần khi làm việc với em, cứ cố gắng hết khả năng của mình để tìm vinh danh Chúa, còn kết quả thì để Chúa lo. Thế mà kết quả hơn mong đợi. Đã có người gửi email cảm ơn anh vì bài viết của anh chạm đến trái tim của họ, và cứu gia đình họ khỏi tan vỡ. Giờ anh thực sự thấm thía câu em nói: xã hội, giáo hội cần lắm những người viết có tâm.
Em mỉm cười, một nụ cười hạnh phúc: “Cám ơn anh, chúc mừng anh!”… Rồi em giục tôi mau đến chỗ bàn tiệc vì tất cả mọi người đang đợi nhân vật chính.
Ngồi bên mâm cỗ, tôi cứ nghĩ mình đang được dự bàn tiệc Nước Trời chăng. Sự thánh thiện của màu trắng nơi chiếc áo Dòng, nơi khăn phủ bàn, phủ ghế lấn át cả hoan trường. Ở đây có rất nhiều Thiên Thần Áo Trắng, và tôi ước nguyện sau này con mình cũng sẽ trở thành một nữ tu đẹp như em, Thiên Thần của Chúa.
THIÊN THẦN ÁO TRẮNG – Giải VVĐT 2018
Nguồn: svconggiao.net
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Khuôn mặt của Giuđa
- Linh mục từ Vũ Hán: Xin quý cha và anh chị em cầu nguyện xin lòng thương xót Chúa
- Đức Phanxicô Công Bố Lá Thư Giải Thích Ý Nghĩa Của Máng Cỏ
- Đồng Tâm, nhưng tâm bất an
- 2.000 người tham dự rước kiệu Thánh Thể tại trung tâm thủ đô bang Wisconsin.
- Con người của Mùa Chay
- TGP Sài Gòn: Thông báo tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo từ 16g00 ngày 26.3.2020