Kỷ niệm ngày sinh của Max Planck, người khai sáng thuyết lượng tử

Ngày 23-4, là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 162 của nhà vật lý học vĩ đại Max Planck. Cha đẻ của Thuyết lượng tử, người đã mang lại “ánh sáng” cho thế giới vi mô, cũng như Newton đã từng mang lại ánh sáng cho thế giới vĩ mô, chính là nhà Vật Lý học Max Planck cũng là thầy của Einstein. Max Planck khám phá rằng ở cấp vi mô sự trao đổi năng lượng không diễn ra liên tục mà rời rạc theo từng gói tí hon được gọi là “lượng tử”. Khám phá này chính là những tiên đề nền tảng cho cuộc cách mạng lượng tử. Thuyết lượng tử Planck, tiên đề Planck, định luật Planck về bức xạ vật đen, hằng số Planck (sgk lý 12 ghi Plăng) với h=6.625.10^-34 J.s và công thức E = hv bất tử đi vào lịch sử… chính là tiền đề cho ba cột trụ của khoa học có ảnh hưởng quyết định là cuộc cách mạng lượng tử, cách mạng sinh học DNA, và cách mạng máy tính. Điều đó khiến Planck được xem là nhà vật lý quan trọng nhất trong thế kỷ 20.

Max Planck sinh ngày 23.4.1858 tại Kiel, Bắc Đức, học vật lý ở München và Berlin. Gia đình ông là những người có tiếng tăm thuộc giới hàn lâm phục vụ nhà nước và giảng dạy thần học trong nhà thờ. Planck rất có khiếu về âm nhạc dương cầm do được đào tạo trong nhà thờ lúc nhỏ, đến nỗi trước khi vào đại học, ông phân vân không biết mình nên học nhạc hay vật lý. Ông vào Đại Học năm 16 tuổi và lấy bằng tiến sĩ năm 21 tuổi.

Trong bài diễn thuyết “Tôn giáo và khoa học tự nhiên” được Max Planck đọc vào năm 1937 như 1 sự công kích của ông đối với chủ nghĩa vô thần có thể được hiểu ngầm là nhắm vào chủ nghĩa phát xít và cộng sản..Planck nhấn mạnh tầm quan trọng của những giá trị KiTô giáo cần thiết cho hành động đạo đức, và đặt tính chất phi đạo đức và tâm hồn bệnh hoạn, vô thần của Đức quốc xã đối diện với những giá trị tinh thần nhân bản mạnh mẽ của Kitô giáo. Khẩu hiệu của Planck “Hãy hướng về Thiên Chúa” chính là hình thức phản kháng nội tâm của ông trước các chế độ vô thần. Ông muốn góp phần củng cố đức tin cho thính giả.

“Đối với tín hữu, Thiên Chúa chính là sự tiên khởi. Từ Ngài, từ ý muốn toàn năng của Ngài tuôn ra tất cả sự sống và tất cả sự kiện trong thế giới của tinh thần cũng như của vật chất. Nếu Ngài không được nhận thức bằng lý trí, thì Ngài cũng còn có thể được hiểu trực tiếp trong trực quan thông qua các biểu tượng tôn giáo và đặt thông điệp thiêng liêng của Ngài vào linh hồn của những người có đức tin đối với Ngài. Ngược lại, đối với người nghiên cứu khoa học tự nhiên, sự duy nhất được cho tiên khởi là nội dung của tri giác bằng giác quan của anh ta và của các đo đạc được suy ra từ đó. Từ đó anh ta tìm cách, trên con đường nghiên cứu quy nạp, tiến gần đến Thiên Chúa và quy luật của Ngài, trong chừng mực có thể, như cứu cánh cao cả nhất mãi mãi không bao giờ đạt tới được. Như vậy khi cả hai, tôn giáo và khoa học tự nhiên, đều cần đến đức tin nơi Thiên Chúa cho hoạt động của họ, thì Thiên Chúa đối với một bên là sự khởi đầu, đối với bên kia là sự kết thúc của tất cả tư duy. Đối với một bên thì Ngài là nền tảng, đối với bên kia Ngài là vương miện của sự kiến thiết của mỗi nghiên cứu mang tính chất thế giới quan. Con người cần khoa học tự nhiên để nhận thức, nhưng rất cần đức tin để hành động.” – Trích bài diễn thuyết của Max Planck

Không bao lâu sau Max Planck gia nhập viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng và là người đã cảnh báo cho Đức Giáo hoàng Piô XII về các hiểm họa của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các lời cảnh báo của Planck đã cảm hứng cho các giáo huấn của Đức Giáo hoàng Piô XII. Phát biểu trước trước Viện Giáo hoàng Khoa học ngày 30 tháng 11 năm 1941, Đức Giáo hoàng đã tuyên bố :«chiến tranh làm xâu xé thế giới, nó dùng tất cả các nguồn lực kỹ thuật để tiêu hủy». Ngài ghi nhận, khoa học có thể là con dao hai lưỡi trong bàn tay con người, có thể vừa chữa lành vừa giết hại. Ngài nói đến «sự phiêu lưu kinh khủng của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu năng lượng hạt nhân và các chuyển đổi hạt nhân».

Năm 1945, trước khi chiến tranh kết thúc, đứa con trai út Erwin thương yêu nhất còn lại của ông bị Đức quốc xã hành quyết vì có tên trong danh sách 1 tổ chức ám sát Hitler ngày 20 tháng 7. Planck lặng người đi. Lúc đó ông đã 87 tuổi. Ông ngồi vào cây đàn dương cầm, đánh lên những điệu nhạc mà con trai của ông hằng ưa thích. “Sự đau đớn của tôi không thể diễn tả được bằng lời… Tôi lại cố gắng ngày qua ngày, để có lại sức, để cam chịu với số phận này. Bởi vì với mỗi ngày lên, một ngọn đòn mới đến với tôi, làm tôi tê tái, và làm mờ đi ý thức sáng sủa của tôi. Sẽ còn lâu tôi mới trở lại sự quân bình tinh thần. Bởi vì nó là một phần quý báu của đời tôi. Nó là tia sáng mặt trời, niềm hãnh diện của tôi, niềm hy vọng của tôi. Cái tôi đã mất đi theo nó, không thể nào được diễn tả bằng lời.” Nỗi đau kinh hoàng, định mệnh nghiệt ngã như đã bắt Planck phải chịu đựng vào giờ phút cuối đời như thể những đau khổ trước đó vẫn chưa đủ. “Tôi rất cố gắng tìm lại sức mình, để khỏi lịm đi trước đau thương. Điều giúp tôi ở đây là tôi xem như một ân huệ từ bên trên, rằng kể từ lúc tuổi thơ có đức tin vững chắc không gì lay chuyển vào Đấng Toàn Năng, Thánh Thiện đã bám rễ trong tôi. Dĩ nhiên, ý định của Thiên Chúa không phải là ý định của loài người chúng ta; nhưng niềm cậy trông vào Ngài giúp chúng ta vượt qua được những thử thách lớn nhất.”

Vào những ngày cuối đời, Planck nói nhiều về cuộc đời, về Thiên Chúa và thế giới quan: “Chịu đựng can đảm trong cuộc chiến đấu cho cuộc đời, và âm thầm tuân thủ vào ý muốn của Đấng đầy quyền năng đang ngự trị trên chúng ta”. Ông “không thuộc những người để mình cay đắng” và biết“vượt cao khỏi thế giới này”.

Ngày 4.10.1947 ông vĩnh viễn ra đi. Quan tài được quàn ba ngày tại nhà thờ thành phố Göttingen, 6 nhà vật lý nổi tiếng đã khiêng ra xe và đưa về nghĩa trang thành phố trong tiếng chuông đổ của tất cả các nhà thờ thành phố.

Tờ The New York Times ngày 5 tháng 10 năm 1947 viết trong bài cáo phó một ngày sau khi Planck mất: “Planck là một trong những người khổng lồ trí thức của thế kỷ 20, một trong những trí thức ngoại hạng của tất cả mọi thời đại. Như người cha của thuyết lượng tử, ông được xếp hạng với những người bất tử của khoa học, như Archimedes, Galileo, Newton và Einstein.”

Fanpage: Chiến sĩ Chúa Kitô

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết