Rabindranath Tagore nói: “Yêu thương là hiện thực duy nhất và nó không chỉ là một tình cảm. Đó là chân lý tối thượng nằm tại tâm của Tạo Hóa.” Đó là Ông Trời, là Đấng tạo nên mọi sự, nói gọn lại là Tạo Hóa hay Tạo Vật, chính là Thiên Chúa; còn mọi vật được tạo ra là thụ tạo, trong các thụ tạo có con người chúng ta.
Thiên Chúa là tình yêu, các thụ tạo được Ngài dựng nên cũng xuất phát từ tình yêu, nghĩa là Ngài đã khắc dấu yêu thương trong mọi người, không là dấu vết như vẽ hoặc viết, mà là dấu khắc sâu, vì thế chúng ta không thể không yêu thương nhau.
Cả xã hội và Giáo Hội đều mang tính cộng đồng, tức là sống chung, cụ thể và đơn giản nhất là gia đình – giống như “tế bào gốc” của xã hội và Giáo Hội. Đời sống chung rất cần tình yêu thương, yêu thương đòi hỏi mỗi người phải biết lắng nghe, có lắng nghe nhau mới có thể hiểu nhau và cùng nhau thực hiện điều ước nguyện của Thầy Chí Thánh Giêsu trong Vườn Dầu ngày xưa: “Xin cho họ nên một.” Tính chất “nên một” được Chúa Giêsu đề cập ba lần. (x. Ga 17:1-24) Điều đó chứng tỏ tính chất đặc biệt lắm, cần thiết lắm, bởi vì đó là tính hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi – Đấng Tam Vị Nhất Thể.
Không chỉ NGHE mà phải LẮNG NGHE. Lắng nghe là một nghệ thuật, bởi vì còn phải biết cách nghe. William Arthur Ward (1921-1994) nhận định: “Trước khi nói, hãy lắng nghe; trước khi viết, hãy suy nghĩ; trước khi chi tiêu, hãy kiếm được; trước khi đầu tư, hãy tìm hiểu; trước khi phê phán, hãy chờ đợi; trước khi cầu nguyện, hãy tha thứ; trước khi bỏ cuộc, hãy thử làm; trước khi nghỉ hưu, hãy tiết kiệm; trước khi chết, hãy cho đi.” Điều cuối cùng thật là đặc biệt: “Trước khi chết, hãy cho đi.”
Hai động thái “lắng nghe” và “thấu hiểu” có một khoảng cách nhất định, và cũng có các mức độ khác nhau, thậm chí có người vẫn nghe vì không điếc, thế nhưng lại không hiểu. (x. Lc 8:10) Chúa Giêsu đã nhắc nhở nhiều lần: “Ai có tai thì nghe.” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; Kh 13:9) Ý Ngài muốn là phải lắng nghe và phải thấu hiểu.
Liên quan vấn đề này, trình thuật 1 Sm 3:3-10 cho biết câu chuyện nổi tiếng về việc lắng nghe và của ngôn sứ Samuel. Chuyện xảy ra vào một đêm nọ, ông Êli đang ngủ, mà mắt ông thì mờ, ông không còn thấy rõ nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Bất ngờ, Đức Chúa gọi Samuel. Cậu tưởng ông Êli gọi nên chạy đến và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông cho biết rằng ông không gọi và bảo cậu cứ về ngủ đi. Cậu đi ngủ, rồi lại có tiếng gọi lần nữa. Samuel lại dậy và đến với ông Êli, nhưng ông vẫn bảo là không gọi cậu. Và cậu lại về chỗ ngủ của mình.
Còn trẻ người nên Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Cậu nằm ngủ, và rồi lại có tiếng gọi lần thứ ba. Cậu lại dậy và đến với ông Êli. Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu nên ông dặn Samuel rằng hễ có ai gọi thì thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Samuel về ngủ, và Đức Chúa lại đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Cậu liền thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sm 3:10)
Một câu nói tuyệt vời, được trích dẫn nhiều mỗi khi đề cập việc làm theo Ý Chúa. Thi hành mau mắn và vui vẻ chứ không miễn cưỡng, bất đắc dĩ. Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do hoàn toàn, Ngài không ép buộc ai làm bất cứ điều gì, dù là việc nhỏ bé, vì thế Ngài luôn đề cao sự tự nguyện, hành động vì yêu mến. Vì đã lắng nghe, thấu hiểu, và mau mắn làm theo Ý Chúa, nên Samuel được Thiên Chúa bảo vệ: “Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.” (1 Sm 3:19) Thật diễm phúc cho Samuel!
Cái gì cũng có nguyên lý. Sự diễm phúc không là tình trạng ngẫu nhiên hay tự nhiên, mà là động thái “có điều kiện” với sự tự nguyện: Tổ phụ Ápraham đã hoàn toàn tuân phục khi quyết định rời bỏ quê hương để đến Đất Hứa mặc dù ông không biết đó là đâu, ông cũng không hề ngần ngại sát tế chính con trai độc nhất, không có con nối dõi thì làm sao dòng dõi đông đúc như sao trên trời? Ông không hề thắc mắc hoặc đặt vấn đề. Đức Maria cũng diễm phúc vì lời “xin vâng” vô điều kiện, mặc dù Đức Maria ngạc nhiên lắm. Lắng nghe – thấu hiểu – hành động, đó là “chuỗi liên kết” như một tam-giác-đều bất biến, trong đó tiềm ẩn và mặc nhiên có tảng đá góc tường của tòa nhà nhân đức: Khiêm nhường.
Con người chúng ta luôn có sự mâu thuẫn: Muốn người khác lắng nghe mình nhưng mình lại không muốn lắng nghe người khác. Nguyên nhân là tính ích kỷ, vì “cái tôi” lớn quá, cứ tưởng mình là “bách khoa tự điển” có mọi thứ về mọi lĩnh vực. Thậm chí cả với Thiên Chúa mà chúng ta cũng dám làm vậy. Chúng ta thực sự uống thuốc liều nên mới to gan như vậy. Oan ức ư? Không hề! Chúng ta luôn xin Ngài lắng nghe mình, (Tv 30:11; Tv 51:3; Tv 55:2; Tv 77:2; Tv 86:6; Tv 88:3; Tv 141:1; Tv 143:1) nhưng hiếm khi chúng ta nhận lỗi (Tv 51:5) hoặc lắng nghe tiếng Chúa, (Tv 85:9) nhất là khi ý Chúa khác với ý mình. Sự giằng co quyết liệt lắm.
Người ta đúc kết: “Đời là bể khổ.” Có thể chưa đủ kinh nghiệm nhưng ai cũng biết điều đó. Thế nên chúng ta luôn phải cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.” (Tv 40:2) Và rồi niềm vui không thể giấu kín: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:4) Tuy nhiên, chúng ta lại dễ “ngủ quên trong chiến thắng,” chẳng khác chín người vô ơn bạc nghĩa trong trường hợp “mười người phong hủi.” (Lc 17:11-21) Người biết Chúa thì làm ngơ, qua cầu rút ván, người không biết Chúa thì lại biết trở lại để tạ ơn. Thật là xấu hổ cho tín nhân!
Thiên Chúa không thích lễ vật lỉnh kỉnh, nghi thức rườm rà. Ngài không đòi chi cũng chẳng cần gì, nhưng Ngài chỉ muốn một điều là chúng ta PHẢI sẵn sàng và mau mắn: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:7-9) Ai càng thu nhỏ mình thì càng được Ngài thương xót. Thánh Vịnh gia xác định: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10) Thế thì thật tuyệt vời!
Thánh Elizabeth Ăn năn Seton (1774-1821) quyết tâm làm ba điều: “Tôi muốn công việc hằng ngày của tôi là làm theo ý Chúa; tôi làm điều đó theo cách Ngài muốn; tôi làm điều đó vì đó là ý Chúa.” Ước gì mỗi chúng ta cũng có thể quyết tâm như vậy.
Trên thế gian này chẳng có gì vĩnh cửu, bởi vì mọi sự đều có lúc, có thời, có hạn. (x. Gv 3:1-8) Ngay cả sự sống và sự tự do của chúng ta cũng vậy, tới một lúc nào đó sẽ không còn. Thánh Phaolô nói: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi.” (1 Cr 6:12) Thật không dễ để có thể nhận thức và tự chủ được như vậy, chứng tỏ phải có sự giằng co rất mãnh liệt. Thánh nhân giải thích cụ thể: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cr 6:13-15)
Có lẽ chưa cần nói đến vấn đề tinh thần, bởi vì các vật chúng ta đang sở hữu cũng không thuộc về chúng ta mãi mãi: tiền bạc, nhà cửa, xe cộ,… Những thứ chúng ta gọi là “của mình,” tức là mình sở hữu nó, nhưng chúng có thể lại thuộc về người khác. Thật vậy, chúng ta sở hữu chúng vì chúng ta có quyền quản lý chúng, nhưng nó không thuộc quyền sở hữu của chúng ta vĩnh viễn. Phũ phàng, thất vọng, buồn bã. Nuối tiếc. Con người là thế. Và còn hơn thế nữa: Sự sống chúng ta đang có mà rồi cũng chẳng giữ được. Tất cả thuộc về Chúa – Đấng tạo dựng muôn loài, muôn vật.
Với “khái niệm” đó, Thánh Phaolô khuyên: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 6:17-20) Thân xác đủ thứ nhơ nhớp, nói ra mà thấy ngượng miệng, nhưng chính cái nhơ nhớp hèn hạ đó lại được Thiên Chúa dùng làm Đền Thờ để Ngài ngự vào – thiêng liêng và cụ thể là Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta là “đền thờ” thì chúng ta phải nỗ lực thực thi Thánh Ý Ngài. Đó là điều tất yếu!
Tất cả đều NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài. Tất cả mọi sự đều phải được quy về Ngài. Ước gì mỗi chúng ta đều biết xác định rạch ròi: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể.” (Tv 119:14) Tâm niệm được như vậy thì không còn phải quan ngại. An tâm và thanh thản tín thác vào Thiên Chúa.
Trình thuật Ga 1:35-42 cho biết rằng khi ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông và thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Nghe vậy, hai môn đệ kia liền đi theo Đức Giêsu. Ngài quay lại, thấy các ông đi thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Chắc hẳn nơi ở của Chúa Giêsu giản dị lắm, khó nghèo lắm, nhưng họ vẫn theo Ngài. Cái “thấy” của họ là sự vĩ đại của Ngài nên họ sẵn sàng đi theo Ngài, vì họ đã thấy, đã hiểu, và thực sự tin.
Thời điểm lúc đó khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và cho biết đã gặp Đấng Mêsia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Nhìn ông Simôn, Đức Giêsu nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha.” Thánh sử Gioan giải thích rằng chữ Kêpha có nghĩa là Đá, đồng nghĩa với tên Phêrô.
Chỉ là dân chài lưới, nhưng hẳn là lão ngư Phêrô có ấn tượng lắm, chắc hẳn tướng mạo như ông phải có gì đó đặc biệt, vì Thầy Giêsu thấu suốt cả tâm địa của ông là người bộc trực, nóng tính nhưng tốt bụng, được việc. Và Ngài “chấm” ngay. Chắc chắn Chúa Giêsu biết trước ông sẽ nhát đảm khi gặp sự cố, tất nhiên tội chối Thầy lớn lắm, không chỉ chối một lần mà chối tới ba lần, nhưng cũng chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi. Chúa Giêsu luôn thương xót và như để cho ông có cơ hội “bù lỗ” bằng ba lần tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết rõ con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-18) Từ đó, lão ngư Phêrô trở thành giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội lữ hành.
Kinh Thánh ch biết rằng chúng ta nghĩ tưởng gì thì Chúa đã thấu suốt từ xa, miệng lưỡi chúng ta chưa thốt nên lời thì Ngài đã am tường hết. (Tv 139:2 & 4) Chắc chắn không ai tránh khỏi Ngài, nhưng đặc biệt là Thiên Chúa nói với mỗi tín nhân: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1) Và Ngài xác định: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta.” (Is 49:16)
Chúng ta đang có những cái khởi đầu: Năm mới Phụng Vụ, Mùa Thường Niên, Mùa Xuân. Những cái mới khiến con người lo lắng nhiều về tương lai, nhất là khi cuộc sống càng càng ngày càng khó khăn và trong cơn đại dịch còn gây quan ngại với biến chủng mới còn nguy hiểm hơn chủng cũ. Nhưng là tín nhân, chúng ta xin phó thác cho Thiên Chúa, vì Ngài đã “khắc dấu tình” bằng lời hứa: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (Gr 29:11) Và đây là dấu ấn đặc biệt nhất: “Chính Ta, chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.” (Is 43:11)
Nếu khước từ Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta chẳng làm được gì – dù là điều đơn giản nhất, cụ thể là con người đang hoang mang trước “sức mạnh” của con virus li ti mang tên corona.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết đón nhận mọi điều trái ý hằng ngày như món quà yêu thương Ngài dành phần cho chúng con theo sự quan phòng và tiền định mầu nhiệm của Ngài, xin dạy chúng con biết những quyết định của Ngài (Tv 119:108) để chúng con thực hiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Giáng Sinh bị tục hóa? bị vật chất hóa dần dần, Đâu là ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh?
- Độc thân: “Rốt cuộc, chúng ta đang bảo vệ cái gì?”
- Dừng các thánh lễ có giáo dân tham dự 20 người trở lên – GP Ban Mê Thuột
- Video các bài thuyết trình trong Hội thảo: “Loan báo Tin Mừn cho người thành thị”
- Phụ nữ, sức mạnh của chuyển động và thay đổi trong Giáo hội
- Lời nguyện trong cơи dịcн bệин Coνid-19
- Có nên đưa trẻ nhỏ đi lễ ngày Chúa Nhật?