1. Nhanh như chớp, Vic Morrow gạt mạnh chân của tên lính Đức. Tên này ngã xuống. Vic Morrow cướp lấy khẩu súng và đã chuyển bại thành thắng… Lũ trẻ con vỗ tay reo hò. Tiếng nhạc chấm dứt phim “Combat” dồn dập. Màn ảnh truyền hình bỗng nhiên nổi những hạt nhỏ li ti. Ông Hai thở ra: “Rồi! Lại “tóe sao” nữa. Ba tắt nghen!” Mấy đứa trẻ nhao nhao. Hòa nói lớn: “Hết phim rồi, để ba tắt Tivi. Tí nữa mười hai giờ lại mở ra mà! Tha hồ xem Ông Già Nô-en kể chuyện.”
Lũ trẻ vâng lời răm rắp. Ông Hai vặn trái nút máy truyền hình. Khung ảnh trở lại xám ngoẹt, vô vị. Bà Hai bảo mấy đứa con: “Thôi, tụi con đi ngủ đi! Hết phim rồi! Lạnh quá mà ngồi đây chi?” Bọn trẻ không chịu vào buồng, vì chúng nó còn muốn chống mắt chờ đến mười hai giờ khuya để được xem Ông Già Nô-en nói chuyện trong máy truyền hình. Bà Hai đành “chịu thua”.
“Nhưng muốn ngồi đây thì phải mặc thêm áo lạnh. Tụi con có nghe gió thổi nhiều ở ngoài không? Đợi từ đây đến khuya có nước chết cóng.” Bà mang thêm áo lạnh ra cho lũ nhỏ. Tất cả ba đứa – nằm, ngồi trên chiếc ghế bố lớn kê trước mặt chiếc máy truyền hình. Đêm nay chúng không chịu ngủ trong buồng mà đòi ngồi ở phòng ngoài để chờ đến nửa khuya. Nhưng trẻ con không làm đúng ý muốn, nên chỉ mười phút sau chúng đã ngủ quên trên ghế bố.
Chỉ còn lại ông bà Hai với Hòa. Hòa ngồi viết nơi chiếc bàn nhỏ kê gần cửa sổ đóng kín. Ông bà Hai ngồi ở bộ sa-lông đan bằng mây. Một thoáng yên lặng khiến Hòa nghe rõ tiếng gió rít từ những đồi thông bên ngoài. Hòa đưa mắt lén nhìn ba má. Tự nhiên Hòa thấy gương mặt của ba trầm lặng hơn bao giờ. Còn đôi mắt của má sao lại trĩu xuống buồn tênh. Ba má không nói một lời nào cho phá tan cái không khí u tịch này. Hòa toan mở lời, nhưng tiếng lách tách của thanh củi trong lò sưởi đã làm bà Hai quay lại. Nhận thấy đã gần hết củi, bà Hai đứng dậy mang những thanh củi còn lại để đun thêm vào lò. Ánh lửa bùng lên làm hiện rõ những nếp nhăn trên mặt bà Hai.
Tự nhiên Hòa nghe lòng xúc động lạ thường. Hòa nhìn má, rồi nhìn ba. Sống với cha mẹ, gặp cha mẹ hàng ngày mà Hòa tưởng chừng mới gặp lại hai người để kịp nhận thấy rằng họ đã già rồi. Cuộc sống ở đây bình lặng quá đã khiến Hòa lầm tưởng rằng thời gian không có ảnh hưởng gì đến con người. Hòa có hay đâu năm này qua tháng nọ ông Hai đạp xe đi xuống con đường dốc đầy đất đỏ tới sở làm thì mái tóc đã đổ đầy muối tiêu; và năm này qua tháng nọ bà Hai cặm cụi trong bếp núc, trong sân vườn nhà, sau rẫy khoai lang, thì bàn tay đã cằn cỗi và gương mặt đã nhăn nheo thêm. Bù lại, Hòa đã lớn lên đây, và các em cũng đã lớn lên.
Thỉnh thoảng có thư của bác Cả gửi lên, trong thư bác có khuyên ông bà Hai nên dọn xuống Sàigòn ở để tiện việc buôn bán làm ăn và để cho các con được đi học ở các ngôi trường lớn. Nhưng ông bà vẫn chưa quyết định dọn đi. Và như thế, gia đình Hòa vẫn sống ở đây, trên sườn đồi vắng vẻ, cách xa những ngôi nhà khác. Ba má Hòa trồng khoai ở sau nhà, và vun xới nào rau cải, nào hoa, nào cây ăn trái. Cuộc sống này đã quá quen thuộc, khiến không ai cảm thấy buồn hay sợ. Nhưng có nhiều lúc, như bây giờ đây, Hòa thấy ba má ngồi suy nghĩ trầm ngâm. Má có lúc ngồi nhìn ra cửa kính đăm đăm, trông xuống chân đồi như ngóng đợi một ai. Nhưng Hòa nghĩ mãi, không biết có ai để cho má đợi chờ.
Nhiều lần Hòa xem trong hộp ảnh của má, đầy đủ hình ảnh của họ hàng. Từ ông bà nội, ông bà ngoại, các cô các chú, các cậu các dì. Nhưng ông bà nội, ông bà ngoại đã mất. Bác Cả ở dưới Sàigòn, các cô các chú đã có gia đình nhưng vẫn thường gửi quà về cho chị em Hòa. Không có ai phai lạt tình cảm với gia đình Hòa cả. Còn các cậu các dì, không bao giờ Hòa được nghe má kể rõ ràng về họ. Má chỉ bảo rằng khi xưa thời buổi loạn lạc, họ hàng xa cách nhau là thường. Hay chính vì vậy mà má vẫn thường đăm chiêu nhìn ra cửa ngóng trông? Hòa thường hay đặt giả thuyết là các cậu các dì đã chết, chứ nếu không thì họ đã tìm về đây – căn nhà của ông bà ngoại mà bao năm rồi vẫn không hề thay đổi.
Ông Hai bỗng đứng dậy, nhìn một lượt năm đứa nhỏ, bảo vợ: “Má con Hòa đem tụi nhỏ vào buồng đi, để ngủ ở ngoài nầy lạnh lắm.” Bà Hai cũng đứng dậy, nhưng bà nhìn lại lò sưởi: “Chà, củi nầy khô, cháy mau quá, hết cả rồi. Để tôi ra sân đem củi thêm vào đã.” Hòa ngưng viết, nói: “Má để con ra lấy cho. Trời không lạnh lắm đâu! Với lại… để con ra xem trời có nhiều sao không…” Bà Hai nhìn chồng, cười: “Nó lại muốn mơ mộng cả ngoài trời lạnh nữa.”
Trong khi ông bà Hai bồng mấy đứa nhỏ vào buồng ngủ, Hòa mở cánh cửa lớn, lách mình ra sân. Gió lạnh hắt vào người Hòa. Hòa đến bên đống củi, nhặt vài thanh củi ôm thành một ôm. Hòa ngước nhìn trời. Sao thật nhiều, sáng rực lạ lùng. Hòa đảo mắt nhìn xuống chân đồi. Qua những hàng thông chằng chịt, con đường như khép lại. Ngoài cửa rào, Hòa bỗng thấy thấp thoáng một bóng đen.
2. Bà Hai đã lo xong chỗ ngủ cho bọn trẻ. Bà trở ra trong khi ông Hai đang mở lại máy truyền hình. Tiếng cửa kẽo kẹt cùng tiếng gió rít làm cả hai người cùng nhìn ra. Hòa đi vào, tay ôm bó củi, nhưng theo sau là một gã đàn ông. Bà Hai kêu rú lên khi nhận thấy cây súng dài đen ngòm trong tay hắn. Ông Hai đứng bật dậy. Gương mặt Hòa tái xanh đầy vẻ kinh hoàng. Đúng lúc đó những hạt trắng hiện lên trên màn ảnh nhỏ, lờ mờ khuôn mặt của Ông già Nô-en.
Gã lạ mặt cất giọng nghe dữ tợn: “Dẹp cái thứ đó đi!” Ông Hai bước lùi lại, tắt máy. Gã đàn ông lại quát: “Hai người này, ngồi xây mặt vào tường, không được cựa quậy.” Thừa biết sự nguy hiểm có thể xảy ra, ông bà Hai làm theo lời của tên lạ mặt.
Sau đó, gã chĩa súng vào Hòa, hỏi: “Trong nhà còn ai không?” Hòa lắc đầu: “Chỉ có mấy đứa em tôi ngủ ở trong buồng. Không có ai nữa hết.” Kẻ lạ mặt ngoái đầu nhìn vào buồng. Gã tỏ vẻ yên tâm, ra lệnh: “Con nhỏ này ngồi xuống ghế, học bài đi! Khôn hồn thì im, không tao bắn chết.”
Hòa ngồi xuống, nhưng liếc nhìn lò sưởi, và kêu lên: “Ông cho tôi đun thêm củi, chứ hết củi rồi, lạnh lắm!” Gã nọ ngăn lại: “Để đó cho tao. Mày ngồi yên.” Gã quơ mấy cây củi, bỏ vào lò. Ánh lửa hực lên, chiếu cả vào gương mặt gã, đỏ rực. Hòa thấy gã đứng dáng lom khom. Cây súng vẫn thủ trên tay gã, làm tăng thêm vẻ dữ tợn. Hòa nghĩ nếu gã vất cây súng đi, thì gã cũng chỉ là một con người hiền hòa như ba, như má. Nhưng Hòa không hiểu gã vào nhà này làm gì. Gã là một tên cướp, một kẻ vượt ngục, hay…?
Hòa không dám nghĩ đến những điều không may. Nếu lỡ chăng gã lạ mặt này là một kẻ đang bị tầm nã, thì không sớm thì muộn ngôi nhà này sẽ trở thành một pháo đài. Hòa nghĩ đến một lúc nào đó súng sẽ nổ thật dòn từ dưới đường cái lên dần đến sườn đồi, tràn ngập sân nhà, sau rẫy khoai. Và ngôi nhà nầy có còn không? Hòa thốt, giọng lo sợ: “Ông… ông là ai?”
Gã đàn ông nhìn Hòa, đôi mắt không có một chút thiện cảm. Gã lặng thinh, ra dấu cho Hòa ngồi yên trên ghế. Rồi gã đứng cạnh lò sưởi, trông chừng cả Hòa lẫn ông bà Hai. Hình như gã lạnh lắm – Hòa chắc như vậy, vì trên người gã chỉ có một bộ đồ đen, mà da gã thì tái mét lại. Gương mặt gã xanh xao gầy ốm như người bệnh, còn đôi bàn tay xương xẩu thì đang nắm chặt cây súng. Trông gã không có vẻ gì là một tên cướp như trong phim ảnh cả.
Năm phút yên lặng trôi qua. Ông bà Hai vẫn ngồi trên ghế mây, xây mặt vào tường. Ông Hai đã hết lo ngại, vì thấy kẻ lạ mặt không giở trò gì hết, nhưng bây giờ ông thắc mắc không hiểu gã vào nhà ông để làm gì. Còn bà Hai thì run rẩy, nhưng không phải vì lạnh. Bà vẫn nghe rõ ràng tiếng củi reo lách tách, nhưng bà không biết sau lưng bà, con gái của bà đang ra sao. Còn năm đứa nhỏ trong buồng nữa, nếu có việc gì xảy ra, ai lo cho chúng nó? Tiếng chuông đồng hồ báo hiệu chỉ còn nửa giờ nữa là đến mười hai giờ khuya. Nỗi xúc động như đang bị người lạ đến phá rầy cái hạnh phúc nhỏ bé ở nơi hẻo lánh này làm nước mắt bà Hai ứa ra. Hơn lúc nào hết, những lời khuyên trong thư bác Cả hiện đến, thúc giục. Bà Hai nhắm mắt, len lén thở dài…
Đằng kia, gã lạ mặt đang tò mò giở mấy trang giấy của Hòa đang viết nửa chừng. Đôi mắt hắn chợt như dịu lại. Đôi môi thâm ngắt mở ra: “Làm “văn sĩ” nữa cơ à?” Hòa không trả lời. Hắn lại cầm tập giấy lên, lẩm nhẩm đọc. Hòa len lén nhìn gã. Ánh lửa từ lò sưởi chập chờn trên gương mặt khô khan. Hòa thấy hình như gã có vẻ bồn chồn hơn ban nãy. Còn cây súng trên tay gã! Hơi thép lạnh kề bên đe dọa làm Hòa rùng mình.
3. “Hòa ơi! Hồi chiều má dặn con chế đầy bình thủy để sẵn, con có làm chưa?” Gã lạ mặt quay lại nhìn bà Hai. Hòa đáp: “Dạ có. Con chế đầy rồi má.” Gã nói: “Dẹp đi! Không có nước non gì hết.” Bà Hai năn nỉ: “Ông làm ơn cho con tôi đi pha cà phê cho ba nó. Đêm nào ổng cũng uống cà phê. Ông làm ơn… ” Nghe đến “cà phê”, đôi lông mày của gã cau lại. Hòa thấy gã kín đáo nuốt nước bọt. Hòa nhìn gã, dịu dàng hỏi: “Ông ơi! Hình như… ông đói lắm?”
Gã giật mình, rồi bỗng gã thốt lên: “Sao… cô bé biết?” – “Tôi nhìn ông, tôi biết. Ông có thích uống một tí cà phê cho đỡ đói không?” Gã lắc đầu, gằn một tiếng: “Không!” Hòa đưa tay chỉ về phía bếp: “Tôi không làm gì khác đâu! Tôi xuống bếp pha cà phê, rồi bưng lên ngay. Đứng ở đây ông có thể nhìn xuống bếp canh chừng tôi.” Gã lại nuốt nước bọt. Hòa nhẹ nhàng đứng dậy, vừa dò xem phản ứng của gã. Gã gật đầu. Hòa đi xuống bếp. Đứng ở cạnh bàn, gã trông thấy Hòa nhắc bình thủy, lúi húi pha cà phê.
Hai phút trôi qua. Hòa bưng một cái khay với hai tách cà phê đi lên. Gã nhắm mắt, hít lấy hương thơm đậm đà đang tỏa ra từ trên tay Hòa. Hòa đặt một tách cà phê xuống trước mặt ông Hai, rồi tiến về phía gã nọ. Hắn sáng rực đôi mắt, chờ đợi. Nhưng chợt Hòa ngừng chân, và gã cũng giật mình, vì nghe có tiếng chó sủa vang dưới đường cái. Gã hé cửa nhìn ra. Phía dưới kia hình như có ánh đèn pin lập lòe. Rồi mơ hồ, gã nghe có tiếng chân bước trên đá, tiến dần lên đồi. Tiếng chân càng lúc càng rõ hơn.
Mặt gã rắn lại. Gã hất hàm hỏi Hòa: “Cái gì vậy?” Hòa đáp, giọng run lên: “Có lẽ… đó là tiếng chân của mấy anh nghĩa quân đi tuần. Ông! … Trời ơi!”
Hòa ôm mặt. Cảnh ngôi nhà này biến thành pháo đài cho một tay súng tung hoành, sân nhà thành bãi chiến trường, vẽ ra trong trí óc ngây thơ. Tách cà phê còn nghi ngút khói thơm, nhưng không còn kích động đối với gã lạ mặt. Gã lầm lì hỏi: “Đàng sau nhà có còn ngõ đi không?” – “Dạ… chỉ có rẫy khoai. Nếu ông muốn đi, ông phải leo lên dốc. Qua khỏi cái “dông” ấy ông phải đi cả buổi nữa mới ra đến Cam Ly. Nhưng… ông không chịu nổi đâu, lạnh lắm. Mà ông lại đang đói nữa.” – “Kệ tao! Để tao đi ngõ sau.”
Gã toan đẩy cánh cửa. Nhưng đàng sau nhà thấp thoáng ánh đèn pin. Gã lắc đầu, run rẩy. Gã đẩy Hòa nép gần bàn viết, ra lệnh: “Đứng yên! Cả hai ông bà kia nữa, không ai được la lên.” Đôi tay xương xẩu nâng cây súng, lên đạn. Hòa kinh hãi: “Ông! Trời ơi! Ông đừng chống lại họ. Họ đông lắm!”
Gã banh áo ra, để lộ cho Hòa thấy những băng đạn dài quấn trong người. Hòa muốn quỵ xuống vì hãi hùng. Bà Hai nói như sắp đứt hơi: “Lũ con tôi… chắc chết mất… Ông ơi! …”
Ông Hai đờ người trên ghế. Có lẽ đây là giây phút cuối cùng ông còn ngồi ở đây để thấy ngôi nhà yêu dấu. Ông nhắm mắt lại, biểu lộ một sự bất lực trước tên lạ mặt.
Có tiếng lá xao động ngoài vườn. Gã sửa soạn vị trí để kê cây súng. Gã quay nhìn Hòa, dò xét thái độ của Hòa. Trong phút giây sợ hãi, Hòa nhìn xuống tách cà phê dành cho gã còn nghi ngút khói. Và, nhanh như chớp, Hòa bưng tách cà phê lên, tạt mạnh vào mắt gã. Đôi bàn tay xương xẩu buông rơi cây súng, ôm mặt. Tiếng rú đau đớn nghe rụng rời.
4. Mọi việc xảy ra như trong một khúc phim nghẹt thở. Cô bé Hòa hành động lanh lẹ như một anh hùng trong phim “Chiến trận”. Nhưng lũ trẻ nhỏ còn ngủ ngon nên không có tiếng reo hò. Và Hòa không đoạt khẩu súng, không trói tay gã lạ mặt. Mà cô bé bật lên khóc, vừa khóc vừa lấy khăn lau mặt cho hắn, và cởi chiếc áo ấm của mình choàng lên người hắn.
“Cậu Quy! Có phải cậu Quy đây không? Má ơi, má quay lại đi! Má nhìn xem có phải cậu Quy, em của má đây không? Ba ơi! Ba có nhận ra người này không? Cậu Quy, cậu không biết cháu, nhưng cháu biết cậu. Cháu nhận ra cậu khi cậu đứng gần lò sưởi, dáng cậu khom khom. Cậu có nhớ ngày xưa cậu chụp một bức ảnh mà cậu đang khom lưng ôm củi trước nhà ông bà ngoại không? Cháu nhận ra cậu ghì tay trên cây súng. Cậu có nhớ ngày xưa cậu chụp một bức ảnh mà cậu đang ôm một cây súng giả không? Và cậu có một bức ảnh đang đọc sách nữa, rõ ràng là hình ảnh của cậu đây, giống khi mà cậu đọc tập truyện của cháu.
Cậu Quy, hình ảnh của cậu và các cậu, các dì khác còn đầy một chiếc hộp mà má cháu gìn giữ. Cậu có nhận ra ngôi nhà này không? Ngôi nhà này ông bà ngoại để lại cho ba má cháu nè! Hay cậu cố tình quên? Cậu có nhận ra má cháu không? Tại sao khi vào nhà, cậu không vui mừng vì gặp chị? Sao cậu mang cả súng vào đây? Mái nhà này, ba má cháu đã cố giữ gìn, đã cố lưu lại ở đây để chờ ngày các cậu, các dì trở về. Cậu nhìn ba má cháu đi! Hai người chắc trông già hơn ngày xưa rất nhiều phải không cậu?
Ngày xưa chưa có cháu. Và các cậu, các dì đã đi đâu, đã làm gì, cháu không được rõ. Cháu là Hòa, còn ba đứa em cháu nữa, chúng đang ngủ trong buồng. Tất cả là cháu của cậu. Chúng cháu vẫn hằng mong có ngày gặp lại các cậu các dì. Cháu mơ làm văn sĩ, nên cháu hay xin má cho xem hộp ảnh, để vẽ vời cho các cậu các dì trong những truyện của cháu. Bây giờ cháu đã gặp cậu rồi! Sao cậu không tỏ vẻ vui mừng hay nói một câu thân tình khi trở về ngôi nhà này hở cậu? Cháu chờ đợi cậu nói, nhưng cơ hồ cậu không nhớ gì cả. Cậu không nhận ra ai cả sao?
Cháu đã pha cà phê cho cậu uống, vì cháu biết cậu đói. Nhưng cậu lại muốn biến ngôi nhà này thành chiến trường, muốn phá hủy rẫy khoai, vườn rau, muốn giết những người ngoài kia. Cậu biết không, họ là những người bạn của cậu đó. Chú Văn, chú Hoài, chú Bảy cụt một ngón tay, cậu nhớ họ không? Họ đã giúp đỡ cho ba má cháu rất nhiều, đã góp bàn tay sửa sang ngôi nhà này, vun xới mảnh đất này. Cháu không muốn họ chết. Cháu cũng không muốn cậu chết.
Cậu cho cháu xin lỗi cậu thật là nhiều… Cháu hành động xuẩn ngốc, nhưng không thể không làm. Cháu chờ đợi cậu nói ngay từ phút cháu mơ hồ nhận ra cậu. Và cháu cũng chưa kịp nói với cậu… Cậu Quy, cháu xin phép cậu tháo những băng đạn này ra nhé! Không có hận thù khi bước vào căn nhà này. Cậu đừng chối bỏ tình người trong cậu. Cậu nhìn ba cháu, má cháu đi, cậu ơi! Cậu Quy ơi!…”
Người lạ mặt – đúng hơn, cậu Quy của cô bé Hòa – buông hai tay, cố hấp háy đôi mắt. Đồng thời với tiếng xô ghế đứng dậy của ông Hai, đồng thời với tiếng kêu vừa xót xa vừa vui mừng của bà Hai, người ấy ôm xiết đứa cháu trong đôi tay xương xẩu. Từ đôi mi mắt còn bỏng rát, hai giọt nước mắt bỗng bất ngờ thoát ra, lăn xuống quanh đôi gò má cao…
Có tiếng gõ cửa dồn dập, rồi cánh cửa bật mở tung mang theo tiếng gió rít. Rất đông người hiện ra, in hình trên khung trời đầy sao sáng. Và tiếng khóc của cô bé Hòa dậy lên làm mềm mọi trái tim.
Cam Li NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15.12.1972
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Vị Tân Linh Mục Lấy Áo Lễ Lau Nước Mắt Vì Quá Cảm Động
- 7 Căn Bệnh Xã Hội Mỗi Kitô Hữu Được Mời Gọi Để Chữa Lành
- Điều quý giá nhất trên đời
- Hàng trăm người cầm hoa hồng cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina
- Tạ ơn Chúa: Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh qua cơи nguу кịch
- Chuyện tình cảm nơi người tu sĩ
- Gửi em, cô bé đang theo Ơn Gọi