Ba mẹ chúng tôi khi còn sống, thường kể chuyện thời các cụ cho anh em chúng tôi nghe trong các bữa ăn. Anh chị em chúng tôi, thế hệ sinh vào thập niên 30, 40 và 50, lúc ấy nghe chuyện các cụ thấy đã là “ngày xửa ngày xưa” ghê lắm, nhịp độ cuộc sống so với thời chúng tôi đã rất chậm, chậm lắm. Kết thúc câu chuyện, bao giờ ba mẹ chúng tôi cũng bảo: “Chẳng như bây giờ các cô các cậu cái gì cũng vội!”
Vậy rồi thời của chúng tôi cũng qua, các anh các chị lần lượt ra đi, chỉ còn sót lại hai chị em út ít chúng tôi, chị 64, em 59, giật mình chúng tôi cũng lại thấy cuộc sống của thế hệ chúng tôi nếu có nhanh là nhanh so với hơn 30 – 40 năm trước, chứ so với thời đại bây giờ của các bạn trẻ là học trò, là con cháu mình, thì chúng tôi lại vẫn còn rất ư là chậm rãi. Nếu ví von, thời bây giờ người ta lướt xe Fortuner trên xa lộ cao tốc 110 – 120km/g, so với chúng tôi cưỡi Honda SS67 60 – 70km/g, còn các cụ đầu thế kỷ trước chỉ là ngồi xe bò cọc cà cọc kạch 5km/g.
Ấy là nói về tốc độ di chuyển vật lý. Thật ra tốc độ tâm sinh lý: suy nghĩ, làm việc, hành xử, yêu đương, bệnh và chết, còn nhanh và vội đến mức không biết lấy tiêu chuẩn đo lường nào mà tính.
Các bạn trẻ yêu nhau, tính đến đám cưới, vào hỏi văn phòng Giáo Xứ chúng tôi: Ở đây có khóa học Giáo Lý Dự Tòng chung luôn với Hôn Nhân nhanh nhanh không ạ? Nhanh là bao nhiêu? Khoảng một tháng? Sao lại vội thế? Dạ, chúng con… chúng con đã lỡ có bầu 8 tuần rồi! Quen nhau được bao lâu mà sao lại vội thế? Dạ cũng đã được 4 tháng rồi ạ! Học Dự Tòng thì phải có thời gian cho Đức Tin thấm thía chứ làm sao mà học dồn cho xong trong một tháng? Dạ tụi con đặt tiệc nhà hàng rồi. Hồ sơ hôn phối đâu đã xong mà sao lại vội thế? Dạ, phải đặt cọc tiền trước cả 6 tháng, lại phải coi ngày tốt nữa, nên… Sao lại vội thế?
Mới hôm nào chúng tôi còn chứng hôn trong Nhà Nguyện của Nhà Dòng, Lễ Cưới của hai bạn trẻ thật đẹp, ảnh post lên Blog Yahoo 360 ai cũng vào khen đẹp như diễn viên Hàn Quốc, rồi thấy sinh bé chị bé em, chụp hình cpost lên khoe trên Facebook, lại like, lại comment vui vẻ nhộn nhịp. Đùng một cái nghe tin hai bạn ấy ly dị, bạn bè mách: Tụi nó làm nhanh lắm! Chỉ tội hai em bé! Mà cả vợ chồng tụi nó ly hôn để lấy người khác, hôn nhân giả để đi Mỹ bố ơi… Ngày xưa sống với nhau ít là cũng được cả 10 năm mới ly dị, rồi xung khắc, rồi giải hòa, rồi lại mâu thuẫn, rồi mới chịu bó tay. Bây giờ sao lại vội thế?
Một bạn trẻ khác, so với cùng trang lứa thì đúng là “đẻ bọc điều”, thành đạt quá nhanh, ra trường đại học xoay trở có việc hợp tay nghề ngay, giám đốc cưng và tin cậy, lại gặp may với nhiều sáng kiến năng động, bạn ấy lên vù vù. Mới hôm nào còn lê la càphê bờ kè với nhóm bạn, tự dưng thấy vắng bóng, nếu có xuất hiện thì chỉ để kể bây giờ đã lập Cty riêng, rồi phone liên tục, rồi vội chào để phải đi gặp đối tác bàn dự án mới. Bất ngờ một hôm nghe bị phá sản mất rồi, mắc nợ lên đến cấp tỷ, xất bất xang bang, mất hết bạn bè vì nợ nần giật gấu vá vai. Ai cũng ngao ngán, chỉ biết trách sau lưng: Sao lại vội thế?
Một bạn khác nữa, con một người quen cùng thời với chúng tôi. Bố mẹ gặp là khoe: con tôi nó thế này con tôi nó thế kia, thấy rõ là họ hãnh diện vì anh con vừa đẹp giai, vừa học giỏi, vừa ngoan và đạo đức, ở Giáo Xứ là dự trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể sáng giá. Gia đình không giầu nhưng đã cố gắng lo liệu cho con được sang Úc du học, chỉ cần tiền ăn ở thôi, học bổng bạn ấy giật ngon ơ. Cuộc đời coi như mở toang một đại lộ thăng tiến thẳng tắp và rộng thênh thang. Vậy mà chỉ mấy năm sau, bố mẹ khóc và nhờ cầu nguyện: Cháu nó sắp ra trường, đi party với bạn gái, có uống rượu, phóng xe vận tốc quá cao rồi tai nạn xe trên highway, cả hai hôn mê rồi cha ơi! Số phận nghiệt ngã ư? Nhưng sao lại vội thế?
Nhìn quanh cuộc sống cũng đang biến đổi nhanh đến chóng mặt! Cũng con đường đó, bẵng một thời gian không lâu, bây giờ đi qua đã thấy mọc lên mấy cái cao ốc văn phòng cao ngất nghểu, nghe nói là của mấy bà lớn rửa tiền tham nhũng cho chồng; bây giờ đi qua đã thấy vắt vẻo mấy cái cầu vượt bằng bêtông xám xịt gắn đèn led Trung Quốc lòe loẹt; bây giờ đi qua đã thấy bật gốc hàng loạt cây cổ thụ có bóng mát xanh ngợp, giữ gìn cho bao nhiêu hơi thở còn mát rượi khỏi cái nắng quái do tầng Ôzôn bị thủng; bây giờ đi qua đã thấy cả một con đường bờ kè ngoằn ngoèo uốn theo con kênh Nhiêu Lộc san sát những quán nhậu mang tên Lai Rai, Cà Kê, Cù-Kưa, Vội-Về-Nhà-Làm-Gì?…
Các thứ quy hoạch xây dựng bây giờ không còn giữ cái nhìn trân trọng với quá khứ, lại càng không có cái nhìn thận trọng với tương lai, tất cả chỉ nghĩ đến những mảnh đất vàng, đào lên, đổ móng, đúc bêtông là đất ấy sẽ trổ sinh hoa trái vàng cho người ta giầu lên rất nhanh. Quyền lực cộng với tham lam và liều lĩnh, nhưng thiếu vắng lương tri, đánh mất cái thiện căn nhanh quá, vội quá, nên phe phái cũng sẵn sàng sát phạt loại trừ nhau trong chu kỳ rất ngắn, chỉ khoảng 5 tới 10 năm thôi, nuôi cho béo rồi bóp chết, lên voi xuống chó rất nhanh, đến khi ra tòa lãnh án tù mới lòi ra cái bản lĩnh ti tiện, cái ý chí hèn kém, thua xa những người dân oan nhà quê. Đánh mất nhân phẩm như thế cũng nhanh, cũng vội quá!
Chúng tôi dạy môn Sư Phạm Huấn Giáo cho các thầy, các dì đi tu, khi hướng dẫn về Thần Học Kể Chuyện (Théologie Narrative), giúp làm Lược Đồ Chuyện Kể (Schéma Narratif), chúng tôi lưu ý anh chị em về các chi tiết đắt giá liên quan đến Thầy Giêsu cùng các nhân vật chính và phụ xoay chung quanh. Chúng tôi cùng nhau khám phá những chủ từ (sujets), động từ (verbes), tính từ (adjectifs) và trạng từ (adverbes) trong một câu văn Tin Mừng và đặt thành các câu hỏi: Ai? Làm gì? Với ai? Như thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Khi kể chuyện, chỉ cần nhấn mạnh thêm cho người nghe những chi tiết tưởng là quá nhỏ bé không có giá trị bao nhiêu liên quan đến các nhân vật Tin Mừng, thì bỗng dưng câu chuyện bừng sáng, sinh động, toát ra được ngay bài học Tin Mừng.
Đang bàn về chuyện “Sao bây giờ cái gì cũng vội?”, chúng tôi xin trưng dẫn câu chuyện cô thôn nữ Maria làng Nadarét.
Tông Đồ Luca kể: “Hồi ấy, cô Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisbét vừa nge tiếng cô Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thêm có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em…” (Lc 1, 39-45).
Cả một mạch diễn tiến liên tiếp của câu chuyện ngay tại ngưỡng cửa một ngôi nhà miền núi nhỏ bé nghèo nàn đã giải thích tại sao lại có trạng từ “vội vã” ở ngay câu mở đầu. Hóa ra giữa bao nhiêu cái vội vàng, hấp tấp, lăng xăng, tất bật của cuộc sống chỉ có thể dẫn người ta đến vấp ngã, hụt hơi, lạc lối, “sôi hỏng bỏng không”, mất định hướng, dễ dàng bị cuốn phăng đi càng lúc càng nhanh hơn vào cơn lốc xoáy của thế gian, thì may quá, vẫn còn đó cái “vội vã” của Tin Mừng.
Sứ thần Gabrien nhận Tin Mừng từ Chúa Cha để chuyển xuống cho cô Maria. Cô Maria nhận Tin Mừng từ sứ thần rồi thì không thể ngồi yên một chỗ, không thể làm gì khác hơn là “vội vã lên đường” mang Tin Mừng ấy đến gặp người chị họ Êlisabét. Bà cụ già lụ khụ nhận được Tin Mừng qua lời chào thì bỗng dưng trẻ hẳn ra, vui hẳn lên, không cầm được nỗi phấn khởi hân hoan mà phải vội kêu lớn tiếng lên cho ông chồng già trong nhà, cho cả làng nước chung quanh biết, cho cả thế giới chúng ta hôm nay hiểu được thế nào “Niềm Vui Tin Mừng” như Papa Phanxicô đã diễn giải.
Mà chi tiết hết sức tuyệt vời trong câu chuyện này là: ngoài việc hai người phụ nữ vội vã vồ vập trao Tin Mừng cho nhau, thì chúng ta còn thấy hai em bé cách nhau 6 tháng tuổi, còn đang là thai nhi, cũng đã vội vã nhanh nhảu trao Tin Mừng cho nhau, Gioan anh họ của Giêsu đã quẫy lên như một cú nhào lộn của diễn viên xiếc ngay trong tử cung của mẹ mình. Gioan đã thay cho tất cả nhân loại chúng ta đón lấy Tin Mừng là chính Thầy Giêsu.
Vậy ra cái “vội vã” này không như những cái vội vã của thế gian vốn dĩ là hiếu sát và hiếu chiến, cái “vội vã” này chính là cái vội vã hiếu sinh, đem Sự Sống đến cho tha nhân, cho càng nhiều người càng tốt, cho càng nhanh và càng sâu rộng trong cuộc đời càng tốt, bởi Sự Sống ấy cứu con người ta khỏi Bóng Tối, khỏi Sợ Hãi và Đau Khổ, khỏi cái Chết.
Rất đáng phải “vội vã”, rất cần phải “vội vã” như thế. “Vội vã” của Ad Gentes…
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 5.5.2018
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Thánh lễ Cầu Bình An cho năm mới 2018 tại Trung Tâm Hành Hương Bằng Sở
- Những nữ tu giữa đời thường
- Nạn bắt cóc linh mục gia tăng tại Nigeria
- Thật vui mừng: Cố vấn Mỹ tuyên вố có thể sản xuất thuốc trị Covid-19 từ cuối tháng này
- Ngày đầu năm hướng về Mẹ Thiên Chúa
- Xin hiệp ý cầu nguyện, Người đặt tượng Đức Mẹ Măng Đen năm 1971 đã được Chúa gọi về
- Tự do tôn giáo niềm tin là gì? (3)