Rước Lễ trên tay là phạm thánh?

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rước Mình Thánh Chúa trên tay

Sau khi cho đăng lại bài “Đức Hồng Y Sarah: Rước lễ trên tay là một phần trong ‘cuộc tấn công của Satan’ vào bí tích Thánh Thể” trên vietcatholic.org vào ngày hôm qua 24.02.2018 đã có rất nhiều tranh luận khác nhau. 

Một cộng tác viên của trang nhathothaiha.net hôm nay đã gửi cho chúng tôi bài viết công phu của linh mục Quốc Phong O.SS.T (Dòng Chúa Ba Ngôi) liên quan đến việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa trên tay hay qua các hình thức khác mà Giáo Hội đã cho phép, ngài cũng đề cập đến chia sẻ của Đức Hồng  Y Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích liên quan đến vấn đề này. 

Do vậy, để hiểu đúng về những quyết định của Hội Thánh và việc áp dụng việc rước lễ trên tay tại các giáo hội địa phương, cũng như tránh việc các nhóm lạc giáo lợi dụng gây chia rẽ, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn bài viết với tựa đề “Rước Lễ trên tay là phạm thánh?” của cha Quốc Phong O.SS.T.

……………………………………………..

Đây là vấn đề tranh cãi khá gay gắt gần đây trong Giáo Hội và đã làm cho nhiều người tốn không biết bao nhiêu tranh luận. Bà Maria Divine Mercy đã lợi dụng điểm yếu này của giáo dân, khai thác triệt để nhằm thổi lên ngọn lửa chống đối nhau. Trong Sứ điệp từ trời 6/7/2011 có đoạn viết: “Bí tích Thánh thể Chí thánh phải được đón nhận trên lưỡikhông được đón nhận một cách ô nhơ bởi tay con người. Tuy nhiên, điều này cũng chính là những gì các tôi tớ đã được thánh hiến của Ta đang thực hiện”.

Tự sắc Memoriale Domini ngày 29/5/1969 của Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích (dựa theo tinh thần của Hiến Chế về Mục Vụ của Giáo Hội trong Công Đồng Vatican II) ban hành cho phép các Hội Đồng Giám Mục khả năng xin phép Giáo Hội Hoàn Vũ cho giáo dân của mình lãnh nhận Mình Thánh (rước Lễ) trên tay. Vấn đề cơ bản ở đây là chúng ta được phép rước Mình Thánh dưới hình thức quỳ gối, trên miệng hoặc trên tay, tùy theo sự cho phép của Hội Đồng Giám Mục đó (xem Huấn Thị Redemptionis sacramentum ngày 25/3/2004, số 90-92; Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2000, số 160, 161; Giáo Luật số 843; Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Notitiae 35 (1999) tr. 160-161).

Quả là một vấn đề kiểu “biết rồi, khổ quá, nói mãi!”, nhưng chúng ta vẫn phải bàn đến để khai thông cho các tư tưởng chống việc rước Lễ trên tay. Có hai trường phái tồn tại song song nhau: những người ủng hộ hoặc rước Lễ trên lưỡi hoặc rước Lễ trên tay, tùy theo khả năng mỗi người với điều kiện tâm hồn phải thanh sạch, không mắc tội trọng; trường phái còn lại khẳng định rước Lễ trên tay là phạm thánh và chỉ được rước Lễ trên miệng (có người còn yêu cầu quỳ rước Lễ).

Chúng ta phải phân biệt đâu là phạm thánh, đâu là lạm dụng Bí tích Thánh Thể. Vậy, như thế nào bị cho là phạm thánh trong Bí Tích Thánh Thể? Câu trả lời được tìm thấy trong Huấn Thị Redemptionis sacramentum của Bộ Phụng Tự Kỉ Luật và Bí Tích, ban hành ngày 25/3/2004, số 172 về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, phần “phạm thánh trong Thánh Lễ và Bí tích Thánh Thể”:

Các graviora delicta (tội phạm nặng hơn) nghịch cùng Hy Tế rất đáng kính và Bí Tích Thánh Thể phải được giải quyết theo “Quy tắc liên quan đến những graviora delicta dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”, là:

  1. a) lấy hay giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, hoặc ném Mình Máu Chúa xuống đất[1];
  2. b) không phải là linh mục mà dám cử hành phụng vụ Hy Tế Thánh Thể, hay giả bộ cử hành[2];
  3. c) đồng tế hy tế thánh thể, dù đã có lệnh cấm, với các thừa tác viên của các Cộng Đoàn giáo hội không có kế thừa các tông đồ và không nhìn nhận phẩm cách bí tích của việc truyền chức linh mục[3];
  4. d) truyền phép với mục đích phạm thánh một chất thể này mà không có chất thể kia trong cử hành Thánh Thể, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài cử hành Thánh Thể[4].

Như vậy, việc rước Lễ bằng tay cách cung kính và xứng đáng, không phải là phạm thánh như nhiều người đã lầm tưởng.

Nhận định trên đây là theo hướng tích cực. Để công bằng, chúng tôi đưa ra câu hỏi: tại sao Giáo Hội lại “cho phép” rước Lễ trên tay sau năm 1969; dựa vào cơ sở nào?

Để tìm câu trả lời chính xác, sau đây chúng ta hãy lật lại lịch sử Giáo Hội ở thế kỉ thứ IV và kéo dài đến thế kỉ X. Đây là một đoạn trích trong tác phẩm “Giáo Lý Khai Tâm” (Catecheses Mystagogicae) của thánh Syrilô thành Giêrusalem viết năm 348-350. Vị thánh này cũng là thánh bảo trợ của các anh chị giáo lý viên:

20. Sau đó, anh em nghe ca xướng viên mời gọi anh em đến hiệp thông các mầu nhiệm thánh bằng một giai điệu thần linh. Anh em ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi Chúa thiện hảo nhường bao’ (Tv 34,9). Đừng phán đoán bằng miệng lưỡi xác thịt, nhưng theo đức tin không thể nghi ngờ. Vì khi thưởng nếm, không phải anh em thưởng nếm bánh và rượu, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô mà bánh và rượu biểu thị.

  1. Vậy khi con lại gần, con đừng đưa những lòng bàn tay mở rộng tới trước, cũng đừng xòe những ngón tay ra; nhưng hãy dùng tay trái của con làm thành chiếc ngai cho bàn tay mặt vì bàn tay này phải đón nhận Đức Vua, và trong vũng bàn tay con còn hãy đón nhận thân mình Chúa Kitô, trong khi nói ‘Amen’. Khi đó con hãy lo thánh hóa đôi mắt con bằng sự tiếp xúc với Thân Mình thánh thiện, rồi hãy dùng Mình Chúa và hãy chăm chú đừng để mất đi chút gì. Vì điều con làm mất là như con bị mất đi một trong các chi thể của chính con. Thật vậy, con hãy nói cho cha nghe, nếu người ta cho con những vảy bằng vàng, con lại chẳng giữ chúng cẩn thận tối đa để đừng mất đi chút gì và đừng phải chịu thiệt hại vì đó sao? Vậy, chẳng lẽ con lại không trông chừng thật cẩn thận hơn nữa một thứ quý hơn vàng và hơn đá quý để đừng làm mất đi mảnh vụn này sao?”. (Thánh Syrilô Hierosolymitanus, Catecheses Mystagogicae, V 20-21, SC no. 126 bis).

Nhờ vào đoạn giáo lý trên của thánh Syrilô, chúng ta biết được ngay từ những thế kỉ đầu Giáo Hội đã thực hành việc rước Lễ trên tay. Nhưng vào Thế kỉ X, phong tục này bị nhiều người lợi dụng. Họ dễ dàng tuồn Bánh Thánh ra ngoài để chôn xuống góc ruộng cốt mong được mùa, hoặc đem theo mình để cầu bình an khi đi xa, hoặc hòa tan trong nước để cho bệnh nhân uống vv. Ngày nay Giáo Hội cho phép giáo dân được rước Lễ trên tay là có cơ sở vững chắc, nhưng Giáo Hội luôn cân nhắc việc lợi dụng này để gây phương hại cho Bí Tích Thánh Thể. Ở một số buổi Lễ, nhất là lễ ngoài trời hoặc những buổi Lễ có các tôn giáo bạn tham dự, linh mục chủ tế yêu cầu giáo dân không rước Lễ trên tay. Cũng dựa vào đoạn giáo lý trên, chúng ta hiểu được tại sao các linh mục khi cho các em rước Lễ lần đầu lại dạy rằng: “tay phải đặt dưới tay trái, sau khi Bánh Thánh đã ở trong lòng bàn tay trái, thì dùng tay phải để chịu Lễ”. Trên thực tế kinh nghiệm mục vụ tại một số nước Âu châu, chúng tôi thấy một số các cụ già vẫn còn giữ tục lệ chụm năm đầu ngón tay phải và đặt dưới mu bàn tay trái để chờ đón nhận Bánh Thánh.

Ngày 22/2/2018, ĐHY Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích Robert Sarah có viết Lời tựa cho một cuốn sách của LM người Ý cha Federico Bortoli (sách dày 352 trang, NXB Cantagalli, ISBN: 9788868795481), có tựa đề “Rước Lễ trên tay. Dữ kiện lịch sử, phê phán và mục vụ[5]. Lời tựa này được đăng trên trang điện tử tiếng Ý La Nuova Bussola Quotidiana với nhan đề “Cần phải suy nghĩ lại cách cho rước Lễ[6]. Ngay sau đó các trang mạng ra sức phê phán và đăng lại, lái lời của Đức H.Y sang hướng khác. Trang báo điện tử tiếng Việt Vietcatholic chuyển Việt ngữ từ trang Catholic Harald của Anh Quốc, sau đó các trang tiếng Việt đều thi nhau đăng lại trang này. Tiếc thay, trang Catholic Herald đã đặt tựa đề “Rước lễ trên tay là một phần trong cuộc tấn công của Satan vào bí tích Thánh Thể” không đúng so với tựa đề “Cần phải suy nghĩ lại cách cho rước Lễ” của trang La Nuova Bussola Quotidiana. Trong Lời tựa của Đức H.Y có đoạn viết:“Cuộc tấn công nguy hiểm nhất của Satan bao gồm những cố gắng dập tắt niềm tin vào Bí Tích Thánh Thể, gieo rắc sai lầm và ủng hộ việc đón nhận Thánh Thể không xứng đáng”. Ngài cũng lo ngại việc phạm thánh của Bí Tích Thánh Thể, nhất việc thực hành “lễ đen” của các nhóm thờ satan. Ngoài ra Đức Hồng Y tổng trưởng còn lo ngại việc rước Lễ trên tay sẽ xảy ra những sự cố như một số mẩu Bánh Thánh sẽ rơi rớt hoặc làm giảm đi tính thiêng liêng của Bánh Thánh.

Tóm lại, dù là rước Lễ trên tay hay trên miệng hoặc quỳ hoặc đứng thì vẫn là một vấn đề nan giải và cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Trong khi chờ đợi những thay đổi mới từ các vị có thẩm quyền (nếu có), thì nhiệm vụ của chúng ta là phải vâng lời các đấng bề trên, như Chúa Giêsu đã “vâng lời Đức Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá” (Thư Philipphê 2,8).

Lm Quốc Phong O.SS.T

[1]X. Bộ Giáo Luật, số 1367; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 3/7/1999 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trậtkhác: Những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[2]X. Bộ Giáo Luật, số 1378 § 2,1 và 1379 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác: những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[3] Bộ Giáo Luật, số 908, 1365; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác: những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[4]Bộ Giáo Luật, số 927; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác: Những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).

[5]Nguyên bản tiếng Ý “La distribuzione della Comunione sulla mano. Profili storici, giuridici e pastorali”.

[6]Bisogna ripensare il modo di distribuire la comunione (Cần phải suy nghĩ lại cách cho rước Lễ)” trên trang La Nuova Bussola Quotidiana, ngày 22/2/2018và Communion in the hand part of diabolical attack on Eucharist” (Rước lễ trên tay là một phần trong cuộc tấn công của Satan vào bí tích Thánh Thể) trên trang Catholic Herald, ngày 23/2/2018.

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết