Trong câu tweet ngày lễ Giáng Sinh năm 2014, Đức Phanxicô đã viết: “Chúng ta hãy để một chỗ trống ở bàn ăn: một chỗ cho người đang thiếu, cho người đang ở một mình.” Và nếu chúng ta khôi phục truyền thống tốt đẹp này theo nghĩa phúc âm được không?
Ngày lễ Giáng Sinh đến gần, mọi người đều nói về đủ thứ truyền thống cần phải tuyệt đối tôn trọng: phải có máng cỏ, phải có nhiều món tráng miệng, có cây thông, phải ăn cháo trước lễ nửa đêm… và còn nhiều thứ lỉnh kỉnh khác ai cũng muốn giữ để có hương vị ngày lễ! Và nếu năm nay chúng ta khôi phục lại một truyền thống đã mất? Truyền thống nói lên huyền nhiệm cao đẹp, sâu thẳm và khiêm nhường của Chúa giáng sinh? Đó là chỗ của người nghèo, tượng trưng bằng một chỗ trống ở bàn ăn nửa đêm?
Trong một bài báo trên báo thời sự hàng tuần Le Monde illustré năm 1871, bữa ăn nửa đêm Noel được mô tả như sau: “Giữa mẹ và bà cố, có một chỗ trống, một chỗ mà chúng ta gọi là chỗ của người nghèo; rất hiếm khi bữa ăn kết thúc mà chỗ này không có người ngồi ăn, họ có thể là người kém may mắn, người không có gia đình nào khác ngoài gia đình được Chúa Quan Phòng gởi đến cho họ vài giờ đêm nay”.
Phần của Chúa hay phần của người nghèo
Tinh thần chia sẻ và bác ái luôn được đề cập trong mùa lễ Giáng Sinh. Vào đầu thế kỷ 20, chỗ của người nghèo vẫn còn thấy ở các vùng nhà quê nước Pháp, dưới hình thức đĩa thức ăn luôn để dành cho người nghèo, người khách lạ hay người qua đường. Bà Martyne Perrot, nhà xã hội học đã xác nhận điều này trong tác phẩm Dân tộc học về lễ Giáng Sinh (Ethnologie de Noel) của bà. Chỗ của người nghèo còn được gọi là phần của người nghèo hay phần của Chúa. Truyền thống này đặc biệt sâu đậm ở vùng Provence: bàn tiệc Giáng Sinh gồm ba khăn trải bàn: một cho “bữa ăn tối lớn”, một cho bữa ăn trong ngày Noel và một cho bữa ăn tối ngày 25.
Trên các khăn bàn này, chủ nhà cắt ổ bánh mì làm ba phần: “phần của người nghèo”, “phần của khách” và “phần của Chúa.” Và nhất là họ không quên đặt thêm một đĩa: đĩa của người nghèo, của người khất thực đầu tiên đi qua xin tiền. Trong tinh thần này mà một số gia đình còn giữ truyền thống, để một đĩa thêm cho người quen biết hay không quen biết đến gõ cửa bất ngờ và được cả gia đình đón tiếp nồng hậu.
Một biểu tượng truyền giáo qua thái độ đón tiếp niềm nở
Ở Ba Lan cũng như ở Lituani, giữ một chỗ cho người nghèo trong bữa ăn tối lễ Giáng Sinh luôn là một truyền thống được tôn trọng. Trong nhiều ngày trước ngày lễ, các thành viên trong gia đình thường họp nhau lại để đọc kinh canh thức. Cha mẹ kêu con cái nhìn trời để xem ánh chớp của ngôi sao đầu tiên trong đêm, đó là ngôi sao giống như ngôi sao dẫn đường cho ba vua đến Bêlem, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Ngay khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện, khi đó buổi canh thức có thể bắt đầu, ở Ba Lan thường vào lúc 4 giờ chiều.
Theo truyền thống lễ Giáng Sinh, người ta thường dùng khăn bàn trắng và đặt một ít rơm trên bàn tượng trưng cho máng cỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng. Và đĩa trống thường được đặt ở giữa. Một biểu tượng phúc âm nhắc lại Mẹ Maria và Thánh Giuse không tìm được chỗ trọ. Mẹ Maria và Thánh Giuse bị mọi người không đón tiếp. Như thế chỗ của người nghèo còn mang một ý nghĩa sâu đậm, người tín hữu kitô phải chăm sóc đến những người bị loại bỏ, bị thiếu thốn, những người ở một mình. Đó là dấu hiệu bên ngoài của một thái độ bên trong tiếp đón người khác, dù đó là người khách bất ngờ chiều Noel hay một người thân trong gia đình bị ruồng bỏ.
Marta An Nguyễn dịch
nguồn: phanxico.vn
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Công Bố Thiết Lập Cơ Sở II Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
- Dừng các thánh lễ có giáo dân tham dự 20 người trở lên – GP Ban Mê Thuột
- 15 Tuổi Đã Trở Thành Đấng Đáng Kính
- Tại sao phải làm tới ba dấu thánh giá trước khi nghe Tin Mừng?
- MẸ CHỒNG QUYẾT ĐỊNH GIA NHẬP ĐẠO VÌ CON DÂU CÔNG GIÁO
- Ý nghĩa tượng trưng của Tro trong ngày thứ Tư lễ Tro là gì?
- Từ vực thẳm ma túy đến việc loan báo Tin Mừng