Nhiều năm trước đây, sau một buổi nói chuyện, thính giả đặt cho tôi nhiều câu hỏi về đạo đức, tội lỗi, xưng tội và tha tội. Tôi bắt đầu trả lời bằng cách thận trọng nêu ra một vài tính chất đặc biệt để cho thấy các vấn đề này phức tạp đến thế nào và khi sắp đi bước kế tiếp là cố gắng đưa ra vài câu trả lời thì, có một anh mất kiên nhẫn và nổi nóng lên.
Anh giận dữ thách thức, “Thưa cha, tại sao cha né tránh trả lời câu hỏi này? Cha biết câu trả lời, mọi tín hữu Công giáo đều biết! Tình dục ngoài hôn nhân, bỏ lễ ngày chúa nhật là tội trọng, không có tính chất đặc biệt về mặt thần học hay tâm lý nào có thể thay đổi! Cha biết, cha thừa biết rằng Giáo Hội Công giáo đã dạy rõ ràng, và Cộng Đồng Trentô đã xác định rõ rằng chỉ có một cách duy nhất để được tha tội trọng, đó là xưng tội với một linh mục. Không nói rõ ràng điều đó ra là đang giảm nhẹ chân lý!”
Tôi đang tìm cách đáp lại thì một bà đứng dậy, run lên vì xúc động và gần như không làm chủ được cảm xúc, bà biện hộ cho tôi.
“Đây không phải là giảm nhẹ chân lý. Tôi tin những gì Cha đang nói… và tôi sẽ cho anh biết lý do. Cách đây hai năm, con gái tôi chết trong một tai nạn xe hơi. Cháu không đi nhà thờ hơn một năm trước đó và cháu sống chung với bạn trai. Nhưng cháu là một cô gái đàng hoàng, có tâm tốt, và sẽ không ai nói với tôi cháu đã xuống hỏa ngục cả!”
Gần đây hơn, ở một hội nghị giáo phận về bí tích hòa giải, khi tôi đang giải thích thế nào là hòa giải, giống như các bí tích khác, là chạm vào nhiệm thể Đức Ki-tô, vì vậy, một ai đó có thể được tha tội thông qua việc chạm vào nhiệm thể Đức Ki-tô trong lòng cộng đoàn Ki-tô hữu và trong bí tích Thánh Thể. Tôi nói tiếp tôi xem việc xưng tội là một bí tích cao đẹp và quan trọng, bí tích mà những người trưởng thành thực hiện, và việc nhiều Ki-tô hữu bây giờ không còn thực hành bí tích đó nữa là một dấu hiệu không tốt. Tuy nhiên, dù không phủ nhận giá trị và tầm quan trọng của việc xưng tội riêng, nhưng một cách căn bản chúng ta có thể được tha tội qua việc sống và giữ đạo trong cộng đoàn Ki-tô hữu và đặc biệt qua việc nhận lãnh bí tích Thánh Thể.
Một lần nữa tôi bị buộc là giảm nhẹ chân lý. Theo truyền thống Công Giáo, tôi được nói cho biết rõ ràng, thì tất cả các tội trọng chỉ được tha khi xưng tội cặn kẽ với một linh mục.
Tôi đã trải nghiệm đủ để hiểu rằng phát biểu này nhìn chung được xem là truyền thống công giáo về hòa giải, vì thế tôi phải suy nghĩ lâu và kỹ càng: liệu tôi có đang giảm nhẹ chân lý không? Chẳng lẽ Công Đồng Trentô không đòi hỏi rõ ràng việc xưng tội riêng như điều kiện để được tha tội trọng hay sao? Liệu một tín điều thần học chắc chắn về nhập thể (theo đó tôi xác tín rằng khi mình đi rước lễ hay ở trong cộng đoàn Ki-tô hữu, là mình đang chạm vào gấu áo Đức Ki-tô và do đó được chữa lành) là không đúng sao? Liệu tôi có bị ảnh hưởng của một loại đồng thuận tự do phóng khoáng, mù quáng với tất cả ngoại trừ những quan tâm riêng về mặt tư tưởng, đang cố gắng thay thế sự thật không?
Đây là những câu hỏi có căn cứ mà tất cả những ai giảng dạy về tôn giáo, những người biết lời cảnh cáo của Đức Ki-tô không được làm những điều nho nhỏ nhưng trái luân thường đạo lý, nên thường xuyên tự vấn mình. Có những hình phạt cho việc không đối diện với sự thật.
Nhưng cách kia cũng có những mối nguy hiểm, ai đó có thể giảm nhẹ chân lý một cách nguy hiểm. Một ai đó cũng có thể làm giảm nhẹ mầu nhiệm nhập thể. Cũng như ai đó có thể thiếu can đảm để xác quyết những chân lý khó chấp nhận bởi vì những chân lý đó đòi hỏi những điều khác với lệ thường, ai đó cũng có thể dễ dàng thiếu can đảm để xác quyết tầm mức phi thường và sâu rộng của những cánh tay vươn dài của mầu nhiệm nhập thể và cách mà lòng nhân từ của Thiên Chúa thể hiện trong đó.
Tôi không chắc rằng bất kỳ Ki-tô hữu nào tiếp nhận nghiêm túc những gì Đức Giê-su dạy chúng ta về Thiên Chúa, cũng đều muốn thách thức người phụ nữ đó, người đã khẳng định rằng, dù con gái bà có những bước đi lầm đường lạc lối và chết mà chưa nhận lãnh bí tích hòa giải, nhưng chắc chắn con bà không xuống hỏa ngục.
Vậy lòng can đảm và chân lý đòi hỏi chúng ta nói lên điều gì? Rằng không có sự tha thứ tội trọng nào ở bên ngoài bí tích hòa giải; hay là cộng đoàn Ki-tô và bí tích Thánh Thể là nhiệm thể của Đức Ki-tô trên mặt đất này và khi chúng ta chạm vào dù chỉ với một chút lòng thành, chúng ta cũng được chữa lành? Rằng chúng ta cho rằng Công Đồng Trentô đưa ra việc xưng tội riêng theo nghĩa, ngoài việc xưng tội riêng ra, thì tín hữu Công Giáo không thể có bất kỳ phương cách nào khác để được hòa giải; hay chúng ta xem tuyên bố này trong bối cảnh phù hợp và với tất cả phẩm chất và tính xác quyết của nó, nhân danh Cộng Đồng Trentô, rằng có những cách khác để được tha tội ngoài việc xưng tội riêng?
Có phải lòng can đảm và chân lý đòi hỏi chúng ta giảng dạy rằng chỉ Đức Giê-su mới có thể tha tội và rằng, ngày nay, sự tha thứ chỉ có được qua việc xưng tội riêng; hay chúng ta xác quyết, như Thánh Kinh đã xác quyết, rằng chúng ta không thay thế nhiệm thể Đức Ki-tô, chúng ta không giống như nhiệm thể của Người, thậm chí chúng ta cũng không phải là nhiệm thể huyền bí của Người, mà chúng ta chính là thân thể, là xác thịt, là máu của Người, hữu hình, trước đây cũng vậy, là mầu nhiệm nhập thể đang tiếp diễn, và vì thế khi chúng ta tha thứ, Đức Ki-tô tha thứ; khi chúng ta cầm buộc, Đức Ki-tô cầm buộc; khi chúng ta ủi an, Đức Ki-tô ủi an; và khi người phụ nữ yêu thương và tha thứ cho đứa con gái lầm lỗi của bà, Đức Ki-tô yêu thương và tha thứ cho đứa con gái lầm lỗi ấy?
Đâu là mối nguy hiểm lớn hơn – trong việc giảm nhẹ việc xưng tội hay trong việc giảm nhẹ tình yêu thương và lòng bao dung phi thường thể hiện trong mầu nhiệm nhập thể?
Nguyễn Kim An dịch
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- GIÁO PHẬN TANJUNGKARANG VÀ JAKARTA CỦA INDONESIA CÓ THÊM 15 LINH MỤC VÀ MỘT PHÓ TẾ
- Tìm Xuân kiếm Tết
- Một chuyến đi
- Bé Ksor H’ Lari được Đức Mẹ Măng Đen chữa bệnh tim bẩm sinh
- Đức Giám mục Trung Quốc 98 tuổi кнỏι вệин corona
- Một Nghiên ᑕứu Cho Thấy: Những Người Đi Lễ Nhà Thờ Thì Sống Lâu Hơn
- Vatican nhỏ giữa lòng Sài Gòn