Thái Hà (20.01.2019) – Mỗi sáng, tôi liếc mắt vội qua những trang mạng để cập nhật tình hình xã hội. Sau đó, tôi sẽ đọc kĩ hơn vào buổi chiều. Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra, vậy nên, tôi theo dõi những biến động trong nước và quốc tế.
Những vấn đề thời sự luôn có sức thu hút tôi. Đọc tin tức giúp tôi hình thành lập trường của mình và nhờ thế mà tôi có thể bảo vệ ý kiến của mình khi tranh luận với bạn bè về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng đột nhiên, tôi nhận ra cái cung cách mà tôi – một Ki-tô hữu- đọc báo chẳng khác gì với cách mà bạn bè tôi – những người chưa tin Theo Chúa – theo dõi tin tức hằng ngày.
Tôi trăn trở với suy nghĩ: Không ai sống Đức tin mà lại nhìn thế giới dưới nhãn quan của người đời được! Tôi cho rằng sự khác biệt nếu có chắc chắn nằm ở cái cách mà tôi nhìn nhận, đánh giá các sự kiện. Vì tôi là một Ki-tô hữu, tôi thuộc về Đức Ki-tô. Do đó, tôi cần bắt chước gương của Người. Đi xa hơn nữa, tôi cần đồng hóa mình với Đức Ki-tô, phải nhìn các vấn đề thời sự dưới nhãn quan của Người.
Chắc chắn, nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại ngày nay, Người cũng sẽ theo dõi tin tức hằng ngày như tôi. Thật vậy, làm sao Chúa Giê-su có thể thờ ơ, dửng dưng với những biến động của thời cuộc được cơ chứ?
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Người sẽ đọc các thông tin ấy với thái độ như thế nào? Trước hết, Chúa Giêsu sẽ tìm đến những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Những nguồn này tôn trọng sự thật bởi chúng không bị chi phối bởi những toan tính bất lương, vụ lợi.
Nhưng tiếp theo, Chúa sẽ chọn đọc những thông tin nào đây giữa một biển tin tức dồn dập mỗi ngày? Người thấy gì nơi những chuỗi sự kiện đầy cung bậc cảm xúc như đau khổ, vui mừng, thất vọng, giải trí, sửng sốt của nhân loại? Người sẽ phản ứng thế nào trong các cuộc thảo luận về những vấn đề “hot”, những sự kiện giật gân?
Tôi nghĩ, vượt lên trên những sự kiện, Chúa Giêsu sẽ để ý lưu tâm đến vấn đề then chốt này, ấy là: Nước Trời đang được xây dựng hay đang bị phá huy nơi nhân loại?
Khi đọc báo, tin tức về Nước Trời mới chính là thứ thu hút sự chú ý của Chúa Giêsu. Người sẽ tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với anh chị em của ta? Thân Thể mầu nhiệm của ta có đang được vun đắp? Những rắc rối, những thất bại và cả những thành công ngày hôm qua là gì? Và những vấn đề đó ngày hôm nay nó biến chuyển ra sao rồi?
Cầm tờ báo trên tay hay lướt qua những trang mạng, Chúa Giêsu sẽ thầm thĩ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Nhiều người vẫn cho rằng nhân loại có hai lịch sử: lịch sử theo nghĩa thông thường và lịch sử cứu độ theo nghĩa tâm linh. Không, chỉ có một lịch sử duy nhất, chỉ có một dòng sự sống liên tục mà thôi!
Trong cái lịch sử và cái dòng đời ấy, cả “sự tạm bợ” và cái chất “tâm linh” đan xen, gắn chặt trong trái tim của những người con của Đức Chúa Trời.
Không thể nào có hai cuộc đời, một đời người theo nghĩa thông thường và một đời Ki-tô hữu. Cả hai sự sống ấy không thể nào bị tách biệt ra được. Ai sống theo Đức Tin thì người ấy gắn chặt đời mình với Đức Giêsu và người ấy có ơn nhìn những sự kiện hằng ngày dưới chiều kích vĩnh cửu.
Thế mà tôi đã không theo dõi báo chí theo cách mà một Kitô hữu cần có. Cụ thể, dưới áp lực gọi là “cập nhật thời sự”, tôi lãng quí quá nhiều thời giờ cho những thứ không cần thiết. Tôi nấn ná với những mẩu tin lá cải mua vui lố lăng và chỉ lướt qua những tin tức quan trọng, những bài báo chấn động lương tri.
Khi đọc xong, tôi bắt đầu xét đoán. Tôi xét đoán một cách nghiêm khắc. Tôi tự hỏi: “Sao những người này kém cỏi thế nhỉ?” hay “Mình biết mà, kiểu gì nó chẳng xảy như thế, y chang như mình đoán từ trước!”. Tôi kết án người khác, nhưng kì thực tôi đang đề cao mình thì đúng hơn.
Thêm nữa, tôi chẳng rút ra được bài học gì ý nghĩa từ báo chí. Tôi thỏa mãn khi dừng lại ở bề mặt sự kiện. Có chăng, tôi chỉ rùng mình ghê tởm trước những thứ dị hình dị dạng của thời đại. Thỉnh thoảng, tôi cũng cầu nguyện đôi chút để xoa dịu lương tâm và để gọi là giữ được lòng tự trọng tối thiểu. Nhưng vì Chúa muốn tôi trở nên giống Người nên Người mong tôi phải làm nhiều hơn thế.
Giêsu gọi tôi là bạn: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ … Thầy gọi các con là bạn hữu.” Tôi là một người con trong gia đình của Thiên Chúa, và tôi có trách nhiệm xây dựng nước Trời ngay trần gian này. Tôi không thể chỉ biết chăm sóc cho bản thân một cách ích kỉ được. Tôi liên đới với anh chị em trong việc phát triển cộng đoàn nhân loại này. Và chính báo chí cho tôi biết sự tiến triển hằng ngày của nhân loại, của quá trình xây dựng Nước Trời nơi trần gian.
Tôi sẽ nhanh chóng nhận ra những giá trị Tin Mừng trong những biến cố của nhân loại. Những giá trị này là thước đo sự tiến triển trong việc xây dựng nước Trời, ấy là: Sự nỗ lực của con người để chiến đấu cho tự do, công bằng, trách nhiệm và phẩm giá cho từng cá nhân và từng dân tộc; mọi thứ liên quan đến phát triển con người, từ các tổ chức liên hiệp của công nhân, các liên kết thị trường, xây dựng cho tới giáo dục, nghệ thuật; bất kì việc gì nhằm xây dựng bình an, sự đoàn kết, hòa bình, giảm xung đột, …
Tôi sẽ làm như Đức Kitô. Tôi cầu nguyện với Chúa Cha. Tôi xin ơn tha thứ vì những tội lỗi. Tôi tạ ơn Ngài vì những tiến bộ đã đạt được trong việc xây dựng Nước Trời. Tôi dâng lên Ngài những nỗ lực của con người dầu họ nhận thức hay không nhận thức được rằng, những cố gắng của họ đang góp phần cùng dân Thiên Chúa đi tới Miền Đất Hứa.
Nếu các Ki-tô hữu, hằng ngày, học cách vượt qua sự tò mò, thỏa mãn cá nhân để đọc tin tức với tư cách là người con của Thiên Chúa, họ sẽ học cách đọc ra những dấu chỉ của thời đại.
Đành rằng, không phải lúc nào đọc báo tôi cũng phải suy niệm. Nhưng từ từ, từng chút một; tôi dành vài phút hoặc đơn giản vài giây đang khi thoe dõi tin tức để nhận thức rằng Chúa Cha đang dõi nhìn theo tôi, để dâng lên Ngài nhân loại đang vật lộn với khổ đau này, và dâng lên Ngài thế giới đang di chuyển một cách chậm chạp hướng tới Tình yêu vĩnh cửu, qua lời chuyển cầu của Đức Ki-tô.
(Michel Quoist)
Chuyển nghĩa: Đức Trung, CSsR
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tiền nhiều để làm gì, theo Kinh Thánh
- ‘Kẻ nộp Thầy đã tới’
- Có một cụ già …(Giáo sư Nguyễn Khắc Dương)
- Bí Quyết Ngủ Ngon Say Giấc Của Đức Thánh Cha Phanxicô Mà Chúng Ta Nên Học Hỏi
- Vài mẫu chuyện đời
- Các Tuyến Đường Vào Cha Long – Giáo Điểm Tin Mừng
- Các Sơ đi xe máy rước Đức Mẹ một cách đặc biệt