Một chuyến đi

Ba linh mục thuộc Cộng đoàn DCCT Nà Phặc. Từ trái qua: cha Giuse Nguyễn Văn Tĩnh, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng và cha Gioan.B Nguyễn Minh Đức

Đã từ lâu anh em chúng tôi hẹn nhau một ngày đi xa về hướng Tây Bắc, đi cho biết chút sinh hoạt vùng cao xa xôi địa đầu đất nước, đi tận mắt nhìn người thật việc thật nơi số giáo dân ít ỏi bỏ xứ lên rừng tìm kế sinh nhai, đi để thấy các dân tộc miền núi, nghe nói như đồng lúa mênh mông, nhưng mênh mông đến thế nào ?

Chúng tôi chỉ có một ngày nên chiều hôm trước cha Tĩnh đã từ Bắc Kạn lái xe lên Cao Bằng, ngày mai đi sớm mới kịp. Anh em dự tính đi Nguyên Bình, Tĩnh Túc, Bảo Lạc, Bảo Lâm, vừa đi vừa về khoảng 350 cây số. Chỉ dám gọi là cỡi ngựa xem hoa, đi cho biết đường dài, thăm vài gia đình một năm không biết về xuôi được mấy lần đi lễ.

Đường xa ở dưới xuôi lâu lâu mới thấy một ngọn đèo, còn ở đây hầu như tất cả là đường đèo quanh co vách núi. Các bạn thấy đấy, sơ sơ từ Bắc Kạn đến Cao Bằng khoảng 120 km thôi mà có 5 cái đèo : Giàng, Gió, Khau Khang, Cao Bắc, Tài Hồ Sìn. Đường đi Bảo Lâm hôm nay nhiều đoạn đang làm, có lúc mô đất chạm gầm xe, ngoài trời mưa lất phất rơi chỉ 12 độ.

Suốt con đường đến Bảo Lâm không thấy bóng một nhà thờ nào. Không biết tôi có lầm không, nhưng cả đến chùa chiền hay đình làng tôi cũng không thấy, chỉ có vài cái miếu nhỏ bên đường như dấu hiệu “coi chừng tai nạn giao thông”, bụi bám rêu phong lâu ngày không ai nhang khói. Có lẽ đây là vùng trắng tôn giáo, nhưng tôi tin thần thánh tiên phật chẳng bao giờ mất trong sâu thẳm cõi lòng con người. Tĩnh Túc có mỏ thiếc vẫn còn khai thác. Người ta đào sâu sàng lọc cho ra quặng. Ừ nhỉ, rồi có lúc tâm tình tôn giáo chìm sâu trong mỗi con người sẽ được khơi lên như Mùa Vọng chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm.

Bảo Lạc nằm cạnh một con sông mùa này êm ả. Ghé vào nhà một giáo dân, nhà thuê thôi. Không mấy ai ở xuôi lên ngược nghĩ đến chuyện chọn nơi này làm quê hương dẫu cho dễ thương. Hỏi chuyện làm ăn, tôi thật sự ngạc nhiên với giá thuê nhà cao ngất ở trục đường chính. Giá nhà ở đường này chẳng thua gì ở thành phố Cao Bằng. Nhìn bàn thờ không có Chúa mà cũng chẳng thấy ai, chỉ mỗi bát nhang. Hỏi ra mới biết bàn thờ Chúa để trong phòng còn bàn thờ giữa nhà là của chủ.

Bảo Lâm bên bờ con sông thật đẹp. Ở đây có vài người theo Chúa. Hỏi người này lại biết thêm người khác. Có người đang kiếm ăn được, có người chán sắp về lại quê hương. Có anh lâu lắm rồi con không lễ lạy, có chị chồng vũ phu ly dị buồn quá ôm con theo cô chú lên đây. Xa xứ có lẽ đâu cũng thế, đa số cũng kiếm được đồng ra đồng vào, nhưng người thành công lớn chẳng có bao nhiêu. Nhưng đâu đâu chúng tôi cũng gặp thấy một điều thật đáng trân trọng nơi anh chị em xa xứ, đó là niềm vui khi gặp chủ chăn. Tôi giới thiệu với anh chị Bảo Lâm cha Phượng là cha xứ của họ ở vùng này để khi cần họ có thể gặp. Chẳng mấy chốc mà cha con đã thành quyến luyến lúc chia tay.

Thực sự thiếu sót lớn nếu không nói đến người dân tộc chúng tôi gặp nhan nhãn trên đường, ngoài chợ : người Dao, người Hmong, người Tày … phân biệt được qua y phục. Tính về dân số thì họ đông hơn người Kinh. Đi qua khu vực nào cũng thấy nhiều sắc dân nhưng mỗi vùng có một dân tộc trội hơn, xem ra ở Bảo Lạc người Dao đông hơn còn ở Bảo Lâm thì người Hmong nhiều hơn. Tôi tự hỏi đến khi nào thì Chúa mới làm cho họ biết Chúa. Thợ gặt thì như “5 chiếc bánh và hai con cá” mà người thì như lúa mênh mông.

Đi từ lúc 6g sáng về đến nhà 20g30, cha bề trên Tĩnh lái xe cả ngày chỉ được nghỉ đôi chút, rất mệt. Tôi chỉ ngồi chơi mà xuống xe cái đầu cứ như đá ngây ngô. Chúng tôi cùng nhau dâng lễ tạ ơn. Cám ơn Chúa vì một ngày đi tìm chiên xa xứ, một ngày chạy xe trên cánh đồng của Chúa mà bâng khuâng hết cảnh đến người. Thôi, dù đến rồi đi con cũng xin tạ ơn Người.

 

Maria Nà Phặc

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết