Nhớ vị mục tử nhân lành: Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo (1909-2001): Giám mục Phát Diệm – (Phần 2)

Hình Đức Cha Bùi Chu Tạo và toàn thể linh mục đoàn Phát Diệm, thời điểm năm 1959 lúc ngài vừa tấn phong giám mục. Hàng, đứng thứ tư từ trái qua là Cha Già Liêm, Nguyên Tổng Đại diện, nghĩa phụ của Đức Cha Tạo. Hình do Cha Đặng Văn Quảng, quê Phát Diệm, thuộc Hội Thừa sai Việt Nam, người bạn tu cùng thời xưa ở Phát Diệm, gửi cho tôi

Xin đọc bài : Nhớ vị mục tử nhân lành: Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo (1909-2001) – Giám mục Phát Diệm (phần 1)

Tôi muốn nói đến vài việc Đức Cha làm.

Đấy là những việc mà tôi nghĩ là ghi dấu cuộc đời mục vụ của ngài.

Tôi nghĩ để hiểu được những việc ấy và hiểu được tấm lòng mục tử của ngài thì trước nhất cần phải hiểu sơ qua hoàn cảnh lịch sử của Giáo phận Phát Diệm từ tháng 10 năm 1954 như thế nào.

THIẾU LINH MỤC VÀ CÁC LINH MỤC BỊ QUẢN CHẾ

Ai cũng biết những năm 1945-1954 Phát Diệm là an toàn khu của người quốc gia trước họa cộng sản.

Và vì thế ai cũng biết khi hiệp định Genève được ký kết, Phát Diệm là một trong những nơi có tỷ lệ linh mục và giáo dân di cư cao nhất Miền Bắc.

Dù cộng sản có nói đông nói tây gì đi nữa để chỉ trích các cha và các giáo dân di cư thì thực tế cho thấy đấy là một chọn lựa rất đúng đắn và khôn ngoan.

Ai nghe lời tuyên truyền của cộng sản mà ở lại Miền Bắc là dại dột và đã phải trả giá rất đắt.

Theo ước tính của tôi có lẽ đến ¾ số linh mục và 2/3 số giáo dân Phát Diệm hồi năm 1954 đã rời khỏi quê hương, di cư vào Miền Nam để tránh họa cộng sản.

Riêng làng Phúc Nhạc quê tôi số giáo dân di cư khoảng ¾ và số ở lại chỉ còn khoảng 1/4.

Nếu không bị cộng sản tuyên truyền và ngăn chặn thì có lẽ số người di cư còn nhiều nữa. (1)

Số giáo dân ở lại của cả Giáo Phận có lẽ chưa được 50 nghìn và số các cha ở lại chỉ còn khoảng 30 chục trong đó có nhiều vị lớn tuổi.

Số giáo dân ở lại phần lớn là những người nghèo khổ, ít học, nặng tình với quê hương và chẳng còn gì để mất.

Tuy nhiên, sau đó, số giáo dân đông lại dần nhờ các thế hệ mới được sinh ra, nhưng số các cha thì cứ vơi dần đi.

Nạn thiếu linh mục trở nên trầm trọng. Nguyên do: cha chết bệnh, cha chết già, cha đi tù, cha bị quản chế, trong khi chủng viện bị đóng cửa và vì thế không có các tân chức bổ sung.

Từ năm 1954 đến năm 1980 cộng sản chỉ cho truyền chức được 2 cha (Quỳnh & Phúc) và đến năm 1982 được 2 vị nữa (Hải & Lãm). Thế rồi thôi! Mãi đến năm 1995 mới được 7 cha nữa. Vì thế suốt mấy chục năm số linh mục của cả Giáo Phận chỉ có chừng 10 cha.

Năm 1989 lúc tôi rời Miền Bắc để vào Sài Gòn tu học thì Giáo phận Phát Diệm chính thức chỉ còn 9 cha: Trình-Sỹ-Thiều-Vọng-Tường-Quỳnh-Phúc-Hải-Lãm.

Đã ít thì chớ lại không được tự do làm việc. Tôi nhớ lúc tôi ở nhà thì có cha Thiều và cha Phúc đang bị nhà nước quản chế thân thể.

Các cha khác không bị quản chế thân thể thì cũng bị quản chế mục vụ: các ngài chỉ được làm lễ ở nhà thờ nơi mình cư trú, nếu đến làm lễ ở nhà thờ ở xã huyện khác phải có phép của nhà cầm quyền. Phép này xin được cũng rất nhiêu khê.

ĐỨC CHA CŨNG BỊ QUẢN CHẾ

Bản thân Đức Cha Bùi Chu Tạo lúc đó cũng ở trong tình trạng bị quản chế không tuyên bố. Nhiều lần ngài nói với tôi rằng: “Cha bây giờ như bị giam lỏng ở Nhà Chung này rồi!”

Ngài chỉ được phép ở Tòa Giám Mục và làm lễ tại Nhà thờ Chính Tòa. Ngài không được đến các giáo xứ. Dù chỉ đi thăm cũng không được chứ đừng nói là đi làm lễ.

Chính vì vậy, từ năm 1957 khi ngài rời Tam Châu để xuống Phát Diệm cho đến lúc tôi rời Miền Bắc năm 1989 chưa bao giờ ngài được trở lại giáo xứ Tam Châu quê hương.

Bố tôi kể năm 1959 lúc ngài được tấn phong Giám Mục ở Hà Nội, trên đường về Phát Diệm, giáo xứ có ra đường 10 đón rước ngài ghé qua thăm quê một lát, nhưng bị công an ngăn chặn.

Mãi đến năm 1991, tức 34 năm sau, ngài mới có thể trở về Tam Châu nơi ngài sinh ra, lớn lên và làm cha xứ. Dịp này ngài ở lại Tam Châu 1 tháng. Bố Mẹ tôi nói vậy.

Đối với ngài con đường từ Phát Diệm trở về Tam Châu chỉ 14 km vậy mà dài hơn và đi lâu hơn con đường từ Phát Diệm đến Hà Nội, Sài Gòn, Roma, Paris, Bonn.

NHÀ THỜ NHÀ XỨ BỊ CHIẾM DỤNG- RUỘNG ĐẤT BỊ TỊCH THU

Đấy là về nhân sự, còn về cơ sở vật chất thì hầu như giáo xứ nào trong Giáo Phận cũng bị mất đất mất nhà. Có nơi mất trắng. Có nơi nhà thờ bị đóng cửa. Có nơi bị xóa xổ.

Ngay tại Phúc Nhạc quê tôi, tôi thấy: Tòa nhà đồ sộ, có kiến trúc hiện đại và độc đáo của Tiểu Chủng viện bị chiếm dụng làm Trường Trung học Sư phạm Hà Nam Ninh và nay lại làm Trường PTTH Bán Công Nguyễn Duy Thanh.

Khu Vườn Muỗn, khu luyện tập thể dục thể thao của Tiểu chủng viện ở cạnh thôn tôi bị chiếm làm Trường Trung học Yên Khánh A.

Phần lớn nhà xứ Phúc Nhạc bị chiếm làm doanh trại quân đội. Một phần đất nhà thờ bị chiếm làm chợ búa và nhà ở. Ao nhà thờ thành ao HTX và Núi Thánh Giá giữa ao bị xâm phạm.

Nhà dòng MTG Phúc Nhạc bị chiếm làm cơ sở nấu dầu hương nhu và bạc hà. Khu trường học Thôn Phạm bị chiếm làm nơi dạy lớp vỡ lòng và lớp 1 và làm thành một phần sân kho đội 9. Tôi học lớp 1 ở đây.

Khu nhà thờ và trường học của Họ Thôn Đồng, quê bà Thánh Đê, bị biến thành chi nhánh bệnh viện huyện Kim Sơn. Giáo họ Phương Mai nằm ở làng bên bị xóa xổ.

Nhà xứ và trường học của giáo xứ Tam Châu quê tôi thành trường học mẫu giáo và lớp 1, etc. Đất đai và ao chuôm chung quanh nhà thờ bị HTX nông nghiệp chiếm dụng.

Tôi nhớ lúc ấy các giáo xứ ở vùng tôi giữ được nhà thờ đã là khó, còn giữ được đất đai quanh nhà thờ không bị chiếm dụng là rất hiếm. Giáo xứ Gia Lạc, bên cạnh giáo xứ tôi, bị nhà nước cho dân ngoại chiếm dụng làm ở cho tới sát tường nhà thờ.

Dọc đường đi từ Tam Châu đến Phát Diệm tôi thấy trên mặt quốc lộ 10: Nhà Dòng MTG Tôn Đạo bị biến thành sân kho HTX và sau đó thành trường học. Nhà thờ Đức Bà HCG ở chỗ Hướng Đạo bị chiếm làm kho HTX chiếu cói.

Ngay khu vực quanh Nhà thờ Chính Tòa tôi thấy: Đại chủng viện Thượng Kiệm bị chiếm làm trường Trung học Bổ túc Văn hóa. Nhà của các cố Bỉ bị chiếm làm Đài truyền thanh huyện Kim Sơn. Trường Trung học Trần Lục bị chiếm làm Trường Trung học Kim Sơn A …

Toàn bộ ruộng đất của Tòa Giám Mục và của các giáo xứ bị tịch thu.

Trong giờ lịch sử địa phương họ đấu tố Giáo Hội trên các lớp học. Họ xuyên tạc, vu khống chụp mũ cho các đức cha và các cha đủ điều xấu xa. Họ dạy chúng tôi gọi Tòa Giám Mục là “Địa chủ nhà chung.”

Nhà thờ Chủng viện Phúc Nhạc nay vẫn còn đang bị chiếm dụng. Nhìn từ bên ngoài.

KIỂM SOÁT, BẮT BỚ , KỲ THỊ VÀ LOẠI TRỪ GIÁO DÂN

Toàn bộ người Công giáo bị giám sát, bị kiềm chế, bị bách hại đủ kiểu đủ cách.

Thí dụ tại giáo xứ Tam Châu nhỏ bé quê tôi: nhà nước đưa khoảng 20 chục gia đình ngoại đạo từ nơi khác đến ở trong các nhà đồng bào đi nam và thường đặt họ làm công an xã, công an xóm, làm đội trưởng đội sản xuất để kiềm soát người Công giáo. Tôi vẫn nhớ nhà nào và từ đâu tới. Sau này có một số gia đình dọn về quê cũ hoặc đi nơi khác.

Trắng trợn và thâm độc nhất là triệt hạ giới tinh hoa Công giáo.

Ai cũng biết năm 1954 về trước, Giáo phật Phát Diệm là một trong những trung tâm tinh thần lớn của Giáo Hội Việt Nam và là một trong những trung tâm trí thức của Miền Bắc, bởi vậy giáo dân thường có học hơn người ngoại đạo.

Đến năm 1954 phần lớn giới tinh hoa di cư, số ít còn ở lại thì phải vào tù.

Hầu hết những người có học, những người đạo đức, những người có ảnh hưởng, những người hay cộng tác với các cha trong việc phục vụ giáo xứ, nếu còn ở lại đều bị bắt đi tù.

Thí dụ tại làng Phúc Nhạc quê tôi: Thôn Tam Châu nhà tôi có Bác Antôn Vinh, bác họ tôi cũng là người đỡ đầu rửa tội cho tôi, bị cộng sản bắt đi tù, chỉ vì bác là người đạo đức và có học nhất giáo xứ Tam Châu.

Bên giáo họ Thôn Đỗ thuộc xứ Phúc Nhạc tôi biết có ông Trương Phương cũng là một người có học và có ảnh hưởng như vậy và cũng bị bắt đi tù. Tù hai lần.

Bên Họ Đức Bà có cha Vũ Quang Điện, là người có học nhất làng, dù chưa làm thầy, chưa chịu chức, cũng bị giám sát, bị bắt lao động “khổ sai” ở địa phương và rồi về sau năm 1973 cũng bị bắt đi tù lần 1 vì tội “công giáo, có học mà ở độc thân, lại hay giúp việc nhà thờ!” (2)

Trong khi đó, hiếm có người Công giáo nào có thể được học Trung học, vì từ năm lớp 1, cứ đầu năm là chủ nhiệm lớp đi điểm danh xem em nào trong lớp là Công giáo để ghi sổ theo dõi. Trước các kỳ thi học sinh giỏi cũng làm vậy!

Từ những năm cuối 1970 nếu người Công giáo có học xong được trung học cũng không thể vào đại học.

Ở giáo xứ Tam Châu quê tôi, mặc dù trường trung học đầu tiên của huyện nằm ngay bên cạnh, sớm trưa đều nghe tiếng trống trường, nhưng mãi đến năm 1977 mới có 2 giáo dân đầu tiên tốt nghiệp PTTH.

Người thứ nhất là chú Tuần, con của bà cô ruột tôi và người thức hai là anh Thành, con của bác ruột tôi, bác Trung. Nhưng cả hai đều không được vào đại học mà bị bắt đi lính ngay lập tức. Lính chống Tầu.

Người thứ ba trong giáo xứ tôi học xong trung học là anh Khanh, con bác tôi, bác Bản. Anh này học rất giỏi. Lúc còn đang học lớp 10 đã được tuyển thẳng vào Đại học Quân Y, nhưng lại không được đi vì lý lịch. Sau đó mấy thi vào Đại học đều đậu điểm rất cao, đủ điểm đi học ngoại quốc, theo quy định thời bấy giờ.

Thế nhưng anh vẫn phải ở nhà làm ruộng. Vì công an ghi trên lý lịch rằng “anh này có ông nội là ông Thư làm quản giáo ở nhà thờ Tam Châu và anh ông Thư là ông Long làm y sĩ cho “địch” và đã theo “địch” vào Nam.”

Thực ra anh bị oan. Vì ông nội của anh là ông Mâu. Ông Mâu chết thì bà nội tôi mới lấy ông nội tôi là ông Thư. Bố anh cùng mẹ khác cha với bố tôi.

Mãi đến năm 1983, anh ghi lý lịch là tôn giáo không, anh tuyên bố bỏ đạo, nhà nước mới để anh đi học Đại học Nông nghiệp 1 và anh đã bỏ đạo từ đó cho đến giờ!

Trường hợp như anh không phải là hiếm. Nhất là những người có học ít nhiều và có mong muốn tiến thân trong chế độ cộng sản.

Thế đấy!

Trí thưc công giáo cũ thì bị nhà nước sách nhiễu, kiểm soát, thậm chí bắt bớ, tù đầy. Trong khi đó, nhà nước kiềm chế không cho Công giáo có tầng lớp trí thức mới thành hình.

Bằng nhiều chính sách và biện pháp khác nhau trong từng lãnh vực, nhà nước từng bước loại trừ và tiêu diệt giới tinh hoa Công giáo.

Điều này khiến Giáo Hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc tồn tại và phát triển.

HTX NÔNG NGHIỆP: QUÁI VẬT TIÊU DIỆT CÔNG GIÁO

Những điều trên đây chưa phải là cái khiếp nhất.

Cái khiếp nhất, cái làm hại đời sống đạo nhất là chính sách HTX nông nghiệp-Theo tôi.

Lúc ấy người ta viết nhiều câu khẩu hiệu khác nhau để cổ động và tuyên truyền trên tường xây bao quanh Chủng viện Phúc Nhạc. Tôi đi học cấp 1 và cấp 2 qua lại hàng ngày nên còn nhớ nhiều câu.

Tôi thấy có câu này là tiêu biểu để giải thích tại sao HTX nông nghiệp là chính sách làm hại Giáo Hội nhiều nhất:

Anh Trời đi chỗ khác chơi
Để cho nông hội chúng tôi làm Trời!

Nông hội tức hội nông dân tập thể, tức hợp tác xã. HTX thay Trời. Cộng sản thay Trời! Kiêu ngạo đến thế là cùng!

Lúc ấy toàn thể ruộng đất, trâu bò ở quê tôi đều bị nhà nước xung công làm ruộng đất và phương tiện sản xuất của HTX.

Ở quê tôi lúc đầu là HTX bậc thấp, cấp thôn. Từ năm 1976 lại làm HTX bậc cao, cấp xã.

Kiểu gì thì người dân cũng phải làm ăn tập thể và làm việc theo giờ giấc là hiệu trống hay hiệu kẻng của HTX.

Bài ca ngợi “nông thôn mới” làm ăn tập thể in trong sách giáo khoa lớp 1 chúng tôi học thuở ấy có câu viết rằng:

Dập dìu cờ đỏ ven đê
Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn.

Bài đấy phản ảnh đúng khung cảnh làng quê tôi thời bấy giờ.

Điều mà hồi ấy nhà nước nghĩ là văn minh tiến bộ thì thực ra nó lại phản ảnh tính chất hà khắc, tàn bạo của chết độ cộng sản. Ai đọc tinh ý thì thấy làng quê thuở ấy giống như trại tập trung khổ sai đúng nghĩa.

Đầu thôn Tam Châu quê tôi là một điếm canh (chỗ nhà ông Chăm-anh Hợp bây giờ ) và cuối thôn một điếm canh (chỗ nhà chú Đóa-nhà ông Thung bây giờ).

Thôn có ba đội. Đội trên làm ruộng mầu. Đội dưới và đội ngoài làm ruộng dầm. Ai đội nào thì đầu giờ sớm chiều tập trung chỗ điếm ấy.

Đúng giờ làm việc, nghe tiếng kẻng, mọi người phải vội vàng ùa ra đồng làm việc theo khu vực đã được đội trưởng phân công theo nhóm, theo tổ. Nếu chậm trễ bị quy kết tội: cố tình phá hoại chính sách làm ăn lớn của Đảng và Nhà Nước là làm ăn tập thể. Nhẹ bị đánh, bị phạt, bị chửi; nặng bị bắt đi tù.

Hết giờ làm việc nghe tiếng kẻng phải mau chóng bỏ mọi sự mà về lại trong thôn. Ai chậm trễ bị công an xã, bị đội trưởng hay dân quân bắt quy cho tội: hết giờ làm việc mà còn cố tình nán lại ngoài đồng để giấu giếm và ăn cắp hoa mầu và vật tư nông nghiệp của HXT. Lúc ở đồng về hay bị dân quân và công an khám nhất. Nhẹ bị đánh, bị phạt, bị chửi; nặng bị bắt đi tù

Vì thế mỗi lần nghe hiệu kẻng tôi thấy người ta chạy ra chạy vào như chạy giặc! Đang cuốc dở nhát cũng vất cuốc tại chỗ chạy luôn. Cảnh đó từ khi giải tán HTX nông nghiệp không bao giờ tôi còn thấy ở đâu nữa!

Thực ra không chỉ thôn tôi vậy mà các thôn và các làng chung quanh cũng vậy.

Tôi nghĩ có lẽ hầu hết các thôn làng ở Miền Bắc thời làm ăn tập thể hóa xã hội chủ nghĩa đều vậy. Đều có điếm canh ở các lối ra vào làng. Đều phải làm việc theo hiệu trống hay hiệu kẻng. Đều bị kiểm soát gắt gao chuyện đi lại ra vào.

Vì vậy ai tự động bỏ làm việc ở đội sản xuất và đi ra khỏi làng không dễ, vì ở đâu cũng có điếm canh và ở đâu công an và dân quân mang kiếm hoặc súng trường đứng gác và họ đều cũng có quyền khám xét, tịch thu đồ đoàn, bắt bớ và đánh đập bất cứ ai ra vào.

Ai muốn đi xa là phải có giấy cho phép đi đường của chính quyền xã ký. Không phải giấy tạm vắng sau này!

Tôi thấy người dân bị buộc phải làm việc ở trên đồng ruộng và tất cả đều bị ngược đãi và đói khổ hơn nô lệ ở Tây Phương thời cổ đại như tôi biết.

Nói đến chỗ này tôi nhớ cha Vũ Quang Điện từ lúc còn trẻ, từ lúc chưa làm thầy đã bị nhà nước quy là lao động loại A vì không có vợ và vì thế họ chia cho phần việc nhiều hơn người khác. Họ cố ý bắt ngài làm việc nhiều để ngài không có thời gian đi giúp việc nhà thờ.

Thiếu nhi cũng không được tha. Đây là “thơ” chúng tôi buộc phải học thuộc ở trường, phản ánh một phần công việc của thiếu nhi chúng tôi bấy giờ:

Chim di đi nhặt thóc vàng
Thóc đâu chẳng thấy, thấy đoàn thiếu nhi
Trống cờ biểu ngữ theo đi
Tìm bông lúa chín đem về nhập kho…

Thiếu nhi có nhiều việc phải làm. Ông HCM nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Thế là chúng tôi phải làm “kế hoạch nhỏ” các kiểu mà mấy câu trên đây có đề cập đến hai việc: phất cờ đánh trống cổ động và đi mót lúa rơi vãi trên cánh đồng của HTX.

Giờ nghĩ lại tôi thấy các kiểu kế hoạch nhỏ mà chính quyền và nhà trường bắt chúng tôi làm là những hình thức bóc lột và khai thác lao động thiếu nhi chúng tôi một cách dã man, vô nhân đạo. Nếu ở bên Tây Phương thì các cán bộ bi truy tố về tội cưỡng bức lạo động trẻ em từ lâu rồi!

Liên quan đến việc cổ động, tôi nghe cán bộ nói với xã viên rằng bây giờ trong chế độ mới, mình đi làm sướng hơn trong chế độ cũ: vì mình làm dưới ruộng còn được người trên bờ phất cờ đánh trống, hát hò, hô khẩu hiệu cho mình thêm vui thêm khỏe!

Mẹ kiếp miệng lưỡi cộng sản!

Thế đấy! Mọi người phải đi làm HTX. Trẻ không tha thì già cũng không thương. Tôi thấy những người già trong xóm tôi, phải vào hội phụ lão, phải đi trồng cây, đi đổ đất san lấp mặt đường, phải đi quét lúa rụng trên bờ đê hay đường đi, chỗ người ta chất các bó lúa để đợi chở về sân kho hợp tác. Nhóm các cụ quét lúa rụng ở đội nhà tôi, tôi nhớ còn có bà cụ Hân, bà cụ Nhật, bà cụ Phượng, bà cụ Tuyên. Nay các cụ đã chết cả.

Xã viên trong HXT thì ban ngày phải đi làm, đến tối đi họp tổ, họp đội để bình bầu và để bàn kế hoạch sản xuất cho hôm sau.

Đang lúc mùa vụ mà đến nhà thờ đọc kinh, hay đến nơi có cha để đi lễ là một tội lớn. Nhẹ nhất cũng bị phê bình khi họp đội. Bị trừ điểm và không được chia thóc khi đến mùa!

Ai dạy giáo lý có thể bị bắt. Ai đánh chuông để giáo dân tụ họp đọc kinh có thể bị bắt! Ai tổ chức các sinh hoạt tôn giáo như ca đoàn, hội kèn, hội trống có thể bị bắt và tịch thu kèn trống! Nhẹ cũng bị sách nhiễu và đe dọa đủ đường!

Vì khi anh làm những việc trên tức là anh đã phạm tội làm “ảnh hưởng” tới sản xuất và “ảnh hưởng” tới năng xuất lao động của HTX. Anh là tài sản của HXT nếu chúa nhật không làm việc thì anh phải nghỉ ngơi, nếu anh lại đi lễ đi nhà thờ thì anh mệt và sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động của HTX.

Cán bộ lý luận và nói với giáo dân vậy đấy!

Bằng mọi cách nhà nước cộng sản tìm cách ngăn cản các sinh hoạt đạo nghĩa trong ngoài nhà thờ và ngăn chặn giáo dân liên lạc với các giám mục, linh mục.

Họ muốn tách cá ra khỏi nước!

Họ muốn Giáo Hội chết dần.

Nhà nước làm vậy giáo dân mấy người dám đi và còn thời gian đâu để đi đọc kinh ở nhà thờ làng và đi lễ ở các nhà thờ nơi có cha?

Nếu những lúc giáp hạt, giáo dân rảnh được tý, muốn đi lễ ở những nơi có cha cũng không dễ, vì thiếu phương tiện đi lại. Cả thôn chỉ có vài nhà có xe đạp. Vì vậy số người đến được nơi có cha để đi lễ ở thôn tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay và năm được vài lần.

Tuy nhiên, còn một hình thức rất tinh vi khác để tuyên truyền, tẩy não và khủng bố giáo dân cũng như giữ chân họ tại làng quê vào những lúc hết việc đồng áng là việc học tập chính trị.

Không biết ở các xã khác thế nào, tại làng tôi năm nào việc học chính trị cũng được tổ chức ở cấp thôn.

Tại thôn tôi, các cán bộ chính trị từ huyện tỉnh về tập trung các xã viên ngay trong nhà xứ để tuyên truyền chính sách chủ trương của nhà nước. Mỗi nhà phải cử một người lớn tham dự rồi về truyền đạt lại. Nhà nào vắng bị phạt.

Cũng trong các dịp này những người nhà nước quy tội, nặng nhẹ từ khiển trách đến bị đi tù, đều bị đưa ra kiểm điểm trước cán bộ và mọi người trong thôn. Đường sự phải ngồi đấy nghe cán bộ và mọi người đấu tố. Cuối cùng đượng sự phải tự đọc bản nhận tội: Tôi nhớ cảnh trong một buổi học tập tại nhà xứ bác An con ông Trùm Trứ ở họ Phúc Nguyên đã phải lên đọc rằng:

“Tôi đã vi phạm chủ trương chính sách của nhà nước, tôi đã phạm tội đi thổi kèn Tây cho đám ma mà không được phép của chính quyền; tôi đã phạm tội làm thịt con lợn bị bệnh chết của nhà tôi mà không báo cáo xin phép chính quyền…”

Về sau khi đã đi tù về, tôi thấy bác An, bác Mong và anh em con cháu đều chạy vào vùng Cây Gáo trong Đồng Nai sinh sống. Hai bác đấy là chủ chốt của ban kèn đồng ở Tam Châu quê tôi. Từ lúc hai bác đi ban kèn đồng tan rã và mãi đến lúc này tôi nghe nói mới đang bắt đầu khôi phục lại.

Trong khi đó tại nhà thờ nơi không có các cha coi sóc thì việc bị đóng cửa là khá phổ biến. Đóng cửa thường xuyên hay từng lúc. Tùy mỗi nhà thờ. Tùy vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhà thờ họ cũng như nhà thờ xứ.

Việc tổ chức các sinh hoạt khác ngoài đọc kinh chung là rất hiếm và rất khó khăn, nguy hiểm.

Lúc đó nhà thờ cũng không có các hội đoàn. Công an ghét nhất và sợ nhất các từ “đoàn” và “hội”, “đạo binh”, “nghĩa binh”.

Vì thế ở quê tôi về sau khi từng bước đấu tranh tái lập được mấy hội đoàn thì cũng phải thay đổi cách gọi tên: gọi là “ban hát” thay vì “ca đoàn”, “đội trống” thay vì “hội trống”, “ban kèn” thay vì “hội kèn”, “các em thiếu nhi dâng hoa” thay vì “hội dâng hoa”.

Nhưng không phải được tự do tập dượt đâu. Ca đoàn tập hát bị công an đuổi như đuổi gà.

Giữa những năm 80 mà tôi còn thấy các ông hội kèn giáo xứ Phúc Nhạc phải tập chay, nghĩa là tập thổi kèn mà không được thổi thành tiếng kẻo công an đến bắt. Mỗi ông giữ một cái kèn và giữ cẩn mật hơn là giữ đồ gia bảo thiêng liêng.

Thế đấy! Con quái vật HTX nông nghiệp phát triển, không những giáo dân khổ mà các nhà thờ nhà xứ cũng bị mất nhiều vì bị HTX chiếm dụng làm sân kho. Sân phơi thóc lúa hoa màu và kho chứa sản phẩm và vật tư. Đời sống đạo chỉ dễ thở hơn khi chính sách HTX nông nghiệp bị phá sản những năm sau này.

Còn nữa!

MỘT KIỂU PHÂN SÁP CÔNG GIÁO CỦA THỜI CỘNG SẢN

Lạ một cái là làng tôi dân di cư nhiều, đất khi ấy còn rộng, thôn tôi vẫn còn nhà bỏ không, vậy mà họ vẫn đưa thanh niên Công giáo đi khỏi làng. Đi “xây dựng kinh tế mới”.

Đi đến những vùng rừng thiêng nước độc, không có nhà thờ, thậm chí không có nước ngọt. Cụ thể người vùng tôi thường bị đưa đến Ngọc Hiển ở Cà Mau và Cổng Trời ở Hoàng Liên Sơn, cực Nam và cực Bắc tổ quốc.

Huyện Kim Sơn và Yên Khánh quê tôi bao nhiêu giáo dân phải đi như vậy? Tôi không biết. Tuy nhiên, tôi thấy ngay trong làng tôi, trong thôn tôi, toàn người Công giáo phải đi, trong số đó có cô Mười, em út bố tôi bị đưa vào Cà Mau, trong khi cậu Ất, em trai mẹ tôi bị đưa lên Cổng Trời, Hoàng Liên Sơn. Rồi cả cô tôi và cậu tôi cũng lại lập gia đình với người công giáo khác gặp nhau ở chốn lưu đầy kia!

Toàn công giáo cả! Không thấy người ngoại giáo!

Đấy thực sự là một kiểu phân sáp người Công giáo vậy!

Không đi có được không? Các bạn không hiểu thời HXT rồi! Không đi, ở nhà họ cắt hộ khẩu. Họ gạch tên trong sổ xã viên. Họ không cho bạn tham gia lao động ở HTX. Bạn hết đường sống! Họ nắm dạ dày bạn rồi! Họ còn cô lập bạn. Họ bêu rếu tên bạn trên loa truyền thanh của HTX. Họ sách nhiễu và áp lực cả gia đình bạn. Cuối cùng họ bắt bạn đi lao động kỷ luật! Không đi không xong với họ!

Họ bách hại đạo trắng trợn vậy. Thanh niên công giáo phải đi khỏi làng! Hết đợt đi kinh tế mới này đến đợt kinh tế mới khác! Hết công trường này đến công trường kia!

MỘT SỐ GIÁO DÂN VÀ LINH MỤC THEO CỘNG SẢN

Cộng sản còn tìm cách đánh phá Giáo Hội từ bên trong.

Nhà nước cộng sản đã dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc cách nào đấy khiến cho có một số giáo dân và linh mục công khai làm Giuđa bán Chúa, bán anh em.

Đó là một số giáo dân làm tai sai cho cộng sản. Số này rất hung hăng. Ngay tại thôn quê tôi, tôi cũng thấy có 2 người, trong đó có một người còn kéo cả vợ con bỏ đạo và đến chết vẫn không sám hối.

Đó là một số cha vì lý do nào đó đã làm tay chân cho cộng sản, đi theo đường lối của cộng sản để làm hại Giáo Hội.

Trong số khoảng 30 chục cha còn lại của Giáo phận Phát Diệm đã có 2 cha đi theo cộng sản, gia nhập Ủy ban Liên lạc Công Giáo Yêu Nước, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản, tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu Nước sau này, để chống phá Giáo Hội.

Đó là Cha Trinh và Cha Vịnh. Cha Vịnh từng làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam. Đức Cha đã treo chức hai cha này. Tuy nhiên với sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền cộng sản, bất chấp lệnh cấm của Đức Cha, Cha Trinh đã tự ý chiếm nhà thờ Phúc Nhạc và Cha Vịnh đã tự ý chiếm nhà thờ Ninh Bình.(3) Khi Nhà thờ Ninh Bình bị bỏ bom sập thì ngài về họ Chẹo bên dưới Ninh Bình.

…. …. ….

Tóm lại là tôi thấy Công giáo ở vùng tôi thời bấy giờ thiếu linh mục, thiếu chủng sinh, thiếu giáo dân phục vụ, thiếu tiền, thiếu tự do, thừa đói khổ, thừa khủng bố, thừa chia rẽ, thừa bách hại, etc.

Toàn bộ hệ thống chính trị và toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa của cả xã hội được tổ chức theo kiểu cách nhằm tiêu diệt Giáo Hội dần dần.

Công giáo bị cộng sản coi là kẻ thù trực tiếp trước mắt phải triệt hạ! Không khí bách hại đạo lúc nào cũng hừng hực và mình có thể ngửi thấy mùi nó ở mọi nơi.

Trong Giáo Phận, Đức Cha là nạn nhân đầu tiên. Ngài ý thức rõ điều này và vì thế năm 1985 ngài giảng ở Nhà thờ Chính tòa rằng:

“Tuổi già của tôi ước mong có gậy chống, nào ngờ nhà nước bắt cha Phúc đi quản chế. Án thì cha Phúc nhận, CÒN ĐÒN THÌ CHỦ ĐÁNH VÀO TÔI!” (4)

Nhà nước cộng sản chủ ý đánh vào chủ chiên, đánh vào Đức cha Bùi Chu Tạo. Ngài nhận thức rõ điều ấy và ngài nói cho giáo dân biết điều ấy.

Vậy ngài đã làm thể nào để đương đầu với chính sách và các biện pháp bách hại tôn giáo toàn diện, thâm độc và có hệ thống trên đây của nhà cầm quyền cộng sản nhằm chăm sóc đoàn chiên và bảo vệ Giáo Hội?

Mời các bạn đọc tiếp phần 3.

Lm. Phê rô Nguyễn Văn Khải CSsR

(1) Đức Cha Bùi Chu Tạo có kể cho tôi việc cộng sản ngăn chặn di cư thế nào ở Phát Diệm. Đến năm 2004, lúc tượng đài Lý Thái Tổ ở gần bờ hồ Hòan Kiếm mới khánh thành, tôi ra dâng hương ngài thì gặp một cụ già trông phúc hậu. Hỏi ra tôi mới biết ông là cựu sĩ quan quân đội CS đã về hưu. Tôi hỏi sự nghiệp của ông, ông vui vẻ kể thành tích sau trận Điện Biên Phủ, ông về Phát Diệm và Phúc Nhạc để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống di cư. Qua lời ông tôi hiểu cụ thể hơn về những mánh khóe lừa dối thâm độc và đểu cáng của CS đã thực hiện tại Phát Diệm.

(2) Cha Giuse Vũ Quang Điện, người làng Phúc Nhạc là em con chú con bác với Đức cha Bùi Chu Tạo. Ông cố Niên thân phụ ngài là em ruột ông Cố Liên thân phụ Đức Cha Tạo. Tôi thấy Đức Cha Tạo khi nói chuyện trực tiếp với Cha Điện hay gọi ngài bằng “chú”. Ông Cố Niên hồi đầu thế kỷ XX khi làm giấy tờ đi ngoại quốc đã đổi từ họ Bùi sang họ Vũ. Cha Điện bị bắt đi tù hai lần tổng cộng11 năm. Không kể những lần bị bắt giam lẻ tẻ từ một vài ngày đến một vài tuần. Ngài là người đỡ đầu tôi và hướng dẫn tôi theo đường tu trì. Nay ngài còn sống, 80 tuổi, đang hưu trí ở họ Đạo Đức Bà, giáo xứ Phúc Nhạc. Tôi không được cộng sản cấp giấy cho đi tu, không cho truyền chức một phần cũng vì họ nói tôi – Nguyễn Văn Khải-“đã sinh ra trên vùng đất Phúc Nhạc phản động và là con của một ông cha phản động đã đi tù nhiều năm là linh mục Vũ Quang Điện”

(3) Đức Cha kể với tôi rằng ngài đã rút phép thông công hai cha “Liên lạc Công giáo Yêu Nước” này. Ngài cấm các cha làm lễ và cử hành các bí tích. Ai xem lễ hai cha này cũng bị vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, Đức Cha đã tha vạ cho hai cha này khi các ngài qua đời.

(4) X. Lm Phêrô Hồng Phúc, Mục Tử Nhân Lành, Chủ Chăn Thánh Thiện.

PS.

Tôi muốn những bạn nào còn đang ở Phúc Nhạc và Tam Châu hiện nay nên chuyển cho nhau đọc những dòng tôi viết này và nên tìm đến ông Trương Phương và cha Vũ Quang Điện là hai chứng nhân cũng là hai nạn nhân đáng kính, hiện vẫn còn đang sống để tìm hiểu thêm về lịch sử Giáo Hội tại làng quê mình.

Hãy tự hào mình là người Công giáo Phúc Nhạc. Không nên mặc cảm tự ti trước sự tấn công của hệ thống tuyên truyền của Cộng sản. Không nên để cộng sản xỏ mũi mình dắt đi bằng những giọng điệu xuyên tạc và chụp mũ Công giáo. Chúa nói: Sự thật sẽ giải thoát anh em.

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết