Diễn viên Benedict Cumberbatch (sinh năm 1976, đóng vai Sherlock Holmes trong bộ phim Sherlock của đài truyền hình BBC) nhận định: “Sự nổi tiếng là một điều kỳ dị. Bạn phải tách mình ra khỏi nó. Người ta thấy giá trị ở bạn mà chính bạn không thấy.”
Nổi tiếng và nhiều người biết là điều vừa giống nhau vừa khác nhau – có tốt, có xấu. Nổi tiếng là nhiều người biết khi nhân vật nào đó có tài đức, tự lực cánh sinh, hoạt động nghiêm túc chứ không lóm lém, trá hình; nổi tiếng dạng thấp hèn là người lấy của người khác làm của mình, cướp công sức của người khác, tạo ra xì-căng-đan (scandal – vụ bê bối). Dạng này có vẻ xuất hiện nhiều: các văn nghệ sĩ có tiếng mà không có miếng vì bất tài, chỉ lưu manh, “lượm lặt” của người khác và ráp nối một cách khiên cưỡng, các câu lạc bộ thơ nhạc chỉ tâng bốc nhau chứ chẳng có gì đáng hội họp. Thùng càng rỗng thì càng kêu to. Đời đã vậy mà đạo cũng thế, cỏ lùng lúc nào cũng nhiều, triệt chỗ này thì nó trồi chỗ khác, còn lúa trồng hoài không lại cỏ.
Vấn đề nổi cộm trên thế giới hiện nay là Joe Biden, được gọi là đắc cử TT. Chỉ mới vô Tòa Bạch Ốc được 2 ngày mà đã “gay gắt” với hội đồng giám mục Hoa Kỳ. Là người Công giáo mà ủng hộ phá thai thì thật là nguy hiểm. Ông ta “nổi tiếng” vài lĩnh vực, nhưng toàn là lĩnh vực xấu xa!
Có vẻ rất ư bình thường khi cuộc sống hằng ngày cứ trôi đi, trôi đi, châm mà nhanh… Thế nhưng vẫn có nhiều chuyện lạ với nhiều mức độ khác nhau. Người ta có “máu tò mò” nên thấy cái gì khác thường cũng nhìn ngó, bàn ra tán vào, thêm mắm dặm muối, gia vị nhiều hơn chất liệu chính. Thật đáng sợ! Ít có người đi đường mà không để ý mấy thứ vớ vẩn. Cũng vì lợi dụng tính hiếu kỳ thái quá của con người mà có những kẻ xấu đồn thổi những chuyện không đâu nhằm lừa bịp. Nhẹ dạ cả tin thì “chết” thôi. Nhưng người ta đâu có biết “sợ” là gì. Thế thì “chết” thật!
Thực sự có những thứ kỳ lạ thì người ta lại không để ý, vì cứ cho rằng đó là “tự nhiên.” Thật ra đó là một phép lạ lớn lao, lớn lắm, quen mà lạ, lạ mà quen: Không khí. Thật vậy, nếu thiếu không khí trong một khoảng thời gian rất ngắn thì người ta sẽ ngộp và… chết mà không còn chút hơi thừa để ngáp, mọi sinh vật khác cũng chung số phận như thế, kể cả coronavirus đang hoành hành trên thế giới suốt hơn một năm qua.
Ai cũng thích nổi tiếng, thế nên người ta thường nói nhiều để người khác chú ý, dù chẳng đáng gì giữa một đám tiệc – cưới hỏi hoặc dịp mừng gì đó, thậm chí kể cả ma chay. Giới thiệu nhau đôi khi cũng quá lời, gọi là nịnh hót – vừa nịnh vừa hót!
Có nhiều chuyện lạ phổ biến trong Kinh Thánh, đặc biệt là thời Cựu Ước. Một trong các chuyện lạ đó là sự xuất hiện của các ngôn sứ – tiên tri. Thiên Chúa đã cấm hành nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn, (Ðnl 18:10-11) thế mà con người vẫn nhiễm “máu” mê tín, dị đoan, ngay cả những người Công giáo ngày nay vẫn chưa “dứt” nổi kiểu mê tín này. Đó là máu hiếu kỳ, tính tò mò, chạy đua đi tìm… “sự lạ.” Thấy gì khác thường một chút đã cho là “phép lạ.” Đức tin còn ấu trĩ mà cứ tưởng là tín thác.
Kinh Thánh đã xác định: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.” (Ðnl 18:15) Điều đó xảy ra vì dân chúng đã xin với Đức Chúa tại núi Khôrếp, trong ngày đại hội. Họ chân thật cho biết: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.” (Ðnl 18:16)
Và chính Đức Chúa chứng thực: “Chúng nói phải.” (Ðnl 18:17) Rồi Ngài cam kết: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” (Ðnl 18:18-20) Bịa đặt hoặc cố chấp thì ai cũng sẽ bị trừng phạt, dù là người nói hoặc kẻ nghe.
Tháng ngày cứ đều đặn trôi qua, biết bao điều lạ mà người ta lại không cho là lạ, rồi cứ mơ tưởng “sự lạ” ở đâu đâu, chẳng khác chi là ảo tưởng, thích chuyện hão huyền. Cứng đầu cứng cổ thật chứ đâu khác gì dân Israel xưa. Vậy mà vẫn tự cho mình là “ngoan đạo.” Kể cũng “lạ” thật. Điều đó cho thấy con người rất háo danh, đến độ bất chấp. Đơn giản như những người nợ như chúa chổm, nhưng vẫn sĩ diện, mượn đầu heo nấu cháo rồi nổ bung ta-lông luôn!
Thực sự nhận biết các điều lạ xảy ra ngay bên mình hằng ngày nên Thánh Vịnh gia không thể im lặng, nên đã lên tiếng mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2) Không thể trì hoãn sự sung sướng đang trào dâng như bọt bia trào miệng ly vậy.
Là thụ tạo, chúng ta không chỉ phải chúc tụng Chúa mà còn phải thờ lạy Ngài, đó là bổn phận và trách nhiệm của tín nhân, những người luôn được Ngài không ngừng trao ban hồng ân mỗi ngày, đơn giản và cơ bản nhất là hơi thở – liên quan không khí và sự sống. Tục ngữ Việt Nam nói: “Ăn cây nào, rào cây nấy.” Đó là điều hoàn toàn hợp lý. Nhận lãnh thì phải biết ơn. Đồng thời còn phải mời gọi người khác cùng hành động: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7) Ước gì điều đó luôn được thực hiện với lòng thành kính của mỗi chúng ta để vinh danh Thiên Chúa.
Từ ngàn xưa, thấy dân chúng thoái hóa, lòng chai dạ đá, Thiên Chúa đã nhắc nhở: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9) Lời nhắc nhở đó cũng là mệnh lệnh. Chắc hẳn đó cũng là lời khuyến cáo dành cho mỗi chúng ta ngày nay, ngay thời điểm này.
Cuộc sống có nhiều dạng xơ cứng – với mức độ khác nhau. Xơ gan là một dạng ung thư bất trị, nhưng xơ cứng tâm linh còn nguy hiểm hơn, vì đó là dạng “ung thư tâm linh,” có thể bất trị cả đời này lẫn đời sau, nhưng nếu chịu điều trị thì lại khả dĩ chữa lành. Đó là một dạng “nổi tiếng” thực sự, nhưng thuộc dạng tiêu cực, xấu xa.
Đề cập một dạng lạ về tâm linh, Thánh Phaolô nói: “Tôi muốn anh chị em KHÔNG phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.” (1 Cr 7:32-34) Gọi là lạ nhưng lại không lạ chi cả. Họ vẫn là những con người bình thường như chúng ta, không có gì khác thường, nhưng không lạ mà lại lạ, bởi vì họ sống giữa đời thường mà lại không thuộc về đời thường, họ không bị hấp dẫn bởi sức hút nào khác ngoài sức hút của Thiên Chúa, họ là fan (người hâm mộ) của Thiên Chúa, vì Ngài quá nổi tiếng, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Đó là lời khuyên cụ thể và có thật chứ không mơ hồ hoặc dụ dỗ, chắc chắn rằng nếu không có ơn Chúa thì không thể hiểu được. Dĩ nhiên, tất cả đều là tự nguyện, không bắt buộc, và cũng không thể ép buộc. Thánh Phaolô giải thích: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (1 Cr 7:35) Rất chi tiết. Rất rạch ròi. Rất minh bạch. Và cũng rất chân thành. Sự thật nào cũng có thể làm người khác được lòng hoặc mất lòng. Tùy.
Và như chúng ta đã biết, cuộc sống luôn có rất nhiều điều lạ – từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp, hoặc có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Bất cứ thời nào cũng thế, đất nước nào hoặc dân tộc nào cũng vậy. Bởi vì cũng là con người cả thôi, tính hiếu kỳ luôn chực chờ “nổi dậy.” Nhưng người ta phải lưu ý rằng có điều lạ tốt và cũng có điều lạ xấu. Chúa Giêsu giáng sinh làm người, chịu chết trên Thập Giá, rồi phục sinh vinh quang. Các sự kiện đó vô cùng kỳ lạ, lạ hơn mọi thứ lạ khác. Các bí tích cũng toàn là những chuyện lạ. Cả đời chúng ta chứng kiến biết bao chuyện lạ, nói đúng ra là phép lạ. Chúng ta có thể “nổi tiếng” nếu tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chúng ta nổi tiếng nhờ Danh Thánh Giêsu. Vô cùng kỳ lạ!
Trình thuật Mc 1:21-28 cho biết rằng Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Hôm đó là ngày sa-bát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài. Họ sửng sốt vì thấy quá đỗi lạ lùng. Tại sao? Vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Đó là sự nổi tiếng tốt lành.
Và rồi người ta cứ từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ngay lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế nhập và la toáng lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24) Còn hơn cả sự lạ lùng, chắc hẳn mọi người càng ngạc nhiên hơn. Nó không phải quỷ thường, mà là quỷ ô uế, nó biết rõ Ông Giêsu là ai, bởi vì Ngài quá nổi tiếng.
Chúa Giêsu quát mắng nó, bắt nó câm miệng và buộc nó phải xuất ra khỏi nạn nhân. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Nạn nhân được tự do, thoát khỏi nanh vuốt kìm kẹp của ma quỷ, đó là nhờ quyền phép của Đức Giêsu, Con-Thiên-Chúa-làm-người, Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta, Đấng VIP của mọi thụ tạo – kể cả giới vô thần và ma quỷ.
Thấy vậy, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1:27) Không lạ sao được khi mà người ta mục kích sở thị chứ chẳng phải nghe đồn hoặc truyền khẩu. Tiếng lành đồn xa. Lập tức danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê. Xưa thế nào thì nay cũng vậy. Chúa Giêsu thực sự nổi tiếng, vì thế mà người ta ghét cay ghét đắng, ghét cả những ai sống theo giáo huấn của Ngài.
Lạy Thiên Chúa, chúng con không cần gì khác ngoài Ngài. Có Ngài là có tất cả, mất Ngài là trắng tay và trắng đời. Xin giúp chúng con phân định đúng – sai trong mớ hổ lốn “sự lạ” giữa cuộc đời này, để chúng con tin và hành động. Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ giữa xã hội nhiễu nhương ngày nay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Thông điệp biết ơn Thiên Chúa, đoàn kết quốc gia của TT Trump Ngày Lễ Tạ Ơn
- Tin khẩn: Làm thẻ linh Mục giả đi lừa đảo và xin tiền nhiều nơi.
- Thánh Lễ: Chúa Nhật III Mùa Chay – Chủ sự Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, tại TTHH Đưc Mẹ Măng Đen
- Tài khoản Twitter của ĐGH Phanxicô có gần 50 triệu người theo dõi
- Ý Nghĩa của Tam Nhật Thánh
- Những Người Được Chúa Cho Sống Lại
- 3 điều kiện để được rước lễ