Phụ nữ ‘phải chống chủ nghĩa giáo sĩ trị để chữa lành Giáo hội’

Tờ báo Vatican nói những hủ tục đang cản trở tiếng nói phụ nữ được nghe thấy

Đức Thánh cha Phanxicô hội kiến các nữ tu trong cuộc tiếp kiến chung hàng tuần tại hội trường Phaolô VI hôm 22-8 ở Vatican. Ảnh: Vincenzo Pinto/AFP

Trước những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục hiện nay, chủ nghĩa giáo sĩ trị và nhu cầu cải tổ, phụ nữ Công giáo cần phải tiên phong và làm cho tiếng nói của mình được mọi người nghe thấy, theo một loạt bài báo trên tạp chí Vatican.

Ấn bản tháng 10 của tờ Women Church World, phát hành ngày 1-10, cùng với tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican, dành số ra hàng tháng của mình cho chủ đề “Phụ nữ đương đầu với cuộc khủng hoảng của Giáo hội”.

“Chúng tôi muốn thể hiện tư duy phê phán theo quan điểm của phụ nữ”, Lucetta Scaraffia, giám đốc tạp chí, viết trong bài mở đầu.

Bài báo đầu tiên có tựa “Cơn giận của Chúa” là một dạng bài phỏng vấn với nữ tu Veronique Margron, nhà thần học luân lý làm việc với các nạn nhân bị lạm dụng, là chủ tịch Hội đồng Tu sĩ ở Pháp và là bề trên tỉnh dòng Nữ tử Bác ái Đa Minh.

Sơ nói một nhân tố chính đằng sau omerta hay văn hóa im lặng trong Giáo hội nằm ở chỗ Giáo hội thường xem mình là một gia đình, nên khi xảy ra các vụ lạm dụng tình dục, “có những hậu quả tai hại”.

Hình ảnh gia đình có ý miêu tả nét đẹp của sự chăm sóc và yêu thương nhau dành cho mỗi thành viên, sơ giải thích. Tuy nhiên, giống như khi nạn lạm dụng xảy ra trong gia đình, vụ việc này hiếm khi được nói tới, và dùng các câu nói cảnh báo không được “vạch áo cho người xem lưng”.

Tức giận hay đau buồn về nạn lạm dụng thôi thì chưa đủ, sơ nói. “Can đảm là một đức tính tốt” và cần có để thuyết phục mọi người làm một việc gì đó về những gì họ nghe và biết.

“Cần có một cơn giận của Chúa”, sơ nói, cũng như một sự nhận thức rõ ràng rằng “những khó khăn mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu chúng ta lên tiếng thì không là gì cả so với những gì nạn nhân đã phải chịu đựng”.

Sơ Margron nói về những vấn đề lạm quyền và lương tâm, vốn ảnh hưởng đến đàn ông và phụ nữ như nhau.

Một loại “môi trường chỉ trong nhóm” có thể ảnh hưởng đến cộng đồng tôn giáo, sơ nói; nó xuyên tạc và lạm dụng lời hứa vâng phục khi người này đặt người kia nằm dưới sự kiểm soát của mình.

“Khi bước vào đời sống tu trì, bạn tin tưởng và ít đề phòng, đây là một việc hết sức bình thường”. Đối với những người đã hiến dâng cuộc đời hoàn toàn cho Chúa, bất kỳ hành động lạm dụng nào đều “làm dấy lên cảm giác hết sức xấu hổ”, đến độ không thể nào nói đến chuyện đó được.

Đời sống Kitô hữu dựa trên đức tin, sự tin cậy và lời hứa, đó là lý do sự hoài nghi là “liều thuốc độc đối với cộng đồng. Điều thách thức đó là đề ra quy trình thực hiện và kiểm tra, chính xác là để bảo vệ chất lượng và sự đứng đắn” của các mối quan hệ.

Scaraffia, nhà sử học, viết trong bài báo “Thuyết nam nữ bình quyền và chủ nghĩa giáo sĩ trị” rằng phụ nữ cần được giao nhiều vai trò lãnh đạo hơn nếu tiếng nói của họ chưa từng được nghe thấy hay có trọng lượng.

“Đúng là phụ nữ, ngay cả những người biết vâng lời nhất, không thật sự cảm thấy thuộc về Giáo hội, nhưng bất quá là họ cảm thấy giống như những người con gái ngoan ngoãn”.

Nếu họ cảm thấy mình là thành viên được hoan nghênh, thì họ sẽ đấu tranh, dù nắm giữ vai trò gì đi nữa “bằng tất cả những vũ khí họ có, vốn không phải là những thứ tầm thường”, để Giáo hội đi theo giáo huấn của Chúa Kitô.

Nhưng chủ nghĩa giáo sĩ trị vẫn còn khi dân Chúa ngồi ở cửa đóng kín chờ được gọi vào.

“Đây là chủ nghĩa giáo sĩ trị mà những người Công giáo theo thuyết nam nữ bình quyền cần phải xóa bỏ vì điều kiện của phụ nữ trong Giáo hội chỉ thay đổi khi phụ nữ có can đảm tiến hành thay đổi từ bên dưới, bằng cách công khai chỉ trích nếu cần thiết, bằng những câu hỏi chưa từng được nêu lên”.

Do đó việc phụ nữ thường không có mặt trong ban lãnh đạo hay quá trình ra quyết định không phải do giáo điều hay giáo luật nhưng là do các hủ tục đã ăn sâu bén rễ lâu đời, bà nói.

Học giả Kinh Thánh người Pháp Anne-Marie Pelletier, đoạt Giải Ratzinger vì công lao đóng góp cho thần học, ủng hộ một Giáo hội được hướng dẫn bởi “hai tiếng nói” của tất cả đàn ông và phụ nữ. Năm 2017, Đức Thánh cha Phanxicô mời bà viết các bài suy niệm đi Đàng Thánh Giá.

Bà Pelletier viết, thuyết phục toàn dân Chúa tận tâm sống một cuộc đời hoán cải và thánh thiện “chính là liều thuốc trừ nọc độc của chủ nghĩa giáo sĩ trị đứng đằng sau các vụ lạm dụng quyền sai trái về đạo đức”.

Trong khi công nhận có nhiều phụ nữ “sẵn sàng chấp nhận các hành vi của giáo sĩ”, rất thường thì chính phụ nữ là người chứng kiến và trải nghiệm nạn lạm quyền trong Giáo hội, trong đó hàng giáo sĩ đa số là nam, bà viết.

Nữ tu hay nữ giáo dân “biết rất rõ là có cái nhìn ngạo mạn, trịch thượng, khinh miệt chằm chằm vào cách làm của họ” và hàng ngày họ trải qua một sự vâng phục được áp đặt bởi những người đàn ông với vẻ đố kỵ tự cho mình có “học thức và quyền cao chức trọng”.

Giáo hội cần hai tiếng nói, của đàn ông và phụ nữ, nếu Giáo hội muốn “tái khám phá năng lực truyền giáo đích thực là phục vụ” và để thay đổi thật sự xảy ra, bà viết.

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết