Chiếc khăn tay là một vật hết sức bình thường, ấy vậy mà dưới con mắt của kẻ đang yêu, nó lại mang ý nghĩa biểu tượng rất mạnh. Chiếc khăn tay tuy bé nhỏ nhưng chất chứa trong nó là cả một bầu trời yêu thương. Chẳng vậy mà ai đó đã từng ngân nga:
“Em về, anh mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên.”
Chẳng cần những vật phẩm xa hoa, chẳng cần những lời ong bay bướm lượn, một khi yêu nhau rồi thì trao cho nhau một kỉ vật đơn sơ thôi cũng đủ xoa dịu nỗi nhớ nhung của sự xa vắng.
Mà thôi, không chém gió chuyện tình yêu đôi lứa nữa vì lỡ có ai hỏi mình: “Đã có ai tặng khăn chưa mà tán phét như thật?” thì biết phải trả lời ra làm sao!
Thôi thì xin được kể lại dưới đây vài mẩu chuyện liên quan đến chiếc khăn tay. Dĩ nhiên, đây là những chuyện không dính bén gì đến cái gọi là “khăn thương nhớ ai”, nhưng là chuyện của tình mẫu tử và quan trọng hơn, ấy là chuyện của tình Chúa thương con.
Chuyện thứ nhất: Nhà Dòng chúng tôi có một tu sĩ được Giáo hội xếp vào bậc Thánh hiển tu. Ngài đơn sơ, chân thành và suốt đời chỉ làm thầy, ấy là Thánh Giê-ra-đô.
Trong một lần nọ, Giê-ra-đô đi thăm một gia đình giáo dân và để quên chiếc khăn tay. Đường xá xa xôi với lại chiếc khăn tay cũng đâu có giá trị gì lớn, vậy nên gia đình kia cất đi, đợi khi nào thầy Giê-ra-đô ghé qua thì gửi lại sau cũng được.
Rồi tình cờ, người con dâu trong gia đình này khi ấy đang mang thai thì bị rơi vào cảnh hiểm nghèo khi sinh nở. Lúc nguy kịch, người thiếu phụ này nhờ người nhà trao cho mình chiếc khăn của Giê-ra-đô vì đã biết đến hương thơm nhân đức của thầy.
Vậy là nhờ lời cầu nguyện và sự quan phòng của Thiên Chúa nơi chiếc khăn nhỏ bé đó mà hai mẹ con được sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.
Sau này, người ta in hình thánh Giê-ra-đô và nhờ các linh mục chúc lành. Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trong các kì Đại phúc luôn có nghi thức trao khăn cho các bà mẹ mang thai và cầu nguyện cho việc sinh nở được an toàn.
Chuyện thứ hai: Có một lần tôi được sai đi thực tập mục vụ tại một trại trẻ cơ nhỡ. Các em ở đây rất chi là tội nghiệp. Các em bị gia đình bỏ rơi đã đành, các em lại còn mang trong mình cái căn bệnh ác nghiệt mang tên “Hội chứng Down.” Có những em tuổi đời trên bốn mươi nhưng trí não thì như đứa bé .
Tôi được phân công đồng hành với một em tuổi khai sinh là mười sáu nhưng kì thực, nhận thức của em còn không bằng đứa bé 3 tuổi. Mắt em rất kém, nhìn không rõ, lại thêm bị câm, chỉ có thể ú ớ những âm thanh vô hồn mà thôi.
Những ngày ở cùng, tôi phát hiện ra em luôn cầm trên tay mình một chiếc khăn tay. Ngày nào cũng vậy, hễ thức giấc là em cầm lấy chiếc khăn. Em cứ vân vê, quay tròn và nghịch với chiếc khăn tay ấy cả ngày mà không biết chán. Nếu mấy đứa lớn nghịch ngợm giật lấy khăn thì em sẽ la hét như thể ai đó bị mất thứ gì vô cùng quí giá lắm. Có hôm em bị lạc mất khăn, tôi để ý em cứ luẩn quẩn chỗ phơi đồ để tìm cho được cái khăn kia.
Tôi thầm nghĩ, dường như ý niệm duy nhất trong bộ nhớ của em là chiếc khăn tay. Phải chăng đó là thứ mà mẹ em đã bỏ lại cho em trước khi rời xa em? Tôi không biết thế nào, nhưng có lẽ cái khăn là kỉ vật, là kí ức còn ghi dấu trong cái trí não thơ ngây kia!
Cũng tạ ơn Chúa vì em đã được nhà Dòng kia chăm lo cho chứ không thì ai biết cuộc đời em sẽ đi về đâu?.
Sau tuần thực tập ấy, tôi có một cảm nghiệm mạnh mẽ: Quả thật, lời Chúa đã ứng nghiệm nơi em bé này: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi chăng nữa, ta cũng chẳng bỏ rơi con đâu!”
Đấy, chuyện cái khăn tưởng đơn giản mà không hề đơn giản. Chợt sờ vào trong túi, và nhận ra: Chưa có ai tặng khăn cho mình thì phải? Thế là cười thầm và tự nhủ: Có Chúa là đủ rồi.
Duc Trung Vu, C.Ss.R
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tin buồ.n: Nữ Tu Anna Nguyễn Thị Kính – Tỉnh Dòng Phan Sinh Đức Mẹ Việt Nam đã về với Chúa
- Xin ĐỪNG. Các bạn Công Giáo ơi! Nhớ nhé!
- Một người phụ nữ Việt Nam là thánh!
- Chúa Ơi ! Xin Thương đến Quê Hương của chúng con
- Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá
- Thư ngỏ xin giúp đỡ Nhà thờ Giáo xứ Thọ Vực bị cháy
- Nữ tu 116 tuổi – người nữ cao tuổi nhất châu Âu