Thái Hà (26.11.2016) – Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm Phụng Vụ, bao gồm khoảng thời gian bốn tuần trước lễ Giáng sinh, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và chấm dứt vào đêm trước lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12, lễ vọng Giáng Sinh).
Mùa Vọng, theo tiếng Việt nghĩa là “sự trông chờ”, “hy vọng”, “vọng”là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Giáo Hội dịch danh từ Hylạp παρουσία (“parousia” có nghĩa là “đến”) sang chữ Latinh là “Adventus” do động từ “advenire, nghĩa là đến”.
1. Lịch sử
Theo tiến trình lịch sử, Mùa Vọng có sau Mùa Chay và cũng kéo dài 6 tuần như Mùa Chay (vào thế kỷ thứ VI), cho đến khi Giáo Hoàng Grêgôriô I (thế kỷ 7) ấn định là 4 tuần, tượng trưng cho 4000 năm kể từ khi Adam và Eva phạm tội ăn trái cấm, cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Hoặc tượng trưng thời gian 40 năm, dân Do Thái lang thang trong sa mạc, trước khi được vào đất Hứa.
2. Ý nghĩa của Mùa Vọng
Mùa Vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sáng và hân hoan mong đợi” (Những quy luật tổng quát về năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 39).
Mùa Vọng chia làm hai giai đoạn tương ứng với hai ý nghĩa sau đây :
Giai đoạn thứ nhất bắt đầu Mùa Vọng, tức là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và kéo dài đến hết ngày 16 tháng 12. Ý nghĩa của giai đoạn này là hướng lòng trông đợi của người tín hữu vào ngày Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, tức ngày quang lâm, ngày tận thế.
Giai đoạn thứ hai kéo dài một tuần lễ, từ ngày 17 đến 24 tháng 12, nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng đại lễ Giáng Sinh, tức tưởng niệm biến cố Chúa Kitô đã ngự đến trần gian lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại.
Như vậy, Mùa Vọng mang hai ý nghĩa khác nhau, một nghĩa quay về quá khứ, tức chuẩn bị mừng biến cố Giáng Sinh lịch sử của Con Thiên Chúa, một biến cố làm chuyển đổi tất cả lịch sử nhân loại. Một ý nghĩa hướng về tương lai, tức chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón chờ Chúa Kitô trở lại trong quang lâm.
3. Nội dung các bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Vọng.
Các bài đọc Cựu Ước trích lại sách các ngôn sứ, nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Israel chuẩn bị đón nhận Ơn cứu độ.
Các bài đọc Thánh Thư cho thấy lời các ngôn sứ ấy được ứng nghiệm trong Đức Giêsu, và nhấn mạnh đến chiều kích trông đợi Đấng Cứu Thế đến lần thứ hai.
Các bài đọc Tin Mừng đề cập đến các chủ đề “tỉnh thức”, nhất là lời rao giảng chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế qua lời của Gioan Tẩy Giả, cụ thể lời kêu gọi : “Hãy dọn đường đón Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Các bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư các năm ABC, trích dẫn sự kiện truyền tin cho Đức Maria, thánh Giuse hay cuộc thăm viếng của Đức Maria.
4. Màu sắc của phụng vụ Mùa Vọng
Trong Mùa Vọng, bàn thờ, giảng đài, phủ khăn màu tím nhắc nhớ giáo dân ăn năn sám hối tội lỗi.
Màu lễ phục truyền thống của linh mục trong mùa này cũng là màu tím, nhưng vào Chúa Nhật thứ ba có thể sử dụng màu hồng và được gọi là “Chúa Nhật Hồng”, hay “Chúa Nhật vui mừng”(Gaudete Sunday), nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên… vì Chúa đang đến!
Bắt đầu Mùa Vọng, chúng ta bước từ năm phụng vụ này sang năm phụng vụ khác. Các ngày Chúa Nhật sau cùng của mùa Thường Niên hướng về sự quang lâm của Đức Giêsu, các ngày Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng vẫn giữ hướng đi đến ngày tận thế ấy. Cho nên không có sự gián đoạn giữa hai năm phụng vụ, cả hai mùa đã thật sự quay lại với việc Đức Giêsu quang lâm trong vinh quang.
Như thế, chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu năm xưa, tuy nhiên, sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Chúa Giêsu trong tương lai. Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng ý nghĩa này, chính là gây ý thức nơi các tín hữu sống sứ điệp Giáng Sinh trong viễn tượng chờ đón Chúa trở lại trong vinh quang, hơn là chỉ kỷ niệm một biến cố lịch sử đơn thuần.
Giuse Khang Tiên
Nguồn: hoidongxitothanhgia.com
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Các Phéρ Lạ của Thánh Antôn Padua
- Đại Hội Thánh Mẫu dưới chân tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới
- Thánh tích của nhà thờ Đức Bà Paris được trưng bày lần 2 sau hỏa hoạn
- Cảm thấy lo lắng khi giao tiếp? Hãy hành động thế này như Chúa Giêsu
- Huấn luyện viên đội túc cầu quốc gia Croatia và cỗ tràng hạt
- Tại sao Chúa Giê-su quá đỗi buồn rầu xao xuyến trước cái chết?
- “Lòng tôi sao vẫn còn biên giới?”