Liên quan đến những tranh luận về chiếc Mặt Nhật có hình con rồng quấn quanh Thánh Thể được sử dụng trong một giờ Chầu Thánh Thể tại Việt Nam, chúng tôi gửi tới quý vị và các bạn loạt bài gồm 4 phần của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, thuộc Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Loạt bài này được đăng trên facebook cá nhân của cha Phêrô Nguyễn Văn Khải. Hiện cha Phêrô Khải đang du học tại Roma. Mong rằng, loạt bài viết của cha Phêrô Nguyễn Văn Khải sẽ giúp chúng ta hiểu hơn không chỉ về những thắc mắc liên quan đến hình con rồng trên chiếc Mặt Nhật mà còn một số kiến thức liên quan đến nghệ thuật Công giáo.
PHẦN 1
MẶT NHẬT CÓ HÌNH CON RỒNG: CÓ VẤN ĐỀ GÌ KHÔNG?
Bạn Mạnh Thường vừa nhắn tin hỏi:
“Con chào cha! Hôm qua trên Youtube của TGP Sài Gòn có giờ chầu Thánh Thể trực tuyến, chủ tế là cha Inhaxio Hồ Văn Xuân (Tổng đại diện và chánh xứ chính toà). Con thấy nhà thờ dùng Mặt nhật có hình con rồng, mọi người cũng thấy và hôm nay, mọi người bàn tán trên Fb. Con muốn hỏi cha rằng là Mặt nhật trang trí như vậy có vấn đề gì không ạ, và theo cha nhìn nhận như thế nào ạ?”
TRẢ LỜI
Anh Mạnh Thường mến
Cám ơn anh đã gửi cho tôi hình mặt nhật có hình con rồng và đã hỏi ý kiến tôi. Tôi trả lời anh ngay lập tức.
1. Việt Nam phân biệt con rồng và con mãng xà. Con rồng là linh vật và gắn với điều tốt đẹp nhất. Con mãng xà là quái vật thường gắn với việc ăn thịt người, như trong truyện Thạch Sanh.
Theo truyền thống văn hóa Á Đông, con rồng là biểu tượng của sức mạnh sáng tạo vũ trụ. Vì vậy trên các đình đền người ta hay tạc hay vẽ hình con rồng. Phổ biến là hình lưỡng long chầu nguyệt ( chầu mặt trăng), hay lưỡng long chầu nhật (chầu mặt trời), hay lưỡng long chầu lưỡng nghi ( hình tròn có biểu tượng âm dương) như ở Đền Ngọc Sơn trên hồ Hòan Kiếm, Hà Nội.
Con rồng cũng được lấy làm biểu tượng cho vương quyền. Vì vậy đi thăm hoàng thành Thăng Long, hay Thành Nội ở Huế mình hay thấy hình con rồng ở các lối vào các cung điện, hoặc trên ngai vàng và trên các chi tiết kiến trúc và trang trí khác trong cung điện.
Rồng cũng biểu tượng cho hạnh phúc và thịnh vượng, vì vậy ngày tết mình đi đâu cũng thấy các phong bao lì xì mầu đỏ hay mầu vàng in hình con rồng và trên các thỏi vàng người ta hay đúc hình con rồng; một hãng bánh đậu xanh nổi tiếng ở Hải Dương cũng lấy tên là Rồng Vàng và in hình trên bao bì.
Trong các đình đền người ta hay trang trí cảnh rồng chầu phượng múa.
2. Ngược lại, bên Tây Phương, từ vùng Trung Đông sang đến hết châu Âu, người ta coi con rồng và con mãng xà là một. Đây là một loại quái vật chuyên mưu hại người.
Kinh Thánh được hình thành tại vùng Trung Đông và vùng Tây Phương Địa Trung Hải, nên coi cũng coi con rồng là quái vật, biểu tượng cho thế lực sự dữ, cho Satan, chuyên chống Chúa và hại người.
Sách Sáng thế coi con rắn là là loài xảo quyệt, đã cám dỗ và lừa dối Eva nên Thiên Chúa đã phạt nó, coi nó đáng bị nguyền rủa nhất. Thiên Chúa nói: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3:13-15).
Sách Khải huyền mô tả con mãng xà là một thứ quái vật tàn sát và hủy diệt khủng khiếp: “Đó là một con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bẩy đầu và 10 sừng, trên bẩy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà…”(Kh 12:1-4).
Sách Khải huyền cũng mô tả trận giao chiến trên trời giữa Tổng lãnh Thiên Thần Micae với Con Mãng Xà. Tổng lãnh Thiên Thần Micae toàn thắng, “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó (Kh 12:7-10).
Trong tác phẩm Legenda Aurea ra đời thời Trung Cổ viết về hạnh các thánh có kể rằng ở thành Silena bên Libia có con rồng chuyên ăn thịt người. Lần kia đòi ăn thịt cả công chúa. Vua và dân đều khiếp sợ. Thánh Giorgio đi ngang qua thấy thế đã cầm thánh giá nhảy lên lung ngựa giao chiến với con rồng và đã giết được nó.
3. Truyền thống nghệ thuật Công giáo hình tượng con rồng thường gắn liền với các đoạn Kinh Thánh và sự tích trên đây.
Vì vậy người ta thấy rất nhiều tranh tượng vẽ Đức Mẹ đang đạp đầu con rắn, rất nhiều tranh tượng mô tả cảnh Tổng lãnh Thiên Thần Micae đang chiến đấu và chiến thắng Satan, rất nhiều tranh tượng vẽ cảnh thánh Giorgio chiến thắng con mãng xà.
Ai đi thăm đền Cha Thánh Pio Năm Dấu Đanh ở Rotondo bên Ý thì thấy phía sau bàn thờ, bên tay phải có một bức tường kính mầu rất lớn, vẽ cảnh ngày tận thế trong Sách Khải Huyền với con rồng 7 đầu, nhưng không có cảnh Chúa Kitô và Tổng lãnh Thiên Thần chiến thắng. Vì vậy bức tranh này bị nhiều người phê bình nghệ thuật nói là sai thần học và mang hơi hướm Tam Điểm.
Nói chung trong nghệ thuật Công giáo Tây Phương con rồng không có vị trí và vai trò tích cực nào. Con rồng là nhân vật phản diện, luôn đồng nghĩa với Satan xấu xa, tàn ác, mang sức mạnh hủy diệt và cuối cùng bị Thiên Chúa loại trừ.
Hình tượng con rồng không xuất hiện trên các tủ đựng y phục phụng vụ, trên áo lễ, khăn thánh, chén đĩa thánh, mặt nhật đặt Mình Thánh Chầu, khung ảnh, chân nến, vân vân. Trên bàn thờ thánh Giorgio, nếu có, thì con rồng cũng chỉ được vẽ hay tạc ở một diện tích rất nhỏ và đang ở thế chiến bại dưới chân ngài và chân ngựa.
4. Còn ở Việt Nam, trước đây tôi ở Miền Bắc tôi thấy hình con rồng được tạc trên đầu các cỗ kiệu.(Khá phổ biến).Tôi nghĩ có lẽ tổ tiên mình liên tưởng đến cảnh cưỡi rồng như trong truyền thuyết của vua Đinh Tiên Hoàng, nên bây giờ lấy rồng làm kiệu cho Chúa, Đức Mẹ và các thánh.
Tôi cũng thấy tạc hình con rồng trên các xe tang hay nhà mồ. Tôi liên tưởng linh hồn các cụ nhà ta đang cưỡi rồng về chầu Chúa. (Mà sao lại các cụ không tạc hình con hạc trên nhà mồ hay xe tang nhỉ? Theo ý tôi tạc con hạc ở đây có lẽ hay hơn)
Tôi cũng thấy có một số nơi tạc hình con rồng hai bên nhà tạm hoặc bao quanh khung ảnh tượng thánh. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ bắt chước cảnh rồng chầu phượng múa trong đình đền và bây giờ muốn con rồng chầu Chúa, chầu Đức Mẹ và các thánh trong nhà thờ.
Nhưng đây là lần đầu tôi thấy hình con rồng trên Mặt nhật đặt Mình Thánh Chúa.
Tôi cũng thấy bối rối và tôi nghĩ có lẽ người khác cũng bối rối như tôi.
Phải hiểu thế nào hình tượng con rồng ở đây?
Nếu hiểu con rồng trên mặt nhật Chầu Mình Thánh ở đây là biểu tượng cho Chúa Kitô, sức mạnh sáng tạo vũ trụ thì không chuẩn mấy. Vì đúng là Ngôi Hai Thiên Chúa có vai trò nào đấy trong việc sáng tạo, nhưng Ngài không là nguyên lý đầu tiên của việc sáng tạo. Truyền thống thần học Công giáo thường coi: Đức Chúa Cha sáng tạo, Đức Chúa Con cứu chuộc và Đức Chúa Thánh Thần thánh hóa.
Nếu hiểu con rồng ở đây là biểu tượng cho Chúa Kitô vua cũng không ổn. Vì trên thực tế theo design thì con rồng đã “nuốt” mất Mình Thánh Chúa tức là Chúa thật rồi. Cách design thể hiện vương quyền của con rồng hơn là vương quyền của Chúa Kitô. Hơn nữa truyền thống nghệ thuật Kitô giáo quen trình bầy Chúa Kitô vua với trái địa cầu trên tay có cắm cây thánh giá và với cây phương trượng chỉ huy biểu tượng cho uy quyền của ngài trên vũ trụ.
Nếu hiểu con rồng ở đây đang chầu Chúa Giêsu Thánh Thể thì cũng không ổn. Vì nhìn cách bài trí trên mặt nhật thì thấy trọn con rồng không ở tư thế phủ phục tôn thờ. Trái lại nó đang quấn quanh Thánh Thể, giống như con trăn đang quấn chặt con mồi, một cách đắc thắng, hoặc đang thỏa mãn vì đã nuốt con mồi vào trong bụng. Nếu là đang chầu Chúa thì phải là 2 con đang châu đầu vào Thánh Thể như thế lưỡng long chầu nhật thường thấy.
Nếu coi con rồng ở đây chỉ là yếu tố trang trí cũng không được. Nguyên tắc nghệ thuật chế tác mặt nhật là làm thế nào thì làm, nhưng khi đặt Mình Thành lên thì Mình Thánh hòa hợp với mặt nhật thành một thể thống nhất và khi chiêm ngưỡng thì người ta thấy Chúa đang hiện diện cách linh thiêng, huyền nhiệm, thấy tình thương và uy quyền của Chúa đang chiếu giãi ra cho người ta thấy được và cảm nhận được.
Còn như trường hợp các mặt nhật này, tôi nhìn vào thì thấy con rồng nổi nhất, thu hút nhất, và cũng vì vậy gây chia trí nhất. Điều này về phương diện tâm lý lại càng tệ hại hơn, vì một đàng từ trước tới nay giáo dân đã quen chiêm ngưỡng mặt nhật đang chiếu tỏa hào quang và đàng khác họ cũng đã quen nhìn con rồng bằng một hình ảnh tiêu cực theo quan niệm của thần học-Thánh Kinhvà nghệ thuật Công giáo rồi.
Tôi hiểu người đặt làm cái mặt nhật kia đã có ý thức trong việc hội nhập đức tin vào văn hóa. Vì vậy, liên quan đến ý tứ của mặt nhật, tác giả có những ý tưởng từ trước khi thực hiện và có thể giải thích ý nghĩa của hình tượng và các họa tiết trên mặt nhật theo quan điểm hội nhập văn hóa của họ.
Nhưng nếu là tôi thì tôi không design cái mặt nhật có hình con rồng như vậy.
Nếu có tôi cũng không dùng, vì tôi nghĩ Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo thì quan trọng hơn truyền thống văn hóa; và trong vấn đề hội nhập văn hóa thì chiều quan trọng là đức tin biến đổi văn hóa chứ không phải là đức tin phải chịu lụy văn hóa. Nhất là khi đó không phải là một yếu tố hay một biểu tượng căn bản và bất di bất dịch của văn hóa Việt Nam.
Một lần nữa cám ơn anh đã hỏi. Xin Chúa bảo vệ và gìn giữ anh khỏi họa Cúm Tầu. Xin Chúa cho anh Tuần Thánh sốt sắng và Lễ Phục sinh vui tươi./.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
PS. Có một số họa tiết tôi không nhìn rõ hoặc không thấy tôi không phân tích. Có một số họa tiết tôi nhìn thấy nhưng bỏ qua vì không cần phân tích trong phần trả lời này.
…………………………………
PHẦN 2
MẶT NHẬT CÓ HÌNH RỒNG : THÔNG TIN & GIẢI THÍCH
Thưa các bạn Công giáo đọc bài viết của tôi
Tôi không ngờ là câu trả lời vắn tắt của tôi cho bạn Mạnh Thường về cái mặt nhật có hình rồng lại được nhiều phản hồi như vậy. Tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm đóng góp ý kiến.
Ý kiến của các bạn cho tôi thấy rằng phần lớn các bạn là những người rất yêu Chúa và Giáo hội Công giáo. Tôi cảm phục tấm lòng của các bạn.
Bên cạnh đó, tôi cũng thấy có những ý kiến hoặc thiên về bên này hoặc thiên về bên kia một tý, chưa đúng với tinh thần của Tin mừng và chưa đúng với hướng dẫn của Giáo Hội.
Vì vậy, tôi thấy cần phải nói thêm với các bạn. Thấy sao nói vậy, hiểu gì nói nấy. Nói như những gì tôi đã được Giáo Hội hướng dẫn. Nói đúng lương tâm và trách nhiệm của một người phục vụ Tin mừng. Nói cách đơn giản hết sức có thể.
MẶT NHẬT THIÊN AN- HUẾ
Một cha hay một thầy từ Đan viện Thiên An có chụp hình gửi cho tôi một cái mặt nhật có hình rồng đang lưu giữ trong phòng truyền thống của Đan viện (Xin xem hình 1).
Cái mặt nhật của Đan viện Thiên An không biết được làm vào năm nào, nhưng có lẽ ra đời vào những năm 1934 đến 1945, tính từ khi vua Bảo Đại kết hôn với Hoàng Hậu Nam Phương cho đến khi Nhà Vua thoái vị.
Mặt nhật Thiên An trông cũ hơn mặt nhật Sài Gòn. Dưới cùng là bệ làm bằng gỗ sơn son hình lục lăng, có 2 con rồng đang châu đầu vào một vòng tròn viết chữ JHS là biểu tượng của Mình Thánh Chúa.
Phần đế tiếp theo, trông hơi tách biệt với phần bệ, là một khối liền hình bán cầu trông như cái bát úp phân chia thành 2 phần trên dưới bằng một đường vòng tròn mạ vàng, bên dưới có hai con vật, một trông như 2 con phượng cả hai đang châu đầu thờ Thánh Giá và Thánh Thể vẽ trên đế đối xứng với Thánh Thể thực ở phần trên.
Một thanh kim loại mạ vàng bên trên hai bên mỗi bên có 3 cái tai nhỏ bằng kim loại tỏa ra đỡ lấy phần chính của mặt nhật. Phần này là bên ngoài là một vòng tròng bằng vàng hay mạ vàng, bao lấy phần bên trong là con rồng đang mang Thánh Thể giữa hai đám mây.
Phần bệ và đế của mặt nhật có lẽ là mặt trước. Phần chính của mặt nhật, phần trên cùng, là hình ảnh chụp mặt sau của mặt nhật. Tôi biết là mặt sau vì thấy có cái khuy nhỏ đóng mở phần tâm nơi đặt Mình Thánh Chầu.
Nhờ biết xuất xứ của mặt nhật và từ những hình ảnh cơ bản trang trí ở phần bệ và đế, mặt nhật Thiên An như muốn nói rằng Nhà Vua và Hoàng Hậu đang thờ lạy Chúa Thánh Thể; hoặc cũng có thể nói rằng cả dân tộc Việt Nam đang thờ Chúa Thánh Thể mà Vua và Hoàng Hậu là đại diện.
Tuy nhiên hai ý này cũng có thể chỉ là ước vọng, vì khi mặt nhật được chế tác, vua Bảo Đại còn chưa rửa tội và phần lớn người Việt chưa phải là Công giáo.
MẶT NHẬT SÀI GÒN
Có bạn gửi đến cho tôi tấm hình mặt nhật đặt Mình Thánh Chầu ở nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn chụp được cả phần bệ mặt nhật và trên hình có ghi dòng chữ chú thích bên dưới rằng: “Con cháu Rồng Tiên đang Kết Hợp, Gắn Chặt với Bí Tích Thánh Thể”.
Tôi không biết xuất xứ cái mặt nhật của Sài Gòn. Có phải đấy là quà tặng của Hoàng Hậu Nam Phương tặng không? Không có ai đáng tin nói ra. Tuy nhiên khi so sánh thì tôi thấy nó mới hơn cái của Thiên An; bệ và đế của nó cũng được design khác cái của Thiên An (Xin xem hình 2).
Bệ mặt nhật cùng với chân đế hai tầng làm thành một thể thống nhất trông như một ngọn núi nhỏ ba tầng thu dần lên phía trên. Mặt trước của bệ có hai con rồng đang châu đầu vào nhau và tiếp theo đuôi hai con vật là hai vật trông như hai cái chén lễ. Không thấy cảnh hai con rồng và hai con phượng châu đầu thờ lạy Chúa Thánh Thể như cái của Thiên An.
Phần thân không phải là một thanh kim loại thẳng như mặt nhật Thiên An, nhưng là hai trái cầu nối tiếp nhau trông như hai trái nho vàng xếp chồng nhau. Bên trên là hình mặt nhật được design giống như mặt nhật Thiên An.
Đối với cái mặt nhật Sài Gòn, vì không biết rõ xuất xứ và vì không đủ thông tin cần thiết, nhất là không thấy sự xuất hiện của cặp phượng và không thấy cảnh thờ lạy Chúa của cặp rồng và cặp phượng, nên khó khăn hơn trong việc tìm hiểu thông điệp của mặt nhật.
Trên tấm hình tôi mới nhận được có dòng chữ mà người gửi ghi “Con cháu Rồng Tiên đang Kết Hợp, Gắn Chặt với Bí Tích Thánh Thể”. Có thể đây là chủ đề của mặt nhật theo giải thích của người gửi. Nội dung là một ý tưởng rất hay, rất đạo đức, nhưng có lẽ đó là ý áp đặt vào mặt nhật chứ không có cơ sở diễn giải từ mặt nhật.
Vì sao? Thứ nhất vì trong truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam rồng và phượng có thể đại diện cho cho vua và hoàng hậu,chứ không bao giờ là biểu tượng chỉ dân thường dù chúng ta là “con rồng cháu tiên”. Thứ hai, nếu coi là được đi chăng nữa thì lại thiếu yếu tố quy chiếu để diễn giải: ở đây chỉ có yếu tố rồng được thể hiện chứ không có yếu tố tiên.
Nếu coi cái của Sài Gòn cũng do Hoàng Hậu Nam Phương dâng tặng thì lại càng khó giải thích. Vì nếu là quà tặng của Hoàng Hậu tại sao lại không có biểu tượng hoàng hậu là con phượng đang chầu Thánh Thể trên mặt nhật giống như cái của Thiên An mà lại chỉ có hai con rồng bên dưới đế. Mà hai con này chỉ châu đầu vào nhau chứ không thờ chi cả.
Đối chiếu với mặt nhật Thiên An thì tôi nghĩ mặt nhật Sài Gòn có thể mới được làm sau này theo mẫu của Thiên An. Nếu không thì phải giải thích tại sao trông nó mới hơn cái mặt nhật Thiên An rất nhiều. Mới sơn lại chăng? Nhưng tại sao phần thân, đế và bệ lại có thiết kế và trang trí khác với mặt nhật Thiên An?
Chỉ trông qua hình và hình chỉ chụp có một phía nên mình khó có thể nói gì nhiều hơn về xuất xứ và ý nghĩa của mặt nhật Sài Gòn.
…………………………………..
(PHẦN 3)
MẶT NHẬT CÓ HÌNH RỒNG
BẢO HOÀNG HƠN VUA ? CÁC CON VẬT VÀ BIỂU TƯỢNG
HỘI NHẬP VĂN HÓA & DÙNG HÌNH TƯỢNG CON VẬT ĐỂ DIỄN TẢ ĐỨC TIN: PHẢN ĐỐI CÓ ĐÚNG KHÔNG?
Tôi muốn nói với các bạn chống lại việc dùng con rồng hay các con vật khác trong trang trí nhà thờ và các đồ phượng tự.
Tôi nói với các bạn Công giáo thôi. Các bạn khác tôi không nói, vì không cùng quan điểm đức tin, đặc biệt về vấn đề tôn kính ảnh tượng.
Thưa các bạn, đọc comments của các bạn suốt một buổi tối cho đến nửa đêm, tôi thấy hầu hết các bạn có đức tin mạnh mẽ và cảm thức đức tin rất chính xác. Tôi rất cảm phục các bạn.
Tuy nhiên, tôi thấy có những bạn có ý phản đối việc hội nhập văn hóa, phản đối việc dùng các con vật, đặc biệt con rồng trong việc diễn tả đức tin.
Cái đó không đúng tinh thần của Kinh Thánh và hướng dẫn của Giáo Hội vậy!
Xin các bạn bình tĩnh!
Chúng ta cần phải đi từ đầu để hiểu vấn đề.
1.TÔI THẤY CẦN PHẢI NHẮC LẠI VÀI XÁC TÍN VÀ HƯỚNG DẪN CỦA GIÁO HỘI VỀ VẤN ĐỀ HỘI NHẬP ĐỨC TIN VÀO VĂN HÓA
Giáo Hội coi Kinh Thánh là lời tình yêu Chúa gửi đến cho chúng ta trong lịch sử ở những nơi và những thời cụ thể.
Ai đọc Kinh Thánh cẩn thận cũng thấy rằng sứ điệp mạc khải của Thiên Chúa luôn được bao phủ bởi một lớp áo văn hóa mà nó không thể tách rời .
Các tác giả soạn Kinh Thánh đã tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa của thời đại họ để thuật lại công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử dân Hipri .
Hiến chế tín lý Dei Verbum nói rằng “những lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ của con người, đã được đồng hóa với ngôn ngữ của con người.”
Vì vậy, Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa nói “Kinh Thánh là nguyên mẫu của cuộc gặp gỡ sinh hoa kết quả giữa Lời Chúa và văn hóa”.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa siêu vượt thời gian và lịch sử, nhưng khi nhập thể làm người thì Ngài cũng thuộc về thời gian và lịch sử. Sự nhập thể Ngài cũng là sự nhập thể vào một nền văn hóa cụ thể.
Vì thế Ngài đã dùng những kiểu nói, những hình ảnh của văn hóa của thời bấy giờ để rao giảng tin mừng và bày tỏ cho chúng ta biết về Chúa Cha .
Rồi khi Giáo Hội được thành lập, từ Giêrusalem tiến trình hội nhập văn hóa bắt đầu một cách tự nhiên cùng với việc rao giảng Tin mừng và tiến trình này vươn tới tận cùng thế giới.
Giáo Hội hiểu “Sự hội nhập văn hóa là sự nhập thể của Tin Mừng trong các nền văn hóa bản địa và đồng thời đưa các nền văn hóa ấy đi vào đời sống của Giáo Hội.”
Giáo Hội tin rằng: “Nước Trời mà Tin mừng loan báo, được sống bởi những người gắn bó sâu sắc với một nền văn hóa và việc xây dựng Nước Trời không thể không sử dụng các yếu tố văn hóa của con người.” Tin mừng phải được loan báo trong ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc cụ thể.
Giáo Hội luôn xác tín đồng thời với việc tin mừng hóa các nền văn hóa, việc hội nhập đức tin vào văn hóa là một nhu cầu, vì thế “Giáo Hội tại mỗi địa phương được mời gọi trở nên bí tích của Chúa Kitô bằng xương bằng thịt của một nền văn hóa cụ thể”.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “những cái tốt trong các nền văn hóa có thể đóng vai trò trung gian tích cực trong viện diễn tả và phổ biến đức tin”
2. BÂY GIỜ CHÚNG TA XEM KINH THÁNH ĐÃ HỘI NHẬP VĂN HÓA THẾ NÀO, cách đặc biệt qua việc sử dụng hình ảnh các loài thú vật của những nơi mà Kinh Thánh được thành hình.
Trong văn hóa Trung Đông và Ai Cập người ta coi sư tử là biểu tượng của quyền lực. Thế nên sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh là sách Sáng thế đã dùng hình ảnh con sư tử để chỉ dòng họ Giuđa (St 49,9) tức là dân Do Thái ngày nay.
Vì con sư tử là biểu tượng của dòng họ Giuda cho nên mà ngày nay nếu bạn sang Giêrusalem hành hương, khi đi dạo trong khu thành cổ, có thể bạn tượng sư tử rất đẹp được dựng ở chỗ này chỗ khác.
Cũng trong văn hóa của vùng Trung Đông, con sư tử cũng được dùng như là một biểu tượng của quyền lực chiến thắng sự dữ. Thế nên cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, sách Khải huyền, đã nói đến con sư tử chiến thắng của Nhà Giuđa (Kh 5,5).
Ngày nay Giáo Hội hiểu con sư tử kia chính là Chúa Giêsu chiến thắng tử thần. Thế nên ngay chân cột Vatican với cây Thánh Giá Vinh quang nằm sừng sững giữa quảng trường Thánh Phêrô ở Roma có bốn con sư tử và trên mặt chính bệ cột có ghi rõ rằng bằng tiếng Latin rằng đây là con sư tử chiến thắng của dòng họ Giuđa.
Con sư tử với văn hóa Trung Đông cũng như con rồng đối với văn hóa Việt Nam vậy. Nếu bảo cấm dùng hình ảnh con rồng để diễn tả đức tin thì bạn cũng phải cấm các tác giả Kinh Thánh, cấm Giáo hội dùng hình ảnh con sư tử để diễn tả đức tin. Đúng không?
Tiếp theo, chúng ta thấy Thứ sáu Tuần Thánh tới đây phụng vụ đọc bài ca về người tôi tớ đau khổ. Ta thấy Ngôn sứ Isai ví Người Tôi Trung của Chúa nhưng con chiên hiền lành bị đem đi giết mà chẳng kêu ca; như con cừu câm nín khi bị xén lông mà không mở miệng (Is 53:6-7).
Con chiên kia chính là hình ảnh tiên trưng về Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Ngài. Về sau Thánh Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa. Rồi ngày nay Giáo Hội vẫn dùng hình cảnh con chiên để nói về Chúa Giêsu.
Ví thế mỗi chúng ta khi tham dự Thánh Lễ vẫn tuyên xưng: Lạy Chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian… Và chiều nay Thứ Năm Tuần Thánh, nhiều xứ đạo ở Bắc Việt vẫn làm con chiên bằng xôi trắng giã mịn trong Thánh Lễ rửa chân rồi sau đó giáo dân đem chia nhau ăn để tưởng niệm Chúa Lập Bí Tích Thánh Thể.
Rồi chúa nhật tới đây lại trưng cờ hoặc khăn bàn thờ có hình con chiên đang ôm hiệu kỳ chiến thắng, biểu tượng cho Chúa phục sinh, chiến thắng tử thần.
Trời đất ơi! Sao lại ví Chúa với con chiên? Sao lại bảo Chúa chính là con chiên? Mà sao con chiên lại xóa được tội người? Thật là phạm thượng và mê muội! Ấy thế mà được! Được hết! Chả có gì mê muội và phạm thượng ở đây cả!
Chúng ta không thấy vấn đề. Chúng ta chấp nhận được. Chúng ta không thấy sốc. Vì chúng ta nghe đã quen. Vì chúng ta đã ở trong truyền thống của Giáo Hội. Vì chúng ta đã hiểu ý nghĩa của biểu tượng. Thế thôi! Chứ người ngoài, nghe thấy sốc lắm!
Tôi lấy hai thí dụ thế thôi.
3. BÂY GIỜ CHÚNG TA XEM GIÁO HỘI ĐÃ DÙNG HÌNH ẢNH CÁC CON VẬT ĐỂ DIỄN TẢ ĐỨC TIN, ĐỂ CHỈ CHÚA HAY CÁC CÁC PHẨM TÍNH CỦA CHÚA THẾ NÀO
Một trong những biểu tượng đầu tiên Giáo Hội dùng là hình ảnh con cá. Tiếng Hy Lạp gọi con cá là IXTHYC (ichtùs). Đây là dạng viết tắt của các từ Iesùs Christòs Theòu Uiòs Sotèr, có nghĩa là Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.
Thấy thế các tín hữu thời đầu đã dùng con cá để chỉ Chúa Giêsu và các cuộc tập họp Thánh Thể. Thế nên muốn báo chỗ nào hôm nay có Thánh Lễ họ vẽ hình con cá và đánh mũi tên chỉ hướng đó. Thấy chưa? Rất đơn giản trong hình thức! Rất sâu sắc trong ý nghĩa! Rất hiệu quả trong truyền thông!
Bấy giờ người ngoại đạo thấy thế là kỳ cục và họ đã vẽ hình cá để chế nhạo người có đạo. Không sao! Người Công giáo vẫn sử dụng và lưu truyền và ngày nay hình con cá xuất hiện khắp nơi trong Giáo Hội, từ nhà thờ, bàn thờ, tượng đài đến áo lễ, khăn thánh, chén đĩa thánh, etc.
Chúng ta chẳng thấy có gì là phạm thánh ở đây cả. Vì đã hiểu nên thấy hay và vì nhìn lắm nên quen. Vì tin Chúa và yêu Chúa nên cái người khác thấy là kỳ dị thì mình vẫn thấy là hay, là đẹp, là tốt nhất để diễn tả niềm tin của mình và gửi một thông điệp đức tin cho người khác.
Trong tinh thần đó, việc dùng hình ảnh các con vật diễn tả đức tin, để biểu tượng cho Chúa Giêsu càng ngày càng phổ biến trong Giáo Hội.
Những biểu tượng liên quan đến các sách Tin mừng thuộc số những biểu tượng phổ biến nhất cho đến ngày nay. Bên cạnh việc dùng một chú bé để chỉ Tin mừng Mát thêu, thì Giáo Hội cũng lấy hình ảnh con bò để chỉ Tin mừng Luca, lấy hình ảnh con đại bàng để chỉ Tin mừng Gioan, lấy hình ảnh con sư tử để chỉ Tin mừng Marcô.
Nếu các bạn đi thăm các nhà thờ, nhất là nhà thờ chính tòa hay các vương cung thánh đường, các bạn để ý một tý thì sẽ thấy bốn hình này, bốn biểu tượng của Tin mừng này, thường vẫn nằm ở vị trí trang trọng nhất nơi đầu bốn cột chính cạnh cung thánh hoặc đâu đó quanh đấy.
Giáo Hội còn dùng rất nhiều con vật khác để biểu trưng cho Chúa Giêsu: con nai để chỉ Chúa Cứu Thế, con công để chỉ Chúa phục sinh, con đại bàng để chỉ Chúa thăng thiên, con đà điều để chỉ Chúa xuống ngục tổ tông cứu các linh hồn, con dê để chỉ việc Chúa xá tội thiên hạ, con cá heo để chỉ chúa chịu an táng và phục sinh, con mèo rừng để chỉ Chúa hiểu biết và tỉnh thức, con bồ nông để chỉ lòng thương xót cứu độ của Chúa, con bò mộng để chỉ lễ tế hy sinh xá tội của Chúa, etc.
Các hình ảnh tượng trưng cho Chúa này, cũng như vô số hình ảnh các con vật khác tượng trưng cho Đức Mẹ, cho các thánh, cho các nhân đức Kitô giáo, xuất hiện rất nhiều trong các ngôi nhà thờ đẹp trên khắp châu Âu, nhất là các nhà thờ được xây dựng vào thời Trung Cổ và Phục Hưng.
Hôm vừa rồi có bạn nói rằng bạn bị sốc, vì cha xứ nhà thờ chỗ bạn cho con gà trống lên đỉnh tháp, đứng trên cây thánh giá. Theo bạn thì như thế là không được!
Bạn sốc vì không biết rằng trong truyền thống của Giáo Hội, gà trống là biểu tượng chỉ Chúa Giêsu chiến thắng tử thần và phục sinh vinh hiển, cũng như chỉ việc Thánh Phêrô ăn năn sám hối.
Đặt gà trên thánh giá đỉnh tháp còn có mục đích thực dụng: xem gà biết hướng gió thổi! Và nếu là người Pháp thì còn có ý nhắc nhớ và biểu dương tổ tiên mình là con gà trống gaulois!
Tuy nhiên có lẽ bạn kia cũng không sốc bằng tôi khi lần đầu tôi đi thăm vương cung thánh đường Thánh Phêrô bị xiềng, một trong những đền thánh quan trọng của Roma, nơi có giữ cái xiêng Thánh Phêrô.
Tôi thấy một trong những công trình nghệ thuật tiêu biểu ở đó là ngôi mộ của một Đức Hồng Y Tông quản Đền thờ và ở đây trên huy hiệu hồng y của ngài bao trùm là một con con lobster đỏ chót.
Tại sao lại là con tôm hùm? Tại sao lại không có hình ảnh gì liên quan đến Chúa hay Thánh Phêrô ở đây? Tôi thấy kỳ dị mà không dám nghĩ rằng Đức Hồng Y này đam mê ăn uống và thích tôm hùm.
Mãi mấy năm sau, nhờ đọc cuốn sách cũ, tôi mới biết thời Trung Cổ người ta tin rằng con tôm hùm sống mãi nhờ biết lột xác và khi bị luộc lên thì mầu nó đỏ tươi, trông đẹp hơn khi nó còn sống.
Thế là nó được lấy làm biểu tượng cho Chúa phục sinh, vì khi sống lại Chúa đã bỏ lại đời sống trần gian xấu xí, mang lấy vẻ đẹp huy hoàng của Thiên Chúa.
Thế đấy! Rõ ràng là qua hình ảnh các con vật, một khi đã hiểu ý nghĩa của biểu tượng và hoàn cảnh ra đời của nó, chúng ta hiểu về Chúa nhiều hơn và trong một cách thức sống động hơn; chúng ta cũng hiểu về đời sống và đức tin của các thế hệ tiền nhân hơn và chúng ta thấy các hình ảnh ấy giúp chúng ta chuyển tải sứ điệp đức tin cách thuận tiện, hiệu quả và chính xác hơn.
Vậy nếu các bạn thấy một hình ảnh nào kỳ dị, khó coi thì hãy làm chủ cảm tính của mình. Hãy tỉnh táo! Hãy bình tĩnh tìm hiểu! Hãy học gương Mẹ Maria: cứ ghi nhớ và suy niệm trong lòng cái đã! Đến lúc nào đó mình sẽ hiểu và có thể mình lại thấy điều gì đó thú vị trong những điều mà mới đầu mình cho là kỳ dị kia!
Và không nên sợ hãi khi dùng các biểu tượng của truyền thống dân tộc trong việc diễn tả đức tin và rao giảng Tin mừng. Cần phải theo quy luật của cuộc sống: còn sống còn trao đổi, còn đón nhận và loại trừ, không nên sợ hãi cái mới và cũng không nên quá đề cao cái cũ.
Nếu cứ giam mình trong những cái cũ thì làm sao mà lớn lên, mà trở nên phong phú và hoàn thiện hơn như Chúa muốn?
Có bạn nhân danh truyền thống Công giáo để chống lại việc dùng hình ảnh con rồng, nhưng truyền thống là cái gì sống động, có thêm và có bớt chứ đâu phải là cái gì đứng yên đấy.
Nếu những cái của các thế hệ ngày xưa là truyền thống cho chúng ta hôm nay, thì những cái gì của chúng ta hôm nay sẽ góp phần làm nên truyền thống cho thế hệ tương lai?
Nội trong việc chế tác mặt nhật, mỗi thời mỗi nơi mỗi dân tộc đều để lại dấu ấn nghệ thuật của mình trong đó làm phong phú cho kho tàng đức tin và di sản văn hóa của Giáo Hội.
Giáo Hội hoàn vũ cũng như GHVN không có quy định nào cấm dùng rồng trong nghệ thuật thánh cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ dùng chỗ nào, dùng cách nào và dùng như thế nào mà thôi!
Tôi sẽ nói tiếp chuyện này vào bữa khác.
Tôi không muốn các bạn theo tôi. Tôi cũng không muốn các bạn chống tôi. Tôi muốn chúng ta theo sự thật! Vì như Chúa nói: sự thật sẽ giải thoát anh em.
LM. PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢI CSSR
PS. Liên quan đến sự kiện mặt nhật có hình rồng ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, như tôi đã nói từ lần trả lời đầu tiên, nếu có tôi cũng không dùng vì chia trí. Nhiều bạn cũng thấy vậy.
Nhưng có bạn lại đã quá nhạy cảm! Đã suy diễn xa quá xa và suy diễn thiếu cơ sở rồi vội vàng kết án. Không nên vội vàng và dễ dãi kết án như vậy! Hãy xem Đức Mẹ đã không vội trách cứ Chúa Giêsu khi thấy Ngài nói lời khó nghe: “Mẹ tìm con làm gì hở mẹ? Mẹ không biết rằng…”
Tôi thấy theo nguyên tắc luật pháp đạo đời cũng như theo nguyên tắc luân lý, trong trường hợp mình không có bằng cớ hiển nhiên là người kia phạm tội gì, thì mình phải suy đoán theo chiều hướng tích cực và có lợi cho bị can, bị cáo. Suy đoán ngược lại là có tội và bất công!
Trong trường hợp cái mặt nhật ở Nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn, tôi nghĩ ai đó đã rất có thiện chí trong việc diễn tả đức tin bằng văn hóa Việt Nam. Có thể người ấy rất tâm đắc với ý tưởng con rồng cháu tiên kết hợp với bí tích Thánh Thể hoặc ý tưởng tốt đẹp nào khác. Chỉ có điều thực tế thể hiện và hiệu quả sử dụng thì lại không được như ý ban đầu! Thế thôi!
………………………………….
PHẦN 4
MẶT NHẬT CÓ HÌNH RỒNG : BÊNH VỰC ĐÚNG CHĂNG?
Như tôi đã nói trong một bài trước, sau khi đọc các comments, tôi thấy một số bạn lệch bên này một tý, một số bạn khác lại lệch bên kia một tý.
Hôm nọ tôi đã nói một bên: bên chống hội nhập văn hóa và chống dùng hình con rồng trong nghệ thuật thánh. Hôm nay tôi nói bên còn lại: bên bênh việc dùng mặt nhật có hình rồng.
Tôi đã nói rằng thấy sao tôi nói vậy. Đúng theo sự hiểu biết của tôi. Đúng theo hướng dẫn của Kinh Thánh và của Giáo Hội. Tôi cố gắng nói cách đơn giản và rõ ràng nhất trong mức độ có thể được.
DUY TÂM CHỦ QUAN ?
Liên quan đến cái mặt nhật có hình rồng ở Sài Gòn, một số bạn bỏ qua hiện thực khách quan là các yếu tố trang trí làm thành mặt nhật, rồi dựa trên ý thức chủ quan hoặc của mình để bảo vệ việc dùng cái mặt nhật này.
Các bạn nói: “Chúng ta chầu Chúa hay chầu cái mặt nhật? Mặt nhật chỉ là phương tiện, chứ không phải là đối tượng chúng ta tôn thờ”. “Chia trí hay không là do mình”, “chầu thì lo chầu cho sốt sắng, nhìn Chúa thôi, chú ý làm gì!”
“Không nặng nề hình thức thì không quan trọng rồng hay rắn. Đức tin đủ mạnh thì chỉ nhìn Mình Thánh Chúa mà thôi.” “Góc độ đức tin khi chiêm ngắm Mình Thánh Chúa nếu ta còn chi phối bởi một ý tưởng khác tức là một cám dỗ làm cho ta có cái nhìn lệch hướng. Đáng lẽ chúng ta lúc ấy phải có cái nhìn vào trung tâm đó là Mình Thánh Chúa đang ngự trị.”
Tôi tin điều các bạn nói trên đây có thể là thật đối với bản thân các bạn. Vì việc chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật thường có tính chủ quan, phù hợp với thế giới quan, với tính cách và tâm trạng của mỗi người. Một người có tâm tình yêu mến Chúa dâng cao, thì ở một mức độ nào đó, người ấy có thể vượt qua hiện thực hữu hình đẹp hay xấu, ý nghĩa, vô nghĩa hay phản nghĩa của mặt nhật, để chỉ thấy Mình Thánh Chúa đang ngự trong đó là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, con người thường không đạt đến cảnh giới “siêu thoát” như vậy. Nếu có ai siêu thoát được như vậy cũng chỉ mang tính nhất thời, vì con người sống trong thời gian và không gian, con người có thân xác hữu hình, có giác quan và thường xuyên bị chi phối bởi các định luật giác quan một cách tự nhiên, không ai cưỡng lại nổi.
Do đó một hình ảnh nào đó, nhất là hình ảnh quan trọng và thánh thiêng như hình mặt nhật, thường khơi dậy nơi chúng ta những cảm xúc mạnh mẽ, không chỉ đơn giản có tính chất thẩm mỹ, mà còn liên quan đến toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta, giúp chúng ta hiểu và cảm được Chúa hơn cũng như giúp chúng ta nối kết với Chúa và với nhau hơn. Vì thế cũng cần tôn trọng phản ứng của đa số người khác khi nhìn thấy mặt nhật có hình rồng kia!
Giáo Hội cũng hiểu những điều trên đây cho nên Giáo Hội đã rất lưu tâm và rất cẩn thận trong việc xây dựng và trang trí nhà thờ, nhà nguyện, tu viện, đền đài, etc đặc biệt trong việc chế tác các vật dụng phụng tự mà mặt nhật là thứ thường được chế tác công phu nhất, quý nhất và đẹp nhất. Chính vì vậy Giáo Hội mới sở hữu kho tàng nghệ thuật lớn nhất và quý nhất thế giới và kho tàng ấy mới làm phong phú đời sống tâm linh và văn hóa của nhân loại. Nếu quan niệm “siêu hình” như các bạn thì Giáo Hội cần gì phải đổ mồ hôi sối nước mắt, tốn công tốn của xây dựng và trang hoàng các công trình và vật dụng thờ phượng cho đúng và cho đẹp để thờ phượng Chúa và phục vụ con người?
DUY TÂM KHÁCH QUAN ?
Một số bạn khác cũng bỏ qua hiện thực khách quan của mặt nhật là các họa tiết trang trí, trong đó có hình con rồng, rồi dựa trên uy quyền đạo đời bên ngoài để biện hộ cho việc dùng mặt nhật có hình rồng; tuy nhiên, cách các bạn diễn giải và áp dụng các uy quyền trong sự việc này lại không đúng.
Có bạn đơn sơ suy luận rằng cái mặt nhật đã có ở Nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn 70-80 năm tức là Đức Giám Mục Giáo Phận đã biết và vì vậy bây giờ mang ra dùng tức là đúng. Ai phản đối là không đúng!
Xin thưa rằng các đức giám mục không biết là chuyện thường. Biết mới là chuyện lạ! Vì các ngài ở tòa giám mục chứ không ở nhà thờ chính tòa; và các ngài lo lãnh đạo giáo phận chứ không lo đi mở từng cái tủ ở phòng thánh ở các nhà thờ xem có gì. Chỉ có người lo phòng thánh hoặc người quản thủ kho tàng nhà thờ chính tòa là biết rõ.
Có bạn đơn sơ cho rằng mặt nhật do Hoàng Hậu Nam Phương tặng và thế là có đủ uy thế để dùng trong phụng tự mà không được phản đối. Vì mặt nhật Sài Gòn giống mặt nhật Thiên An ở phần chính, nhưng cái đấy cũng chưa đủ để khẳng định là do Hoàng Hậu Nam Phương tặng.
Hơn nữa, dù mặt nhật có xuất xứ từ Hoàng Hậu đi nữa, thì tư cách là vua chúa không bảo đảm cái vua chúa làm ra là đúng thần học và là phù hợp với phụng tự. Rất thường xảy ra là người có quyền và có tiền hay áp đặt người khác làm ra các đồ vật thể hiện ý muốn ngông cuồng của mình hơn là làm sáng tỏ giáo lý tôn giáo và phục vụ lợi ích của giáo dân.
Có một số bạn đơn sơ dựa vào truyền thống hội nhập văn hóa của Giáo Hội để biện minh cho việc dùng cái mặt nhật kia là đúng. Các bạn biện luận rằng “mỗi nước sùng kính Chúa theo văn hoá của mỗi nước (…) Con rồng là sự thiêng liêng của Việt nam thì lấy con rồng để tôn sùng Chúa (…) không có gì là sai cả”. Rằng “việc sử dụng rồng phượng, chim hạc trong Công giáo ở Việt Nam không có gì mới. Nó là sự giao thoa văn hóa đặc sắc trong Công giáo của người Việt Nam.”
Có bạn dựa vào Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma để khẳng định rằng dùng mặt nhật có con rồng là đúng. Bản dịch tiếng Việt Sách Lễ Roma của HĐGMVN số 344 viết:”Nếu muốn vẽ hoặc thêu những biểu tượng dân tộc, thì phải liệu sao cho những biểu tượng này có mầu sắc Kitô giáo, ví dụ, muốn dùng hình ảnh cây tre, khóm trúc, con rồng, thì phải thêm vào cây thánh giá hay một hình ảnh nào biểu thị những thực tại thánh thiêng.”
Các bạn này cũng suy nghĩ đơn sơ, không phân biệt được nguyên tắc chung và thực tế áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Hội nhập văn hóa cũng như quy định kia của HĐGMVN chỉ là những nguyên tắc chung. Còn áp dụng những nguyên tắc ấy vào sự vật nào, lúc nào, ở đâu và áp dụng thế nào lại là chuyện khác. Đâu có đơn giản đến độ cứ thêm cây thánh giá là một hình ảnh đương nhiên trở thành một biểu tượng Kitô giáo! Nếu vậy thì ai cũng có thể làm nghệ thuật thánh được, chả cần các nhà thần học, chả cần các kiến trúc sư, các nghệ sĩ, nghệ nhân phải vắt tim vắt óc tìm tòi sáng tạo!
Hơn nữa biểu tượng “có mầu sắc Kitô giáo” không chắc là một biểu tượng thích hợp để dùng trong phượng tự. Không cấm lấy hình tượng con rồng để tôn thờ Chúa, nhưng cho hình ảnh ấy xuất hiện trên công trình nào, trên đồ vật phụng tự nào, và ở vị trí nào và thời điểm nào thì phải tính kỹ, vì nếu không thì thay vì lấy hình rồng thờ Chúa, người ta lại tưởng mình thờ rồng thay Chúa như trường hợp cái mặt nhật Sài Gòn kia.
Còn có lối giải thích khác nữa để bênh vực cái mặt nhật có hình rồng kia nhưng tôi không tiện phân tích ở đây!
SAI MỘT LY ĐI MỘT DẶM
Dù có bênh thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận thực tế là cái mặt nhật có hình rồng kia gây nên hậu quả không tốt cho người chầu Mình Thánh.
Thực tế khi chiêm ngắm mặt nhật có hình rồng, thì người ta thấy: “bối rối”, “chia trí”, “khó chịu”, “không trang nghiêm”, “hết sốt sắng”, “buồn”, “chiêm ngắm không thể bình tĩnh được”, “người ta nhìn rồng chứ có thấy Chúa đâu”, “thánh thể bị chìm trong con rồng uốn lượn”, “chướng”, “không lòng an trí tịnh sao đó” và “muốn ra kênh khác và vào kênh của giáo phận khác”…Đây chỉ là một vài chia sẻ của một số người.
Phần lớn số người chầu online, hay những người thấy cái mặt nhật kia có hình rồng kia, dù nói ra hay không nói ra đều có phản ứng tiêu cực ở mức độ khác nhau.
Tại sao?
Có thể do người Công giáo khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam xưa nay đã quen với việc chiêm ngắm Chúa Thánh Thể trên mặt nhật có hình mặt trời tỏa hào quang. Cũng có thể vì mặt nhật có hình rồng vẫn khiến họ liên tưởng đến hình ảnh con mãng xà và con rắn trong Kinh Thánh, dù trước đó đã hiểu rằng con rồng khác con mãng xà và con rồng của Việt Nam là linh vật đáng quý trọng.
Nhưng gốc gác cái sai nằm ở chỗ nào?
Thông thường, cũng như khi chế tác mọi tác phẩm nghệ thuật, để làm một cái mặt nhật thì đầu tiên người ta phải có một ý tưởng hay còn gọi là chủ đề sáng tác. Tiếp theo người ta thể hiện cái ý tưởng kia thành một cái mặt nhật có hình dạng xác định. Sau cùng, từ cái mặt nhật cụ thể kia những người chiêm ngưỡng có thể suy luận hay diễn giải ra ý nghĩa nội dung của nó và cảm nhận hiệu quả thẩm mỹ nó mang lại cho tâm hồn.
Đối với mặt nhật Thiên An ý tưởng thiết kế ban đầu có thể là dân tộc Việt Nam mà đại diện là vua và hoàng hậu đang thờ phượng Thánh Thể. Mặt nhật Sài Gòn được làm theo mẫu của Thiên An với ý tưởng thiết kế là “Con cháu Rồng Tiên đang Kết Hợp, Gắn Chặt với Bí Tích Thánh Thể” theo ghi chú trên tấm hình ai đó chụp gần và gửi cho tôi. Hai chủ đề trên đây thực tế chỉ là một, chỉ có cách gọi tên là khác nhau phát xuất từ cách diễn giải khác nhau từ thực tế của mỗi mặt nhật.
Chủ đề để thiết kế mặt nhật trên đây tự thân là một ý tưởng rất ý nghĩa và rất đạo đức. Có lẽ tác giả của mặt nhật, tức người đặt hàng và người chế tác, đã rất tâm đắc với ý tưởng cả dân tộc Việt Nam đang gắn bó với Chúa Thánh Thể. Tác giả nghĩ rằng con rồng là biểu tượng của nhà vua đại diện cho toàn dân và con rồng cũng gợi nhớ đến truyền thuyết người Việt là con rồng cháu tiên. Từ suy nghĩ này, có thể tác giả nghĩ rằng việc đưa ý tưởng con cháu rồng tiên thành chủ đề sáng tác mặt nhật là một điều rất hay và rất nên làm.
Tuy nhiên, trong nghệ thuật Công giáo, đặc biệt là trong lãnh vực chế tác đồ phụng tự, mặt nhật có một vị trí và vai trò đặc biệt, không giống bất cứ một đồ phụng tự nào khác: Mặt nhật là nơi đặt Thánh Thể cho giáo dân thờ phượng, mặt nhật gắn liền với Thánh Thể và trong một mức độ và cách thức nào đó, mặt nhật biểu trưng cho chính Thánh Thể. Mặt nhật xét như một toàn thể, không thể biểu trưng cho yếu tố nào khác và không chấp nhận một yếu tố biểu trưng nào khác chen vào.
Nói như vậy có nghĩa là trên mặt nhật Chúa Thánh Thể giữ vai trò độc tôn trong thiết kế và mặt nhật phải thể hiện cách hữu hình ở mức độ khác nhau vị trí, vai trò và những đặc tính của Chúa để làm sao khi giáo dân chiêm ngưỡng trong giờ chầu, người ta thấy Chúa là mặt trời công chính, là duy nhất, là số một; và mình đang đón nhận được ơn sủng của Chúa, mình gắn bó hơn với Chúa và với nhau đời này và đời sau. Mặt nhật là phương tiện giao tiếp giữa Chúa với người và giữa mọi người với nhau trong Chúa.
Bởi vậy khi chủ đề “Dân tộc Việt Nam thờ phượng Thánh Thể” hoặc “Con rồng cháu tiên đang kết hợp, gắn chặt với bí tích Thánh Thể” để chế tác mặt nhật thì hoàn toàn không phù hợp, vì yếu tố “dân tộc” hoặc “con rồng cháu tiên” ở đây đã chia phần với vị trí và vai trò độc tôn của Thánh Thể trên mặt nhật; hơn nữa “dân tộc” hoặc “con rồng cháu tiên” còn là chủ ngữ, là điểm nhấn của chủ đề cho nên chắc chắn yếu tố này sẽ lấn át vị trí và vai trò của Chúa Thánh Thể.
Khi chế tác mặt nhật, tác giả có thể lấy những hình tượng khác nhau để biểu trưng yếu tố “dân tộc” hoặc “con rồng cháu tiên”. Trong mặt nhật này, tác giả đã chọn hình tượng con rồng và design con rồng trên phần chính của mặt nhật cùng với Thánh Thể. Việc đặt biểu tượng con rồng không đúng chỗ trên mặt nhật kia đã làm mất vị trí độc tôn của Thánh Thể và mặt nhật lúc này mất đi tính biểu trưng cho chính Thánh Thể và là một phần của Thánh Thể.
Chẳng những thế, người ta còn thấy trên mặt nhật, hình tượng con rồng chiếm một không gian lớn, Chúa không gian hẹp; con rồng có dung nhan, Chúa không dung nhan; con rồng đang chuyển động, Chúa ở vị thế tĩnh tại; con rồng ở ngoài, Chúa ở trong; con rồng dường như đang quấn quanh Chúa, hay đã nuốt gọn Chúa vào bụng, hay đang giữ Chúa trên lưng…Con rồng chiếm ưu thế tuyệt đối trước Thánh Thể là phần hình tròn bé ở tâm mặt nhật. Thế là chẳng những đặt biểu tượng con rồng không đúng chỗ mà cách thiết kế con rồng cũng không phù hợp: rồng quá nổi trong khi Chúa quá chìm.
Thật là tai hại!
Từ việc chọn sai chủ đề, áp dụng biểu tượng không đúng chỗ và không đúng cách, người ta đã thiết kế ra một cái mặt nhật có hình dạng quái dị, có nội dung và ý nghĩa sai lệch.
Kết cục là khi nhìn vào mặt nhật thì người ta thấy vương quyền của vua hay của con rồng chứ không thấy vương quyền của Chúa; thấy vinh quang hay chiến thắng của vua hay của con rồng, chứ không thấy vinh quang của Chúa.
Khi chầu Mình Thánh thì người ta có cảm giác mình đang chầu vua hay chầu con rồng chứ không phải là chầu Chúa. Ý tưởng mà tác giả muốn gửi gấm là toàn dân Việt Nam hay con cháu rồng tiên đang kết hợp với bí tích Thánh Thể cũng biến mất!
Thế đấy! Chủ đề sáng tác sai-áp dụng biểu tượng không đúng chỗ và không đúng cách đã cho ra kết quả là một cái mặt nhật có hình thức quái dị và khi đưa vào sử dụng thì sinh ra hậu quả thảm sầu cho giáo dân dự giờ chầu.
Thật đáng tiếc!
YÊU CẦU CỦA VIỆC CHẾ TÁC MẶT NHẬT
Chính ở đây người ta thấy việc đưa các các hình ảnh biểu tượng lên mặt nhật là rất khó, vì Thánh Thể là Chúa, nhưng cái mà người ta nhìn thấy chỉ là một tấm bánh trắng bé nhỏ, mỏng manh. Nếu có bất cứ hình ảnh nào có dung nhan xuất hiện trên mặt nhật mà người chầu thấy được thì hình ảnh đấy đã có vị thế hơn Chúa rồi, bởi lẽ đấy là hình ảnh hữu hình, tác động vào giác quan và đi vào tâm trí người ta một cách tự nhiên, không cưỡng lại nổi.
Bởi vậy khi muốn đưa một hình ảnh nào lên mặt nhật, ngay cả các hình ảnh quen thuộc như hình thiên thần, hình chim câu, hình Đức Mẹ, hình các thánh, thì nghệ sĩ hay nghệ nhân cũng phải thiết kế dung lượng cũng như sắp đặt vị trí, tư thế và mầu sắc thế nào đó, để khi nhìn vào thì người ta thấy những nhân vật này chỉ là những vai phụ đang góp phần tôn vinh vai chính là Chúa trong hình bánh khiêm hạ kia.
Nói cách khác design thế nào và với những hình ảnh gì đi nữa, thì người ta vẫn phải thấy được bằng mắt rằng Chúa Thánh Thể dưới hình tấm bánh trắng kia mới là quan trọng nhất, là mặt trời công chính, là trung tâm thu hút mọi người và mọi vật trong nhà thờ, đồng thời cũng là trung tâm chiếu tỏa cho người chầu cảm nhận được sự hiện diện vừa hữu hình, vừa linh thiêng của vị Chúa quyền năng, vinh quang, sáng láng, tốt lành, thánh thiện và đầy tình yêu thương, etc.
Bất cứ yếu tố nào của mặt nhật trong toàn thể hay trong từng chi tiết làm tổn hại đến vị trí, vai trò và đặc tính này của Chúa thì mặt nhật ấy đã mất đi ý nghĩa; bất cứ mặt nhật nào không là phương tiện đưa Chúa đến gần tâm hồn chúng ta hơn và đưa tâm hồn chúng ta đến gần Chúa hơn thì mặt nhật ấy không hoàn thành được vai trò của nó và vì vậy nó đáng bỏ đi.
Cũng chính vì những nguyên tắc này mà xưa nay trong các nền văn hóa khác nhau, mặt nhật luôn có cấu trúc ổn định: thường được thiết kế theo dạng mặt trời tỏa hào quang màu vàng đỏ với các biến thể khác nhau. Cái khác nhau chỉ là chất liệu, kỹ thuật và cách thức trang trí các yếu tố đã được quy định sẵn mà thôi!
Cũng có một số rất ít mặt nhật được thiết kế theo các mô hình và cấu trúc khác, thí dụ người ta làm mặt nhật theo mô hình lâu đài hay tòa tháp, gọi là tòa mặt nhật; tuy nhiên, mặt nhật kiểu này thường được làm rất lớn và lại phải có một mặt nhật nhỏ chứa Mình Thánh đặt ở phần tâm. Hơn nữa, ý nghĩa biểu trưng, thông điệp truyền tải và hiệu quả tác động của loại hình mặt nhật này rất hạn chế.
MẤY LỜI CUỐI TRƯỚC KHI KHÉP LẠI VẤN ĐỀ
Cái mặt nhật có hình rồng kia đã vi phạm nguyên tắc căn bản của nghệ thuật thánh là tính chính thống trong chủ đề, thánh thiện trong hình thức và đúng đắn trong nội dung truyền đạt, vì vậy nó cũng không thích hợp cho việc thờ phượng Chúa và không không đáp ứng được mục đích sử dụng như quy định của điều 325 và 329 trong Quy chế Tổng Quát của Sách Lễ Roma.
Cho rằng cái mặt nhật có hình rồng kia là đúng đồng nghĩa với việc bảo những người phản đối là sai. Việc bênh vực này chẳng giải quyết được vấn đề gì từ phương diện thần học, phụng tự đến phương diện mục vụ, trái lại còn tạo ra tiền lệ tại hại là né tránh vấn đề, hay tệ hơn nữa là lấp liếm vấn đề, hay thậm chí coi cái sai là cái đúng rồi đưa đẩy cái sai về phía nạn nhân mỗi khi xảy ra vấn đề…
Vậy một cách công bằng phải nói rằng bênh vực cái mặt nhật có hình rồng kia là rất không công bằng, không chính đáng và không phải đạo.
Cái mặt nhật Thiên An ở phần bệ có vẽ các họa tiết rồng phượng đang chầu Thánh Thể. Các họa tiết này không nổi bật và người chầu trông xa không thấy. Nếu ngay từ đầu phần chính của mặt nhật Thiên An mà được làm theo kiểu truyền thống là hình mặt trời tỏa hào quang, thì chúng ta đã có một mặt nhật đẹp và quý có thể dùng trong phụng tự. Cái mặt nhật Sài Gòn có lẽ được làm theo cái mặt nhật Thiên An, nhưng lại bắt chước cái phần sai nhất và bỏ qua cái phần hay nhất.
Trong dòng lịch sử của mình, Giáo Hội đã sử dụng nhuần nhuyễn các biểu tượng văn hóa để thông truyền sứ điệp đức tin. Tại Việt Nam, từ hơn 1 thế kỷ trước, Cụ Sáu đã sử dụng hình tượng con phượng và các con vật khác một cách rất thành công trong việc trang trí quần thể thánh đường Phát Diệm (1891). Tiếc rằng hơn một thế kỷ sau chúng ta lại áp dụng hình tượng con rồng một cách thô thiển và phản cảm vào một biểu tượng điển hình nhất của Công giáo khiến cho có người đặt vấn đề là “hội nhập hay nhập hội”.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
PS.
A. Có bạn nghĩ rằng sự kiện phản đối mặt nhật có hình rồng chỉ là vấn đề từ ngữ: kết án việc dùng mặt nhật có hình rồng là do “nô lệ một cách dịch sai” (dịch con mãng xà thành con rồng). Thực ra vấn đề không phải ở chỗ dịch sai. Nhưng vấn đề nằm ở chính cái mặt nhật. Đúng hơn là nó nằm ở hình tượng con rồng được dùng không đúng vật, không đúng chỗ và không đúng cách. Nếu nhắm mắt chấp nhận là đúng thì tôi nghĩ có thể sẽ tạo thêm các nghiệp mới về sau trong Giáo Hội, ít nhất cũng làm tổn thương tình cảm đức tin của các tín hữu chân chính vì những sản phẩm nghệ thuật thánh không đạt chuẩn thẩm mỹ và phụng vụ.
B. Có bạn lại cho rằng cái mặt nhật Sài Gòn được làm ra với mục đích để đựng thánh tích nào khác chứ không phải dùng để đặt Mình Thánh cho giáo dân chầu. Nếu nó đã được dùng là do cha sở hiểu sai và dùng sai mục đích. Đây cũng là một kiểu quan niệm duy tâm, bỏ qua thực tế của mặt nhật và thực tế sử dụng mặt nhật. Vì sao? (1) Vì phần tâm mặt nhật Sài Gòn thấy có các hạt lúa mì chung quanh thì biết là nó có ý dùng để đặt Mình Thánh. (2) Vì phần tâm mặt nhật đựng thánh tích thì không có gờ có rãnh để đặt được Mình Thánh và thường làm dạng hơi khác. (3) Vì cái của Sài Gòn được làm theo mẫu Thiên An mà cái Thiên An thì rõ ràng là có ý làm ra để đặt Mình Thánh. (4) Vì cha sở đã đặt Mình Thánh trong mặt nhật này cho giáo dân Chầu và đấy là bằng chứng cho thấy ngài sử dụng đúng mục đích. Vậy nói cha sở hiểu đúng mục đích sử dụng, nhưng không biết rằng mặt nhật đã được thiết kế không phù hợp cho mục đích này thì hiển nhiên hơn.
C. HƯỚNG DẪN CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN HÓA. Trích một vài câu trong tài liệu “Vì một nền mục vụ văn hóa”, công bố năm 1999.
“Cần phải Tin mừng hóa văn hóa và các nền văn hóa của con người, không phải theo cách trang trí giống như một lớp sơn trên bề mặt, nhưng theo một cách thức sinh động, sâu xa đến tận gốc rễ của các nền văn hóa, theo nghĩa sâu rộng nhất mà các khái niệm này có trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, là luôn bắt đầu từ con người và luôn trở về với mối quan hệ của con người với nhau và với Chúa” (số 4).
“Bằng việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội đưa Tin Mừng nhập thể trong các nền văn hóa khác nhau, đồng thời, đưa các dân tộc với các nền văn hóa của họ vào chính cộng đồng Giáo Hội” (Số 5).
“VIỆC HỘI NHẬP VĂN HÓA CỐT THIẾT ĐƯỢC MỜI GỌI ĐỂ ĐEM SỨC MẠNH CỦA TIN MỪNG VÀO GIỮA LÒNG VĂN HÓA VÀ MỌI NỀN VĂN HÓA, TRÁNH THÓI HOÀI CỔ CŨNG NHƯ THÓI BẮT CHƯỚC THẾ GIAN.” ( số 5).
Để sinh hoa kết quả, mối quan hệ giữa đức tin và nghệ thuật không thể giới hạn trong việc đón nhận sự sáng tạo. CẦN THIẾT PHẢI CÓ ĐỀ XUẤT, SO SÁNH VÀ BIỆN PHÂN. (…) ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ MANG LẠI SỨC SỐNG CHO LỐI DIỄN TẢ VỪA MANG TÍNH BẢN ĐỊA, VỪA MANG TÍNH CÔNG GIÁO CỦA ĐỨC TIN, TRONG KHI VẪN TUÂN THỦ CÁC QUY TẮC PHỤNG VỤ. ( số 4)
“Thực tế, Tin Mừng đưa văn hóa đến sự hoàn hảo và văn hóa đúng nghĩa thì mở ra cho Tin mừng”. (số 4).
D. MỘT SỐ MẶT NHẬT XƯA NAY Ở CÁC QUỐC GIA VÀ KHU VỰC KHÁC NHAU TRÊN THẾ GIỚI. LOẠI ÍT TIỀN LẪN LOẠI CỰC QÚY. TẤT CẢ ĐỀU ĐẠT CHUẨN VỀ NGHỆ THUẬT LẪN PHỤNG TỰ.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Đức Hồng Y Phê-rô dâng Thánh lễ tạ ơn, kết thúc sứ vụ mục tử
- Bức thư đau lòng từ Vũ Hán cuả LM Sơn Nhân, một chứng nhân tại chỗ.
- Đức TGM Oscar Romero và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ được tuyên Thánh vào ngày 14/10 sắp tới
- Thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng về dịch bệnh viêm phổi do virus corona
- Một Nghiên ᑕứu Cho Thấy: Những Người Đi Lễ Nhà Thờ Thì Sống Lâu Hơn
- Chiêm ngưỡng Con tàu Noah ngoài đời thực
- Đức Giêsu dạy chúng ta điều gì về nhân đức?