Người Việt Nam có thực sự hiếu học?

Chưa bao giờ thầy cô hoặc người lớn chịu khó giải thích một cách rõ ràng cho các em học sinh hiểu rằng thế nào là hiếu học và cũng chưa ai dám đặt câu hỏi “Nếu dân tộc Việt Nam hiếu học như thế tại sao nước Việt Nam ta mãi luôn nghèo nàn và lạc hậu?”

(Ảnh minh hoạ: shutterstock)

Khi còn đi học, chúng ta thường dạy rằng dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “hiếu học” bên cạnh hàng loạt các đức tính khác như yêu nước nồng nàn, cần cù siêng năng, yêu hòa bình… để rồi lớn lên với niềm tự hào về những đức tính được dạy học thuộc lòng đó. Nhưng điều đáng nói là chưa bao giờ thầy cô hoặc người lớn chịu khó giải thích một cách rõ ràng cho các em học sinh hiểu rằng thế nào là hiếu học và cũng chưa ai dám đặt câu hỏi “Nếu dân tộc Việt Nam hiếu học như thế tại sao nước Việt Nam ta mãi luôn nghèo nàn và lạc hậu?”

Từ trước đến nay, truyền thống hiếu học của chúng ta được xây dựng dựa trên một mô-típ khá kinh điển, những người học trò nghèo không có tiền đi học nhưng vẫn cố gắng học giỏi để đỗ trạng nguyên. Những mẩu truyện mang tính chất truyền kỳ kiểu “bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài” được kể đi kể lại qua bao nhiêu thế hệ mà không hề nhận được bất cứ một lời phản biện về sự phi lý của nó. Hoang đường không kém là chuyện học ngoại ngữ bằng cách lấy cuốn tự điển ra mỗi ngày học mười từ cứ thế mà giỏi được bao nhiêu thứ tiếng. Dù cứ nhắm mắt tin những chuyện như vậy là thật đi nữa thì chúng cũng chỉ nói lên được sự vượt khó học giỏi và năng lực phi thường của một vài cá nhân mà thôi, không thể từ đó mà suy ra rằng cả dân tộc đều hiếu học.

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi rằng tại sao một dân tộc hiếu học như Việt Nam lại không có một triết gia, một nhà tư tưởng hay một nhà khoa học nào trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm và cũng không hề có một hệ tư tưởng riêng hay một phát minh khoa học nào đáng kể cống hiến cho nhân loại? Một dân tộc hiếu học tại sao lại không có một công trình kiến trúc hay một tác phẩm văn học, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc nào mang tầm vóc thế giới? Một dân tộc hiếu học ham học sao lại có thể có những câu ca dao kiểu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”?

Một dân tộc hiếu học thì sao lại có thể đến đầu thế kỷ thứ 20 vẫn khư khư ôm giữ cái lối thi cử truyền thống quanh quẩn với Tứ Thư Ngũ Kinh mà bài xích khoa học, triết học phương Tây và kỳ thị những người Tây học trong khi Nhật Bản trước đó rất nhiều năm đã mở toang cánh cửa cho những tư tưởng tiến bộ tràn vào. Hiếu học thì sao các ông nghè ông cống ngày xưa ngoài việc nhai lại những “chi, hồ, dã, giả” trong sách Thánh Hiền để chờ ngày vác lều chõng đi thi vì ít bổng lộc và chức tước để làm rỡ ràng dòng họ và ấm thân chưa ai dám thoát ly ra bên ngoài để nhìn thế giới rộng lớn như thế nào? Ngoài việc uống rượu uống trà, ngâm vịnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, tìm câu trích chữ để bắt bẻ nhau qua từng câu đối để tự cho mình là tài giỏi thanh cao thì có mấy nhà khoa bảng khi xưa tự vấn bản thân rằng cái học của mình nó vô dụng và lạc hậu lắm rồi.

Trong khi phương Tây thế kỷ thứ 18, các nhà tư tưởng lớn như Voltaire, Montesquieu hay John Locke đã bàn tới “tam quyền phân lập” và “khế ước xã hội”, những nhà khoa học như Faraday hay Newton đã nghiên cứu điện từ trường và lực hút trái đất thì ở Việt Nam, các nhà Nho đầu thế kỷ thứ hai mươi vẫn ôm lấy bút nghiên và đèn dầu để dạy lũ học trò “tấc đất ngọn rau ơn chúa” và “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Một dân tộc hiếu học thực sự chắc chắn sẽ không thể nào chấp nhận việc nhai lại và tôn sùng những cuốn sách được viết cách đó mấy nghìn năm mà không hề mảy may có một chút thắc mắc phản biện cũng như không quan tâm đến sự thay đổi của thế giới ở ngoài.

Cách đây hơn 100 năm, chí sĩ Phan Chu Trinh đã viết về “mười điều bi ai của dân tộc” như sau:

  1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
  2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
  3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
  4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
  5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
  6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
  7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
  8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
  9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
  10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.

Đọc xong mười điều này, có ai còn dám tự hào vỗ ngực nói đây là tính cách của một dân tộc luôn tự cho mình là “hiếu học”?

Có thể cho rằng các vị khoa bảng ngày xưa ở nước ta siêng học, chăm học nhưng không thể cho rằng họ “hiếu học” vì một người hiếu học thực sự học vì niềm say mê kiến thức thực sự và sự khao khát tìm tòi cái hay cái mới chứ không phải học ngày học đêm những kiến thức cũ rich vì công danh và quyền chức. Cái học của các cụ cử ngày xưa chính là nô lệ cho sự học chứ không phải học để giải phóng bản thân. Không phải vô duyên vô cớ mà cụ Phan Chu Trinh lại đặt “khai dân trí” là một trong ba mục tiêu quan trong không kém “chấn dân khí và hậu dân sinh”. Cụ nhắn nhủ: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật quý báu xin tặng cho đồng bào là “chi bằng học”. Nếu dân tộc ta thực sự “hiếu học” và biết cách học đúng hướng, cụ Phan chắc không phải tâm tư những điều như thế này.

*

Ngày nay thì sao? Sau hơn một trăm năm vật đổi sao dời, lối thi cử khoa bảng Nho học tuy đã không còn và chữ Hán cũng đã được thay bằng chữ quốc ngữ. Các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, cử nhân, thạc sĩ lên đến con số triệu, còn tiến sĩ cũng phải mấy vạn người. Nhưng đừng tưởng như vậy thì chúng ta đã có thể gọi là có những tiến bộ vượt bậc trong giáo dục để xứng đáng với hai từ “hiếu học”. Trái lại, chúng ta vẫn chăm chỉ học với tư duy “học để làm nô lệ” chứ không phải học để làm chủ và tự hào với sự chăm học đó.

  1. Cha mẹ không tiếc tiền của và công sức chạy trường cho con và bắt con đi học thêm từ sáng tới tối để dạt được danh hiệu học sinh giỏi nhưng hiếm có ai chịu học cùng con và dạy con học.
  2. Chương trình giáo dục từ phổ thông tới đại học nặng về lý thuyết nhưng lạc hậu và thiếu thực tế. Học sinh được dạy theo kiểu nhồi vịt học thuộc lòng chứ không được khuyến khích tìm tòi khám phá và phản biện.
  3. Trình độ và nhân cách giáo viên ngày càng tệ hại, hậu quả tất yếu của việc lấy điểm đầu vào quá thấp của ngành sư phạm. Chưa bao giờ tình trạng giáo viên trù dập, bạo hành và xâm phạm học sinh nhiều như hiện nay.
  4. Học sinh sinh viên ngày nay học vì điểm chứ không học vì tri thức. Ngoài những môn học gạo để đi thi, thường thức tự nhiên, thường thức xã hội, và trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của đại đa số những người có bằng cấp gần như là một con số không to tướng.
  5. Những người “có học” và “có bằng cấp” không hể có sự ham học và lại càng không có khả năng tự học. Tuy ngày nay tài liệu và phương tiện học tập vô cùng phong phú, đa dạng và miễn phí, việc tự học dường như là chuyện không tưởng đối với phần lớn các bạn sinh viên và học sinh.
  6. Những người tự coi là trí thức ngoài việc học để có kiếm tiền và dùng học hàm học vị của mình để thăng tiến trong con đường danh lợi hầu như không hề có một nghiên cứu khoa học hay phát minh gì có thể ứng dụng vào đời sống.
  7. Những người tự cho mình là trí thức không hề quan tâm đến những vấn đề chính trị-xã hội và cũng không hề có tinh thần phản biện và tiếp nhận thông tin đa chiều. Ngoài giờ làm họ về nhà xem hài nhảm hoặc ra quán lai rai nhậu nhẹt cho tới khuya. Còn lại mọi chuyện liên quan đến vận mệnh dân tộc, họ vẫn yên tâm để cho đảng và nhà nước lo.
  8. Lối sống của đại đa số người Việt Nam hiện đại cũng không khác gì lối sống của người Việt thời cụ Phan là mấy: hèn nhát, lười biếng, ích kỷ, tham lam, lọc lừa, thích sĩ diện, gia trưởng, tầm nhìn hạn hẹp…
  9. Trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, năng suất lao động và hiệu quả công việc của những “trí thức trẻ” đều yếu kém hơn rất nhiều so với các bạn trẻ cùng độ tuổi và cùng trình độ trên thế giới. Nhưng điều đáng buồn là họ không hề mảy may cảm thấy điều đó là đáng hổ thẹn. Dường như đối với họ, có cái bằng là đủ, còn chuyện cái bằng đó có ý nghĩa gì hay không không hề quan trọng.
  10. Cách cư xử của người Việt trong đời sống hằng ngày càng lúc càng trở nên thiếu văn minh lịch sự và hung hăng dữ tợn. Họ không tiếc những lời thô tục nhất bệnh hoạn nhất để rủa xả nhau trên mạng xã hội và sẵn sàng gây án mạng chỉ vì một va chạm nhỏ ngoài đời. Học sinh không những ra tay đánh nhau tàn bạo như kẻ thù mà còn đánh luôn cả thầy cô.

Nếu người nào vẫn còn chưa thấy thực trạng giáo dục của nước nhà hiện tại đến mức báo động mà vẫn còn tin vào câu” người Việt Nam có truyền thống hiếu học” thì hãy nhìn lại sự kiện nâng điểm vào đại học kinh hoàng trong mùa thi năm ngoái ở các tỉnh phía Bắc với những màn phù phép biến điểm liệt thành điểm thủ khoa cho các thí sinh mà phần lớn đều là con ông cháu cha. Hãy tưởng tượng những kẻ không hề có chút kiến thức và nhân cách này sau này sẽ trở thành thẩm phán, chủ tịch, cán bộ cao cấp, bác sĩ, kỹ sư… và hậu quả tồi tệ mà đất nước này phải gánh chịu.

Là một dân tộc có truyền thống hiếu học, chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình xem tại sao lại tiếp tục làm ngơ trước một hành động chà đạp giáo dục như thế này? Đã đến lúc chúng ta ngưng huyễn hoặc mình và đối diện với sự thật.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)

trithucvn.net

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết