Là mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của Kitô giáo, chắn hẳn mầu nhiệm Chúa Phục sinh cần phải được nghiên cứu, học hỏi nhiều hơn cả. Thế mà khi thử hỏi một tín hữu rằng: Chúa Phục sinh nghĩa là gì thì e rằng vẫn còn đó nhiều Kitô hữu lúng túng. Đã từng hỏi thiếu nhi câu hỏi ấy và chúng đơn sơ buộc miệng trả lời: Chúa Phục sinh nghĩa là Chúa sống lại. Và khi hỏi lại Chúa sống lại nghĩa là gì thì được câu trả lời rằng Chúa sống lại nghĩa là Chúa Phục sinh.
Chúa Phục sinh nghĩa là Chúa chỗi dậy khỏi thế giới người chết vào ngày thứ ba, sau khi đã chịu khổ nạn, đã chết thật và được mai táng. Chúa chỗi dậy cũng với thân xác ấy, mang đầy thương tích, nhưng là thân xác đã được biến đổi, được thần hoá nên không còn lệ thuộc các điều kiện thời gian và không gian. Điều này được Thánh Kinh, đặc biệt là các Tin mừng minh chứng.
Đây là một dữ kiện khó chấp nhận với người chưa có đức tin, nhất là với những người quá “duy lý”. Tuy nhiên với người có niềm tin, khi đón nhận mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thì vẫn không phi lý, vì họ đón nhận nó trên lời chứng của các Tông đồ và các môn đệ, những người đã thực sự thay đổi cuộc sống và đã can đảm đổ máu đào ra để minh chứng, một cách khó lý giải theo luận lý bình thường. Phải có cái gì đó khiến cho không chỉ một vài người mà cả một tập thể nhát đảm, đầy tham lam và ích kỷ đã trở nên kiên cường và quảng đại khác thường. Đó chính là mầu nhiệm Chúa Phục sinh.
Đâu là ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh? Việc Chúa Phục sinh xác nhận thần tính của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã sống lại như lời Người đã tiên báo, ít là ba lần trong thời gian rao giảng tin mừng. Chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ được sự sống, sự chết. Việc chỗi dậy từ cõi chết đã minh chứng cách hùng hồn Chúa Kitô chính là Thiên Chúa thật. Là Thiên Chúa thật nên những gì Người nói đều là chân thật, không thể sai lầm.
Dù thời gian có qua đi thì lời của Người mãi là ánh sáng dẫn đường chúng ta đi về cõi phúc thật. Là Thiên Chúa thật thì Chúa Kitô chính là nguyên lý của hạnh phúc và sự sống đời đời của tất cả mọi người. Chính nhờ Người mà mọi vật mọi loài được tạo thành thì cũng chính nhờ Người mà muôn người và muôn vật đạt đến sự viên mãn.
Mầu nhiệm Chúa Phục sinh còn nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc đời con người không chấm dứt với cái chết thể lý. Con người được dựng nên không phải cho đời này mà là cho vĩnh cữu. Tuy nhiên cái vĩnh cửu lại được bắt đầu và xây dựng từ những cái ở đời này. Những cái ở đời này sẽ không mất đi nhưng sẽ được biến đổi. Được biến đổi ra như thế nào là tuỳ thái độ sống của mỗi người chúng ta. Và Chúa Kitô đã cho chúng ta chiếc chìa khoá để biến đổi những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này thành phi thường, thành bất diệt, đó là tấm lòng của chúng ta, là tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân, đặc biệt dành cho những người bé mọn (x.Mt 25, 31-46).
Chúa đã phục sinh nghĩa là Chúa đang sống, đang đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế để chúng ta có thể cùng với Người, nhờ Người và trong Người, sống đạo yêu thương. “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16,7). Lời của Thiên sứ năm xưa nhắn bảo các phụ nữ một lần nữa nhắc nhớ chúng ta rằng hãy mở mắt, mở tai, mở trí, mở lòng để nhận ra Chúa Phục Sinh đang ở với chúng ta ngay trong đời thường, với chuyện cơm áo, gạo tiền, chuyện con cái, gia đình, chuyện non sông, xã hội… Như Phaolô trên đường đi Đamát, nhiều người đã gặp Chúa Phục sinh và cuộc đời của họ đã thay đổi cách phi thường.
Chúa Phục sinh sẵn sàng tỏ mình cho bất cứ ai. Vấn đề còn lại là ở thái độ của chúng ta. “Xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Thực ra vẫn có đó nhiều người không dám xin, không dám tìm hay gõ cửa, hoặc có xin, tìm, hay gõ cửa nhưng không thực tâm, không hết lòng vì nhiều lý do, trong đó có lý do này: sợ phải đổi thay, sợ nên tốt hơn. Muốn thay đổi, nên tốt hơn thì phải bỏ mình, phải vác thập giá hằng ngày, một chân lý không có luật trừ, vì ngay cả Đấng Cứu Độ cũng phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang (x.Lc 24,26).
Mùa chay đã chấm dứt. Mùa Phục Sinh lại bắt đầu. Các lễ nghi Phụng vụ bên ngoài như trở lại với cách kiểu bình thường, chỉ thêm Kinh Vinh danh trong ngày Chúa Nhật và câu tung hô Allêluia. Quả là phí công, mất sức cũng như có nhiều sự phí phạm trong việc tổ chức “lễ lạc” mừng Chúa Phục Sinh, nếu giả như mỗi người chúng ta không thực tâm và quyết tâm muốn nên tốt hơn, thánh thiện hơn. Vì chưng, dù có hát trăm lần câu Hallêluia Chúa đã sống lại thì chuyện đâu lại hoàn đấy, bởi một lẽ dễ hiểu đó là chúng ta chưa thực sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Ơn Toàn Xá Trong Ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, Kính Lòng Thương Xót Chúa
- Đường hầm bí ẩn ở Israel có thể là nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu
- 6 vật mà một người Công Giáo nên có trong nhà
- Các phép lạ của thánh Antôn Padua hay làm phép la
- Đức Mẹ ᒪộ Đức вị néм đá thành từng mảиh xin hiệp ý cầu nguyện
- Người Công Giáo Việt Nam làm gì trong những ngày Tết?
- Tầm quan trọng của Ngày Giới Trẻ Thế Giới