Để nói về những điểm đến hấp dẫn ở Nam Định, thì chắc hẳn không thể thiếu được những ngôi Thánh đường nguy nga & tráng lệ.
Hôm nay, mình sẽ dẫn các bạn đi thăm quan & khám phá nhà thờ Bùi Chu. Ngôi nhà thờ lâu đời & nổi tiếng bậc nhất ở Nam Định. Vì đây chính là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu. Vùng đất này được các giáo sĩ phương Tây chọn là địa điểm đầu tiên để truyền giáo tại Việt Nam từ những năm 1533.
Nhà thờ Bùi Chu là nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Bùi Chu, tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Nơi đây là một quần thể các công trình kiến trúc độc đáo: Nhà thờ, tháp đồng hồ cổ, nhà Nguyện Đường, Phục Sinh Đường, Vườn Kinh Ave Maria…
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1885 bởi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m.
Trải qua 133 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây.
Tòa thờ trên gian Cung Thánh được trạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng, xung quanh đặt các ảnh tượng diễn tả về mầu nhiệm Mân Côi.
Trên gian cung thánh là nơi an nghỉ của 7 vị Giám mục đã từng coi sóc giáo phận Bùi Chu (Đức cha Wenceslao Oñate Thuận, Đức cha Pedro Muñagorri Trung, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, Đức cha Đa Minh Lê Hữu Cung, Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất và Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm).
Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu nổi bật với gam màu thổ hoàng. Bên dưới là hàng cột lim đen bóng đặt trên các trụ đá cổ, trạm trổ tinh tế. Phía trên là mái vòm hình ô van đậm phong cách kiến trúc Ba-rốc (tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là những viên ngọc quý) nhưng vẫn gợi lên dáng dấp tam quan cổ kính theo phong cách kiến trúc của phương Đông.
Đặc biệt, các mái vòm của nhà thờ được làm bằng rơm trộn vôi, vừa nhẹ, vừa tiết kiệm lại vừa bền
Phía đầu nhà thờ là cổng vào Tòa Giám Mục Bùi Chu, nơi đây có Tháp đồng hồ. Chiếc đồng hồ cổ kính của Pháp được sản xuất riêng cho nhà thờ Bùi Chu vào năm 1922.
Chiếc đồng hồ được đặt ở lưng chừng tháp, cách mặt đất khoảng 6m, mặt số đề chữ F. Fanier – Robecourt (tên một hãng đồng hồ của Pháp).
Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc dùng thế năng (vật nặng) làm chuyển động các bánh xe. Để tạo thế năng, đồng hồ dùng 3 quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg. Quả tạ để làm chuyển động các bánh răng chạy giờ, đánh nhạc mỗi 15 phút và đánh giờ.
Chuông của đồng hồ có đường kính 1m được điêu khắc tinh xảo, tiếng chuông ngân vang xa, từ 2-4 km vẫn có thể nghe thấy .
Chiếc đồng hồ cổ này đến nay vẫn đang chạy rất tốt và là một trong những chiếc đồng hồ cổ đặt trên tháp nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay.
Nguyện đường cao 35m, ngọn tháp vươn cao với Thánh Giá được nâng lên bởi tòa tam cấp, có dáng dấp Đông Phương lai Gotic. Phần trên tòa nhà được dẫn vào bởi những bậc thang rộng. Bên tay phải cầu thang là tượng Thánh Giuse cõng Chúa Con trên vai mà không ở đâu có, ý nghĩa “Tình Cha”. Đối diện với tượng Thánh Giuse là tượng Đức Mẹ Sầu Bi ôm Con “Nghĩa Mẹ”. Cửa nhà nguyện 4 cánh, mỗi cánh là một công trình đầy ý nghĩa của các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa Giải. Vào trong Nhà Nguyện, như lạc vào động tiên không gian cao vút với tượng ảnh, bàn thờ, màu sắc… được sắp đặt một cách hài hòa. Tầng dưới Nhà Nguyện là Nhà hầm các Thánh tử vì Đạo. Bên cạnh còn có 6 mẫu nữ tu: Đa Minh, Mân Côi, Trinh Vương, Thăm Viếng và Mến Thánh Giá.
Ngay tại gian giữa, nhiều người sửng sốt và cảm động, lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ cho Con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía; võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng. Đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam. Đức Mẹ Việt hóa với áo dài hồng nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài kiểu quý phái, mái tóc đen óng ánh. Cặp mắt mẹ âu yếm nhìn Đứa Con đang khát sữa. Trên đầu tượng Đức Mẹ có dòng chữ “…Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú”.
Phía trần nhà trên đầu Đức Mẹ là một bức phù điêu tuyệt tác, tả khung cảnh vinh hiển của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam trước vị vua Vinh Hiển là Đức KiTo Phục Sinh.
Phục sinh đường là tổ hợp công trình kiến trúc nhiều ý nghĩa biểu tượng:
Nhà số 4 nói lên ý nghĩa của 4 sự: Chế, Phán xét, Thiên Đàng và Hỏa ngục.
Mặt trước nhà số 4 có tượng thiên thần thổi loa. Vào ngày tận thế các Thiên thần thổi loa báo động cho người chết sống lại. Dưới chân Thiên thần là một đồng hồ chạy ngược, bởi vì khi chết người ta hết thời giờ lập công, mà Thiên Chúa chỉ xét xử những gì xảy ra trong qua khứ.
Trên nóc nhà có 12 tượng các thánh Tông Đồ ngồi trên 12 ngai tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. Phía trên cao còn có 4 pho tượng các Thánh Sử là các tác giả 4 sách Phúc Âm: Matthew, Mark, Luke và John.
Tầng dưới tòa nhà cất giữ 23 bộ xương các anh hùng tử đạo của Bùi Chu. Tầng giữa là nơi cử hành nghi lễ. Giữa gian có tượng Chúa Phục Sinh. Tầng trên giống như một phòng triển lãm các đồ thờ như: Áo Lễ, chân nến, bình thánh, yên sách v.v. và một số pho tượng.
Đài xét xử: Bên tay trái tòa nhà số 4. Thiên Chúa công minh xét xử người ta theo như những gì họ đã làm và được đưa lên cân tội phúc. Nếu một người ăn ở tốt lành thì được đưa sang tháp Thăng Thiên để lên trời, tượng trưng bằng 11 cánh hạc đang bay lên. Còn kẻ dữ thì phải đẩy vào hỏa ngục.
Mở cửa vườn, chúng ta sẽ gặp một Cỗ Tràng Hạt rất lớn, nặng 2,2 tấn. Mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10m.
Bên phải là một bức tường cao, trên đó gắn sẵn những bản kinh Ave Maria, tức là bản kinh “Kính Mừng Maria” bằng các thứ tiếng trên khắp thế giới. Tổng số bản kinh là 150, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20 m x 1,2 m.
Trong vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn: Thánh Francis với con chó sói. Ở phía giữa hành lang là pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ dâng hoa cho Đức Mẹ. Xa hơn ở cuối hành lang là tượng Thánh Don Bosco cao 3m và Thánh Đa Minh Savio (St.Dominic Savio).
Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ tại Giáo phận Bùi Chu xưa kia, trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi tràng hạt.
Chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam
Nhạc khí tại Giáo phận: Là những nhạc cụ được chế tác độc đáo công phu mang nhiều ý nghĩa: Trống cái, kèn đồng, đàn lira, chiêng cồng..
Chiếc kèn đồng to nhất Việt Nam do nghệ nhân Đinh Văn Mạnh chế tạo: dài 5,5m , nặng 300 kg.
Nhà thờ Bùi Chu nằm trong quần thể các công trình của Tòa Giám Mục Bùi Chu. Hàng năm thường có rất nhiều du khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu.
Nguồn: https://nhatho.org/kham-pha-nha-tho-bui-chu-nha-tho-noi-tieng-bac-nhat-o-nam-dinh
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tín Hữu Trung Quốc Hành Hương Ngăn Cản Việc Phá Đền Thánh Đức Mẹ
- Giáo hội và ‘đại gia’
- Nhà Thờ và Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cần được gìn giữ
- Đừng dẹp hang đá và cây thông Giáng Sinh! Mùa Giáng Sinh vẫn còn!
- Sự nghỉ ngơi Sabbath
- Các Sơ đi xe máy rước Đức Mẹ một cách đặc biệt
- Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho Australia