Bí quyết hạnh phúc gia đình

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19.6)

Nhiều lần chúng ta đọc trên báo, theo dõi những phiên tòa ly hôn. Trong đó chúng ta thấy không phải nghèo khó mới khiến gia đình lục đục, nhưng ‘người giầu cũng khóc’ là điều người ta có thể thấy trong phiên tòa. Nói chung, cuộc sống gia đình, tình yêu đôi lứa luôn bị những vi rút độc hại tấn công, khiến nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé. Dĩ nhiên, gia đình Công giáo không miễn nhiễm những loại vi rút ấy.

Những chuyện ly hôn ấy có khi xảy ra trong chính gia đình, họ hàng mình, luôn khiến mỗi người chúng ta đau lòng. Đâu là bí quyết giữ được hạnh phúc gia đình? Chắc hẳn khi nên nghĩa vợ chồng, ai cũng có kinh nghiệm làm sao cho gia đình mình được hạnh phúc. Thuận vợ, thuận chồng không phải lúc nào cũng có được. Vậy khi sóng gió ùa vào con thuyền gia đình, đâu là điều để người ta bám víu? Là gia đình Công giáo, hẳn nhiều người đồng ý rằng cầu nguyện là một trong những bí quyết để gìn giữ gia đình hạnh phúc ấy.

Chúa Giêsu chỉ cho ta bí quyết: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Ảnh minh họa

Tôi có dịp nghe nhiều gia đình (nghèo có, giầu có) kể về tình cảnh của họ. Mỗi khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, họ chạy đến với Thiên Chúa để tâm sự với Người (1). Tức giận không hẳn vụt mất khi họ cầu nguyện, nhưng chính trong bầu khí thinh lặng và đối diện với Thiên Chúa, họ bình tĩnh để thấy đâu là điều cần thiết nên làm. Trong bầu khí đó, họ có thể tìm lại được tình nghĩa vợ chồng, thấy được điều sai, lẽ phải để biết trò chuyện với nhau. Kết quả là sau bao nhiêu lần khó khăn ấy, là bấy nhiêu lần họ cầu xin Chúa giúp cho họ có sức mạnh, để chấp nhận và làm hòa với nhau. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng làm được như họ! Cầu nguyện là điều xa lạ với nhiều người.

Phải thừa nhận rằng, đời sống gia đình trong thời đại hôm nay luôn có quá nhiều thách đố. Phải chăng trước thực tế ấy, Giáo Hội Việt Nam dành cả một năm để ‘đồng hành với các gia đình gặp khó khăn’. Những lộc thánh năm 2019 cũng nhắc nhớ ta điều ấy: Cầu nguyện cho đời sống gia đình. Khó khăn không chỉ trong đời sống kinh tế, làm ăn vất vả; nhưng trên hết, gia đình gặp khó khăn chính trong mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Do đó, thật quan trọng biết bao để mỗi cặp vợ chồng biết cách, hoặc ưa thích cầu nguyện với Thiên Chúa. Không phải những lúc gặp thử thách hay mâu thuẫn mới cầu nguyện, nhưng chính khi hạnh phúc, cầu nguyện giúp họ càng gia tăng hạnh phúc hơn.

Vậy cầu nguyện bằng cách nào? Có người chia sẻ với tôi rằng: “Lúc buồn chị vào nhà thờ, ngồi đó và nhìn lên Chúa Giêsu, kể cho Chúa những chuyện đang xảy ra trong gia đình mình và nài xin Chúa giúp.” Hoặc, “Gia đình anh chị dù bận bao nhiêu cũng cố gắng cùng nhau tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật.”

Nói chung, họ biết cách sống với nhau trong bầu không khí thánh thiện, chan hòa. Từ đó, không chỉ mỗi thành viên có tương quan với Thiên Chúa, mà chính trong gia đình, họ cảm thấy hạnh phúc sống cùng nhau. Khi đó, chúng ta tin rằng: “Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả can đảm, tin tưởng và quảng đại” (Đường Hy Vọng, số 467).

Đừng quên, tôn giáo nào cũng cho thấy cầu nguyện (hoặc tĩnh tâm) đều giúp cho con người (nói riêng), và đời sống gia đình được hạnh phúc hơn. Đó là bí quyết dường như quá khó trong thời đại hôm nay. Tôi biết nhiều vợ chồng Công giáo quá để tâm đến chuyện làm ăn kinh tế mà quên lãng chuyện đạo nghĩa (2). Họ không quen trò chuyện với Thiên Chúa. Họ ít dành thời giờ cho nhau. Đó là một mối nguy cho hạnh phúc gia đình! Ngược lại, thật quý biết bao khi nhiều gia đình trẻ lấy Thiên Chúa là một trong những bận tâm chính trong đời sống của họ, và cùng nhau vượt qua. Thế là mối tình của họ bền chặt hơn theo tháng năm.

Đừng quên những cặp ly hôn đều có những năm tháng hạnh phúc cùng nhau. Tiếc là giờ đây, hạnh phúc ấy không thể giữ cho hai người trong tình nghĩa vợ chồng. Dĩ nhiên, ly dị nào cũng khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Hơn nữa, con cái chặng hạnh phúc gì khi thấy cha mẹ cách xa. Thấy chuyện người ta để nhắc nhở chuyện mình: chuyện về hạnh phúc của mỗi vợ chồng. Trước mối nguy ly hôn, ước gì cũng là dịp để người vợ, người chồng trong mỗi gia đình thêm yêu thương nhau hơn. Mỗi người mở lòng để Chúa là Tình Yêu giúp tình yêu của họ thêm mặn nồng hơn. Để khi vui cũng như lúc buồn, Thiên Chúa biết cách để tạo cho từng gia đình có được hạnh phúc bình an.

Ước gì mỗi gia đình luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Đó là bí quyết để cùng nhau bồi đắp cuộc sống vợ chồng. Xin can đảm để Thiên Chúa thánh hóa đời sống lứa đôi, làm cho người vợu, người chồng mỗi ngày hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn và sống hạnh phúc với nhau hơn. “Nguyện xin Giêsu thương mến, cho duyên tình mãi nở hoa. Nguyện xin Giêsu đến trong nhà, cho đời hòa tiếng ca”. Đó chẳng phải là lời cầu nguyện tuyệt vời của vợ chồng khi lãnh nhận Bí tích hôn phối đó sao?

Tái bút: “Người ta hỏi tôi lời khuyên cho các đôi vợ chồng đang phải khổ sở tranh đấu trong quan hệ hôn nhân. Tôi luôn trả lời: cầu nguyện và tha thứ. Đối với những thanh thiếu niên lớn lên từ những gia đình bạo lực, tôi cũng nói: cầu nguyện và tha thứ. Và đối với cả bà mẹ đơn thân không được gia đình nâng đỡ: hãy cầu nguyện và tha thứ” (Thánh Têrêsa Thành Calcutta 1910-1997).

Từ cuốn “Trò chuyện với các bạn trẻ Công giáo”

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J

(1) – Trong Tông Huấn Chúa Kitô Sống (2019), khi ĐGH viết về Tình yêu và Gia đình, Ngài nhấn mạnh rằng: “Bí tích hôn phối thắt chặt tình yêu này bằng ân sủng của Thiên Chúa, bén rễ nơi chính Thiên Chúa” (260)

(2) –  Đừng bao giờ quá bận rộn kiếm sống đến nỗi quên cả sống (khuyết danh)

 

3. Viết cho người sống thử

2. Cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

1.Thư Ađam gửi cho Evà

 

 

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết