Ai trong chúng ta cũng có những giây phút sống trong xáo trộn và khủng hoảng. Mất mát, chết chóc, bệnh tật, thất vọng, tổn thương, cô đơn, hận thù, ghen tương, ám ảnh, sợ hãi; chúng xâm chiếm cuộc sống chúng ta và thường chúng ta bị chao đảo vì bóng tối của chúng.
Làm gì bây giờ? Làm sao kéo mình ra khỏi tăm tối của xáo trộn?
Câu trả lời đơn giản: cầu nguyện. Nhưng trả lời như vậy thì đơn giản quá. Tất cả chúng ta đều từng nghe câu trả lời hoàn hảo: “Cầu nguyện sẽ giúp bạn vượt qua! Bạn hãy đem vấn đề của bạn đến nhà nguyện! Giao tất cả cho Chúa! Chúa sẽ giúp bạn!”
Tôi chỉ có thể nói điều này cho chính tôi, nhưng tôi nghĩ người khác cũng có cùng kinh nghiệm với tôi: thường thường, khi tôi cố gắng cầu nguyện để vượt qua một tổn thương sâu xa, tôi không thấy mình được khuây khỏa và, đôi lúc, tôi còn bị thất vọng hơn, ngập chìm sâu hơn trong xáo trộn, chỉ nghĩ đến mình hơn là cầu nguyện.
Thường thì cuối cùng tôi dùng cầu nguyện để thỏa mãn tính ái kỷ của tôi.
Rất thường xuyên khi chúng ta đau khổ và muốn cầu nguyện, lời cầu nguyện không dùng để nhổ bật gốc rễ tổn thương và tính ái kỷ, mà nó sẽ cắm rễ sâu hơn trong tăm tối, trong tính thích tội nghiệp mình, chỉ nghĩ tới mình.
Cuối cùng chúng ta đi xa khỏi Thần Khí, thay vào đó là nhường chỗ cho hoang mang, sợ hãi, xáo trộn, cố chấp, ám ảnh và oán giận, ngắn gọn đó là một loại thủ dâm, một loại không-cầu nguyện.
Tại sao? Có phải Chúa không sẵn lòng giúp đỡ? Có phải đơn giản đó là vấn đề của tính kiên nhẫn? Có phải cuối cùng Chúa sẽ giúp, nhưng không ngay lập tức?
Thiên Chúa luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ và, đúng, chúng ta phải kiên nhẫn: sự chữa lành cần thời gian. Tuy nhiên còn nhiều nữa. Khi cầu nguyện và lời cầu nguyện của chúng ta không giúp gì là do chúng ta cầu nguyện không đúng. Tôi đau đớn học điều này qua bao nhiêu năm tháng sai lầm.
Cầu nguyện là đặt trọng tâm vào Thiên Chúa, không phải vào chúng ta. Vấn đề là, khi chúng ta bị tổn thương hay bị ám ảnh thì, lúc đó chúng ta chỉ nghĩ đến một chuyện: đối tượng làm chúng ta tổn thương hay mất mát. Sự tập trung đó gây nên suy nhược: nó gắn chặt sự quan tâm của chúng ta vào chỉ một chuyện làm chúng ta mất tự do về mặt cảm xúc, một tự do cần có để thưởng thức hay làm bất cứ một điều gì khác. Suy thoái là tập trung quá mức.
Vì vậy, khi chúng ta bị kẹt trong suy thoái thì lời cầu nguyện của chúng ta phải quy hoàn toàn về Thiên Chúa, không được quy về mình.
Nếu chúng ta hành động theo tự nhiên, cố gắng “cầu nguyện để vượt qua cơn khủng hoảng,” thì rồi chúng ta lại suy nghĩ về cơn khủng hoảng, và bằng lòng với cái đau khổ của mình.
Thay vì thoát ra khỏi ám ảnh hay xúc cảm về mất mát, chúng ta lại đẩy tổn thương vào bên trong, làm cho nỗi đau càng nặng thêm và làm cho cơn suy thoái càng trầm trọng hơn.
Khi cầu nguyện trong cơn khủng hoảng, chúng ta buộc phải đặt trọng tâm vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su hay một khía cạnh huyền nhiệm thiêng liêng nào đó của Chúa, và chúng ta phải cự lại thôi thúc chỉ muốn nghĩ đến kinh nghiệm đau thương của mình.
Lấy ví dụ: tưởng tượng bạn đang mất một người mà bạn yêu thương sâu đậm. Vết thương khiến bạn không thể nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác, bạn đi cầu nguyện. Cám dỗ sẽ đến ngay lập tức, dụ bạn tập trung vào bạn, vào nỗi ám ảnh của bạn. Lời khuyên chân thành nhất sẽ là “thổ lộ hết tấm lòng”. Nhưng kết quả chỉ tai hại hơn. Bạn thấy mình càng bị ám ảnh hơn vào chuyện bạn đang cố thoát ra. Cơn suy thoái của bạn sẽ nặng hơn.
Ngược lại nếu bạn buộc mình – và điều này sẽ rất khó – đặt trọng tâm vào Thiên Chúa, giống như Ngài đã mạc khải trong huyền nhiệm cuộc đời của Đức Ki-tô, cơn suy thoái của bạn sẽ được dập tắt. Bạn sẽ cảm thấy Thiên Chúa, chầm chậm nhưng êm ái, mở tâm trí bạn ra. Một thư giãn và cảm xúc nhẹ nhàng sẽ đến theo đó.
Khi đứa trẻ bị tổn thương níu áo mẹ, sự hiện diện của bà mẹ mạnh đến nỗi cái đau của nó không còn quan trọng nữa. Điều đó cũng đúng khi chúng ta níu áo Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ làm quen được với cơn khủng hoảng và chúng ta nhìn sự việc trong bình an, không phải vì cơn khủng hoảng sẽ qua đi nhưng vì sự hiện diện của Thiên Chúa che chở chúng ta.
Nhưng muốn được như vậy, chúng ta phải níu áo Thiên Chúa. Như đứa trẻ bị đau, chúng ta phải tập trung vào bà mẹ, không tập trung vào mình. Cụ thể là khi cầu nguyện trong cơn khủng hoảng, chúng ta phải tuyệt đối không nghĩ về mình, không làm một liên hệ giữa huyền nhiệm chúng ta đang chiêm niệm với tổn thương của mình. Như đứa trẻ, chúng ta hài lòng ở trong vòng tay bà mẹ.
Sẽ khó, rất khó, để làm vậy. Ban đầu tất cả cảm xúc trong lòng sẽ bắt chúng ta hướng trọng tâm vào tổn thương của mình. Nhưng đó là then chốt của vấn đề, đừng chiều theo cảm xúc!
Dưới vỏ bọc cầu nguyện, đừng gặm nhắm nỗi buồn của mình. Hãy đặt trọng tâm vào Thiên Chúa. Rồi khi đó, như đứa trẻ thổn thức trong lòng mẹ, trong thinh lặng, chúng ta sẽ có được nguồn suối bình an.
Trong cánh tay Chúa, chính Thần Khí sẽ mang đến nguồn suối bác ái, hân hoan, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, dịu dàng, trung thành, đức tin, hy vọng và tin tưởng. Bình an ở trong nguồn suối này.
Nguyễn Kim An dịch
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tu sĩ Dòng Capuchin làm ảo thuật bài, Đức Phanxicô và… tiếng cười
- Anh Trai Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-Nê-Đích-Tô XVI Qυa Đời
- Cậu Bé 11 Tuổi Người Mỹ Muốn Chứng Minh ‘Thiên Chúa Thật Sự Tồи Tại’
- Nhà vật lý học Niu-tơn: Cả vũ trụ này đều do Thiên Chúa tạo nên và không có gì là ngẫu nhiên
- Thật vui mừng: Cố vấn Mỹ tuyên вố có thể sản xuất thuốc trị Covid-19 từ cuối tháng này
- Gương Mặt Chúa Jesus Xuất Hiện Sau Vết Lở Núi
- Hai Linh Mục Bị Giết Ở Mêhicô