Tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes và không gian vinh danh chữ quốc ngữ được lập kế hoạch dựng tại Quảng Nam.
Chiều 9/4, tại tọa đàm ở Hà Nội, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Viện trưởng Vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt) cho biết, ông đang vận động tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về chữ quốc ngữ.
Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 28/12 tại Đà Nẵng, dịp kỷ niệm vua Khải Định ra chiếu bỏ chữ Hán, dùng quốc ngữ (28/12/1918). Hàng trăm học giả trong nước và thế giới sẽ được mời dự nhằm phân tích rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau về lịch sử hình thành chữ quốc ngữ. “Đây là dịp vinh danh giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người có công lớn sáng tạo ra chữ quốc ngữ”, giáo sư Hưng bày tỏ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Ảnh: Viết Tuân
Sau đó, nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Hưng đứng đầu sẽ dựng không gian vinh danh chữ quốc ngữ, dự kiến đặt tại Thanh Chiêm (Quảng Nam) – nơi đầu tiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha đặt chân tới Việt Nam thế kỷ 17, bắt đầu viết tiếng Việt bằng ký tự Latinh.
Tại đây sẽ có tượng Alexandre de Rhodes; thư viện trưng bày tài liệu về quá trình hình thành, phát triển chữ quốc ngữ; không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống… “Đến đây, mọi người sẽ hiểu về lịch sử chữ quốc ngữ và những người góp công lớn để hình thành ngôn ngữ của đất nước như hiện nay”, ông Hưng kỳ vọng.
Đồng cảm với ý tưởng này, đạo diễn Trần Văn Thủy cho hay luôn trăn trở làm phim về Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ. “Trước đây, có người học chữ Hán mười năm chưa chắc đã biết đọc, biết viết. Nhưng với quốc ngữ, trẻ em chỉ mấy tháng là đọc thông, viết thạo nên việc giữ gìn và tôn vinh ngôn ngữ này là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam”, đạo diễn chia sẻ.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi. Ảnh: Viết Tuân
Tuy nhiên, thạc sĩ ngôn ngữ Đào Tiến Thi lại băn khoăn về thời điểm chữ quốc ngữ được coi là ngôn ngữ chính thức của đất nước. Ông phân tích, chữ viết này ra đời từ thế kỷ 17 nhưng chủ yếu được dùng trong hệ thống nhà thờ. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tầng lớp trí thức tiên phong của Việt Nam thổi bùng lên phong trào cổ suý dùng chữ quốc ngữ. Khi đó, chữ viết này mới được thừa nhận.
Vì vậy, thời điểm vua Khải Định ra chỉ dụ bỏ chữ Hán, dùng quốc ngữ cuối năm 1918 “không có nhiều ý nghĩa”. Bởi khi đó nhà Nguyễn chỉ còn quản lý Trung kỳ. Bắc kỳ và Nam kỳ do Pháp bảo hộ đã dùng chữ quốc ngữ từ lâu.
Ông Thi nhận định, lựa mốc thời gian chữ quốc ngữ được coi là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam đòi hỏi nghiên cứu khoa học và nghiêm túc. Ông chưa đưa ra kết luận mà gợi ý: Sự ra đời của Gia Định báo năm 1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam; Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), trường đầu tiên dạy chữ quốc ngữ; Đại Nam Đồng Văn nhật báo (1892); Đông Dương tạp chí (1913)…
Đáp lại, giáo sư Hưng cho rằng, chữ quốc ngữ ra đời trong giai đoạn lịch sử điêu linh của dân tộc nên cần nhìn vấn đề theo hướng có lợi cho đất nước để tìm tiếng nói chung.
Tại tọa đàm, các đại biểu được xem đoạn phim tài liệu ngắn về sự kiện dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia, thành phố Isfahan, Iran cuối năm 2018. Trong phim, hai tấm bia đá được nhóm trí thức người Việt làm ở Quảng Nam, khắc dòng chữ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Iran: “Tri ân cha Alexandre de Rhodes có đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ – chữ Việt viết theo ký tự Latinh”.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tại lễ dựng bia tưởng nhớ giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Tại buổi lễ đó, giáo sư Hưng nói sự ra đời và phổ biến chữ quốc ngữ có công sức của nhiều thế hệ, từ các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, cộng tác viên người Việt đến các học giả Trương Vĩnh Ký, Lương Đình Của, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Xuân Hãn, Hữu Đang…
“Nhưng công đầu thuộc về cha Alexandre de Rhodes. Năm 1651, dựa theo công trình của các giáo sĩ Bồ Đào Nha trước đó, ngài bổ sung và hoàn thiện, cho ra đời tại Roma cuốn từ điển Việt Bồ La, là công bố khoa học đầu tiên của chữ quốc ngữ, dùng ký tự Latinh ghi âm tiếng Việt. Đây là nỗ lực khổ luyện cá nhân hiếm có của ngài”, giáo sư Hưng nói trước mộ Alexandre de Rhodes.
Viết Tuân – https://vnexpress.net/giao-duc/de-xuat-vinh-danh-nguoi-co-cong-lon-tao-ra-chu-quoc-ngu-3907116.html
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Đường hầm bí ẩn ở Israel có thể là nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu
- Lễ Giỗ Thứ 17 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Tại Roma
- “Vì lòng mến dân tôi, tôi sẽ không nín lặng”: Ngày tưởng nhớ các nhà truyền giáo tử đạo
- Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 chức sắc cao cấp mới tại Tòa Thánh
- Đức Thánh Cha Phanxico bổ nhiệm Tân Giám mục Chính toà giáo phận Thanh Hoá
- Tại Sao Chúng Ta Phải Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn?
- Chân dung Tập Cận Bình được sử dụng để thay thế các ảnh tượng Công giáo trong Nhà тнờ