Chữ Mẹ rất ngắn, chỉ có hai mẫu tự theo Việt ngữ, nhưng cả đời chúng ta cũng không thể đánh vần xong. Rất dễ mà rất khó. Với người mẹ trần gian mà còn như vậy, huống chi Người Mẹ tâm linh – Mẹ Thiên Chúa. Ngày đầu năm cũng là ngày cầu hòa bình cho thế giới: “Nữ Vương Ban Sự Bình An – Cầu Cho Chúng Con!” (Kinh Cầu Đức Bà)
Chúa Giêsu cho Thánh Catarina Siena biết điều quan trọng: “Ta muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Cha, và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỷ dữ.” Là con người, chắc chắn ai cũng rất hạnh phúc khi có Mẹ, càng hạnh phúc hơn khi Người Mẹ của chúng ta là Thánh Mẫu Thiên Chúa, là Người-Mang-Thiên-Chúa (Theotókos, God-Bearer).
Thiên Chúa dành cho người mẹ những điều kỳ diệu như để bù đắp nỗi khổ mà người mẹ chịu đựng. Sự lạ lùng có ngay trong chữ Mẹ. Thật vậy, không biết Thiên Chúa có “tiền định” hay không mà trong các ngôn ngữ, chữ Mẹ đều mở đầu bằng mẫu tự M – một âm bật dễ đọc, trẻ em tập nói rất dễ gọi tiếng Mẹ: Tiếng Việt là Mẹ (Má), tiếng Anh là Mother (Mom, Mum), tiếng Pháp là Mère (Maman), tiếng Ý là Madre (Mamma), tiếng Đức là Mutter (Mumie), tiếng Bồ Đào Nha là Mãe, tiếng Tây Ban Nha là Madre (Mamá), tiếng Hà Lan là Moeder (Mummie),… Tuy nhiên, khi gọi Cha (Ba) thì các ngôn ngữ không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Chắc hẳn đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ – Mẹ của những người Mẹ.
Mẹ con không thể tách rời nhau. Tình Mẫu Tử rất kỳ diệu, hầu như chúng ta không thể hiểu hết. Mặc dù đứa con tật nguyền, không đẹp, thậm chí là hư hỏng, phản bội, nhưng nước mắt luôn chảy xuôi, người Mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn yêu thương hết lòng. Người bàng quan có thể trách người Mẹ là nhu nhược, nhưng không phải vậy. Ai đã làm Mẹ mới khả dĩ hiểu được, và như vậy mới là Tình Mẫu Tử đích thực – trong đó Tình Phụ Tử cũng được “hiểu ngầm.” Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà “coi nhẹ” Tình Cha, vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh. Chỉ có cha mẹ mới yêu thương con cái vô điều kiện.
Ca khúc bất hủ “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân diễn tả giản dị mà thâm sâu: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…” Giai điệu đơn giản mà có hồn, ca từ đẹp và nhẹ nhàng như chất nữ tính dịu dàng của người Mẹ. Ông viết về chính người Mẹ của ông nhưng cũng nói thay cho mọi người.
Tình Mẫu Tử quá đỗi kỳ diệu đến nỗi thi sĩ Hồ Dzếnh mơ ước: “Kiếp sau xin lại làm người, Để nghe non nước vọng lời mẹ ru.” Ký ức về mẹ tuyệt vời lắm, khôn tả, ghi sâu đậm trong tâm khảm suốt đời một con người.
Truyện kể rằng có một loài chim đặc biệt rất thương con đến quên cả bản thân mình. Khi không có mồi cho con ăn, loài chim này lấy chính thịt mình để cho con ăn. Loài vật còn như vậy huống chi con người – loại sinh vật cao cấp nhất. Nói đến loài chim đặc biệt này gợi nhớ đến một người: Cố GM Giuse Lê Văn Ấn (giám mục tiên khởi của GP Xuân Lộc). Ngài qua đời giữa năm 1974, khi đó có một con chim – thuộc loài chim “lấy thịt mình nuôi con” đậu trên đỉnh nóc nhà thờ chính tòa cho đến lúc an táng xong. Người ta cho đó là “dấu lạ” vì hợp với khẩu hiệu giám mục của ngài: “Hãy Giết Mà Ăn.”
Niềm hạnh phúc lớn lao khi được làm người, được nghe lời mẹ ru. Gà con an tâm khi được núp dưới cánh gà mẹ, không còn sợ diều hâu. Con ở bên Mẹ vừa an toàn vừa hạnh phúc, bình an cả tinh thần và thể lý. Em bé nói với mẹ: “Mẹ là người tốt nhất.” Em bé cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc khi có được người mẹ “số dzách” như thế. Bất kỳ ai sống an toàn dưới “đôi cánh” của mẹ thì đều được an tâm, được hưởng an bình đích thực.
Thánh Richard de Saint Laurent nói về Đức Mẹ: “Như một người mẹ từ ái, âu yếm, không thể không săn sóc một đứa con phong hủi, dầu rất khó khăn và ghê tởm; cũng vậy, khi chúng ta chạy đến với Mẹ Maria, người Mẹ nhân từ dịu dàng này không thể xua đuổi chúng ta. Mẹ nhận điều trị, mặc dù tội lỗi của chúng ta xông lên mùi hôi nồng nặc.” Thánh Basiliô nhắn nhủ: “Tội nhân ơi, đừng tuyệt vọng, đừng thôi chạy đến với Mẹ trong cơn túng cực. Cứ gọi Mẹ đến giúp, bạn sẽ luôn thấy Mẹ sẵn sàng tới cứu trợ; vì thánh ý Chúa muốn chúng ta đến xin Mẹ nâng đỡ hộ vực trong mọi trường hợp.”
Chúng ta sống trong một thế giới luôn có nhiều bất trắc, hầu như hằng ngày có những biến cố đáng chú ý như chiến tranh, tai ương, chất độc,… đặc biệt là đại dịch covid kéo dài cả năm qua mà nhiều nơi vẫn chưa an toàn. Vì thế, con người càng khao khát hòa bình đích thực để an tâm vui sống.
Thế giới thiếu hòa bình vì người ta còn tranh quyền lợi, giành vật chất, còn lắm Tham-Sân-Si (theo quan niệm Phật giáo); người Kitô giáo thiếu bình an tâm hồn vì còn hướng chiều tội lỗi, vẫn tranh giành quyền lực, trọng hình thức, so đo địa vị. Tệ nhất là muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ theo tinh thần Đức Kitô, muốn sáng danh con chứ chưa thực sự muốn sáng danh Chúa. “Cái tôi” nhỏ bé mà cồng kềnh, đáng ghét nhưng khó triệt, nó có thể nổ dậy bất kỳ lúc nào khiến cho tính ích kỷ “to lớn” hơn tình người, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình, muốn được Thiên Chúa xót thương nhưng lại không thể hiện lòng thương xót với người khác. Thiên Chúa rất ghét “những người giả hình,” (x. Mt 23:1-32 ≈ Mc 12: 38 -40;Lc 11:39-48; Lc 20:45-47) biết thế mà người ta vẫn không chịu cúi xuống.
Quy trình hòa bình phải bắt đầu từ chính mình: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Chuỗi liên kết rất hợp lý. Chính tâm hồn mỗi con người có thực sự bình an thì mới có thể tiếp tục lan tỏa, tạo hòa bình trong gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước, thế giới.
Con Thiên Chúa giáng sinh làm người là dấu chỉ của Thời Cánh Chung: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4:4-5) Và để chứng thực chúng ta là con cái, Chúa Cha đã sai Thần Khí của Chúa Con đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6)
Nhờ đó, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4:7) Có những người mẹ đành lòng từ bỏ núm ruột của mình, nhưng Thiên Chúa lại nhận nghịch tử làm hiền tử hoặc con yêu. Quá đỗi kỳ diệu và tuyệt vời! Chúng ta chỉ là những “tử tội khốn kiếp” mà lại được công nhận là con cái và được thừa kế. Không còn hạnh phúc nào hơn. Điều đó vừa là sự kỳ diệu vừa là ẩn số của tình Cha, nghĩa Mẹ.
Nhìn vào Hang Belem, chúng ta nhận ra gia đình hạnh phúc, dù đó là cảnh nhà “nghèo nhất thế gian.” Trong gia đình nghèo đó có cả Tình Mẹ và Tình Cha. Những người đến thăm gia đình nghèo này cũng là những con người nghèo khó: Các mục đồng.
Thánh Luca kể rằng sau khi các mục đồng được tin báo của thiên thần, “họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Lời kể ngắn gọn mà tỉ mỉ. Các mục đồng diễm phúc vì được ghé thăm “nơi tạm trú” của Thánh Gia. Sống nghèo khó là một mối phúc, nhưng ngày nay, dù đời hay đạo, người ta chỉ thích ghé vào những nơi khang trang như biệt thự, villa,… muốn đến thăm đại gia, quen những người lắm của, nhiều tiền, thân với những người xài Mỹ kim…
Đức Mẹ không chỉ sống nghèo khó mà còn nhu mì, kín đáo, ít nói. Đó là tấm gương cho chúng ta, nhất là đối với nữ giới. Thật vậy, nghe mục đồng kể lại điều đã được nói về Hài Nhi, nhưng Đức Mẹ chỉ im lặng, “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2:17-19) Kinh Thánh tường thuật: “Khi ra về, các mục đồng vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” (Lc 2:20) Các mục đồng nghèo mà hạnh phúc, vì được gặp chính Chúa Giêsu, và lòng họ thực sự bình an, như thiên thần hát vang trong Đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)
Chắc chắn chỉ có người lòng ngay mới được Chúa thương, chỉ có người thiện tâm mới được tận hưởng nền hòa bình chân chính đúng nghĩa. Đó là những người noi gương Thánh Nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, cùng với những người được cư ngụ trong Nhà Chúa – những người sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. (Tv 15:2-5)
Đức Maria sinh Con Trẻ, bắt đầu thiên chức Mẹ Thiên Chúa. Bắt đầu có niềm hạnh phúc làm Mẹ thì cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày gian khổ, thậm chí là đẫm nước mắt… Nhưng Đức Mẹ vẫn không một lời than thở, chỉ im lặng, hành động, và tín thác vào Thiên Chúa.
Một phụ nữ bình thường được gọi là mẹ thì phụ nữ đó phải mang thai hoặc di truyền nửa tổng số gen cho người con. Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu theo cả hai nghĩa đó, bởi vì Đức Maria không chỉ mang thai Chúa Giêsu mà còn di truyền gen cho thân thể Ngài, do đó mà qua Đức Maria – chứ không phải Đức Giuse, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít về phương diện nhục thể. Bởi vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vậy Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Không còn cách suy luận nào hợp lý hơn, dạng lý luận này được các nhà luận lý học chấp nhận từ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh.
Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Maria không là mẹ của Ngài theo nghĩa Đức Maria cao niên hơn Thiên Chúa hoặc là nguồn của thần tính nơi Chúa Con, mà theo nghĩa Đức Maria mang thai Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa “hóa thành nhục thể” (2 Ga 7; x. Ga 1:14) – và theo nghĩa Đức Maria góp phần di truyền gen con người nơi Đức Giêsu Kitô.
Vì muốn tránh né, những người theo trào lưu chính thống thường cho rằng Đức Maria không mang Thiên Chúa trong cung lòng, mà chỉ mang nhân tính của Đức Kitô. Cách xác định này tái tạo tà thuyết Nestorian [thuyết Cảnh Giáo – bị Công Đồng Êphêsô kết án năm 431. Thuyết này trở thành Giáo Hội Nestorius, ngày nay vẫn tồn tại với tên gọi “Kitô hữu Assyria”], đồng thời xác định rằng người mẹ không chỉ mang thai nhân tính của người con trong cung lòng, mà còn mang thai chính ngôi vị của người con, không chỉ sinh ra bản chất con người mà sinh ra chính con người. Như vậy, Đức Maria mang thai và sinh Con Người của Đức Giêsu, Thiên Chúa Ngôi Hai.
Thuyết Nestorian cho rằng Đức Maria không sinh ra Đức Giêsu Kitô với hai bản tính, mà họ tách rời thần tính và nhân tính của Ngài, tạo ra hai con người tách biệt – một là Thiên Chúa và một là Con Người. Đó là tà thuyết về Kitô giáo, ngay cả các nhà cải cách Tin Lành cũng nhận ra. Chính Martin Luther và John Calvin cũng cương quyết bảo vệ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria.
Không khó để đánh vần chữ Mẹ theo mẫu tự, nhưng không hề dễ để đánh vần chữ Mẹ bằng cả con người của chúng ta dành cho người mẹ của mình, đặc biệt là dành cho người mẹ tâm linh là Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin làm cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Ngài, biết bảo vệ và duy trì công lý để kiến tạo hòa bình đích thực. Lạy Mẹ nhân lành và đầy ân sủng, xin giúp chúng con noi gương Mẹ, biết khiêm nhường, nhịn nhục, để có thể duy trì hòa bình trong gia đình hằng ngày. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tổng thống Indonesia chính thức mời Đức Thánh Cha thăm nước này
- Ba Giồng trở thành Trung Tâm Hành Hương của Giáo Phận Mỹ Tho
- Mất thiên đàng và nỗi sợ hỏa ngục
- “Lòng tôi sao vẫn còn biên giới?”
- Có một cụ già …(Giáo sư Nguyễn Khắc Dương)
- Đạo lễ hội
- Chuyện lạ: Cây Thánh Giá Nhà Thờ Đức Bà Paris không bị cháy và đang chiếu sáng