Hà Nội, Bắc Việt Nam, ngày 21 tháng 8 năm 1954- Chứng kiến cảnh những người Công giáo Việt Nam di cư về phương Nam, tôi có cảm tưởng đang chứng kiến một cuộc hành hương tôn giáo vĩ đại. Hàng chục ngàn người đã đổ về đây, để đợi những chuyến bay hoặc chuyến tàu sẽ mang họ đi xa tới 700 dặm.
Suốt đêm và rạng sáng, tôi có thể nghe thấy tiếng đọc kinh râm ran từ những trại tị nạn đông đúc, bất tiện. Tôi đã bị đánh thức bởi tiếng đọc kinh sáng của họ lúc 5 giờ, khi trời vẫn còn tối. Ban đêm, tiếng đọc kinh phải đến 11 h mới chấm dứt.
Hàng ngàn người ngồi chật kín trong những ngôi nhà nguyện của các trường Công giáo, nơi mà họ trú ẩn. Trước khi bình minh thức giấc, họ đã có mặt trong ngôi nhà thờ chính tòa để tham dự thánh lễ 5.30 sáng hằng ngày.
Họ đeo Thánh Giá, Chuỗi Mân Côi và các huy hiệu của các Thánh một cách công khai. Các người phụ nữ đeo áo Đức Bà có khâu màu nâu bên ngoài bộ áo nông dân của họ.
Khi họ gặp một linh mục, họ dừng lại, mỉm cười và cúi đầu mà nói: “Cha.” Nếu gặp Đức Tổng giám mục John Dooley hoặc Giám mục Giu-se Khuê, họ sẽ quì gối mà hôn chiếc nhẫn và nhận sự chúc lành từ các ngài.
Họ thường ở cùng và sinh hoạt với nhóm theo giáo xứ. Các ngôi làng nơi họ đã bỏ ra đi cách đây từ 1, 20, hoặc 30 mươi dặm.
Kinh nghiệm cay đắng
Những người này đã lên đường, trở nên những người tị nạn vô gia cư, để giữ gìn đức tin của mình. Họ sắp phải sống dưới chế độ cộng sản. Nhiều người đã có kinh nghiệm sống ở vùng Việt minh. Họ thấu hiểu rằng chế độ Việt minh luôn luôn chống lại tôn giáo, không sớm thì muộn.
Họ hiểu rằng dưới chế độ đó, họ có thể chết mà không được lãnh nhận các bí tích cuối cùng, và con cái họ khi lớn lên sẽ bị tuyên truyền rằng Thiên Chúa không tồn tại.
Đó là lý do giải thích tại sao những người dân nghèo này lại bỏ xứ ra đi, khi mà họ nghe thông tin Bắc Việt Nam sẽ rơi vào tay Việt minh.
Họ không có nhiều thời gian. Có những người muốn ra đi nhưng không có cách nào thoát ra khỏi vùng Việt minh kiểm soát.
Những người tị nạn này chỉ mang theo những thứ tối thiểu – chỉ đủ gạo để nấu ăn trong vài ngày, một vài thanh củ đốt, hai hoặc ba chén cơm, rương hành lý quần áo và vài đồ linh tinh khác.
Những người anh hùng cần sự trợ giúp
Họ đã từ bỏ quê hương bản xứ, những ngôi làng thân thuộc, những cánh đồng, con trâu, con bò, có khi là có vài con lợn và các công cụ sản xuất. Họ bỏ lại những mảnh ruộng cày. Họ nức nở chia xa quê nhà. Họ hướng về phương Nam, hướng đến một vùng rất xa lạ, đầy những bất định cho chính họ và con cháu của họ.
Họ làm tất cả những điều này bởi vị họ quí trọng sự tự do thực hành niềm tin tôn giáo hơn mọi của cải thế gian. Dĩ nhiên một số người, nhưng rất ít, vẫn ra đi, cho dù họ không phải là người Công giáo.
Họ bị thiếu thốn lương thực ngay tại đây, tại Hà nội. Họ sẽ lại đói một lần nữa. Những kế hoạch trợ giúp của chính phủ vẫn là không đủ.
Có hai người tị nạn cao tuổi đã chết trên đường tới Sài gòn. Một người đàn ông cao niên chết và hai em bé đã được sinh ra trên boong tàu chứa người di cư. Tôi đã nhìn thấy có em bé mới 5 ngày tuổi giữa những người tị nạn trong hành lang lớp học của một trường Công giáo ở đây.
Quả là một hành vi Đức tin kỳ lạ và anh dũng! Điều này kêu gọi một hành vi bác ái không kém từ phần còn lại của giáo hội Công giáo.
Theo báo Southern Cross, số ra ngày 3 tháng 9 năm 1954
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Cha Oanh Sông Lam tác giả ca Tâm Tình Hiến Dâng đã được Chúa thương gọi về
- Hãy вảo vệ gia đình bạn bằng lời cầu nguyện này với các vị Tổng lãnh thiên thầи.
- Căn nhà của Mẹ Maria được 3 Giáo Hoàng thăm viế.ng
- Thông Báo Tuyển Sinh Ơn Gọi Mến Thánh Giá Năm 2018
- Các Đức Giám mục Việt Nam lên đường đi Ad Limina 2018
- Văn thư chấp thuận thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Xuân Lộc
- Những Vành Khăn Tang Và Những Giọt Lệ Của Tình Yêu