Lời người dịch: Đây là bài báo của linh mục Patrik O’Connor trong những ngày cuối cùng ở Hà nội trước khi Việt minh tiếp quản thủ đô. Bài báo này được đăng trên tạp chí Southern Cross xuất bản tại Adelaide, Úc Châu, số ra thứ Sáu ngày 22 tháng 10 năm 1954. Xin được dịch lại để giúp người đọc có thêm tư liệu về biến cố lịch sử trong quá khứ.
Hà Nội, Bắc Việt Nam, ngày 9 tháng 10- Hôm nay là ngày cuối cùng tại Hà nội – ngày cuối cùng trước khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh được kéo lên trên bầu trời Hà nội.
Những đội hộ tống cuối cùng của quân đội Pháp cũng đang rút khỏi thành phố này, băng qua cầu Long Biên, cây cầu dài biểu tượng cho nền kĩ thuật của Pháp. Từ 8 giờ đêm hôm qua, không có thường dân nào được phép ra khỏi nhà mà không có giấy thông hành đặc biệt.
Luật của Việt Minh, của “Dân Chủ Cộng Hòa” mà người đứng đầu là Hồ Chí Minh, sẽ bắt đầu chính thức có hiệu lực kể từ giữa đêm mai. Nhưng những lính Việt minh đầu tiên đã xuất hiện trong thành phố. Chỉ có các đơn vị cảnh sát quân lực Pháp là còn ở lại phía bên này cầu qua đêm nay.
Các toán cán sự và lãnh đạo Việt minh, theo báo cáo là có tới gần 500 người, đã đến một tuần trước đây để chuẩn bị cho cuộc tiếp quản thành phố. Những đại diện cuối cùng của chính phủ dân tộc Việt nam đã rời đi vào ngày 1 tháng 10, và tiếp theo là đến lượt quân đội Pháp cùng chính quyền địa phương sau ngày đó.
Tiếng ồn gây nên bởi những chiếc búa gõ vào những kiện hàng cuối cùng được chuyển đi của các thương nhân đã chấm dứt từ hơn một tuần trước đây. Hà nội trở nên gầy gộc và yếu đuối giống như một người đàn ông mới trải đương trải qua cơn bệnh nặng. Trong các khu có người nước ngoài, hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa và các chủ cửa hàng đã rời đi hết rồi. Đường phố có rất ít người qua lại, chỉ có dăm ba người đi bộ. Lần cuối thấy cảnh phố xá đông đúc là vào mùa hè trước.
Bạn vẫn có thể tìm thấy người dân đang cầu nguyện trong các ngôi thánh đường trong những tuần gần đây. Nhưng các Thánh lễ Chúa nhật thì thưa thớt người vì đa số đã rời đi. Một giáo xứ nơi đã từng có 1500 nhân danh, và hơn 6000 người tản cư trong thời chiến, giờ chỉ có lại khoảng vài gia đình lẻ tẻ.
Chúa Nhật trước, lễ trọng lễ Đức Mẹ Mân Côi và lễ Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, quan thầy của các xứ truyền giáo, đã chứng kiến cuộc rước kiệu cuối cùng tại Hà nội trước khi thay đổi chế độ. Khoảng 1.500 giáo dân tham dự cuộc rước này. Đoàn rước kiệu Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, có sự tham dự của Đức Tổng giám mục John Dooley, sứ thần Tòa thánh tại Đông dương, và giám mục Giu-se Trịnh Như Khuê, Giám quản Tông tòa Địa phận Hà nội, đã đi quanh quảng trường nhà thờ chính tòa trước lúc hoàng hôn.
Những hi vọng và ảo tưởng
Có lẽ, trong số người di cư vào Nam từ Hà nội ít hơn với số người xuất phát từ các vùng nông thôn. Người Hà nội không chịu ảnh hưởng hoặc sống dưới luật Việt minh trong tám năm vừa qua. Vì vậy mà họ dễ mang trong mình những hi vọng và ảo tưởng hơn.
Cuộc khải hoàn tiến vào Hà nội của Việt minh sẽ gây nên những phản ứng vui mừng hân hoan. Tuy nhiên, đó chỉ là bộc phát mà thôi. Đối với nhiều người Việt nam, họ vội vàng nghĩ đây là cuộc khải hoàn chiến thắng của những đứa con bản địa đã chiến thắng thế lực thuộc địa nước ngoài. Họ không sẵn lòng suy nghĩ sâu hơn để nhận ra đây đích thực là chiến thắng của Chủ nghĩa cộng sản ngoại lai trên chính họ.
Những lá cờ đỏ sẽ được treo trên các khung cửa sổ của Hà Nội trong những ngày tới đây. Tất cả đã chuẩn bị. Những tuần trước tôi thấy nhiều tấm vải được chuẩn bị nhuộm dọc các bờ sông. Những tấm vải ướt màu đỏ, trông như là những miếng vải bị nhúng trong máu. Tôi cũng thấy các miếng vải màu vàng, không nghi ngờ gì, đó sẽ dành cho các ngôi sao ở giữa lá cờ Việt Minh.
Tờ báo hàng đầu của Hà nội, báo “Tian Sang” đã thay đổi chủ. Từ khi ấy, nó truyền tải các bản dịch của các tay viết Liên xô, bao gồm Ilya Ehrenburg, và các bản tin chúc mừng Nhà nước Cộng Sản Trung hoa.
Karl Marx được đề cao hơn Đức Ki-tô
Tạm biệt Hà nội, thủ đô rợp bóng cây của Bắc Việt, một mảnh đất của những mùa gặt bội thu vĩnh cửu … tạm biệt những con phố nơi mà tôi đã chứng kiến những người giáo dân quỳ xuống để hôn chiếc nhẫn Giám mục ngay nơi đông người …. Tạm biệt tới những hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi nhớ đến một gia đình nghèo làm nghề nến, họ phải dùng nến để thắp sáng đêm đen.
Tạm biệt thành phố nơi mà Cha thánh Theophane Venard ( Thánh Ven) đã ra pháp trường để chịu tử đạo, tới thành phố mà Thánh Tê-rê-sa ước ao được đến … tới ngôi nhà thờ Chính tòa rêu phong, tới các ngôi thánh đường, không một lúc nào ngưng vắng bóng tín hữu.
Tạm biệt những ngôi trường đông đúc giới trẻ Việt Nam, họ được học nhiều điều hay từ các sơ các thầy; những ngôi trường mà sau này tôi lại thấy đông đảo người tị nạn đã bỏ lại tất cả để giữ lấy Đức Tin.
Tạm biệt Hà nội, nơi mà những người trẻ khao khát nền độc lập và cải cách đã học theo Karl Marx chứ không phải là Đức Ki-tô, Hà nội nơi mà họ trở về với lá cờ đỏ.
Tạm biệt Hà nội, nơi mà lời nguyện cầu sẽ không ngừng dâng lên Thiên Chúa và ân sủng sẽ chẳng hề vơi nơi Hội thánh Việt Nam, Hội thánh của sự thầm lặng.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tại sao phải cầu nguyện khi Chúa đã biết hết mọi nhu cầu của ta?
- ĐTC Phanxicô trong Lễ Đêm Giáng Sinh: Đêm nay tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện
- Có một quốc gia được một vị Thánh thành lập cách đây 1700 năm
- Giá trị của tính chân thật
- Trường Cao Đẳng Công Giáo đầu tiên tuyển sinh năm học 2018 – 2019
- TGP Sài Gòn các sinh hoạt mục vụ trở lại bình thường kể từ ngày 09-05-2020
- Hy sinh người khác thì rất dễ