Để cắt nghĩa tại sao người Việt Nam vui mừng, hạnh phúc khôn xiết khi đội U23 lọt vào chung kết giải bóng đá vô địch U23 Châu Á, trong khi từ U23 đến Đội tuyển Quốc gia còn là một bước đi rất dài, kết quả khảo sát dưới đây của một giáo sư người Na Uy có thể coi như một tư liệu tham khảo để cùng suy ngẫm.
Nghiên cứu của ông Ørnulf Seippel, Giáo sư Trường Thể thao học Na Uy, mang tên “Sports and Nationalism in a Globalized World” (Tạm dịch: Thể thao và chủ nghĩa dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa), đăng trên Tạp chí Quốc tế về Xã Hội Học năm 2017. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập được trong gia đoạn 2006 – 2008 ở 25 quốc gia, từ nước nghèo tới nước giàu, từ phương Đông tới phương Tây để hiểu vai trò của thể thao trên bảng “nhiệt kế” chủ nghĩa dân tộc ở nhiều quốc gia.
Câu hỏi được đặt ra cho người tham gia khảo sát là: “Bạn tự hào ra sao khi [quốc gia bạn] có thành tích tốt tại giải thể thao quốc tế hoặc các cuộc tranh tài thể thao?”
Câu trả lời được chia thành: “Rất tự hào, “Khá tự hào”, “Không tự hào gì lắm”, “Không tự hào gì cả”, và “Không thể chọn được”.
Kết quả thu được cho thấy lòng tự hào dân tộc trong thể thao là một hiện tượng phổ biến, và rất nhiều người cảm thấy tự hào khi các vận động viên nước họ chiến thắng. Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ tự hào khác nhau khá xa giữa các quốc gia, đi kèm với một số yếu tố khác trong đời sống xã hội.
Trình độ giáo dục và văn hóa có tỷ lệ nghịch với chủ nghĩa dân tộc trong thể thao. Những quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản, lòng tự hào dân tộc do thể thao tạo ra thường không cao, và sự tự hào này còn giảm xuống ở nhóm người người có học vị cao hơn. Tuy nhiên, với những quốc gia như Philippines, tỷ lệ tự hào dân tộc lại rất cao vì học vị thấp hơn.
Tương tự như giáo dục, mức thu nhập nhìn chung tỷ lệ nghịch với lòng tự hào dân tộc trong thể thao. Những nước có thu nhập cao hơn ít có xu hướng tự hào dân tộc hơn so với những nước có thu nhập thấp hơn. Trong cùng một quốc gia, những người có thu nhập cao hơn cũng thường ít có xu hướng tự hào dân tộc hơn những người có thu nhập thấp hơn.
Tuy nhiên, tác động của thu nhập tới niềm tự hào thể thao ở những nước giàu hơn thì thấp hơn ở những nước nghèo hơn. Hiểu nôm na là, lòng tự hào thể thao giữa một người giàu và một người nghèo ở một nước giàu (như Na Uy, Pháp) thường không khác nhau là bao, nhưng ở các nước nghèo hơn (như Philippines) thì sự khác biệt này là lớn hơn.
Khảo sát cuối cùng rút ra kết luận cho thấy những quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) càng thấp, mức độ dân chủ và toàn cầu hóa về văn hóa càng thấp thì lòng tự hào dân tộc dựa trên thể thao càng cao.
Qua tổng thể nghiên cứu, quốc gia/khu vực có lòng tự hào dân tộc trong thể thao thấp hơn bao gồm các quốc gia Tây Âu (trong nghiên cứu gồm có Thụy Sĩ, Phần Lan, Na Uy, Phần Lan và Pháp), trong khi những quốc gia Đông Âu (Ba Lan, Croatia, Nga, Latvia, và Slovenia) có lòng tự hào dân tộc gắn với thể thao cao hơn. Nhóm quốc gia nghèo nhất trong khảo sát gồm có Cộng hòa Dominica, Nam Phi và Philippines là những quốc gia tự hào hàng đầu về thể thao. Ở Châu Á, Hàn Quốc là một quốc gia khá sùng bái tinh thần dân tộc trong thể thao, trong khi ở Nhật Bản và Israel, tinh thần này chỉ ở mức dưới trung bình.
Thể thao là một nghi thức hiệu quả để quảng cáo hình ảnh tích cực đến người dân. Nếu một quốc gia tuy nghèo, gặp nhiều vấn đề, nhưng đội nhà thi đấu thể thao trên trường quốc tế tốt, những bình luận tích cực, lời khen tặng sẽ khiến hình ảnh của chính phủ đó tốt đẹp hơn trong mắt người dân. Và người dân có vẻ dễ dàng tha thứ cho những điểm xấu mà họ cau mày phê phán trước đó…
Cần lưu ý rằng, nghiên cứu này có những hạn chế nhất định về dữ liệu vốn có thể ảnh hưởng tới nhận định của tác giả. Dữ liệu tác giả dựa vào để nghiên cứu chỉ được thu thập ở 25 quốc gia, mỗi quốc gia từ 1.000 đến 1.400 người tham gia trả lời. Dữ liệu cũng chưa giúp phân biệt đâu là chủ nghĩa dân tộc dựa trên các giá trị dân sự (civil nationalism) và đâu là chủ nghĩa dân tộc dựa trên sắc tộc (ethnic nationalism), vốn được cho là yếu tố chính định hình sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc ở phương Đông và phương Tây, và cần nghiên cứu thêm.
Trích đăng từ bài viết “Thể thao và Tinh thần dân tộc” dưới sự đồng ý của tác giả Phạm Lan Phương và Luật Khoa Tạp chí
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
- Vì sao Đức Mẹ có nhiều tên như vậy?
- Thiên Chúa làm chủ số phận nhân loại
- Thánh lễ Truyền chức 17 Phó Tế – TGP Sài Gòn
- Cầu nguyện xin Thánh Pérégrin chữa bệnh ung thư
- 2020 năm của hạ mình đến với Chúa
- Tản mạn: An phong – Ngọn gió lành