Viếng đất thánh Israel là niềm mong ước của nhiều người Kitô giáo. Chắc rằng trong tương lai gần tôi cũng sẽ đi một chuyến…!!
Khi nghe mấy cha đi hành hương đất thánh về kể nhiều chuyện thú vị, làm tôi háo hức. Mấy hôm nay, sau giờ ăn sáng, tôi mang cuốn sách “Khám Phá Những Điểm Hành Hương Của Người Công Giáo Thế Giới của Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân” ra đọc và tìm hiểu, một cha trong Dòng nói với tôi: “Chú sắp đi Israel hay sao mà có vẻ nghiền ngẫm thế? Ôi cứ đi đi, tuyệt vời lắm, không cần đọc đâu, đến đó sẽ biết hết”. Tôi trả lời: “Em đọc để mường tượng trước về các địa danh, rồi sau này đến xem thực tế sẽ dễ hiểu hơn”.
Và quả thật nếu đọc mỗi trang sách về từng điểm hành hương, chúng ta sẽ có thể suy niệm về những lời Chúa nói trong Thánh Kinh. Ở đây, tôi chia sẻ một bài suy niệm nhé!
……………………
Palestina có tới hai biển hồ. Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau.
Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này… Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó (Dead Sea), không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi nếu ai uống phải sẽ có thể trở thành bệnh hoạn. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó. Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan.
Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của hồ luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.
Biển Chết (Dead Sea) cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh Phaolô đã ghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giêsu như sau: “CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN”. Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng… Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lãnh vực. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có, đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao tặng cho tha nhân, và như vậy chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực là gì !
Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt. Cũng thế, sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho người khác.
Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ càng héo tàn và mòn mỏi. Nhưng càng biết trao ban, sự sống ấy càng được nhận lãnh và phong nhiêu bội phần.
Hai biển hồ, hình ảnh về hai lối sống. Bạn và tôi sẽ chọn lối nào trên đường hành hương?
Lm. Vincent CSsR.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Người Công giáo và vấn đề lập bàn thờ gia tiên
- Chiêm ngưỡng Con tàu Noah ngoài đời thực
- Ý Nghĩa của Tam Nhật Thánh
- Đọc báo cũ: Vĩnh biệt Hà Nội (Giáo hội Công giáo tại Hà Nội 1954)
- Tiếng kêu của ếch
- Hồng ân Chúa thật lớn lao: Gia Đình Công Giáo Tân Tòng Ấn Tượng Nhất Việt Nam
- Dòng nước từ sa mạc