Một bệnh nhân nọ được đưa vào một bệnh viện do các tu sĩ điều khiển. Người ta không để cho anh nằm điều trị trong một căn phòng riêng rẽ mà lại đặt anh nằm chung với các bệnh nhân khác trong một phòng lớn. Vừa mới được khiêng vào căn phòng, người đàn ông đã bị các bệnh nhân khác tuôn đến bao xung quanh. Người thì kéo chăn, kẻ nắm áo, kẻ bứt tóc. Không mấy chốc, anh bị quăng xuống khỏi giường giữa những tiếng cười đùa của các bệnh nhân khác.
Không chịu đựng nổi trò chơi quái ác của các bệnh nhân, người đàn ông mới la hét để kêu cầu vị phụ trách. Anh trình như sau: “Tại sao ông lại đưa tôi vào đây. Tất cả các bệnh nhân xung quanh tôi đều cười đùa, nghịch ngợm như một đám con nít. Hẳn họ không đau yếu như tôi”.
Vị phụ trách mỉm cười đáp: “Họ còn đau yếu hơn cả anh. Nhưng tất cả đều khám phá ra một bí quyết, một bí quyết mà ít người ngày nay biết đến hoặc có biết đến, họ cũng không tin”.
Người đàn ông muốn biết bí quyết ấy. Vị phụ trách bệnh viện mới lấy một cái cân có hai đĩa ở hai đầu. Ngài lấy một hòn đá đặt vào một đĩa cân, đĩa cân ở đầu bên kia liền được nhắc lên… Ngài giải thích như sau: Tôi vừa trình bày cho ông một bí quyết của các bệnh nhân ở đây. Chiếc cân này là biểu trưng của tình liên đới giữa con người với nhau. Hòn đá biểu hiện cho nỗi đau khổ của ông. Khi đau khổ đè nặng trên ông, thì ở đầu cân bên kia, niềm vui có thể đến với một người nào đó. Niềm vui và nỗi khổ thường sánh vai với nhau. Nhưng nỗi khổ cần phải được đón nhận và dâng hiến, chứ không phải để giữ riêng cho mình. Hãy làm cho những người khác trở thành trẻ thơ, hãy làm cho nụ cười được chớm nở trên môi của người khác cho dẫu ta đang hấp hối”.
Cái chết của Ðức Kitô là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Ðó là Tình Yêu được dâng hiến cho tất cả mọi người. Ðó là Hy Sinh cho tất cả mọi người. Ðó là Lý Tưởng của một người sống và chết cho mọi người.
Nhìn ngắm Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta thấy được định nghĩa đích thực về con người: con người chỉ có thể thể hiện được trọn vẹn tính người khi sống cho người khác. Càng sống cho tha nhân, con người càng tìm lại được chính bản thân. Càng chia sẻ với người khác, con người càng trở nên phong phú…
Có của cải, có thì giờ, có niềm vui để chia sẻ đã đành, nhưng con người còn có cả một kho tàng khác để chia sẻ cho người khác: đó là nỗi đau khổ, sự bất hạnh, những hy sinh âm thầm của mình.
Âm thầm đón nhận một đau khổ mà không than trách, không phàn nàn, nhưng luôn để lộ trên khuôn mặt sự vui tươi, tinh thần lạc quan: đó là một trong những chia sẻ cao độ nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác.
Vác lấy khổ đau để trở thành gánh nặng cho người khác: đó là một trong những chia sẻ cao quý nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác.
Dâng từng khổ đau, hy sinh và âm thầm phục vụ từng ngày để cầu nguyện cho tha nhân: đó là một trong những chia sẻ cao đẹp nhất, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của sự chia sẻ ấy.
Lẽ sống
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- MỪNG ĐÓN CHÚA VÀO GIA ĐÌNH ĐÊM GIAO THỪA
- Từ “giấc mơ Mỹ” đến “Hy vọng mới cho trẻ em Campuchia”
- 1100 người nhận phép thêm sức ở giáo phận Pontoise Pháp, người lớn tuổi nhất 92 tuổi!
- Tại sao bạn tin vào Thiên Chúa?
- Người đi lễ trễ có được rước lễ không?
- Cẩn trọng trước những thông tin sai sự thật nói không đúng về Cha Long – Giáo Điểm Tin Mừng
- Ý Nghĩa Việc Chúa Lên Trời