Tuyệt vọng và đau khổ khi cứ phải tiếp tục nói dối

Điều đau khổ nhất của con người, chính là mất đi tự do. Và điều đáng buồn nhất của con người, chính là tại nơi mình sinh ra và lớn lên không thể “Dùng miệng của mình để nói ra những lời chân thực của mình, dùng bút của mình để viết ra những lời tâm can của mình”.

Dưới đây là bài viết của một người Hoa có bút danh Lý Hối Chi, dùng để đăng trên các kênh truyền thông ngoài Trung Quốc. Là lời tâm sự, là phút trải lòng về nỗi đau khổ khi không được sống thật ngay tại trên chính quê hương của mình.

(Ảnh minh họa)

“Khi tôi học tiểu học, vừa đúng giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Đây là giai đoạn thời gian mà cuồng phong chính trị hóa lên đến cao trào. Lúc đó, cứ đến cuối mỗi năm, nhà trường đều yêu cầu mỗi học sinh viết bản tổng kết tư tưởng. Mà mỗi lần viết bản tổng kết, giáo viên đều yêu cầu mở đầu bằng như câu như: “Nhờ ánh sáng chiếu soi của tư tường Mao Trạch Đông, nhờ sự chỉ dẫn con đường cách mạng của Mao chủ tịch, nhờ sự lãnh đạo chính xác của ‘Ủy ban cách mạng’, trong năm học vừa qua, tôi đã có thể giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông vĩ đại, trở thành một người của giai cấp vô sản, học tập áp dụng các tác phẩm của Mao chủ tịch, mà tôi đã đạt được những thành tích như…” Trước khi kết thúc, cũng sẽ phải viết những câu như: “Mao chủ tịch dạy chúng ta rằng, ‘mọi sự vật đều là một chia thành hai’, vì vậy mà dù học kỳ vừa qua dù đạt được những thành tích nhất định, nhưng cũng còn tồn tại một số khuyết điểm như… Sau này, tôi nhất định sẽ nghe theo lời dạy ‘phát huy thành tích, sửa chữa sai lầm’ của Mao chủ tịch, cố gắng gặt hái được nhiều thành tích to lớn hơn nữa.”

Một em học sinh tiểu học, chưa nói đến “giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông vĩ đại, trở thành một người của giai cấp vô sản, học tập áp dụng các tác phẩm của Mao chủ tịch”, trên thực tế còn có thể mơ hồ không hiểu khái niệm này có nghĩa là gì! Do đó, giáo viên thực tế là đang dung túng và tiếp tay cho chúng ta nói dối. Tất nhiên, trong hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ, thì các giáo viên đối với sự việc này cũng là lực bất tòng tâm. Do đó, chúng ta từ thời thơ ấu lớn lên đều ở trong hoàn cảnh dối trá tràn ngập khắp nơi.

Từ nhỏ, chúng ta đã không thể “nói những gì mình nghĩ trong tâm”, không thể “viết những gì mình nghĩ trong tâm”. Chẳng hạn như, lúc ấy chúng ta thường tham gia lao động cùng với “bần hạ trung nông”, điều này khiến cho các bạn học sinh kêu ca phàn nàn không ít. Thế nhưng trong khi thảo luận học tập, ai ai cũng đều nói thế này: “Không ngờ rằng chúng ta chỉ cần nỗ lực thêm một chút, là có thể cống hiến thêm một phần cho cách mạng thế giới, vì vậy mà chúng ta càng làm lại càng muốn làm, càng làm càng thích làm và càng làm càng dám làm…” Tương tự, cho dù thường bị đói đến mức hoa mắt chóng mặt, nhưng trong các bài viết thì ai cũng nói rằng: “Chúng ta sinh ra dưới ngọn cờ đỏ, cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn…”

Điều khiến người ta phải ngạc nhiên chính là, khi nói dối càng nhiều rồi thì sẽ thành một thói quen, tự động mở miệng là nói dối mà không hề có bất cứ cảm giác bất an hay day dứt nào. Đôi khi, còn bị hãm nhập vào một loại “cảm giác ưu việt” khó giải thích, chẳng hạn như, mặc dù tôi thường xuyên oán trách những lúc bị đói ăn, nhưng khi nghe giáo viên nói rằng trên thế giới còn 3/4 dân số chưa được giải phóng, cuộc sống của họ rơi vào cảnh khổ sở cùng cực, sống còn khổ hơn cả kiếp trâu ngựa… Lúc này tôi lại đột nhiên quên đi cảm giác đói của mình, trong tâm còn cảm thấy “hạnh phúc” biết bao, so với những người khổ sở cùng cực, sống cuộc sống chẳng bằng trâu ngựa ấy, tôi chỉ là không được ăn no! Hơn nữa, giáo viên còn nói với chúng tôi rằng, giai đoạn khốn khó của người Trung Quốc chỉ là tạm thời.

Có một lần, giáo viên nói với chúng tôi rằng Thủ tướng Liên xô là ông Alexei Nikolayevich Kosygin đến thăm Bắc Kinh đã bí mật mang theo một túi “bánh mì đen” về khách sạn để ăn, khi nghe tin này tôi đột nhiên cảm thấy thật sung sướng và tự hào. Hóa ra, cuộc sống của tôi còn tốt hơn cả Kosygin. Bởi vì khi đói, ít ra tôi còn có khoai tây để ăn, chứ không phải ăn “bánh mì đen”. Mặc dù lúc đó tôi không biết thế nào là “bánh mì đen”, càng không biết rằng những lời nói đó của giáo viên hóa ra cũng là những lời dối trá.

Sau nhiều năm, tôi đau đớn phát hiện ra rằng: thời gian dài nói dối đã khiến cho nhân sinh quan, giá trị quan đạo đức quan cho đến nhân tính của tôi bị méo mó biến dạng hoàn toàn. Tôi đã trở thành một người vô cùng thích nói dối, một người vô cùng yêu thích hư vinh, một người vô cùng cực đoan… Khi ý thức được hiện thực này, trong tâm tôi quả thực vạn lần đau khổ. Tôi quyết tâm từ giờ trở đi sẽ không nói dối nữa; tôi đã thề: “Dùng miệng của mình để nói ra những lời chân thực của mình, dùng bút của mình để viết ra những lời tâm can của mình.” Nhưng tôi kinh ngạc phát hiện rằng, để có thể “bảo toàn đại cục”, tôi sẽ phải tiếp tục nói dối, tiếp tục xướng ca, ít nhất thì cũng phải học được “im lặng là vàng”…

Rõ ràng là sau khi chúng ta nhận ra điều đó, thì thực sự là khổ không nói thành lời, có những lúc cảm thấy quá đau khổ không muốn sống tiếp nữa. Những gì tôi làm không giống như những nhà bất đồng chính kiến có thể có những hành xử cực đoan, mà tôi thuộc phái cải cách ôn hòa. Những bài văn tôi viết đặt không biết bao nhiêu tâm tư, mục đích chính chỉ có một: muốn được cải thiện tình trạng này, hơn nữa cũng là một sự cải thiện dần dần. Vậy mà điều đó cũng không làm được, những bài tôi viết thường bị sửa chữa rất nhiều, thậm chí bị xóa đi đến không nhận ra nguyên dạng. Thành ra những bài văn này lại phải lấy bút danh mà đăng trên kênh truyền thông nước ngoài. Cũng chính vì lý do này mà gần đây tôi ít khi đăng bài trên các phương tiện truyền thông.

Vì “ổn định”, vì “bảo toàn đại cục”, vì để “tập trung lực lượng làm việc lớn”, không biết đến bao giờ tôi mới có thể đường hoàng “dùng miệng của mình để nói ra những lời chân thực của mình, dùng bút của mình để viết ra những lời tâm can của mình” tại chính nơi mình sinh ra lớn lên!”

Blog Lý Hối Chi

Nguồn: trithucvn.net

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết