“Thà có một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”
Tại sao câu nói đó có âm vang quá ám ảnh như vậy? Tại sao nó nghe như điệp khúc của một kinh cầu? Nó ám ảnh, không phải vì bất kỳ giá trị thơ ca đặc thù nào, nhưng vì nó diễn tả một sự thật sai lầm mê hoặc chúng ta. Cách này hay cách khác nó cố gắng giải quyết, hợp lý hóa và biện minh cho cái chết.
Thượng tế Caipha là người đầu tiên nói câu này để biện hộ cho cái chết của Đức Ki-tô. Qua bao nhiêu năm, con người và thông điệp của Đức Ki-tô gây bối rối cho nhiều người, cho nhiều cuộc đời, cho sự cân bằng mong manh của những tương giao đã được xây đắp, như một hệ sinh thái phức hợp.
Thượng tế Caipha và những người cầm quyền vào thời đó thật sự không có những lý do gì riêng để chống lại Đức Ki-tô. Họ chỉ sợ hãi. Có nỗi sợ nhiều hơn là có ác tâm khi Đức Ki-tô bị kết án. Đó là nỗi sợ đã xúi giục thượng tế Caipha thốt ra câu nói này và biện minh cho sự đồng thuận của ông đối với cái chết vô tội.
Nỗi sợ, và câu này, luôn luôn là sự hợp lý hóa to lớn cho cái chết và biện minh cho sự đồng thuận của chúng ta với rất nhiều cái chết; nhiều đến mức có thể viết nên một kinh cầu cho cái chết với các điệp khúc:
– Khi chúng ta ủng hộ án phạt tử hình và hỗ trợ ý tưởng cho rằng một số người nào đó, dù cuộc sống của họ có như thế nào đi nữa, cũng nên chịu cái chết, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi có một hành động phá thai, khi sự sống của một sinh linh bị lấy đi, xã hội của chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi chúng ta khước từ không quan tâm đặc biệt đến người nghèo trong xã hội, khi chúng ta không có khả năng đáp ứng các vấn đề xã hội như: an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, nhà trẻ, giáo dục miễn phí, hỗ trợ các bà mẹ ở nhà nuôi con còn nhỏ, để người nghèo lâm cảnh ngặt nghèo, nhưng lại không muốn mức sống của mình bị ảnh hưởng, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi có người bị nói xấu trong một cuộc nói chuyện và vì sợ hãi, chúng ta không dám nói gì, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi đất nước chúng ta ném bom nước láng giềng để bảo đảm an ninh, khi đất nước chúng ta dùng các khoản tiền vô lý, tài năng và tài nguyên để trang bị vũ khí phòng thủ, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi đất nước chúng ta không tiếp nhận những người tị nạn vì sợ họ lấy đi công việc và có ảnh hưởng bất lợi trên tiêu chuẩn sống của chúng ta, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi đất nước chúng ta từ chối không chịu chấp nhận có quá nhiều bất bình, khi chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố của thời đại này là sản phẩm tự nhiên của một lối sống, một hệ thống, mà người giàu hưởng lợi từ người nghèo, khi chúng ta làm ngơ chuyện này vì sợ nó nó tạo ra một vài thay đổi xáo trộn, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi, vì những áp lực của lối sống, chúng ta khai thác quá mức tài nguyên của thế giới, khi, cùng lý do đó, chúng ta không tôn trọng một cách đúng đắn thiên nhiên, tiêu dùng vô độ, theo đó là gây ô nhiễm, chúng ta hủy hoại môi trường sống của các thế hệ tương lai, chúng ta đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi một toán thanh niên sát hại tàn nhẫn một người đàn ông đồng tính mắc bệnh AIDS ở bến xe điện ngầm thành phố Montréal, cả người tấn công và những người ngoài cuộc (vì nhiều lý do khác nhau) đều đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
– Khi Martin Luther King, Malcolm X, Oscar Romero, Jerzy Popieluszko, Stan Rather, Michael Rodrigo, và Anne Frank bị sát hại, khi đảng KKK (Ku Klux Klan) giết hại ba công nhân đòi quyền bầu cử ở Mississippi những năm đầu thập kỷ 60, khi các chế độ đàn áp khắp thế giới đe dọa và triệt tiêu con người, có một ai đó đang nói: thà có một người chết thay cho dân.
Lời kinh cầu cho cái chết vang vọng hàng thế kỷ, từ thời thượng tế Caipha đến chúng ta – thà có một người chết thay cho dân, thà có cái chết này hơn là cuộc sống của chúng ta bị xáo trộn, thà có cái chết này hơn là chúng ta phải thay đổi!
Đức hồng y Jaime Sin ở Phi Luật Tân từng bình luận về nhiệm vụ của lòng can đảm trong mô hình đức hạnh:
Sức mạnh mà không có tình thương là bạo lực
Tình thương mà không có công bình là cảm tính
Công bình mà không có yêu thương là chủ nghĩa Mác
Và… yêu thương mà không có công bình là vô nghĩa!
Tất cả chúng ta cần có lòng can đảm lớn hơn. Chúng ta cần cầu nguyện về điều đó. Chúng ta cần cầu nguyện để thắng sự yếu đuối và sợ hãi của mình, để can đảm vượt lên các tiện nghi sung sướng, ưu tiên và tiếng tốt, để bớt rụt rè, tầm thường, nhỏ nhen, sẵn sàng hy sinh, và có lẽ thà chịu chết hơn là bằng lòng với cái chết của một người vô tội bằng cách nói lên, một cách thiếu suy nghĩ và nhận thức, câu nói: thà có một người chết thay cho dân.
Nguyễn Kim An dịch
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Hang Đá Giáng Sinh Gx Liêu Ngạn, Giáo phận Bùi Chu bị cháy
- Phép lạ do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã được phê chuẩn
- Đức Thánh Cha: Nếu chọn Chúa Kitô thì không thể chạy đến với các thầy đồng thầy bói
- 4 chìa khóa để học ngoại ngữ, một lối đi riêng
- Người Công giáo Kinh kết hôn với người dân tộc thiểu số trở nên phổ biến
- Ý nghĩa Tam Nhật Vượt Qua
- Ơn Toàn Xá Ngày Kính Lòng Thương Xót Chúa