Kết quả thăm dò mới: Người có tín ngưỡng ở Mỹ thấy Thiên Chúa muốn ta thay đổi nhân đại dịch Covid-19

Một nhóm y bác sĩ tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ cầu nguyện trên khu vực sân thượng bệnh viện, nơi máy bay trực thăng đáp.

Hãng tin AP vừa cho công bố cuộc thăm dò họ vừa cùng trường thần học của Đại Học Chicago tiến hành từ ngày 30 tháng 4 tới ngày 4 tháng 5 vừa qua, trên 1,002 ngưòi lớn Hoa Kỳ, về tác động của Covid-19 đối với những người tin Thiên Chúa tuy có thể không thống thuộc một tôn giáo định chế nào.

Cuộc thăm dò trên cho thấy coronavirus đã khiến gần 2 phần 3 những người trên cảm thấy rằng Thiên Chúa đang nói với nhân loại phải thay đổi lối sống.

Trong khi virus hoành hành khắp mặt địa cầu, gây khó khăn kinh tế cho hàng triệu người và sát hại hơn 80,000 người Mỹ, thì cuộc thăm dò cho thấy người ta đang đi tìm một ý nghĩa sâu xa hơn trong vụ đột phát bệnh dịch gây hoang tàn này.

Ngay một số người không thống thuộc tôn giáo có tổ chức nào, như Lance Dejesus, 53 tuổi, ở Dallastown, Pa., cũng thấy một sứ điệp lớn hơn trong đại dịch này.

Dejesus, người nói rằng ông tin Thiên Chúa nhưng không tự coi mình là người tôn giáo, cho biết “Có thể đây là một dấu chỉ, giống như ‘ê, chấn chỉ hành vi của bạn lại’, tôi không rõ. Mọi sự xem ra đang đi theo hướng an lành bỗng nhiên bạn thấy cái con coronavirus này diễn ra, bung ra không biết từ đâu”.

Theo kết quả của cuộc thăm dò, 31% người Mỹ tin có Thiên Chúa mạnh mẽ cảm thấy rằng virus là dấu hiệu Thiên Chúa muốn nói với nhân loại phải thay đổi; cũng một tỷ lệ này cảm thấy phần nào điều ấy. Những người Thệ Phản Phúc âm (Ngũ Tuần) nhiều xác suất hơn những người khác tin điều ấy một cách mạnh mẽ, họ chiếm 43% so với 28% người Công Giáo và các người Thệ phản chính dòng.

Câu hỏi được đặt ra cho mọi người Mỹ nói rằng họ tin Thiên Chúa, nhưng không nói rõ tín phái chuyên biệt của họ. Cuộc thăm dò, tuy vậy, không có tầm cỡ lớn đủ để bao gồm các tôn giáo có số tín hữu nhỏ hơn tại Hoa Kỳ như Hồi giáo và Do Thái giáo.

Ngoài ra, người Mỹ da đen có xác suất nhiều hơn những người có nguồn chủng tộc khác trong việc nói rằng họ cảm thấy virus là dấu hiệu Thiên Chúa muốn nhân loại thay đổi, bất kể giáo dục, thu nhập hay phái tính. 47% nói rằng họ cảm thấy điều ấy một cách mạnh mẽ, so với 37% người nói tiếng Tây Ban Nha và 27% người Mỹ da trắng.

Virus gây ra Covid-19 tấn công bất cân xứng người Mỹ da đen, cho thấy sự bất bình đẳng về xã hội khiến các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương và nâng cao lo ngại rằng các nguy hiểm họ đương đầu đang bị phong trào đòi mở lại nền kinh tế Mỹ làm ngơ. Giữa thực tại ảm đạm này, cuộc thăm dò thấy rằng những người Mỹ da đen nhiều xác suất hơn những người khác cảm thấy hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa do virus gây ra: 27% nói điều này, so với 13% người nói tiếng Tây Ban Nha và 11% người Mỹ da trắng.

Nhưng virus gây ra thay đổi không đáng kể trong niềm tin vào Thiên Chúa nói chung của người Mỹ, với 2% nói rằng họ tin Thiên Chúa hôm nay, chứ không trước đây. Ít hơn 1% nói rằng họ không tin Thiên Chúa hôm nay, nhưng đã tin trước đây.

Phần lớn các nơi thờ phượng đã ngưng các buổi phụng vụ có tín hữu tham dự để giúp bảo vệ sức khỏe công cộng khi virus bắt đầu lây lan, nhưng điều này không ngăn được người có tôn giáo của Mỹ hướng về liên mạng và những buổi tụ tập lái xe vào (drive-in) để phát biểu niềm tin của mình. Người Mỹ có thống thuộc tôn giáo thường xuyên tham dự các buổi cầu nguyện tư riêng trong lúc có đại dịch, với 57% nói rằng họ làm như thế ít nhất mỗi tuần một lần từ hồi tháng 3: cũng gần bằng số ấy nói rằng họ vốn thường xuyên cầu nguyện hồi năm ngoái.

Nói chung, 82% người Mỹ nói họ tin Thiên Chúa, và 26% người Mỹ nói cảm thức đức tin hay linh đạo của họ gia tăng mạnh mẽ hơn do sự bùng phát của virus. Chỉ 1% nói nó làm đức tin của họ yếu đi.

Đối với Kathryn Lofton, một giáo sư môn tôn giáo học tại Đại Học Yale, sự kiện nhiều người Mỹ tin virus như một sứ điệp của Thiên Chúa kêu gọi thay đổi nói lên “niềm sợ hãi cho rằng nếu không thay đổi, sự khốn khổ này sẽ tiếp diễn”. Bà cho rằng khi người ta được hỏi về Thiên Chúa, phần lớn nghĩ đến quyền lực của Người, có thể là quyền lực có thể cứu vớt họ trong hoàn cảnh này.

Thực vậy, cuộc thăm dò cho thấy 55% tín hữu Mỹ cho biết ít nhất họ cảm thấy phần nào rằng Thiên Chúa sẽ che chở họ khỏi bị lây nhiễm. Người Thệ Phản Phúc Âm nhiều xác suất hơn những người thuộc các tín phái khác nói rằng họ tin điều đó, với 43% nói họ tin mạnh mẽ và 30% nói họ tin phần nào, trong khi người Công Giáo và người Thệ Phản chính dòng có khuynh hướng đồng đều trong việc cảm thấy điều đó hay không cảm thấy nó.

Tuy nhiên, mức độ và bản chất của việc che chở mà người ta tin Thiên Chúa sẽ ban phát trong lúc có đại dịch có thể khác nhau tùy ở mỗi tín hữu. Marcia Howl, 73 tuổi, một tín hữu Methodist và là cháu gái của một mục sư, cho biết bà cảm nhận sự che chở của Thiên Chúa nhưng không chắc chắn Người sẽ cứu bà khỏi virus.

Bà nói: “tôi tin Người che chở tôi trong quá khứ, Người có kế hoạch cho chúng ta. Tôi không biết có gì trong kế hoạch của Người, nhưng tôi tin Người đang hiện diện ở đây chăm sóc tôi. Tôi có thể sống sót hay không, đó lại là một chuyện khác”.

Trong số người Mỹ da đen tin Thiên Chúa, 49% nói họ cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng Thiên Chúa che chở họ khỏi virus, so với 34% người nói tiếng Tây Ban Nha và 20% người Mỹ da trắng.

David Emmanuel Goatley, một giáo sư ở trường thần học của Đại Học Duke, cho rằng quan điểm của người Mỹ da đen về việc Thiên Chúa che chở nói lên “niềm tin tưởng hay mối hy vọng rằng Thiên Chúa có khả năng cung dưỡng, điều này không hề bác bỏ trách nhiệm bản thân, nhưng chỉ muốn nói Thiên Chúa có khả năng ấy”.

Goatley, người điều hướng Văn Phòng Nghiên Cứu Giáo Hội Da Đen của trường nhận định có sự phân biệt giữa người tôn giáo da đen Mỹ và người tôn giáo da trắng Mỹ ở phương diện này. Ông cho rằng trong nền thần học Kitô giáo da đen có cảm thức nối kết với Thiên Chúa trong đó “Thiên Chúa đích thân liên hệ đến và Thiên Chúa hiện diện trong đó”. Trong khi một số Kitô hữu da trắng, bất kể là Phúc âm hay không, nghiêng về một nền thần học nhấn mạnh đến liên hệ riêng tư với Thiên Chúa.

 

Vũ Văn An

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết