Một cha lớn tuổi trong dòng thường nói với quý thầy trẻ: “Nhà dòng là con đường để dẫn chúng con đến với Thiên Chúa.” Sau đó, cha không quên nhắn nhủ với những tu sĩ trẻ rằng: tương quan với Giêsu thật quan trọng biết bao! Quan trọng vì nói cho cùng, đi tu là bước theo Đức Giêsu (sequela Christi), bắt chước cuộc sống của Giêsu và muốn trở nên giống Giêsu trong mọi tương quan của đời sống.
Dĩ nhiên, nhà dòng luôn tạo nhiều không gian tốt để người tu sĩ có được tương quan với Thiên Chúa. Người tu sĩ được thực hành cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, được đồng hành với những vị linh hướng có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Bất cứ khi nào gặp khó khăn về đời sống thiêng liêng, người tu sĩ thường được nhà dòng giúp đỡ, động viên. Ai cũng biết, liên kết với Thiên Chúa luôn là mối bận tâm của những người trọn đời dâng hiến cho Thiên Chúa. Do đó, trong đời tu, quý thầy, quý sơ luôn đặt mối bận tâm ấy lên hàng đầu. Họ càng tiến sâu vào mối tình với Thiên Chúa, đời tu của họ càng sinh nhiều hoa trái: bình an và hạnh phúc.
Tiếc là thực tế cho thấy, không phải người tu sĩ nào cũng có mối tình sâu đậm với Giêsu. Thiên Chúa dường như vắng bóng trong đời sống của họ. Cảm giác ấy bức bối vô cùng, bởi họ luôn cảm thấy khô khan trong đời sống cầu nguyện. Tình trạng ấy người ta gọi là sầu khổ thiêng liêng. Nghĩa là “sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa.” (sách Linh Thao số 317).
Đâu là lý do khiến người tu sĩ lâm vào tình cảnh vắng bóng Giêsu trong đời tu của họ? (Khai triển dưới đây từ sách Linh Thao của thánh I-nhã, số 322).
- Lỗi tại tôi mọi đàng
Mới đây trên mạng lan truyền lời chia sẻ của một linh mục hồi tục. Nguyên do chính là vị linh mục ấy không cầu nguyện với Thiên Chúa. Tuy nổi tiếng giúp người khác cầu nguyện, nhưng linh mục ấy lại không để tâm đến đời sống cầu nguyện cá nhân của mình. Đó là lỗi của chính đương sự. Hay nói cách khác, “vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta”.
Đời tu thú vị chỉ khi người tu sĩ kiên trì rèn luyện mình trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Có nhiều phương thế cầu nguyện mà chúng ta không tiện bàn ở đây. Tuy nhiên, thử hỏi một tu sĩ mà không cầu nguyện thì đâu là ý nghĩa của đời tu? Có cha nói vui rằng: “Đi tu là để sống và cầu nguyện với Thiên Chúa”. Nghĩa là, người tu sĩ thấy Giêsu hiện diện liên lỉ với họ trong mọi biến cố vui buồn. Họ có giờ riêng tư với Chúa trong kinh nguyện. Họ có nguồn động lực thiêng liêng để chu toàn những sứ mạng. Nếu lười biếng đến với Thiên Chúa, thì theo những nhà tu đức, trước hết là do lỗi của chính đương sự. Thiên Chúa cũng “bó tay” nếu người ấy không muốn đến trò chuyện với Thiên Chúa!
Đành rằng giữ “lửa” để cầu nguyện thật khó khăn, nhất là người tu sĩ dường như quá nhiều việc, nhưng đó là nhiệm vụ chính. Chắc chẳng có người tu sĩ nào nhiều việc bằng Đức Giêsu; nhưng chính Ngài cũng cầu nguyện với Chúa Cha hằng ngày. Thực tế, cầu nguyện luôn thách đố người ta trung thành và hoán cải. Do đó, không ít tu sĩ thích làm việc hơn là thinh lặng trong nguyện cầu. Có lần thánh Gioan Phaolô II trò chuyện với các tu sĩ rằng: “Các con phải tiếp tục lấy Chúa Kitô làm gương mẫu ở bất cứ thời nào, bằng cách cầu nguyện để duy trì sự hiệp thông tâm tình sâu xa với Người (x. Pl 2,5-11), hầu toàn thể đời sống họ được thấm nhuần tinh thần tông đồ và toàn thể hoạt động tông đồ của họ thấm nhuần tinh thần chiêm niệm.” (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 9).
Nhiều vị thánh sáng lập dòng khuyên người đang gặp sầu khổ trong cầu nguyện hãy nhìn lại chính mình. Thiên Chúa vẫn chờ họ tại một chỗ rất riêng tư để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thế nhưng họ không chịu đến, chẳng chịu dấn thân kín múc nguồn sức sống ấy từ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, nhiều niềm vui thế sự luôn chào đón họ. Vậy là người tu sĩ cứ tránh né Giêsu. Kết quả là đời sống tu trì không sinh hoa trái; họ cảm thấy sầu buồn khi sống trong nhà Dòng. “Chúa ở đâu, tại sao ngài vắng bóng trong cuộc đời con?” – Họ gào lên mà không chịu nhìn lại chính mình!
- Thiên Chúa thử thách người tu sĩ
Những nhà tu đức chỉ ra rằng: “Ngay khi người tu sĩ cầu nguyện miệt mài, nhưng họ vẫn cảm thấy khô khan, Thiên Chúa vắng bóng.” Đây không do lỗi của người tu sĩ. Trong trường hợp này, Thiên Chúa muốn thử thách tình yêu của họ. Người tu sĩ xác tín họ yêu Chúa thật nhiều, tin Chúa luôn mãi và theo Chúa liên lỉ. Hoan hô! Nhưng tình yêu đích thực đòi hỏi thời gian để kiểm chứng với nhiều thách đố. Lửa thử vàng, gian nan thử sức là vậy! Qua đó, “Để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la.”
Thực tế, Thiên Chúa gửi những thử thách đến với những ai Ngài yêu thương. Người tu sĩ càng cầu nguyện, họ cảm thấy Thiên Chúa càng cách xa. Nhưng họ cầu nguyện không ngừng trong thử thách! Chúng ta có thể thấy tình trạng này nơi nhiều vị thánh: thánh I-nhã, thánh Phanxicô Assisi, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Têrêsa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa Calcuta, v.v. Càng chịu nhiều thử thách, các vị thánh ấy càng cố gắng bám víu vào Thiên Chúa. Giêsu vắng bóng, nhưng họ luôn “năn nỉ, tin tưởng” vào Thiên Chúa. Kết quả là sau những năm tháng sầu buồn ấy, họ có một mối tình sâu đậm với Giêsu. Khi nhìn lại, họ hằng cảm tạ Thiên Chúa về những thách đố này!
Luôn còn đó những thách đố trong đời tu. Tuy nhiên, đó lại là những món quà Thiên Chúa muốn người tu sĩ theo Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dù Thiên Chúa có vắng bóng, nhưng nếu yêu Chúa thật, người tu sĩ sẽ luôn tin tưởng và hạnh phúc sống với Giêsu. Tâm hồn họ có khi khô khan, nhưng họ vẫn nguyện cầu và dấn thân. Những người như thế chắc chắn sẽ nhận được món quà lớn lao. Bởi, Thiên Chúa không bao giờ trao cho người ta thánh giá quá nặng, hoặc bắt họ phải chịu cực khổ quá lâu. Tin yêu sẽ giúp cho người tu sĩ hiểu rằng Thiên Chúa luôn hẹn hò, muốn gặp họ.
- Khô khan để biết mình, biết Chúa
Người tu sĩ luôn có nguy cơ xem hoa trái của cầu nguyện là do sức của mình. Họ quảng đại cầu nguyện thì sẽ gặp được Thiên Chúa và được bình an. Điều này đúng; tuy nhiên, những nhà tu đức cho thấy đó là con dao hai lưỡi. Một mặt, người tu sĩ cần ra sức trung thành với giờ cầu nguyện trong khiêm nhường; mặt khác, nếu hoa trái của cầu nguyện đến, thì đó hoàn toàn là món quà của Thiên Chúa. Chắc hẳn người tu sĩ cần “biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân sủng của Thiên Chúa.”
Nếu người tu sĩ xem hoa trái ấy là do họ, thì đó là hình thức của tự đắc và kiêu ngạo, khoe khoang. Họ vui thích tự gán cho mình lòng sốt sắng thiêng liêng. Trong lúc đó, Thiên Chúa gửi sầu khổ thiêng liêng đến để báo cho họ khiêm nhường hơn. Hồng ân không bao giờ đến từ con người! Ngược lại, Thiên Chúa luôn thích trao ban sức sống, bình an cho những ai chạy đến với người. Để qua đó, ước gì người cầu nguyện biết được mình, biết được Thiên Chúa trong tin yêu.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho những tu sĩ, nhất là những tu sĩ trẻ đang dấn bước trong đời tu. Xin cho họ yêu quý đời sống nguyện cầu như phần phúc của họ. Để trong mọi cảnh huống cuộc đời, cầu nguyện luôn là chỗ dựa quan trọng nhất, bởi nơi đó có Thiên Chúa, có Giêsu. Nếu những ai đang ngại ngùng, lười biếng cầu nguyện, xin Chúa đến thôi thúc họ, để người tu sĩ dám làm mới lại tương quan với Giêsu. Chỉ trong cầu nguyện, họ mới thấy Giêsu không vắng bóng; họ mới tìm được căn tính của người tu sĩ và họ mới hạnh phúc trong đời tu.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net/
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Khi một linh mục bị huyền chức
- Gặp gỡ Loan báo Tin Mừng toàn quốc 2019
- Cánh vạc mùa Vọng
- Vì sao đạo đức xuống cấp
- Bức tường ô nhục
- Quyết định thành lập Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc tại Đà Lạt
- Ngôi nhà тнờ với kiến trúc là CÂY THÁNH GIÁ lớn nhất thế giới