PHI LỘ – Tháng Mười Một là Mùa Báo Hiếu của người Công giáo. Tục ngữ Việt Nam khuyến cáo: “Ăn cây nào, rào cây nấy.” Báo hiếu không chỉ là việc của chúng ta dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn dành cho cả các anh chị em của chúng ta đã “ra đi” trước chúng ta, kể cả những người mình không quen biết – vì tất cả mọi người đều có tính liên đới, đặc biệt là tính hiệp thông của Công giáo.
I. LUYỆN HÌNH
1. Đơn Giản Hóa
Một trong các giáo huấn của Giáo hội bị hiểu sai, và có thể là điều ít được suy nghĩ, đó là Luyện Hình (Luyện Ngục). Để có thể hiểu và bao quát, giáo huấn này không đòi hỏi nghiên cứu sâu xa về thần học. Cách giải thích và ngắn gọn nên bỏ kiểu giải thích lệch lạc khiến nhiều người nghi ngờ hoặc khinh suất.
Nói một cách đơn giản, nếu một người chết trong ơn nghĩa Chúa – nghĩa là, nếu họ “được cứu độ” khi họ bước vào đời sau – vẫn có thể “dùng thời gian ở trong Luyện Hình” trước khi vào thiên đàng. Cần phải biết rằng Luyện Hình không là “cơ hội thứ hai” đối với ơn cứu độ. Nếu một người chết khi xa cách Thiên Chúa, người đó không còn cơ hội thứ hai: “Phận con người là phải CHẾT MỘT LẦN, rồi sau đó CHỊU PHÁN XÉT.” (Dt 9:27)
Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) không làm ngơ những khiếm khuyết và tội lỗi, nhưng LCTX tẩy xóa chúng và sửa chữa tình trạng hư hại… và chúng ta được mời gọi thông hiệp với LCTX. Người Cha giàu lòng thương xót đã vui đón đứa con hoang đàng trở về nhà, và tha mọi tội lỗi cho nó. Điều này thường thấy trong tương quan với sự hoán cải, ăn năn và tha thứ trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng thấy các yếu tố đối với luyện hình. Hãy cân nhắc hành trình trở về của đứa con hoang đàng, can đảm đứng dậy và trở về từ nơi xa xăm.
Trong kiếp sau, không có sự chấp nhận ngay lập tức. Một hành trình cực nhọc có thể vẫn có trong tương lai của chúng ta. Người Cha chờ đợi với đôi tay rộng mở, nhưng chúng ta vẫn phải đến với Ngài. Đứa con được tha thứ từ lúc tìm kiếm sự tha thứ, nhưng hành trình về nhà chưa hoàn tất.
2. Bí Tích Hòa Giải Có Tẩy Sạch Tội Lỗi, Và Chúng Ta Có Được Tha Thứ?
Chắc chắn chúng ta được tha thứ, tội lỗi của chúng ta được tháo gỡ khi chúng ta thật lòng ăn năn, nhưng có hai hình phạt vì tội lỗi. Việc xưng tội miễn giảm hình phạt nào? GLCG đã nói về hậu quả của tội lỗi: “…Tội lỗi có hai hậu quả. Tội trọng tước mất sự kết hiệp với Thiên Chúa, do đó khiến chúng ta không thể được sống đời đời, sự thiếu đó gọi là ‘hình phạt đời đời’ vì tội lỗi. Mặt khác, mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ, đều có liên lụy với các thụ tạo, phải được thanh tẩy trên thế gian hoặc ở Luyện Hình. Sự thanh luyện này giải thoát chúng ta khỏi ‘hình phạt tạm thời’ vì tội lỗi. Hai hình phạt này không được hiểu là dạng báo thù do Thiên Chúa bắt chịu, mà là hệ lụy của chính tội lỗi. Sự hoán cải xuất phát từ lòng bác ái tha thiết có thể đạt được sự thanh luyện hoàn toàn của tội nhân theo cách đó mà không còn hình phạt nào.” (Giáo lý Công giáo – GLCG, số 1472)
Như vậy, có hai dạng hình phạt vì tội lỗi, vĩnh viễn và tạm thời. Hình phạt vĩnh viễn được tha thứ qua Bí tích Hòa giải. Giáo huấn về Luyện Hình là tín điều của Giáo hội và phải được công nhận bằng đức tin…. Những người chết trong ân sủng nhưng vẫn mắc tội nhẹ, hệ lụy với tội lỗi hoặc bất kỳ hình phạt tạm thời nào vì tội lỗi, đều được thanh tẩy trong Luyện Hình nhờ tình yêu của Thiên Chúa: “Mọi người chết trong ơn nghĩa Chúa, dù chưa được thanh tẩy hoàn toàn, thực sự đã chắc được hưởng ơn cứu độ; nhưng sau khi chết họ phải chịu thanh luyện để đạt được sự thánh thiện cần thiết thì mới được vào hưởng niềm vui Nước Trời.” (GLCG, số 1030)
3. Lợi Ích Của Gương Lành
Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi làm tổn hại tài sản của người hàng xóm. Người đó là cha của người bạn thân của tôi. Cái tôi làm hư rất mắc tiền, người cha kia không chấp nhận cho tôi thay thế cái khác. Tôi sợ hãi và buồn lắm. Trong vài phút, chúng tôi đối diện với nhau. Tôi bắt đầu khóc, rồi người bạn đã ôm tôi và hứa chắc mọi điều sẽ ổn – tôi đã được tha thứ bằng lời nói và hành động. Sau khi bình tĩnh, chúng tôi ngồi ở bậc thềm trước nhà, người bạn nói với tôi: “Chúng mình cùng nghĩ cách đền bù.” Chúng tôi quyết định rằng tôi sẽ cắt cỏ. Vì không đủ tài chính để đền bù, nhưng tôi đã được nhờ người bạn. Đây là ví dụ đơn giản, nhưng cũng giống như tội lỗi được tha hình phạt đời đời nhờ Bí tích Hòa giải, và việc cắt cỏ để đền bù cũng như hình phạt tạm thời của tội lỗi.
4. Hoàn Hảo Trong Đức Mến
Như vậy, Luyện Hình có thể được dễ hiểu hơn theo cách nói là “bệnh viện” dành cho tội nhân, hoặc như nhà tắm nước ngọ ở bãi biển, chứ không như nhà tù. Có bệnh thì phải chữa, bụi bẩn thì phải rửa sạch, và “giá tạm thời” còn lại phải thanh toán, trước khi chúng ta được vào Nước Trời. Không phương diện nào trong đó là “tấm vé” cho phép chúng ta vào – đó là Ơn Cứu Độ của Đức Kitô trên Thánh Giá, là công trạng của Ngài được áp dụng cho chúng ta khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài và hợp tác với ân sủng. Đó là phương tiện chúng ta hợp tác với Ngài để trở nên hoàn hảo trong tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu bảo chúng ta phải hoàn thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Kinh Thánh nói rõ rằng ai không hoàn thiện thì không được vào Nước Trời.
Trong sách Khải Huyền, chúng ta được biết thị kiến về Thành Giêrusalem mới qua trích đoạn ngắn gọn: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. Các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó. Ngày nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng, vì ở đấy sẽ chẳng có đêm. Thiên hạ sẽ đem tới đó kho tàng vinh quang và sự giàu sang của các dân ngoại. Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ Trường Sinh của Con Chiên mới được vào.” (Kh 21:22-27)
Thiên Chúa đã mở cửa Nước Trời cho chúng ta. Chúa Giêsu đã buộc chúng ta phải hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Không gì chưa thanh sạch có thể vào Nước Trời. Chúng ta sẽ không đạt được sự hoàn thiện ở đời này hoặc sau khi chúng ta chết nếu thiếu ơn Chúa, nếu chúng ta đạt được ơn cứu độ thì chúng ta sẽ hoàn thiện trong lòng thương xót của Chúa và công lý nơi Luyện Hình trước khi vào Nước Trời. Càng tới gần Chúa thì chúng ta càng có thể hoàn thiện.
Sự thật đơn giản này không được Martin Luther nắm bắt, ông đã xây dựng một lý thuyết hoàn toàn mới về sự cứu độ và sự thánh hóa mà kết luận rằng con người luôn luôn chẳng là gì hơn là một đống phân được bao phủ bằng tuyết trắng. Nhưng lý thuyết mới này không duy trì. Một đống phân vẫn chỉ là đống phân dù được bao phủ bằng tuyết trắng. Nó vẫn không sạch và không thể vào Nước Trời. Sự hợp tác của chúng ta đới với ơn Chúa làm cho chúng ta xứng đáng, làm cho chúng ta hoàn hảo trong tình yêu – tẩy rửa chúng ta sạch mọi hệ lụy của tội lỗi và mọi điều bất toàn. Thiên Chúa muốn gỡ bỏ mọi khuyết điểm của chúng ta, không che giấu chúng.
5. Cầu Nguyện Cho Người Chết
Chúng ta có thể giúp những người đang chịu thanh luyện trong Luyện Hình bằng những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi không thể giải thích như thế nào, nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta được hướng dẫn trong Kinh Thánh về việc cầu nguyện cho nhau. Chúng ta được biết rằng những lời cầu nguyện của người công chính có hiệu quả lắm!
Theo cách nào đó, Thiên Chúa dùng những lời cầu nguyện đó để tẩy sạch những người đã qua đời. Đó là sự thực hành và niềm tin của Giáo hội ngay từ buổi đầu. Có nhiều người biết về hiệu quả của lời cầu nguyện cho những người đã qua đời. Đủ để nói rằng những gì chúng ta làm đều có thể là nguyên nhân thứ hai làm cho những điều khác xảy ra. Điều này nghĩa là hợp Ý Chúa. Những điều tốt có thể xảy ra cho người khác nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, nếu không thì Ngài đã không nói vậy.
Như thế, chúng ta HÃY TẠO THÓI QUEN HẰNG NGÀY CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI, đừng cho rằng chỉ cần cầu nguyện cho họ trong Tháng Mười Một mà thôi! Tặng phẩm quý giá nhất chúng ta có thể trao cho những người đã chết là dâng lễ cầu nguyện cho họ. Nếu họ không cần, Thiên Chúa sẽ trao ban cho những linh hồn khác.
Mọi vinh quang, vinh dự và chúc tụng đều thuộc về Thiên Chúa. Amen.
II. HỎA NGỤC
Hỏa ngục hoặc địa ngục là tình trạng bị trừng phạt ở đời sau, nơi các linh hồn chết khi mắc tội trọng phải chịu đau khổ đời đời cùng với Ác thần và ma quỷ. Sự hiện hữu của hỏa ngục là một thực tế có thật, và là một giáo huấn không thể bác bỏ của Giáo hội Công giáo.
Theo Giáo lý Công giáo (GLCG), chúng ta không thể kết hiệp với Chúa nếu chúng ta không yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Chúa nếu chúng ta mắc tội trọng, vì tội trọng chống lại Thiên Chúa, chống lại tha nhân và chống lại chính chúng ta. Chết khi mắc tội trọng mà chưa ăn năn, chưa chấp nhận lòng thương xót của Chúa, nghĩa là chúng ta vẫn xa cách Ngài mãi mãi, lỗi tại chúng ta đã chọn cách đó. Tình trạng tự loại bỏ mình khỏi Thiên Chúa và đáng nguyền rủa như vậy được gọi là HỎA NGỤC.
Thiên Chúa không muốn ai xuống hỏa ngục. Tuy nhiên, con người có tự do – chúng ta tự do chọn Chúa hoặc từ khước Ngài. Những người từ khước Thiên Chúa trong cuộc sống này thì không thể kết hiệp với Ngài trên trời. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Hỏa ngục không là hình phạt do Thiên Chúa bắt phải chịu mà là sự phát triển những tiền đề do con người sắp sẵn từ đời này.”
Thiên Chúa không tiền định cho ai vào hỏa ngục. Vào hỏa ngục là “cố ý xa rời Thiên Chúa (tội trọng), và ngoan cố cho đến cùng.” (GLCG)
1. Tội Trọng Là Gì?
Giáo hội Công giáo dạy rằng tội trọng chưa được ăn năn khi chết sẽ khiến người ta chết đời đời. Nhưng nghĩa chính xác của “tội trọng” là gì? GLCG dạy: “Tội trọng là vi phạm điều nghiêm trọng với ý thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận.”
GLCG giải thích: “Cẩn thận chọn lựa – nghĩa là biết và muốn – điều gì đó trái ngược với luật Chúa và giữ tới cuối đời là phạm tội trọng. Điều này hủy hoại sự nhân ái trong chúng ta mà không thể được phúc đời đời. Không ăn năn dẫn tới sự chết đời đời.”
2. Hỏa Ngục Là Đời Đời?
Giáo hội xác định rõ ràng sự hiện hữu của hỏa ngục và tính chất đời của nói: “Ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng tội trọng đều vào hỏa ngục, nơi họ chịu hình phạt của hỏa ngục, lửa đời đời.”
3. Hỏa Ngục Và Đau Khổ Ở Hỏa Ngục Thế Nào?
Đau khổ khủng khiếp nhất trong hỏa ngục là linh hồn phải xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa. Sau khi chết, linh hồn hướng về Thiên Chúa với lực rất mạnh, như sao băng rơi xuống đất. Linh hồn khao khát Thiên Chúa, như cá rất cần nước khi nó bị bắt lên bờ. Những mơ ước của tâm hồn khiến chúng ta ray rứt suốt đời (tài sản, quyền lực, vinh dự, niềm vui, thành công,…) vội biến mất như ký ức xa xưa, tiêu tan như sương tan chảy trong ánh nắng.
Nhưng linh hồn phạm tội trọng nhận biết tình trạng của mình, lập tức bị Thiên Chúa phán xét và phải vào hỏa ngục: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó!” (Mt 25:41) Sự từ khước đó khiến chúng ta bị áp đảo – nó thiêu đốt chúng ta theo cách khủng khiếp nhất về thể xác mà không thể tái tạo.
Hãy tưởng tượng khi mẹ của chúng ta nói với chúng ta: “Đi cho khuất mắt tao, mày là đứa con mất dạy! Tao không bao giờ muốn thấy mặt mày nữa!” Hãy tưởng tượng nỗi đau của một người mẹ khi đứa con không nhìn nhận mình là mẹ. Chúng ta không thể chịu được những nỗi đau như vậy, và khiến nhiều người thất vọng. Hãy so sánh nỗi đau đó với nỗi đau bị Chúa từ khước, chúng ta sẽ cô đơn đến cùng cực, đó là nỗi đau khổ của các linh hồn sau khi chết phải vào hỏa ngục.
Linh hồn bị thiêu đốt trong hỏa ngục sẽ mãi mãi xa lìa Thiên Chúa, mãi mãi bị ray rứt, phải chịu đựng nỗi vô vọng vì không được kết hiệp với Chúa. Linh hồn đó sẽ bị dằn vặt vì nỗi khao khát khôn nguôi, nhưng không bao giờ được thỏa mãn. Linh hồn đó mãi mãi khát vọng Chúa, nhưng chẳng bao giờ được gặp Ngài, vì đó là lỗi của họ đã tự do từ khước Ngài. Chúng ta không thể tưởng tượng nỗi đau khổ đó tới mức nào. Thật khủng khiếp!
Giáo hội dạy chúng ta rằng có sự hành hạ bởi lửa trong hỏa ngục – lửa này không như lửa trần gian, mà lửa tinh thần thiêu đốt cả linh hồn và thân xác (vì thân xác chúng ta sẽ tái kết hợp với linh hồn vào ngày tận thế). Hãy tưởng tượng nỗi đau đớn và nỗi thống khổ đó như lấy lửa đốt tay chúng ta chỉ 1 phút thôi, chắc hẳn chúng ta không thể chịu nổi. Hãy tưởng tượng “lửa đau khổ” đó mạnh hơn lửa trần gian hàng triệu lần, không chỉ thiêu đốt trong 1 phút, mà thiêu đốt đời đời.
Nhưng có một nỗi đau khác sẽ làm linh hồn đau khổ trong hỏa ngục, đó là sự dằn vặt khôn nguôi vĩnh viễn làm linh hồn đau khổ – chính linh hồn đó nhận biết sự bội bạc và tội lỗi của mình. Hãy tưởng tượng nỗi đau khổ khi nhận biết niềm hạnh phúc vô cùng khi được ở trước Tôn Nhan Chúa trên trời, nhưng vì tội lỗi và sự tự do của mình mà linh hồn phải chịu hành hạ đời đời.
Dĩ nhiên chúng ta không thể tưởng tượng được sự hành hạ đời đời, nhưng linh hồn sa hỏa ngục phải mãi mãi chịu sự kiềm chế của Satan, ác thần và ma quỷ. Chúng ta sẽ phải đối diện với Satan, và mãi mãi nguyền rủa hắn. Chúng mai mỉa chúng ta và nguyền rủa chúng ta – và cùng với chúng, chúng ta cũng sẽ nguyền rủa Thiên Chúa và phỉ báng Ngài với cách tồi tệ nhất. Các linh hồn sa hỏa ngục không thể yêu thương, và không có gì khác ngoài sự ghen ghét.
4. Làm Sao Biết Có Hỏa Ngục?
Chúng ta biết có hỏa ngục vì chính Chúa Giêsu đã xác định như vậy. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, chứ không chỉ là thánh nhân hoặc tiên tri. Ngài chứng tỏ thần tính của Ngài qua các phép lạ: Làm cho người chết sống lại, và làm những điều mà những người bình thường không thể làm. Đặc biệt là Ngài chứng tỏ thần tính của Ngài khi Ngài phục sinh – chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ làm vậy, kiểm soát cả sự sống và sự chết.
Các tông đồ và các môn đệ là những nhân chứng của sự kiện này, và Kinh Thánh đã ghi lại các chứng cớ đó. Liệu họ có bị lừa không? Họ có là những người nói dối và thêu dệt những chuyện chết đi rồi sống lại? Không thể như vậy, với lý do đơn giản là họ đã chết để làm chứng sự thật này. Liệu bạn có dám chết vì điều dối trá? Họ đã hết lòng tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, và tin cho đến chết.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhiều lần Ngài đã nói rằng CÓ HỎA NGỤC, vì thế hỏa ngục phải có thật! Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã nói về hỏa ngục hơn 50 lần! Ngài nói cho chúng ta biết về “lò lửa,” nơi người ta “phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:42) Ngài nói với chúng ta về hỏa ngục với “lửa không hề tắt.” (Mc 9:43) Ngài giải thích cho chúng ta biết rằng hỏa ngục là nơi đau khổ đời đời, không thể rút lại hoặc giảm bớt đau khổ, như trong dụ ngôn “phú hộ và Ladarô.” (Lc 16:19-31)
Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về sự tức giận, chê bai và chửi bới tha nhân, vì liên quan hỏa ngục: “Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5:22)
Việc làm gương xấu liên quan hỏa ngục: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:41-42)
Chúa Giêsu nói thẳng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.” (Mc 9:43)
Các tông đồ cũng nói tới hỏa ngục nhiều lần trong Tân ước, đề cập Hỏa ngục là “nơi u ám tối tăm,” (2 Pr 2:17) “cảnh huỷ diệt tiêu vong.” (1 Tm 6:9) “sự hư nát,” (Gl 6:8) “chỗ chết,” (Rm 6:21) “cái chết thứ hai,” (Kh 2:11) “hồ lửa,” (Kh 20:14) và nhiều cách nói khác…
Trong Cựu ước, có hơn 30 lần nói tới hỏa ngục. Chẳng hạn: “Khốn thay dân tộc nào dám đứng lên chống lại giống nòi tôi! Đức Chúa toàn năng sẽ trừng phạt chúng trong ngày Người xét xử. Người sẽ khiến lửa thiêu, khiến giòi bọ rúc rỉa thân xác chúng. Chúng sẽ phải than khóc và đau khổ muôn đời!” (Gđt 16:17) Hoặc: “Hãy xa ra, đừng tiến lại gần, vì ta quá thánh đối với ngươi. Những điều đó khiến cơn giận Ta bừng lên như lửa cháy suốt ngày.” (Is 65:5)
5. Tại Sao Thiên Chúa Thương Xót Lại Tạo Hỏa Ngục Với Hình Phạt Đời Đời?
Hỏa ngục là nơi Thiên Chúa trừng phạt chúng ta vì tội lỗi chúng ta đã phạm. Đó là tình trạng đau khổ mà chính chúng ta đã tự do chọn lựa khi còn sinh thời: Chọn Chúa hoặc bỏ Chúa. Những người từ khước Chúa khi sinh thời và chết mà không ăn năn sám hối, tức là tự kết án mình và tự làm khổ mình vì quyết định riêng. Hỏa ngục không là hình phạt do Thiên Chúa bắt phải chịu, nhưng đó là ý muốn tự do của chúng ta mà thôi.
Thiên Chúa vô cùng tốt lành và nhân hậu. Ngài muốn chúng ta kết hiệp với Ngài trên trời. Thật vậy, thậm chí Ngài còn sai Con Một Giêsu đến thế gian chịu chết vì chúng ta, để chúng ta có cơ hội vào Nước Trời. Nhưng có điểm quan trọng phải ghi nhớ: Chúng ta hoàn toàn được tự do chọn lựa cách sống. Chúng ta tự do chọn Chúa hoặc bỏ Chúa. Thiên Chúa không nhẫn tâm, không hề muốn ném chúng ta vào lửa hỏa ngục.
Thật vậy, Thiên Chúa trở nên “yếu đuối” trước ý muốn tự do của chúng ta. Ngài không thể ép chúng ta yêu mến Ngài, phục vụ Ngài, và kết hiệp với Ngài trên trời. Chúng ta tự do từ bỏ Ngài. Chúng ta tự do muốn sống không cần Ngài – cả đời này và đời sau. Khi sống đối lập với Thiên Chúa, chúng ta tự kết án mình và tách rời khỏi Ngài trong đời sau.
Thánh Gioan Phaolô II, trong lần tiếp kiến chung ngày 28-7-1999, nói rõ về điểm này: “Thiên Chúa vô cùng tốt lành và là Cha nhân hậu. Nhưng nhân loại, được mời gọi tự do đáp lại Ngài, có thể chọn cách từ khước tình yêu và sự tha thứ của Ngài, như vậy thì tự tách mình khỏi Ngài mãi mãi và không muốn kết hiệp với Ngài. Vì tình trạng bi thảm này mà giáo lý Công giáo giải thích khi nói về sự kết án đời đời hoặc hỏa ngục. Đó không là hình phạt đời đời do Thiên Chúa bắt phải chịu mà là do nhân loại tạo ra lúc sinh thời. …Theo nghĩa thần học, hỏa ngục là cái khác: Đó là hậu quả của tội lỗi, nó chống lại chính người đã vi phạm. Đó là tình trạng của những người từ khước lòng thương xót của Chúa, ngay cả trong giây phút cuối đời. Hỏa ngục cho thấy tình trạng của những người tự ý tách khỏi Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sống và Nguồn Vui.”
Cũng trong lần tiếp kiến chung đó, Thánh Gioan Phaolô II giải thích: “Do đó, sự kết án đời đời không do Thiên Chúa, vì với lòng thương xót vô biên, Ngài chỉ có thể muốn cứu độ các thụ tạo của Ngài. Đó là những thụ tạo gần gũi với tình yêu của Ngài. Sự kết án là do tách khỏi Thiên Chúa, nhân loại tự ý chọn và cố chấp tới lúc chết. Sự phán xét của Thiên Chúa xác nhận tình trạng này.”
6. Thế Nào Là Thái Độ Đúng Đắn Về Hỏa Ngục?
Kinh Thánh nói: “Trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích luỹ được bao nhiêu kiến thức; tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, tri thức, đâu là điên rồ, khờ dại. Ngay cả việc này nữa, tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng.” (Gv 1:16-17) Sẽ là vô cùng điên rồ và ngu xuẩn, nếu chúng ta sống hoàn toàn khinh suất và dửng dưng đối với thực tế về hỏa ngục.
7. Hỏa Ngục Có Thật Hay Chỉ Là Tưởng Tượng?
Chúa Giêsu đã nói rõ ràng. Trong nhiều cuộc mặc khải đã được Giáo hội chuẩn nhận, nhiều vị thánh và nhiều nhà thần bí đã chứng tỏ sự hiện hữu thật của hỏa ngục, và đã thuật lại sự khủng khiếp của hỏa ngục. Kính sợ Chúa, sợ tách rời Ngài trong sự sống đời sau, đó là bắt đầu khôn ngoan.
Cạm bẫy của ma quỷ là thuyết phục người ta rằng hỏa ngục chỉ là trò đùa, là lỗi thời, chứ chẳng có nơi nào như thế trong xã hội tiến bộ ngày nay. Chúng ta nên sống với con mắt tâm linh chăm chú vào phần thưởng Nước Trời, và thực sự nhận biết án phạt đời đời.
Trong cuốn “The 7 Habits of Highly Effective People” (Bảy Thói Quen của Những Người Sống Hiệu Quả – loại sách bán rất chạy), tác giả Steven Covey viết: “Chúng ta nên luôn bắt đầu bằng sự kết thúc trong trí óc.” Để sống tâm linh hiệu quả, có thể chúng ta cần lời khuyên của Covey và mỗi ngày bắt đầu sống với “sự kết thúc trong tâm trí” – nghĩa là chú ý vào Quê Trời, nhận thức về hỏa ngục, cố gắng tránh lửa đời đời.
8. Giáo Huấn Công Giáo Về Hỏa Ngục
Bạn có bao giờ tự hỏi xem đời mình sẽ kết thúc ở đâu? Điều gì sẽ xảy ra với linh hồn sau khi bạn chết? Sự chết không là vấn đề vui để nói tới, nhưng đó là một thực tế không thể né tránh, sớm muộn gì rồi chúng ta cũng phải đối diện. Cuộc đời này là thời gian thử thách, là nền tảng xác nhận tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải chấm dứt cuộc sống này. Ai cũng phải chết, cách này hay cách khác. Điều cuối cùng xảy ra với mỗi người là: Chết, chịu phán xét, vào Nước Trời hoặc Hỏa ngục.
Chết là hồn lìa khỏi xác. Thân xác sẽ hư nát nhưng linh hồn bất tử phải trình diện Chúa. Đó là phán xét riêng. Linh hồn được thấy cả cuộc sống của mình – mọi tư tưởng, lời nói, hành động, thiếu sót,… Đã sống thế nào? Chết trong ơn nghĩa Chúa hay chết trong tội trọng? Đức Kitô sẽ có phán quyết dành cho linh hồn – Nước Trời, luyện ngục, hoặc hỏa ngục!
Chúa Giêsu đã cho biết hỏa ngục là nơi có “lửa không hề tắt.” (Mc 9:43, Mt 5:22 & 29; Mt 10:28) Và Ngài xác định: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:41-42)
Hỏa ngục hiện hữu đời đời. Đó là nơi có thật và khủng khiếp. Ở đó, nhiều linh hồn bị kết án “tù chung thân đời đời” – đó là những người đã từ khước tình yêu Chúa khi họ còn sống trên thế gian, họ không hòa giải với Chúa, không thạt lòng ăn năn sám hối những động thái sai trái của mình, họ chết khi còn mắc tội trọng.
Hỏa ngục như thế nào? Chẳng ai biết chính xác vì chưa có ai vào đó rồi về kể lại. Nhưng chúng ta biết chắc đó là nơi có lửa đời đời – vì Chúa Giêsu đã nói vậy. Đó là trạng thái mà những linh hồn bị kết án chịu đau khổ cùng cực. Hình phạt ở hỏa ngục gấp đôi: Đau khổ về ý thức và đau khổ về mất mát.
Đau khổ về ý thức vì “lửa không hề tắt,” nhưng đó là lửa chúng ta không thể biết. Đó không là lửa như chúng ta thấy trên thế gian. Chúng ta gọi là “lửa” vì phàm ngôn chỉ diễn tả được như vậy. Lửa chúng ta biết ở thế gian chỉ là “gió mát” so với lửa ở hỏa ngục.
Chị Lucia, lúc đó mới 10 tuổi, lớn nhất trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha), đã diễn tả thị kiến về Hỏa ngục mà Đức Mẹ cho thấy: “Tia sáng tỏa ra từ tay Đức Mẹ như xuyên qua trái đất, và chúng tôi thấy một biển lửa. Trong biển lửa đó là ma quỷ và các linh hồn như những cục than đỏ nóng rực, trong suốt và đen hoặc đỏ với dạng con người nổi bồng bềnh trong đó… giữa những tiếng rên la thảm thiết vì đau khổ và vô vọng khiến chúng tôi sợ hãi. Ma quỷ khác biệt với những dạng thú vật khủng khiếp, nhưng chúng trong suốt như những cục than đỏ nóng rực.”
Thánh tiến sĩ Teresa Avila đã được Chúa cho thị kiến về hỏa ngục, bà mô tả: “Một hôm, khi tôi đang cầu nguyện, bất ngờ tôi vào hỏa ngục. Tôi nghĩ lối vào như một lối hẹp, như lò lửa, rất tối tăm và tù túng. Nền như đầy nước hôi thối, và có nhiều loại ghê tởm nhìn như rắn rết. Ở phía cuối có khoảng không thăm thẳm mà tôi thấy mình bị nhốt chặt. Nhưng cảnh tượng đó còn dễ chịu so với những gì tôi cảm thấy. Không còn cách nào khủng khiếp hơn. Tôi cảm thấy lửa trong linh hồn tôi, tôi không thể diễn tả được. Đau khổ thể xác quá đỗi ghê gớm… thật là vô cùng và không ngừng… Tôi bất lực trong vô vọng… Tôi cảm thấy ngột ngạt… Không có ánh sáng và mọi thứ chìm trong sự tối tăm. Tôi không thể diễn tả nó như thế nào, dù không có ánh sáng nhưng có thể thấy mọi thứ gây ra đau khổ…”
Nếu đau khổ về ý thức là điều khủng khiếp thì đau khổ về mất mát còn tệ hại hơn nhiều. Những linh hồn sa hỏa ngục bị tước mất Thiên Chúa và xa cách Ngài mãi mãi. Con người được tạo dựng cho Thiên Chúa nhưng nay con người không bao giờ có thể đạt được những gì được tạo nên cho mình, và đó là đau khổ khủng khiếp nhất mà linh hồn phải chịu. Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa là mẫu mực của con người.
Con người cố gắng xác định theo khuôn mẫu Chúa nhưng những người trong hỏa ngục bị tước mất Thiên Chúa và cảm thấy không yêu thương mà chỉ ghen ghét. Vì không đạt được những gì được tạo nên cho mình, con người tự xé nát. Chẳng lạ gì khi hỏa ngục đầy ma quái với cảnh “khóc lóc và nghiến răng,” vì đó sự tuyệt vọng vô cùng.
Thánh Teresa nói tiếp: “…Không gì có thể so sánh với sự đau khổ của linh hồn, sự bức xúc, sự ngột ngạt và ưu phiền quá mạnh đến nỗi tôi không thể diễn tả được… linh hồn tự xé nát… Tôi không thể diễn tả lửa nội tâm và sự thất vọng lớn hơn những sự hành hạ và đau đớn ghê gớm nhất.”
Linh hồn sa hỏa ngục không ngừng bạo lực với chính mình mà không mong gì giảm bớt. Họ không thể giao tiếp với nhau. Trong hỏa ngục không có cách nào có thể nối kết họ hoặc giúp họ xích lại gần nhau. Họ không thể cởi mở với các bạn đau khổ khác vì sự ghen ghét xiềng xích họ khiến người này tách rời người khác. Mỗi linh hồn đều mãi mãi cô đơn, ghét chính mình và ghét người khác vì họ chỉ cảm thấy ghen ghét mà thôi!
Mỗi linh hồn sa hỏa ngục đều nổi loạn trong “vùng lửa” của mình, muốn thoát khỏi mình và thoát khỏi người khác với lòng ghen ghét cực mạnh: Ích kỷ, bất lực, đau khổ, khiếp sợ, vô vọng. Đó là tình trạng vô vọng vĩnh viễn, vì hỏa ngục là cuối cùng và không thể thay đổi được.
Ma quỷ có thật, láu cá, ranh ma, mánh khóe, thủ đoạn, dối trá,… Nó sẽ làm mọi cách để quyến rũ chúng ta để chúng ta sập bẫy thủ đoạn của nó. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đòi hỏi những gì quá sức chúng ta. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải yêu thương và trung thành tuyệt đối, vì Ngài biết chúng ta là phàm nhân yếu đuối. Ngài cho chúng ta ý chí và sự tự do, nếu chúng ta thường xuyên cầu xin ơn Chúa, Ngài sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ khi chống lại cái xấu.
Thiên Chúa là Đấng tốt lành và yêu thương, Ngài xứng đáng được chúng ta trung thành. Một khi nhận biết giá chúng ta phải trả nếu chúng ta tự tách khỏi tình yêu của Chúa và biết hỏa ngục thế nào, liệu chúng ta có bao giờ dám làm điều xấu dù chỉ một lần hay không? Chắc hẳn là không. Nhưng không thể chỉ nói suông, quan trọng là phải HÀNH ĐỘNG tích cực!
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ IntegratedCatholicLife.org và All-About-The-Virgin-Mary.com)
[Đăng báo ĐMHCG số 411, tháng 11-2020, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Giúp giới trẻ sống Đạo Công Giáo
- Nhà thờ Mằng Lăng nơi lưu giữ cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của nước Việt Nam của cha Alexandre de Rhodes
- Vì sao Vatican đưa tay ra với Trung quốc?
- Ngôi sao đạo Tin lành của YouTube tuyên bố đổi sang đạo Công giáo
- TGP Sài Gòn: Thông báo tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo từ 16g00 ngày 26.3.2020
- Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ
- Tại sao kính thánh Giuse vào tháng ba?