Chúa Giêsu phục sinh là sự thật hơn cả sự thật, nhưng người ta cố ý bóp méo sự thật. Thực sự đáng buồn vì những kẻ mưu mô thâm độc, lừa đảo và đốn mạt đó lại chính là các thượng tế: “Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.’ Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.” (Mt 28:12-15) Người ta cố ý biến quen thành lạ!
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, trong những ngày Ngài đang thực hiện sứ vụ, ngay sau khi Ngài hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất cho hàng ngàn người ăn uống thỏa thuê, (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14) Ngài đi trên mặt biển đến với các tông đồ đang trên thuyền. Lúc đó trời tối, thần hồn nhát thần tính, các ông đã tá hỏa tam tinh nói với nhau: “Ma đấy!” (Mt 14:22-32; Mc 6:45-52; Ga 6:16-21) Thầy ở với mình bao ngày, chẳng xa lạ gì, thế mà họ thấy Thầy là “ma,” còn hơn là người lạ. Kể cũng “lạ” thật!
Rồi sáng tinh mơ Chúa Nhật, khi Chúa Giêsu đã sống lại, mấy phụ nữ đạo đức đem hương liệu đến định ướp xác Thầy theo phong tục Do Thái, vì tối hôm Thứ Sáu vội vã quá, chưa làm được gì. Họ thương Thầy Giêsu lắm! Khi thấy chị em nhà ta, các thiên thần đã trấn tĩnh “đừng hoảng sợ,” thế mà họ vẫn “chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.” (Mc 16:8) Tội nghiệp quá chừng! Sự thường là thế, phụ nữ vốn dĩ mềm mà cứng, yếu mà mạnh, “lì lợm” lắm nhưng cũng nhút nhát lắm!
Khi nghe bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ, nói rằng Thầy Giêsu đang sống chứ có chết đâu mà chết, và chính bà đã tận mắt nhìn thấy Ngài, nhưng “các môn đệ vẫn không tin” (Mc 16:11). Sau đó, vào chiều Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu lại hiện ra trong hình dạng khác với hai người trong nhóm khi họ đang trên đường Emmau để về quê cắm câu, hai người này cũng thấy Thầy như một người lạ. (Lc 24 :13-24; Mc 16:12-13) Sau khi nhận ra Thầy qua cách bẻ bánh, họ liền vội vã trở lại Giêrusalem và kể lại đầu đuôi cho các bạn biết, nhưng “các ông ấy cũng không tin hai người này.” (Mc 16:13)
Sau cùng, Ngài tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một – vắng Giuđa Ítcariốt vì ông này đi “bán muối” rồi, đang khi các ông dùng bữa. Ngài đã “khiển trách các ông KHÔNG TIN và CỨNG LÒNG,” bởi lẽ “các ông KHÔNG CHỊU TIN những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.” (Mc 16:14)
Trình thuật Lc 24:36-42 (≈ Ga 20:19-20) cho biết việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ. Cửa đóng, then cài. Các ông còn đang nói thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông KINH HỒN BẠT VÍA, tưởng là THẤY MA. Thầy Giêsu đấy, nhưng mà rất lạ. Quen mà lạ lắm. Khó mô tả lắm. Chúa Giêsu thông cảm cho các đệ tử còn đang run sợ, nhưng Ngài vẫn phải trách: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, NGAI ĐƯA TAY CHÂN RA CHO CÁC ÔNG XEM.
Thánh sử Máccô nói toạc móng heo luôn bằng cách dùng đại từ “các ông.” Như vậy, đâu chỉ Tôma cứng lòng tin, mà lòng tin của cả mười ông kia cũng chẳng mềm tí ti nào ráo trọi. Các Phúc Âm khác chỉ nói tới “lòng tin đá xanh” của ông Tôma. Tội nghiệp ông Tôma nhà ta! Quả thật, lòng tin của “các tông đồ,” chẳng riêng gì ông Tôma, cũng đều cứng như đá xanh chứ không như cục (nước) đá đâu! Còn chúng ta? Đức tin của chúng ta cũng thế, và còn cứng hơn thế nữa, dù đã và đang được “tôi luyện” rất nhiều!
Ước gì mỗi chúng ta cũng biết hổ thẹn với chính mình và cúi đầu thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28) Nhờ vậy mà chúng ta được hưởng mối phúc mà Thầy Giêsu đã hứa: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29)
Các ông còn đang mắt chữ O và miệng chữ A, chưa dám tin thật, lòng tin hơi mềm chút thôi, phần vì mừng quá, phần vì chả biết thực hư thế nào, ngỡ ngàng hết sức. Chúa Giêsu cười rất dễ thương, rồi hỏi họ: “Thế ở đây anh em có gì ăn không nào? Thầy đang muốn ăn cái gì một chút. Anh em dọn ra đây!” Sẵn có cá nướng thơm ngon, các ông đưa cho Ngài một khúc. Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mặt các ông. Mèn ơi! Thầy làm tụi con hết hồn hết vía, sợ muốn chết luôn!
Sau khi làm miếng cá nướng cho các đệ tử an tâm, Chúa Giêsu ôn tồn: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” (Lc 24:44) Rồi Ngài MỞ TRÍ cho các ông hiểu Kinh Thánh và nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; PHẢI NHÂN DANH NGƯỜI mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, KÊU GỌI HỌ SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA TỘI. Chính anh em là CHỨNG NHÂN về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi NHẬN ĐƯỢC QUYỀN NĂNG TỪ TRỜI CAO BAN XUỐNG.” (Lc 24:46-49)
Chúa Giêsu là người quen nhưng hóa người lạ, không ai nhận ra, dù đã từng sống chung bao ngày tháng, ra vào ngày nào cũng nhìn thấy nhau và trò chuyện với nhau. Bà Maria Mácđala cũng không thể nhận ra Chúa Giêsu. Khi đứng ở ngoài ngôi mộ, bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ. Khi đó, hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân, thiên thần hỏi sao bà khóc, bà nói: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Thầy mà không biết là Thầy. Chúa Giêsu hỏi bà tìm ai, bà tưởng là người làm vườn nên nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Ngài gọi tên bà, bà chợt nhận ra người quen nên quay lại và nói: “Lạy Thầy.” (Ga 20:11-16)
Chúa Giêsu phục sinh “quen mà lạ.” Đức Giêsu Kitô mãi mãi là một, trước lúc tử nạn và sau khi phục sinh, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. (Dt 13:8) Nhưng với con mắt phàm nhân, chúng ta không thể nhận ra Ngài. Vẫn là xương, là thịt, y như Chúa Giêsu khi sinh thời, nhưng xương thịt đó, vóc dáng đó, giọng nói đó, bỗng khác lạ vì xương thịt đó đã trở nên trường sinh vinh quang. Thật hạnh phúc vì mai đây chúng ta cũng được thừa hưởng điều đó!
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, hôm nay và mãi mãi, để chúng con làm bất cứ cái gì cũng chỉ nhân danh Ngài mà thôi, luôn can đảm bảo vệ sự thật, thực hiện công lý, và quyết tâm làm chứng về Ngài, Con Một Thiên Chúa chịu tử nạn và phục sinh. Xin giúp chúng con đừng nhìn người khác bằng ánh mắt xa lạ hoặc vô cảm, nhưng với ánh mắt chan chứa tình yêu thương chân thành và thiện cảm. Amen.
TRẦM THIÊN THU
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tam Nhật Thánh là gì?
- Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về dịch вệин ᑕOᐯIᗪ-19 ngày 06.03.2020
- 337 nhà тнờ giáo xứ ở Roma được кнử trùиg để cử hành Thánh lễ lại
- Tam Nhật Vượt Qua hay Tam Nhật Phục Sinh?
- Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật nơi hang đá Giáng sinh
- Những nhà thờ góp phần làm nên Sài Gòn đặc sắc
- “Cô giàu có phải không ạ?”