Dâng hoa kính Đức Mẹ là việc đạo đức rất tốt đẹp của Giáo Hội và là một truyền thống rất được yêu thích ở Việt Nam.
Lúc bé ở quê tôi thấy bàn thờ dâng hoa đặt ở giữa nhà thờ phía trước bao lơn. Mọi nhà thờ quê tôi hồi ấy đều có cái bao lơn phân cách lòng nhà thờ, nơi giáo dân ngồi với cung thánh nơi có bàn thờ và nhà tạm.
Cứ đến tháng 4 thì thấy mẹ tôi và bác Tứ tập cho hơn 1 chục em nhỏ dâng hoa. Thấy hai bà chỉ chọn các em thiếu nhi nhỏ cỡ 8-10 tuổi. Nếu không đủ mới lấy lên 11-12. Mẹ bảo các em nữ lớn dâng hoa thì người khác trông dễ chia lòng chia trí.
Bàn thờ Đức Mẹ đặt ở trước bao lơn. Các em dâng hoa ở giữa lòng nhà thờ. Mỗi cặp mang một sắc hoa và lời ca chỉ rõ cho người nghe biết sắc hoa ấy chỉ nhân đức gì của Đức Mẹ và ta phải làm gì để đẹp lòng Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ.
Lúc lớn tôi ra Thái Hà đi tu thấy cha Già Bích cũng hướng dẫn vậy. Tôi thấy chị Thanh, chị Bẩy, chị Đức hướng dẫn các em dâng hoa bé tý, tuổi cũng cỡ 9-10 tuổi. Không lấy các em lớn. Cũng hát các bài ca vãn dâng hoa giống ở quê tôi.
Hồi năm 2005-2006 tôi đi làm lễ ở một số giáo xứ vùng Bùi Chu, tôi thấy một số nơi có các ông “tế hoa”. Lòng đạo của các ông thì mình không thể phủ nhận, nhưng y phục, cử điệu và lời ca đúng là có phần giống như các cuộc tế ở đình.
Ngoài vấn đề hội nhập văn hóa rất đáng trân trọng và khuyến khích, tôi nghĩ có lẽ trong việc này bên Đạo mình ảnh hưởng bên lương: thấy bên lương họ có tế thì mình cũng phải có cho bằng chị bằng em. Có thể là như thế chăng?
Tất nhiên kiểu “tế hoa” này có từ xưa, nghe lời ca thì tôi đoán có lẽ đã xuất hiện từ trước đó cả hơn 100 năm, từ thời phụng vụ còn theo công đồng Trento. Truyền thống làm vậy và cứ thế truyền lại đến bây giờ.
Từ ít năm nay việc dâng hoa nở rộ, vì lý do tôn giáo và xã hội!
Có nơi không chỉ có đội hoa của giáo xứ mà còn có các đội hoa của giáo họ, của các đoàn thể, của các giới. Có nơi quy tụ cả mấy trăm người cùng lúc dâng hoa trên quảng trường rộng lớn.
Có những nơi sử dụng các kỹ xảo âm thanh ánh sáng vào trong các cuộc dâng hoa và biến cung thánh thành sàn diễn. Có nơi “con hoa” có trang phục kỳ dị và được trang điểm như các nghệ sĩ!
Có nơi chọn những bài ca và vũ điệu quá “hiện đại”, rõ ràng là không phù hợp với bầu khí thánh thiêng, có tính giải trí hơn là một nghi thức tôn giáo, giúp người ta thêm yêu mến Đức Mẹ và hướng tâm hồn lên với Chúa.
Có những cuộc dâng hoa, ở nhiều phương diện, tính trình diễn nhiều quá, làm mất đi tính trang nghiêm và thánh thiện. Cuộc dâng hoa biến thành một màn văn nghệ nhạt nhẽo.
Rõ ràng là có những lạm dụng, những biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp và tính thánh thiêng của một việc đạo đức đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội.
Vì thế theo quan điểm của cha Nguyễn Thế Thủ, tôi nghĩ nên tránh những cái mầu mè và nặng tính trình diễn. Không đặt tượng Đức Mẹ trên bàn thờ dâng lễ. Không biến cung thánh thành sàn diễn. Không sử dụng tòa giảng để điều khiển cuộc dâng hoa. Không chọn các bài ca và vũ điệu có tính kích động…
Ngược lại, tôi cũng thấy là tốt khi mở rộng việc dâng hoa cho các ông, các bà, các thanh niên thiếu nữ, chứ không chỉ cho các em thiếu nhi. Vì trong Giáo Hội, ai cũng có quyền dâng hoa kính Đức Mẹ và giúp người khác nâng tâm hồn lên với Chúa.
Tôi cũng thấy khi dâng hoa nam nữ trẻ già mặc áo dài thì phù hợp và đẹp hơn. Các cụ ông mặc áo dài khăn đóng dâng hoa rõ ràng trông trọng thể và cung kính hơn các thanh niên mặc veston. Không nên loại bỏ y phục truyền thống trong việc dâng hoa.
Tôi cũng thấy các bài vãn dâng hoa cổ, cả lời ca lẫn giai điệu đều rất rất ý nghĩa và tâm tình. Một số bài vãn dâng hoa kiểu này đã được Đức Hồng y Trịnh Văn Căn sưu tập và cho in trong mấy tập Thánh Ca vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Tôi nói vậy vì thấy có người bảo nó giống chèo tuồng, rồi đòi loại bỏ. Thực ra lỗi ở đây có lẽ do mình chỉ quen với thánh ca sáng tác theo kiểu tân nhạc, nên không cảm nhận được cái hay cái đẹp trong những bài vãn dâng hoa cổ thường được sáng tác theo các làn điệu dân ca Bắc Bộ.
Nếu tôi là người ngoài cuộc, tôi thấy đội nào dâng hoa có gì đó sai hiển nhiên, thì cảnh báo cho họ biết, nhưng không nên phủ nhận tấm lòng của họ. Nhất là đừng chụp mũ và kết án họ chỉ vì họ sơ ý, noặc tiếu hiểu biết hoặc có cảm quan nghệ thuật khác mình.
Nếu tôi là người trong cuộc, tôi cũng không nên khăng khăng bám vào yếu tố “truyền thống” để bảo vệ cái không còn phù hợp với thời nay, thậm chí là cái không đúng. Vì truyền thống là cái gì sống động, có thêm có bớt, chứ không phải là cái gì luôn cố định. Tôi cần phải nhạy bén nhận ra và để điều chỉnh để việc đạo đức của tôi sinh ích cho nhiều người hơn.
Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết cố gắng góp phần nhỏ bé của mình để làm cho việc dâng hoa tôn kính Đức Mẹ trở nên linh thiêng, sốt sắng và là một cơ may cho mình được gặp Chúa và được ơn hoán cải. Amen.
Roma 05.05.2021
Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Lá thư của Chúa Giêsu gởi cho Bạn nhân Ngày Giáng Sinh
- Hai biển hồ
- Khi Thiên Chúa ủi an tù nhân
- Nhiều Ađam, nhiều Eva?
- Đừng đi ngủ mà không có một lời cám ơn Chúa và người thân
- TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO HÃNH DIỆN KHI ĐƯỢC VÀO CA ĐOÀN?
- Phép lạ của Chúa : Máy bay chở những nhà truyền giáo Mỹ gãy đôi khi vừa hạ cánh nhưng không ai bị тнươиg