Các linh mục chỉ không hiểu được cách làm của giáo dân, Maria de Lourdes Martins Cruz, người đoạt giải Ramon Magsaysay nói
Lúc đầu các giám mục rất ủng hộ dự án của chị. Họ nghĩ chị sẽ thành lập một dòng tu.
Nhưng Maria de Lourdes Martins Cruz, còn gọi là Mana Lou, có suy nghĩ khác.
Người phụ nữ lúc đó vừa mới học xong ở Indonesia, muốn mở một “tu hội thế tục” với “cách hiểu Phúc âm theo truyền thống Timor-Leste”.
Các giám mục tỏ vẻ kinh ngạc. Họ không muốn tham gia vào một “ý tưởng cách mạng” như thế trong tình hình bất ổn đầy xung đột của Timor-Leste lúc đó.
Không có gì ngăn cản được Mana Lou. Chị bị những kẻ phỉ báng gọi là “louco” hay điên rồ vì mơ tưởng những điều không thể.
“Cuộc sống không hề dễ dàng”, chị chia sẻ với ucanews.com tại Manila, nơi chị nhận Giải Magsaysay năm nay vì phục vụ người dân trong nước mình.
“Tôi gặp nhiều khó khăn, và các giám mục mới gây khó khăn cho tôi”.
“Nhưng đó là thực tại, và tôi phải tiếp tục công việc của mình”, người sáng lập tu hội Instituto Seculare Maun Alin Iha Kristo, hay Ismaik, nói.
Chị muốn “bổ sung” những gì Giáo hội và các linh mục không thể làm.
“Chúng ta có nhiều việc phải làm như dạy giáo lý, dạy học và giúp người dân, truyền giáo”, chị nói về những việc làm được chị miêu tả là “một phần trong sứ mạng của tôi”.
“Nhiều linh mục và nữ tu hiểu tình hình theo quan điểm tu sĩ, nhưng họ không hiểu được cách làm của giáo dân”, Mana Lou nói.
Khám phá ơn gọi
Maria de Lourdes Martins Cruz sinh năm 1962, trong một gia đình có 7 người con, sống bằng nghề trồng cà phê giàu có ở Liquica, Timor-Leste.
Chị học tại một học viện của dòng Tên ở Yogyakarta, Indonesia, tại đây chị được tiếp cận “thần học giải phóng” của Gustavo Gutierrez và phương pháp dạy học của Paulo Freire.
Chị vào Dòng Nữ tử Bác ái Canossian, nhưng rời khỏi nhà dòng trước khi khấn trọn vì nhận ra ơn gọi riêng của mình nằm ngoài 4 bức tường tu viện.
Năm 1989, chị thành lập Instituto Seculare Maun Alin Iha Kristu hay Tu hội Anh Chị Em trong Đức Kitô, một tu hội giáo dân gồm những người nam và nữ tận tâm phục vụ những người nghèo nhất trong số người nghèo.
Tổ chức của chị mở các dự án chăm sóc sức khỏe, giáo dục, canh tác, chăn nuôi, và các sáng kiến tự lực khác.
Trong thời gian Timor-Leste đấu tranh giành độc lập từ Indonesia, Mana Lou xây một trại tị nạn trên trang trại cà phê của bố mình ở Dare, trên ngọn đồi bên trên thủ đô Dili của quốc gia này.
Lúc đó trại tị nạn này bao gồm một trường nữ sinh, các trại mồ côi, một mái ấm dành cho bệnh nhân, và một nơi mà những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau và chính trị gia có thể tìm thấy sự an toàn và bình an.
Trong những năm sau, dự án mở rộng thêm hơn 10 khu nhà như thế trên cả nước và được gọi là “các trường sự sống”.
Mana Lou còn thành lập phòng khám Bairo-Ata, một phòng khám lớn miễn phí dành cho người nghèo, phục vụ trung bình mỗi ngày 300 bệnh nhân.
“Chủ nghĩa nhân đạo trong sáng trong việc phục vụ người nghèo ở Timor-Leste” của Mana Lou được tuyên dương khi chị nhận Giải Magsaysay, được xem như là Giải Nobel châu Á, ngày 31-8.
Giải thưởng còn công nhận chị “can đảm theo đuổi công bằng xã hội và hòa bình, và cổ vũ công dân phát triển tinh thần tự chủ, tự lực và quan tâm chu đáo”.
Con đường theo Chúa Giêsu của Mana Lou
Đó không phải là một hành trình dễ dàng đối với Mana Lou. Thậm chí đến hôm nay, chị cho biết nhiều người bao gồm linh mục, nữ tu và giám mục không hiểu những việc chị làm.
“Các lãnh đạo Giáo hội đang gây khó khăn cho tôi. Họ không hiểu linh đạo và đặc sủng của tôi”.
Chị miêu tả ơn gọi của chị liên quan đến quyền tự do của đất nước Timor-Leste.
“Tôi quyết định thành lập một tu hội đời, không phải dòng tu vì tôi không muốn chỉ sống trong tu viện và cầu nguyện”, chị phát biểu với ucanews.com.
Mana Lou cho biết chị muốn theo bước chân của Chúa Giêsu, “nhưng tôi cũng muốn ra ngoài ở bên người dân và làm việc với người dân”.
Chị nói Phúc âm dạy rằng Chúa Giêsu sống một cuộc đời giản dị. “Tại sao cuộc sống của chúng ta lại phức tạp đến thế”, chị nói và thêm rằng Giáo hội “đã trở nên quá phức tạp”.
“Thay vì chú trọng đến phẩm trật, tại sao chúng ta không sống một cuộc đời giản dị”, Mana Lou hỏi. “Nếu chúng ta hiểu Chúa Kitô, thì cuộc sống sẽ đơn giản, giống như Chúa Kitô vậy”.
Chị khuyên mọi người nên tham dự cử hành Thánh Thể và noi gương Chúa Giêsu hiến mình “để chúng ta nên một và hiệp nhất”.
Mana Lou kêu gọi mọi người theo Chúa Giêsu “cách thực tế hơn”.
“Mọi người nên chủ động. Nếu một con đường cần sửa chữa, chúng ta sửa ngay. Nếu có người cần giúp làm việc trên nông trại, chúng ta giúp ngay”.
“Chúng ta là một đất nước mới”, Mana Lou nói về Timor-Leste. “Nó cần mọi người có trái tim đủ lớn để yêu thương và sẵn sàng làm những việc khó khăn”.
Chị nói còn nhiều việc cần làm để đạt được tự do đích thực. Ở tuổi 56, chị kêu gọi đã đến lúc người trẻ bắt đầu làm việc cho “một xã hội tự do và tốt đẹp hơn”.
Nguồn: vietnam.ucanews.com
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Điều xấu là gì?
- Kitô hữu Trυng Qυốc вị вυộc thay ảnh Chúα Giêsu bằng ảnh chủ tịcн Mαo và Tậρ
- “Tình yêu chữa lành; hận thù giết chết “
- Khả năng thiêng liêng của trẻ con là gì?
- Giáo xứ Nam Thái: Thánh lễ nhậm chức Tân Chánh Xứ – TGP Sài Gòn
- 7 lời khuyên để uốn nắn trẻ con từ thánh Gioan Bosco
- Tâm tình trước máng cỏ Giáng Sinh của một người toan về già