Bây giờ là mùa Chay – mùa tái khởi đầu, mùa đổi mới tâm linh, và chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Là người Công giáo, cuộc sống của chúng ta sống theo Năm Phụng Vụ, lịch các mùa và các ngày thánh của Giáo Hội.
Năm Phụng Vụ nhắc nhở chúng ta điều gì thực sự quan trọng. Các Chúa Nhật nhắc nhở chúng ta rằng bổn phận đầu tiên của chúng ta là thờ phượng Thiên Chúa và hình thức thờ phượng quan trọng nhất là Thánh Lễ.
Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua, Mùa Phục Sinh nhắc nhở chúng ta về Sự Nhập Thể, Sự Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và tình yêu cao cả của Ngài dành cho chúng ta. Các ngày tôn vinh Đức Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta trong đời sống đức tin. Các ngày tôn vinh các thánh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng được kêu gọi nên thánh. Các ngày tôn vinh các thiên thần (lễ các Thiên Thần Bản Mệnh và lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần) nhắc nhở chúng ta rằng có những thiên thần được Chúa giao trách nhiệm bảo vệ và giúp chúng ta trong hành trình lên Thiên Đàng.
Năm Phụng Vụ bắt đầu với Mùa Vọng và kết thúc bằng Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô – Vua vũ trụ. Chúa Nhật là ngày của Chúa và là ngày thánh. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Mùa Giáng Sinh bao gồm lễ Thánh Gia, lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Sau Mùa Giáng Sinh là Mùa Thường Niên, (tiếng Latinh là tempus per annum) kỷ niệm các sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu và các giáo huấn của Ngài. Sau đó, sáu tuần cầu nguyện và sám hối trước Lễ Phục Sinh bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Chay. Thứ Năm Tuần Thánh đến Canh Thức Phục Sinh là ba ngày của Tam Nhật Vượt Qua. Có năm mươi ngày trong Mùa Phục Sinh, bao gồm Lễ thăng Thiên và Lễ Hiện Xuống, kỷ niệm sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần và sự khởi đầu của Giáo Hội. Mùa Thường Niên tiếp tục sau Mùa Phục Sinh cho đến Chúa Nhật I Mùa Vọng – khởi đầu một năm phụng vụ mới.
Chúa Nhật là ngày thánh quan trọng nhất và là ngày của bổn phận, ngày mà người Công giáo phải tham dự Thánh Lễ, kiêng việc (trừ khi có lý do chính đáng), dành thời gian cho gia đình và làm các công việc của lòng thương xót. Chúng ta nên xem đó là những ngày thánh.
Sáu ngày lễ buộc ở Hoa Kỳ là lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng Giêng; lễ Chúa Thăng Thiên, bốn mươi ngày sau lễ Phục Sinh; lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8; lễ Các Thánh, ngày 1 tháng 11; lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 8 tháng 12; và lễ Giáng Sinh, ngày 25 tháng 12. Mặc dù các ngày thánh khác nhau trong Giáo Hội thường được gọi là “ngày lễ” (từ chữ “festus” trong tiếng Latinh, nghĩa là “niềm vui”), nhưng thực sự có các mức độ thánh khác nhau. Lễ Trọng là ngày quan trọng, có Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ; các ngày lễ tôn kính một số tước hiệu của Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các Tông Đồ, các Thánh Sử, và một số vị thánh của Giáo Hội sơ khai; các lễ nhớ và các lễ nhớ tùy chọn thường là lễ về các thánh.
Mỗi mùa và nhiều ngày thánh có những bài thánh ca quen thuộc được hát trong Thánh Lễ, với các biểu tượng quen thuộc. Các mùa và ngày lễ khác nhau được biểu thị bằng các màu: màu tím cho Mùa Vọng và Mùa Chay (trừ Chúa Nhật Vui trong Mùa Vọng và Chúa Nhật Mừng trong Mùa Chay sử dụng màu hồng); màu xanh lá cây cho Mùa Thường Niên; màu đỏ cho Lễ Hiện Xuống, những ngày nhớ lại sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, chẳng hạn như Suy Tôn Thánh Giá, Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh, và những ngày tôn vinh các vị tử đạo; màu trắng dành cho những ngày lễ vui về cuộc đời Chúa Giêsu, những ngày lễ kính Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh không tử đạo. Có những dấu hiệu khác của các mùa và ngày lễ, chẳng hạn Nến Phục Sinh trong Mùa Phục Sinh và Hang Đá trong Mùa Giáng Sinh. Mỗi mùa trong lịch không vội vã; rất giống các mùa trong năm, chúng diễn ra dần dần, và sau đó kết thúc ngay trước khi bắt đầu mùa mới.
Giáo Hội có nhiều truyền thống như thắp sáng Vòng Hoa Mùa Vọng trong suốt Mùa Vọng và rước kiệu vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa. Có nhiều cách để cử hành các ngày lễ đặc biệt, với các bữa tiệc, hành hương, cuộc rước, gửi thiệp và chuẩn bị các bữa ăn đặc biệt.
Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội mang lại cho tôi niềm vui lớn, là một phần văn hóa của tôi với tư cách là một người Công giáo, là điều mà tôi chia sẻ với bạn bè và người thân của mình, và nhắc nhở tôi rằng ngày nào cũng đặc biệt. Nhiều gia đình Công giáo nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để kỷ niệm các ngày lễ và mùa lễ khác nhau. Tôi nghĩ rằng cách tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể cử hành là tham dự Thánh Lễ. Ở đó, chúng ta có thể nghe các đoạn Kinh Thánh và bài giảng liên quan đến ngày lễ, thờ phượng với những người Công giáo khác cũng đang kỷ niệm ngày đặc biệt này, và quan trọng nhất là lãnh nhận Mình Thánh Chúa.
Năm Phụng Vụ đem lại ý nghĩa truyền thống và sự ổn định trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì các mùa và các ngày thánh đều đến mỗi năm, dù cho bất cứ điều gì có thể xảy ra. Mặc dù cuộc sống hiện đại có nhịp độ nhanh và liên tục thay đổi, lịch của Giáo Hội cho chúng ta cảm giác liên tục. Nó cũng kết nối chúng ta với những người Công giáo khác trên toàn thế giới, những người đang kỷ niệm cùng một ngày thánh, và với các vị thánh đã từng cử hành những ngày này trên trái đất.
Lịch của Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng một ngày không chỉ có 24 giờ để làm việc, mà là cái gì đó nhiều hơn nữa. Mỗi ngày là một món quà, một cơ hội để phát triển gần gũi hơn với Chúa và với nhau. Nhận thức của chúng ta về thời gian thiêng liêng biến đổi cuộc đời chúng ta.
LOUISE MERRIE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Mùa Chay – 2021
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Ăn Chay hay Ăn Tết
- Thánh lễ đầu tiên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican – Roma, sáng 03.03.2018
- Thánh Lễ an táng Cha Phêrô Bùi Thanh Xuân – Gp Vĩnh Long
- Tín Hữu Trung Quốc Hành Hương Ngăn Cản Việc Phá Đền Thánh Đức Mẹ
- Đọc báo cũ: Hoàng hậu của xứ Annam, một người theo đạo Công giáo
- Nhược điểm tâm linh
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gởi lời chúc Giáng Sinh đến tín hữu Việt Nam