“Một hộp cơm bình thường chẳng đáng là bao, nhưng lúc dịch bệnh khó khăn này đáng quý lắm, nhất là với cô chú lao động, thu nhập bấp bênh”, anh Dương Thiện Chơn chia sẻ.
Buổi trưa đầu tháng 6, như thường lệ bà Vân đạp xe từ Gò Vấp qua quận 3 đi giúp việc nhà. Tuy nhiên, bà phải trở về vì các tuyến đường bị chốt chặn, cả quận đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thu nhập vốn ít ỏi của bà nay càng bấp bênh.
“Không biết mấy ngày tới mình sống sao? Tôi nghe nói ở trên đường Quang Trung có điểm phát cơm miễn phí, giờ tôi đến xin về cho mấy đứa cháu ở nhà”, bà Vân nói.
Dưới cái nắng oi ả, người đàn bà 65 tuổi với gương mặt nhọc nhằn đạp xe trên con đường vắng hoe, hướng về hẻm 293 đường Quang Trung.
Gian bếp của cánh mày râu
8h sáng, trong con hẻm 293 đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP.HCM), không khí khẩn trương bao trùm gian bếp của anh Dương Thiện Chơn (38 tuổi).
Người lo vo gạo, nhóm cặm cụi sơ chế nguyên vật liệu. Bếp bắt đầu đỏ lửa, hai người đàn ông lắc chảo. Gần 10 người đàn ông cần mẫn chuẩn bị các suất ăn, giúp người nghèo và tiếp sức các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại Gò Vấp.
Chiến sĩ ở tuyến đầu vất vả, chúng tôi muốn góp chút sức cùng chống dịch.
Dương Thiện Chơn
“Chứng kiến y tá, bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ ở tuyến đầu đang làm việc vất vả, chúng tôi muốn góp chút sức lực cùng địa phương chống dịch”, anh Chơn nói.
Ban đầu nhóm dự tính nấu các suất cơm để gửi đến hộ dân gặp khó khăn trên địa bàn quận. Sau khi trao đổi với chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình thực tế, nhóm thống nhất hỗ trợ cơm trưa cho chiến sĩ đang trực tại các chốt kiểm soát dịch ở Gò Vấp.
Tận dụng bếp của quán ăn đang tạm ngưng hoạt động, anh Chơn cùng nhân viên nhanh chóng bắt tay vào việc chuẩn bị suất ăn, không quên nhắc nhở nhau phải tuân thủ các quy định về phòng dịch, đặc biệt là luôn đeo khẩu trang và rửa tay.
Biết được hoạt động thiết thực của nhóm anh Chơn, nhiều người ở trong và ngoài quận nhanh chóng tìm cách ủng hộ.
“Có người ủng hộ 1 tấn gạo, sáng hôm qua đã chuyển đến 500 kg. Ai có gì góp nấy, người cho gạo, người ở xa không đến được thì hỗ trợ tiền, riêng anh em chúng tôi góp sức”, anh Trung (26 tuổi) vui vẻ nói trong lúc đặt các phần cơm vào thùng giữ nhiệt.
Là một trong hai người nấu ăn chính, Việt Hòa (26 tuổi) không giấu được niềm vui khi được đóng góp công sức, dù rất nhỏ thời điểm này. Chàng đầu bếp trẻ ở quận 9 quyết định ở lại Gò Vấp 2 tuần, tự cách ly cùng nhóm nấu cơm để phục vụ các chiến sĩ tuyến đầu.
Nhằm chuẩn bị đầy đủ các suất cơm, trước đó anh Chơn đã liên hệ địa phương để nắm cụ thể số lượng. Hiện có 8 phường đăng ký nhận cơm trưa với tổng cộng 320 phần. Để đảm bảo không tụ tập đông người, mỗi phường cử người phụ trách đến nhận cơm rồi phân phát từng chốt, cũng như hộ dân gặp khó khăn.
“Thực đơn được thay đổi mỗi ngày. Em anh thức dậy sớm đi mua nguyên liệu, lựa thịt, cá, rau thật tươi theo danh sách chuẩn bị trước. Cơm được bảo quản trong thùng giữ nhiệt, đảm bảo luôn ấm nóng khi đến tay người dùng”, anh Chơn chia sẻ.
Chia sẻ để hạnh phúc hơn
Gần 11h trưa, những chàng trai mặc áo xanh tình nguyện bắt đầu ghé gian bếp để nhận cơm, mọi người giữ khoảng cách, đứng đợi ngay ngắn phía ngoài, trong lúc các thành viên trong bếp nhanh chóng chuyển cơm ra.
Một hộp cơm chẳng đáng là bao, nhưng lúc khó khăn này quý lắm.
Dương Thiện Chơn
“Hoạt động này rất thiết thực vì hiện tại hàng quán trong quận đều tạm ngưng. Không dễ có được số lượng lớn suất ăn chất lượng cho cán bộ, dân quân và đặc biệt là hộ dân khó khăn thời điểm này”, Minh Anh (tình nguyện viên) chia sẻ trong lúc treo các phần cơm lên xe, chuẩn bị giao đến các chốt.
Ngoài các suất cơm hỗ trợ cho lực lượng chống dịch, nhóm anh Chơn còn chuẩn bị các suất ăn miễn phí cho người lao động khó khăn trên địa bàn quận. Ngày đầu nhóm chuẩn bị 300 phần cơm, đến nay đã tăng lên hơn 600 phần.
“Một hộp cơm bình thường chẳng đáng là bao, nhưng lúc dịch bệnh khó khăn này đáng quý lắm, nhất là với các cô chú lao động, thu nhập bấp bênh”, anh Chơn chia sẻ.
Nhiều người lao động không giấu được niềm vui khi nhận được phần cơm từ nhóm anh Chơn. Chị Hạnh làm nghề thu mua phế liệu chia sẻ: “Giữa lúc khó khăn này dù chỉ một phần cơm trưa thôi cũng giúp chúng tôi giảm phần nào gánh nặng chi phí sinh hoạt”.
Là người làm dịch vụ ẩm thực, trải qua nhiều đợt dịch, anh Chơn gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, anh cảm thấy bản thân còn may mắn. “Hai năm nay, bao nhiêu quán phải đóng cửa, mình kinh doanh mỗi tháng gồng chi phí cũng lo lắm chứ. Khó thì cũng khó rồi, khó thêm chút nữa cũng không chết đâu, nhưng khi được chia sẻ với mọi người, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn”, anh Chơn nói.
Không chỉ có nhóm anh Chơn, trên đường Lương Ngọc Quyến, Dương Quảng Hàm, Nhà sinh hoạt cộng đồng phường 5 (quận Gò Vấp)… cũng đang có hoạt động chia sẻ phần ăn cho người lao động có thu nhập thấp.Nhân viên y tế Gò Vấp gõ cửa lấy mẫu tận nhà Trưa 3/6, nhân viên Trung tâm Y tế quận Gò Vấp lấy mẫu nhiều nhà trên đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Đây là những trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm trước đó.
Nguồn: Toiladangovap.com
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Lời cầu nguyện khi bạn nản lòng và thất vọng
- Vì sao người ngoại đạo như tôi lại yêu nhà thờ – yêu Chúa ?
- Hoa hậu H’hen Niê lần đầu kêu gọi từ thiện bằng tài khoản cá nhân giữa bão sao kê
- Người Công Giáo ăn Tết như thế nào?
- Ý nghĩa của Chúa Nhật Lễ Lá
- Đức Thánh Cha Phanxico bổ nhiệm Tân Giám mục Chính toà giáo phận Thanh Hoá
- Cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael trong cơn đại dịch virus corona