Tại sao phải mặc áo trắng, Thánh Thể hay còn gọi là Mình Thánh Chúa có hương vị gì? Để trả lời các câu hỏi không thể tránh mà các trẻ em sẽ hỏi bạn, đây là một vài câu trả lời dành cho các bậc cha mẹ, nhờ sự chỉ dẫn của cha thánh Viannê
Lãnh nhận bí tích Mình Thánh Chúa là giai đoạn quan trọng trong đời sống kitô hữu: kể từ ngày hôm đó, linh hồn các em được Chúa Giêsu Thánh Thể nuôi dưỡng, cũng như chúng ta nuôi dưỡng thân xác mình bằng cơm bánh để lớn lên.
Chúng ta có thể rước lễ lần đầu ở mọi lứa tuổi. Một số em được rước lễ lần đầu rất sớm, có những em khác trễ hơn một chút. Không giới hạn tuổi để lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô, chúng ta rước Chúa ở nhiều độ tuổi khác nhau tùy lòng ước muốn của mỗi người. Nhưng ngày nay ở giáo xứ, sau một hoặc hai năm học giáo lý, các em thường được rước lễ lần đầu lúc 8 tuổi. Các em phải đủ sự nhận biết căn bản về bí tích Thánh Thể, đó là điều không đơn giản với các em. Làm sao để giải thích cho các em rằng Bánh Thánh chính là Chúa Giêsu?
Vì thế, một vài ngày trước khi rước lễ lần đầu, Jade, một em bé 10 tuổi đã đặt câu hỏi này với cha Viannê. Nhờ các câu trả lời của cha thánh, các bậc cha mẹ, ngay cả khi họ là thừa tác viên Thánh Thể, họ sẽ không bị lúng túng trước các câu hỏi của các em.
Vì sao phải chờ để rước lễ lần đầu?
Cha Viannê: Trên thực tế, các em không chờ quá lâu: Thánh Piô X muốn cho các em có thể rước lễ lần đầu ngay khi các em có thể phân biệt đúng và sai (như thế các em có thể xưng tội) và qua đức tin, các em có thể nhận biết Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện trong bánh thánh khi linh mục dâng thánh lễ. Còn cha, cha rước lễ lần đầu khi 5 tuổi rưỡi, vì cha mẹ cha và cha xứ của cha xác nhận cha hội đủ hai điều kiện này. Thật là một niềm vui lớn cho cha!
Tại sao phải mặc áo trắng ngày hôm đó?
Cha Viannê: Màu trắng là màu áo rửa tội, màu lễ Chúa Hiển Linh, màu lễ Chúa Phục Sinh! Trong thực tế, không chỉ riêng linh mục mặc áo trắng, nhưng ai cũng có thể mặc áo trắng đi lễ ngày chúa nhật.
“Thánh Thể” và “Mình Thánh” có nghĩa là gì?
Cha Viannê: Theo tiếng Hy-Lạp, “Thánh Thể” có nghĩa là “tạ ơn””, và “Mình Thánh” có nghĩa là “lễ vật hy sinh”. Trong cả hai từ này, chúng ta tìm thấy hai chiều kích rất quan trọng trong việc cử hành Thánh lễ, trong thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì mọi hồng ân Chúa ban. Và trong Mình Thánh, tấm bánh nhỏ được truyền phép, chúng ta tin, nhận đây chính là Chúa Giêsu, lễ vật hy sinh để chúng ta được cứu.
Vì sao linh mục bỏ một miếng Mình Thánh vào rượu?
Cha Viannê: Trước đó, trong kinh tiền tụng, linh mục nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha: Mình và Máu Chúa tách ra và dâng lên, là dấu chỉ nói về cái chết của Chúa Giêsu, và Nhiệm Thể Ngài trên thập giá, Máu của Ngài đã đổ ra. Trước khi rước lễ, linh mục kết hợp Mình Máu Thánh lại, bằng cách bỏ một ít Mình Thánh vào trong Máu Thánh, dấu chỉ của sự sống lại: sau đó chúng ta rước Chúa Giêsu sống lại.
Vì sao chỉ có linh mục uống Máu Thánh Chúa Kitô?
Cha Viannê: Trên thực tế, nếu con hiểu câu trả lời trước của cha thì con thấy, tất cả tín hữu thực sự đều rước Mình và Máu Thánh, dù họ chỉ nhận Bánh thánh, vì thật sự Chúa Giêsu đang sống, Mình và Máu Ngài không thể tách rời. Cũng theo cách đó, có khi người bệnh chỉ rước Máu Thánh Chúa, nhưng thực sự họ rước Mình và Máu Thánh vì Mình Máu Thánh Chúa Giêsu không tách rời nhau.
Mình Thánh Chúa có mùi vị không?
Cha Viannê: Có, mùi của bánh mì không men, nghĩa là bánh chỉ làm bằng bột lúa mì trộn với nước rồi nướng chín. Tùy theo cách nướng bánh, hương vị và màu sắc có thể khác nhau một chút, nhưng luôn là bánh không men!
Có bắt buộc phải xưng tội trước khi rước lễ lần đầu không?
Cha Viannê: Bắt buộc phải xưng tội trước đó một thời gian, tốt nhất là một thời gian ngắn trước đó, để chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng, hoàn toàn trong sạch, như sau khi con được rửa tội, để rước Chúa một cách đơn sơ, xứng đáng, vui tươi hơn, trong cung điện xinh đẹp sẵn sàng để đón Ngài như Vua của con, Thiên Chúa của con!
Chúng ta cảm thấy gì khi rước Chúa?
Cha Viannê: Đôi khi là một niềm vui lớn lao, đôi khi là hãi sợ vô cùng (chính thực Chúa toàn năng hiến mình cho tôi!), đôi khi không cảm thấy gì cả. Thực chất điều đó không quan trọng. Điều quan trọng nhất là con rước Chúa trong đức tin, trong tình yêu hết sức hết lòng của con: “Vâng, lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đã ban chính Chúa cho con trong bí tích Thánh Thể này, con yêu mến Chúa!”
Pacôme Hồng Phước dịch – Phanxico
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- THÔNG BÁO: Truyền Chức Phó Tế năm 2018 – TGP Hà Nội
- Dòng Chúa Cứu Thế: “Cây đại thụ đại phúc” đã về với Chúa
- Giải đáp thắc mắc: Phục sinh và sống lại
- Bức tranh Chúa Thánh Thần hiện xuống của Jean Restout II
- Cảm ơn Thủ môn Đặng Văn Lâm luôn cầu nguyện trước mỗi trận đấu
- 8 ngày lễ kính Đức Mẹ ít được biết đến trong tháng 5
- 3 điều kiện cần để được rước lễ