Thái Hà (01.04.2017) – Nguyên nhân đưa đến khủng hoảng hiện nay là do con người đã không thiết lập được mối tương quan với Thiên Chúa “Trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội. Đức Thánh Cha Benedicto XVI khẳng định: Vấn đề Thiên Chúa là vấn đề trọng tâm đối với thời đại chúng ta ngày nay trong đó người ta thường giản lược con người vào một chiều kích duy nhất là chiều kích hàng ngang và cho rằng việc rộng mở cho Đấng Siêu Việt là không quan trọng. Trái lại tương quan với Thiên Chúa là điều nòng cốt đối với con đường của nhân loại. Giáo Hội và mọi Kitô Hữu đều có bổn phận làm cho Thiên Chúa h iện diện trong thế giới này và tìm mở lối cho con người đến với Thiên Chúa. Trong tình trạng văn hóa và tinh thần như tình trạng chúng ta đang sống, khuynh hướng gạt bỏ Thiên Chúa vào lãnh vực riêng tư coi Ngài như không quan trọng và thừa thãi hay chối bỏ Ngài một cách tỏ tường ngày càng gia tăng” ( Nguồn: Radio Vatican – 12/12/2009 – Linh Tiến Khải – Đại Hội Về Thiên Chúa Trong Thế Giới Ngày Nay ).
Lý do khiến con người ngày nay chối bỏ Thiên Chúa bởi chẳng qua đó chỉ là một thứ quan niệm thần học về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa đích thực như Ngài là. Mặt khác cũng cũng chính vì chỉ biết đến Thiên Chúa như một quan niệm thế nên người ta không có cách chi hiểu được Sách Sáng Thế trong đó Thiên Chúa dựng nên trời đất trong sáu ngày và sang ngày thứ bảy thì nghỉ “Ngày thứ bảy ĐCT làm xong công việc Ngài và ngày thứ bảy Ngài nghỉ công việc Ngài. Rồi Ngài ban phước cho Ngày Thứ Bảy đặt là Ngày Thánh và trong ngày đó Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong ( St 2, 2 -3 ).
Ngày thứ bảy được gọi là Ngày Sabbath và ngày này rất được người Do Thái tôn trọng đến nỗi kẻ nào vi phạm sẽ bị xử tử: “Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày nhưng qua ngày thứ bảy là Ngày Sabbath tức là ngày biệt riêng ra Thánh cho Đức Chúa. Trong Ngày Sabbath hễ ai làm một việc chi sẽ bị xử tử. Ấy vậy dân Israel sẽ giữ Ngày Sabbath trải qua các đời của họ như một Giao Ước đời đời” ( Xh 31, 15-16 ).
Người Do Thái giáo chẳng những tôn trọng luật Sabbath cách nghiêm ngặt mà còn chi li đến nỗi vào thời Chúa Giêsu các môn đệ chỉ ngắt vài bông lúa để ăn cũng bị phê phán “Người Pharisêu thấy vậy bèn nói cùng Ngài rằng: Coi kìa môn đệ Thầy đã làm điều không được phép làm trong Ngày Sabbath” ( Mt 12, 2 ).
Giữ luật thì phải biết mục đích của luật nếu không đó chỉ là một thứ đạo đức giả hình và đáng bị Chúa quở trách nặng nề “Khốn thay cho các ngươi những văn sĩ và người Pharisêu là bọn gỉả hình kia. Vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi trắng, bề ngoài coi đẹp còn bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ ô uế. Cũng vậy bề ngoài các ngươi coi như công chính đối với người ta nhưng bề trong thì đầy dẫy sự giả hình và gian ác” ( Mt 23, 27 – 28 )
Đối với Đạo Do Thái xưa kia thì ngày thứ bảy là Ngày Sabbath còn Đạo Công Giáo ngày nay là Chúa Nhật. Tuy khác tên nhưng có cùng ý nghĩa là ngày kết thúc chu kỳ sáng tạo của Thiên Chúa. Hiểu như vậy thì luật kiêng việc của người Do Thái hay Công Giáo cũng đều là một Ngày Thánh vì được Thiên Chúa chúc phúc.
Mục đích của ngày được chúc phúc ấy là để cho ta hướng tâm tới Chúa hay nói theo ngôn ngữ đương đại là để con người có thể thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tại sao để thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa lại phải kiêng việc phần xác ?
Con người ta sống ở đời thì phải làm việc dù là việc chân tay hay trí óc và sự làm việc ấy là rất cần thiết để nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên con người ngoài việc lo cho thân xác cũng cần phải lo cho phần hồn. Chỉ biết lo cho phần xác mà quên đi phần hồn thì con người không sao có thể an thỏa về mặt tâm linh.
Trong Ngày Sabbath đó không phải người ta nghỉ hết mọi việc không làm gì cả nhưng là để lo làm việc tâm linh và đây cũng chính là ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi hoàn tất công cuộc sáng tạo. Nếu cứ hiểu theo… nghĩa đen thì chẳng lẽ Thiên Chúa cũng cần nghỉ ngơi giống như con người sau khi làm lụng vất vả hay sao ? Hoàn toàn không phải vậy bởi như Đức Kitô nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy” ( Ga 5, 16-20 ).
Thiên Chúa luôn làm việc và việc của Ngài là làm trong sự vô phân biệt “Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa trên kẻ bất chính cũng như kẻ công chính” ( Mt 5, 45 ). Nhận ra như thế để thấy rằng sự kiêng việc phần xác trong Ngày Sabbath hay Chúa Nhật không phải chỉ có mục đích để cho ta nghỉ lao động nhưng là để có nhiều thời giờ thuận tiện cho việc tâm linh. Lại nữa để gọi được là việc tâm ;inh thì nhất thiết cần được làm trong tinh thần của Chúa tức vô phân biệt ( vô ngã ).
Quả thật sự nghỉ ngơi chỉ có thể đến với con người khi nó sống với tâm vô phân biệt. Ngược lại nếu còn sống với tâm phân biệt tức còn chấp có một “Cái Tôi” ( Ngã Chấp ) thì con người sẽ không bao giờ có được sự ngơi nghỉ thực sự. Tại sao ? Bởi vì bao lâu còn thấy “Có Tôi” thì bấy lâu còn tham còn sân. Chính cái lòng tham sân dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng đưa đến sự bất an cho con người.
Trong “Hành trình về Phương Đông”, chúng ta đọc được câu chuyện của Alexandre đại đế cho thấy tác hại lớn lao của lòng tham. Khi vừa lên ngôi hoàng đế ông đã tâm sự với thầy mình là Aristote:
- Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ đem quân đánh nước Ba Tư nêu cao ngọn cờ Hy Lạp. Sau đó con sẽ đem quân chinh phục tất cả các quốc gia Trung Đông.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ càn quét A Phú Hãn và Ấn Độ.
- Rồi sao nữa ?
Sau một lát suy nghĩ Alexandre nói tiếp:
- Sau đó thì con có thể ngủ ngon một giấc.
Ông thầy Aristote mỉm cười nói:
- Này con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có phải hơn không ?
Cuộc đối thoại đầy ý vị triết học này cho thấy con người trong bất cứ địa vị, hoàn cảnh nào cũng sống trong tình trạng “thả mồi bắt bóng” tức quên đi mất cái thực tại vốn sẵn đủ ở nơi mình. Thực tại ấy Duy Thức Học gọi là Đại Viên Cảnh Trí còn Sáng Thế gọi là Vườn Địa Đàng: “Đoạn Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Eden ở về hướng đông và đặt người mà Ngài vừa mới dựng nên ở đó” ( St 2, 8 ). Do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác thế nên con người đã đành quên mất cái nơi mà từ muôn thuở mình đã cư ngụ. Luật Ngày Sabbath được lập ra với mục đích là để cho ta có thể nhớ lại cái nơi mà mình đã quên và quyết tâm trở về. Thế nhưng chỉ vì u mê ám chướng con người cứ mãi cố chấp trong đường lối mình. Bởi đó cho nên có lời phán: “Ta bèn thề trong cơn thịnh nộ Ta rằng: Chúng sẽ chẳng thể vào Sự Nghỉ Ngơi của Ta dẫu công việc đã xong từ buổi sáng thế vì luận đến Ngày Thứ Bảy Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc Ngài. Lại có chỗ khác rằng: Chúng chẳng thể vào Sự Nghỉ Ngơi của Ta” ( Dt 4, 3-4 ).
Chốn Nghỉ Ngơi đời đời cũng là một không khác với Nước Trời mà Đức Kitô rao giảng và kêu gọi trở về “Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Đức Chúa Trời được rao giảng và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ). Một khi Chúa dạy phải nỗ lực mà vào thì tất nhiên Ngài cũng chỉ cho chúng ta đường lối để… vào. Đường lối ấy không ngoài lòng tin và sự ăn năn sám hối “Thời đã mãn Nước Đức Chúa Trời đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” ( Lc 1, 14 ). Tin vào Tin Mừng có nghĩa là tin Nước Trời hiện hữu ở nơi mình.
Trong việc tin này luôn phải đi đôi với lòng ăn năn sám hối lý do là vì Nước Trời ví như viên ngọc quý ẩn dưới ao sâu. Nước trong ao có trong sạch thì mới nhìn thấy và khi đã thấy thì phải lặn xuống mới đoạt được nó. Tin vào lời rao giảng của Đức Kitô cùng với lòng sám hối tội lỗi mình chúng ta tất sẽ vào được Nước Trời. Đức tin có được là do sám hối và ngược lại sám hối là vì ta có đức tin.
Sở dĩ tình trạng chối bỏ Thiên Chúa hiện nay ngày càng gia tăng là vì con người đã mất đức tin và một khi đức tin không còn thì lòng sám hối cũng chẳng còn. Bổn phận Giáo Hội cũng như mọi Kitô Hữu hôm nay như lời đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI nói là phải làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này và mở lối cho con người đến với Thiên Chúa. Thế nhưng làm sao Thiên Chúa có thể hiện diện trong thế giới nếu Ngài không có một chỗ đứng nào ở trong Tâm mỗi người ?
Ngày Sabbath thiết lập mục đích là để cho ta có thể nhớ và trở về với Thiên Chúa Đấng là nguồn cội phát sinh muôn loài. Nhân loại ngày nay đã quên bẵng và ngày càng xa cách Thiên Chúa để phải sống trong điêu linh khốn khổ. Mặc dầu vậy càng xa cách bao nhiêu con người lại càng cần phải mau chóng trở về bấy nhiêu: “Van vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! Vạn vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ gọi là Tịnh. Ấy gọi là Phục Mạng. Phục Mạng gọi là Thường” ( Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 16 ).
PHÙNG VĂN HÓA, 3.2017
Nguồn: EPHATA, số 739
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Các hình thức văn chương trong Kinh Thánh
- Các chuyên gia về AI cảnh giác về “cuộc chạy đua vũ khí kỹ thuật”
- Tin vui: Đền Thánh Phêrô mở cửa lại.
- 2.000 người tham dự rước kiệu Thánh Thể tại trung tâm thủ đô bang Wisconsin.
- Thánh Giuse: Mẫu Gương Lao Động
- TƯỢNG ĐỨC MẸ CAO HƠN CẢ TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO Ở HOA KỲ
- Chuyện lạ: Cây Thánh Giá Nhà Thờ Đức Bà Paris không bị cháy và đang chiếu sáng