Thương con hay hại con? Giáo dục hay phản giáo dục?

Là những người làm trong lãnh vực tâm lý và giáo dục nên những chuyện liên quan đến tuổi trẻ, giáo dục tuổi trẻ, hoặc những xung khắc giữa cha mẹ với nhau trong việc giáo dục con cái thì không thiếu. Hai câu chuyện mà tôi sắp sửa kể ra sau đây cũng thuộc loại chuyện thường thấy xẩy ra trong các gia đình mà người cha, người mẹ, hoặc cả hai lẫn lộn về tình thương dành cho con và ảnh hưởng của giáo dục. Những lối hành xử phản ảnh câu ca dao, tục ngữ của cha ông, đó là: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Tuy nhiên, khi nói về ảnh hưởng của người mẹ, người bà cũng cùng lúc chúng ta nói về ảnh hưởng của người cha, người ông như vậy. Người cha, người ông đôi khi trong nhiều trường hợp cũng có những sai lầm trong việc giáo dục con cháu.

Một cặp vợ chồng trẻ nhưng hiếm muộn. Sau nhiều ngày tháng chờ mong, một bé gái đã chào đời, dễ thương, mau ăn, và chóng lớn. Trong những năm đầu, người mẹ dành nhiều thời giờ cho con hơn qua việc chăm nom bú mớm. Khi con lên ba, cả bố lẫn mẹ đã thay phiên nhau cưng chiều con. Con muốn cái gì là được cái nấy. Con khóc lóc làm nũng bố mẹ không la mắng, sửa phạt sợ con buồn. Nếu mẹ mắng thì bố binh, hoặc ngược lại. Con không ăn hay lười ăn uống thì bố hoặc mẹ đút cho con, mang ly nước cam, nước lọc hoặc ly sữa đưa tận miệng con. Việc vệ sinh cá nhân bố mẹ thay phiên nhau tắm, rửa, chải đầu, lau lọt sau khi con đi vệ sinh. Sợ con khóc, mất ngủ nên từng giấc ngủ là con luôn có bố mẹ ở bên.

Nhưng, cái nhưng hết sức lạ thường ở đây là cho đến hôm nay đứa trẻ đã 8 tuổi rồi mà mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, ngủ nghỉ vẫn diễn ra như những ngày em còn nhỏ. Em vẫn không tự mình tắm rửa. Vì năm nay đã 8 tuổi và là con gái nên mẹ thay bố tắm cho con. Ăn uống bố mẹ vẫn thay nhau đút cho con. Hễ không đút là con không ăn… Và em vẫn ngủ chung với bố mẹ.

Câu chuyện kế tiếp là một sinh viên đại học năm thứ nhất, vẫn cứ sáng sáng được bố chở đến trường, và chiều chiều được bố đón về. Sinh viên trẻ này ngoài việc ăn với học ra không phải làm bất cứ một việc gì khác. Em cũng không có bạn gái hoặc những bạn trai cùng lớp, cùng trường. Lý do bố em đưa đón em mỗi ngày là vì cha mẹ không muốn con “hư hỏng”, không muốn con bỏ dở học hành.

Không ai trong các phụ huynh trên bị coi là những cha mẹ không yêu thương, chăm sóc, và lo lắng bao bọc con. Nhưng cũng không ai trong các phụ huynh trên được cho là có cái nhìn đúng và sự hiểu biết về giáo dục. Dưới con mắt của những nhà tâm lý và giáo dục, hai mẫu phụ huynh trên đã không phân biệt được sự khác biệt giữa tình thương và nuông chiều, giữa những việc làm cho con và mục đích của giáo dục. Ngoài ra, họ cũng không hiểu được ảnh hưởng tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục, tâm lý xã hội trong tiến trình phát triển của con họ. Một điều mà hầu hết những ai có chút kinh nghiệm trong lãnh vực tâm lý, thì những phụ huynh như vậy lại rất chủ quan, cố chấp, không muốn nghe kinh nghiệm và ý kiến của ai, cho dù là những nhà chuyên môn. Như vậy, chính họ đã làm hại con họ sau này khi chúng lớn lên và ra đời.

 Theo tâm lý phát triển, một đứa trẻ 8 tuổi mà không tự mình lo cho vệ sinh cá nhân, tự mình xúc cơm, ăn cơm, uống nước, tự mình tắm rửa, và ngủ riêng một mình là một đứa trẻ có chút gì bệnh hoạn. Ít nhất là bệnh lười, và bệnh ỷ lại. Nó sẽ khó tự tin trước mặt bạn bè, trước mặt mọi người, sẽ khó hòa đồng, và thiếu tâm lý trưởng thành sau này khi khôn lớn.

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 90
Một cách tương tự, sinh viên trẻ kia rồi ra cũng dễ mang mặc cảm tự ti với lối sống xã hội, với bạn bè, và với những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày mà một người trẻ tuổi phải đối mặt. Về mặt tình cảm, tình yêu, tình dục, sinh lý, và tâm linh em sẽ gặp những thách đố, sẽ dễ dàng vấp ngã trước những cám dỗ của đời thường. Là một sinh viên trẻ ở tuổi 18, cái tuổi được coi như có thể hành động trưởng thành, tuổi mà các em thường sống tự lập, nhất là các sinh viên xa gia đình.

Tóm lại, những phụ huynh trên đã phạm phải hai sai lầm trong cách thức chăm lo và giáo dục con cái. Đó là quan niệm lẫn lộn giữa tình thương và những hành động săn sóc con cái. Và không nhận thức rõ ràng thế nào là mục đích của giáo dục.

Tình thương và sự săn sóc

Là cha mẹ ai cũng yêu thương con cái. Nhưng yêu thương mà thôi chưa đủ, còn phải dạy dỗ và giáo dục con cái nữa. Những phụ huynh trên đã hiểu sai về tình thương khi đặt sự chiều chuộng, cưng chiều con cái thay thế cho việc giáo dục: “Yêu con cho roi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho bùi”.

Trong ý nghĩa của tiêu cực, nuông chiều con cũng được xem như một hành động khuyến khích những thói hư và tật xấu của con. Vì để uốn nắn một tính xấu, sửa chữa một thói quen xấu của con đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn của cha mẹ. Chiều chuộng, cưng chiều cũng có thể là thái độ đầu hàng trước những khuyết điểm và đòi hỏi thái quá của con.

Sự nuông chiều thái quá, và những dễ dãi của cha mẹ có tác dụng làm hư con của họ. Vì tình yêu, tình thương đúng nghĩa mà cha mẹ dành cho con là phải giáo dục, hướng dẫn con để con lớn lên và phát triển đầy đủ về thể lý, tâm lý, và tâm linh. Sự phát triển cần thiết cho cuộc sống của một con người giữa dòng đời, và giữa những khó khăn thử thách.

Mục đích chính của giáo dục

Chiều chuộng con, làm cho con tất cả những gì con cần phải làm. Cho con tất cả những gì con muốn là một hình thức yêu thương mang ý nghĩa tiêu cực. Có thể gọi đó là phản giáo dục. Để yêu thương con thật sự, phụ huynh phải ý thức rất rõ ràng về mục đích của giáo dục và hành động để đạt mục đích ấy.

Trong tâm lý phát triển và giáo dục, khi một đứa trẻ lên ba là thời gian thích hợp nhất để uốn nắn, cũng như hướng dẫn em biết sống tự lập, biết trách nhiệm về những việc mình làm. Kinh nghiệm thực hành của người Việt Nam cũng phù hợp với tâm lý phát triển và giáo dục: “Dạy con từ thưở lên ba”.

Theo đó, tại gia đình, bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ là phải làm cách nào để giúp cho con em mình lớn lên, tự tin, tự lập, và trưởng thành với cuộc sống của chúng. Biết nhận thức, chấp nhận cái thắng và cái thua. Biết đứng lên khi thất bại mà không bỏ cuộc, không nản lòng, sợ hãi cố gắng. Biết đối đầu với những cám dỗ, thử thách, và biết trỗi dậy mỗi khi vấp ngã. Biết nhìn đời bằng con mắt trưởng thành để phân biệt cái tốt và cái xấu, cái nên làm và cái không nên làm. Đó là giáo dục, và đó là điều mà các phụ huynh phải làm cho con cái ngay khi chúng còn trên gối mẹ để chuẩn bị cho những bước đi sau này khi vào đời. Con cái phải sống với cuộc sống của nó. Phải lựa chọn những gì cần thiết cho cuộc đời của nó. Và trong các lựa chọn đó, nó phải được giáo dục biết chọn điều phải, điều tốt.

Đời là một cuộc lữ hành mà mỗi người phải đi qua trong nhiều thời khắc, nắng, mưa, giông bão, hay thanh bình. Phải đi giữa nhiều loại người, mưu mô, thâm hiểm, gian dối, cũng như hiền hòa, dễ thương và tốt bụng. Và phải đối diện với những khó khăn, giới hạn về sức khỏe, về tài năng, và về vai trò, chỗ đứng xã hội. Những cái đó, nếu cha mẹ, phụ huynh không dạy dỗ, không rèn luyện, và một đôi khi không để con mình tự thử nghiệm qua, làm sao chúng có đủ kinh nghiệm khi vào đời?

Chiều chuộng con cái, cưng chiều con cái thái quá là sai lầm. Nhưng không dạy dỗ và cho con cái có cơ hội sống trưởng thành với cuộc sống chính mình, cũng là một lỗi lầm lớn của cha mẹ trong giáo dục.

TRẦN MỸ DUYỆT

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết