Những giờ cuối ở Đan Viện là cuộc gặp gỡ riêng với một cô đan sĩ. Cô cho biết đã từng có người yêu rất nâng niu tôn trọng, cũng có việc làm cụ thể bảo đảm đời sống kinh tế, và không hề “đạo đức”, không hề muốn đi tu. Nhưng lòng cứ bút rứt xao xuyến bất an điều gì không hiểu, đến độ phải đi khám bệnh mà chẳng thấy vấn đề sức khỏe nào. Điều lạ nhất là cứ nghe một tiếng nói thầm thì chẳng hiểu. Cho đến một hôm, giữa trưa trong hẻm vắng, tiếng nói rất rõ ràng khiến cô bị quì gục xuống, khóc như mưa. “Cha rất yêu con. Sao con không thuộc về Cha ? “. Thế là phải lên đường. Chạy thẳng vào dòng tu, được 2 năm, rồi tiếng nói lại “bắt” phải vào dòng tu kín. Thế là lùi lũi vào Đan Viện. Có những giai đoạn, tiếng nói như bỏ rơi, hắt hủi, đẩy cô vào sự trống trải hoang mang, rồi lại yêu thương nâng đỡ chỉ dạy.
Đã từng biết những chuyện này. Nhưng lần đầu tiên trực tiếp gặp, trực tiếp nghe, suốt hơn hai tiếng, vừa xúc động, vừa dò xét cô có vấn đề tâm lý tâm thần với những ảo thanh ảo giác nào chăng. Nhưng không thấy !
Cô nàng tiến sĩ văn chương Trung Đại VN, tiến sĩ về thơ Thiền thời Lý-Trần thì có vẻ hơi khác. Mười lăm năm trước, mình đã cản cô theo Đạo vì nàng chỉ thấy cái đẹp của Kitô giáo. Mười lăm năm, với pháp danh Quảng Nhẫn, nàng thầm lặng như Quán Âm, nâng niu chịu đựng hai đời chồng và hai gia đình bên chồng. Ngoài đứa con như quà tặng của Từ Bi Quán Thế Âm, mười lăm năm, là mười lăm năm ngày càng đớn đau, ẩn nhẫn, chịu đựng đến kiệt quệ thân tâm. Dạy đại học bên Nhật về, rơi vào bệnh tật thập tử nhất sinh, không hề có ai nâng đỡ, kể cả gia đình chồng mà trước đây nàng đã một thân nuôi dưỡng cả nhà. Hoàn toàn kiệt sức, nghèo túng, cô đơn. Nhưng ngay khi đó, người lạ mà quen là Đức Giêsu xuất hiện. Có khi căn phòng nhỏ tràn đầy sự hiện diện yêu thương an ủi của Ngài. Có khi trong im lặng cô độc cùng cực tuyệt vọng bơ vơ lại tràn ngập sự êm ái ân cần vô tận của Ngài.
Hôm qua, nàng nói lời cám ơn vì đã “cấm đạo” nàng 15 năm, để nàng thấy 15 năm như một “công án thiền” mà giờ phút này đã thấu, đã vỡ. Thấu, vỡ, là gặp Giêsu ! Kể nàng nghe về cụ Nguyễn Khắc Dương, bậc thầy nhiều giám mục linh mục VN, và cũng hơi hơi là một thứ Bùi Giáng Kitô giáo. Trong buổi có sr. Mai Thành và chàng Nguyễn Gia Khánh hôm ấy, trước các sinh viên nam nữ Đaminh, cụ Dương kể đời mình : Leo lên núi Nho, ngã cái uỵch. Leo lên núi Trang Lão thênh thang tiên cảnh, ngã cái đùng. Nhìn lên, núi Phật chót vót vượt tầng mây, đã quá, đã quá, leo lên, leo lên, lần này thì ngã xuống tưởng tan xương nát thịt. Nhưng không, hai mông đít trỗ xuống, trên cái gì mềm mại êm ái lắm dưới đáy vực : trái tim Giêsu. Nghe kể vậy, cô giảng viên tiến sĩ nói cô cảm nhận rõ điều đó như máu đang chảy trong cơ thể.
Mình đã “thú tội” với cô đan sĩ rằng, mình rất dãy dụa phản kháng Giáo Hội và “cái” Tuyệt Đối như một Ông Cụ Chúa thù lù. Nhưng mỗi lần đụng đến việc cử hành Giêsu chết và sống lại, thường run rẩy rúng động cả người. Mỗi lần có bài Tin Mừng Gioan 21, “Này anh Phêrô, anh có mến Thầy không”, là chịu không nổi, ngay cả bây giờ.
Cái “kinh nghiệm” Kitô giáo thật khác người. Nhưng lại rất người và rất đời. Cái kinh nghiệm tương giao, gặp gỡ, nói năng, qua biến cố, và nhất là, trong những lúc mình tưởng như hoàn toàn buông tay tuyệt vọng.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Giáo Phận Thanh Hóa Có Thêm Hai Phó Tế Tại Paris – Pháp
- Trận chung kết World Cup 2018: người Công Giáo VN nên ủng hộ Pháp hay Croatia?
- Tại sao không có nữ linh mục?
- Một nhà thờ di tích quốc gia ở Chile nghi bị đốt cháy
- Chia sẻ của vị linh mục tại Sơn Lôi trước khi kết thúc 20 ngày bị phong tỏa
- Hàng nghìn người ở Mỹ chứng kiến tượng Mẹ đồng trinh chảy nước mắt mùi hoa hồng
- Đức tin là gì?