‘Giám mục Xe lăn’, người từng trợ giúp và các cựu quân nhân mượn tiền, cống hiến đời mình giúp đất nước vượt qua những ký ức đau buồn trong quá khứ
Vào những tuần khi tàn dư sau cùng của Khmer Đỏ tan rã vào cuối năm 1998, cha Enrique Figaredo, còn được gọi là “Người Do thái” hay “Giám mục Xe lăn”, đi thăm các cán bộ còn lại của chế độ này sau khi nghe nói họ cần giúp đỡ.
Trong suốt các thập niên nội chiến, nhiều binh lính bị cụt chân, mất tay do trúng mìn và sống vất vưởng sau khi các thủ lĩnh cộng sản quá khích của họ đào ngũ, bị chết hay bị bắt.
Thật kinh hoàng khi nói về việc bước vào vùng bị kiểm soát bởi một trong các phong trào cách mạng đáng sợ nhất trong thế kỷ 20, riêng cha Figaredo lại xem đó là ơn gọi.
“Tôi nhớ mình đã đi đến một vùng xa xôi nhất ở Campuchia”, ngài nói trong khuôn viên nhà thờ Công giáo Battambang hay Pet Yiey Chee theo người địa phương.
“Họ xin tôi giúp đỡ. Tôi đến gặp họ và đem gà cho họ để họ có thể có trứng và thịt để ăn. Tôi còn cho họ mượn một ít tiền”, phần lớn vẫn còn đang được dùng cho đến ngày nay, ngài kể.
“Bạn có thể nhanh chóng nhận thấy họ vẫn còn bị kẹt trong một cơ cấu quân sự, nhưng họ vẫn rất nhân văn. Chúng ta đề cập đến khía cạnh nhân văn. Tôi chắc chắn một vài người trong số họ đã phạm một số sai lầm rất đáng tiếc, nhưng không phải tất cả”.
Cha Figaredo sinh tại Gijon, Tây Ban Nha, năm 1959. Ngài vào Dòng Chúa Giêsu 20 năm sau đó và bắt đầu công tác thiện nguyện trong các khu nhà ổ chuột và làng nghèo ở Madrid trước khi quyết định làm việc với người tị nạn.
Ngài được bố trí đến làm việc tại các trại tị nạn gần biên giới Thái Lan từ năm 1984-1988, tại đây ngài làm việc với những người bị mất tay chân chạy trốn hay chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, khi Khmer Đỏ tiến hành chiến tranh du kích.
Tại đây vị linh mục người Tây Ban Nha có được biệt danh “Giám mục Xe lăn” vì ngài dành cả ngày để giúp đỡ những người khuyết tật, bị bỏ rơi và bị lãng quên.
Ngài thành lập các trung tâm cứu trợ tại các trại dành cho binh sĩ trẻ em và tổ chức các hoạt động bao gồm hòa nhạc có nhiều guitar điện.
Sau khi làm việc với người Campuchia khuyết tật vào thập niên 1990, vị linh mục được bổ nhiệm làm Phủ doãn Tông Tòa của Battambang năm 2000.
Người theo Khmer Đỏ gia nhập Công giáo
Đi dạo quanh khu Công giáo trong thành phố nằm ở hai bên bờ sông Sangkae thuộc tây bắc Campuchia, cha Figaredo bước qua các tòa nhà thời thuộc địa và nói về nguồn gốc do các thừa sai Bồ Đào Nha để lại cách đây hàng thế kỷ.
Khi thấy ngài đi dạo, hàng chục người dân địa phương liền chào ngài. Ngài đùa giỡn với trẻ em và hỏi thăm sức khỏe các bà mẹ mới sinh con bằng tiếng Khmer rất thành thạo.
Trong khuôn viên nhà thờ, cộng đoàn gồm vài trăm người tập trung tham dự Thánh lễ vào mỗi ngày Chúa nhật. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Có những người có quá khứ đen tối hơn những người khác.
Cha Figaredo cho biết nhiều cựu binh Khmer Đỏ đến nhà thờ của ngài. Một số người ám ảnh bởi những ký ức đau buồn trong quá khứ, ám chỉ những hành động tàn bạo họ chứng kiến hay tham gia.
“Họ là người Công giáo nhưng cũng là cựu binh Khmer Đỏ”.
“Một số người đưa con đến nhưng lại đứng bên ngoài. Tôi mời họ vào nhưng có thứ gì đó ngăn họ. Họ thường nói những lời như: ‘Tôi đã làm một việc xấu xa vì thế tôi chưa thể vào được’”, ngài kể. “Chuyện đó làm tôi hết sức đau buồn”.
Cải đạo theo Công giáo thường là những người theo Tin Lành, khá phổ biến nơi các cựu binh Khmer Đỏ.
Kaing Kek Iev, thường được gọi bằng biệt danh là “Duch”, cựu trưởng ngục S-21 khét tiếng ở Phnôm Pênh, có hơn 15.000 người được cho là đã bỏ mạng tại đây, trở thành nhà giảng đạo vào những năm 1990 trước khi bị bắt và bị tuyên án chung thân tại tòa án tội ác chiến tranh.
Im Chaem, cựu quan chức Khmer Đỏ bị buộc tội giết người, nô dịch hóa, bỏ tù và các “hành động vô nhân đạo” khác trước khi vụ án bị đình lại một cách gây tranh cãi, cũng cải đạo gần đây, nói với báo giới: “Tâm hồn tôi sảng khoái và cởi mở nhờ ơn Chúa”.
Cha Figaredo nói ngài có thể hiểu được lý do tại sao họ theo Công giáo mà không theo Phật giáo, tôn giáo đa số ở Campuchia.
“Trong Công giáo, có sự tha thứ và có hy vọng. Tất cả đều phụ thuộc vào sự phán xét của Chúa, và họ có thể nỗ lực biến đổi cuộc đời mình. Ngoài ra, Phật giáo nhấn mạnh đến nghiệp chướng trong khi Công giáo mang lại ơn cứu chuộc, vốn có thể hấp dẫn hơn”.
“Nhiều cựu binh Khmer Đỏ tôi biết hạnh phúc khi được giải phóng khỏi xiềng xích quá khứ”.
Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục
Cha Figaredo, thường rất lạc quan và vui vẻ trong cuộc phỏng vấn, cất giọng buồn rầu khi được hỏi về các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục nhấm chìm Giáo hội Công giáo trong thời gian gần đây.
Trong khi nói về việc ngài cảm thấy đau buồn khi nghe nói về các vụ như thế, ngài nói các vụ che đậy phổ biến trong Giáo hội ít có khả năng xảy ra ở châu Á hơn do cơ cấu phẩm trật ở địa phương.
“Châu Á có lợi thế hơn các nơi khác trên thế giới vốn đang trải qua các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục (trong Giáo hội) đó là do Giáo hội ở đây không quá mạnh”, ngài nói và lưu ý một số nơi như Philippines và Timor-Leste là những trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ, ngài nói ngài vẫn chưa nghe nói về vụ nào như thế tại Campuchia.
“Các vụ tai tiếng như thế sẽ hủy hoại các Giáo hội chúng ta có ở đây, vốn tương đối nhỏ và yếu. Chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ người thờ tự, một thiểu số rất nhỏ, không còn gì khác. Chúng ta cung cấp nhiều dịch vụ nhưng lại không được xem là có ảnh hưởng trong xã hội”.
Ngài dùng từ “động đất” để miêu tả sự chấn động mà các vụ lạm dụng tình dục đang gây ra trong một số nước phương Tây, và thêm rằng “tôi hy vọng chúng ta sẽ không chứng kiến những trận động đất như thế ở đây”.
“Chuyện đó chưa trở thành vấn đề ở đây”, ngài nói thêm.
Tương lai Giáo hội
Khi được hỏi về tình hình chính trị hiện nay, đặc biệt là quyết định giải tán đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia – mối đe dọa duy nhất hiện nay đối với đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29-7, cha Figaredo cho biết ngài thích thảo luận kín với các quan chức.
Tuy nhiên, ngài khen ngợi đảng cầm quyền về những nỗ lực thúc đẩy quan hệ liên tôn giáo ở Campuchia. Và với việc đơn xin nhập quốc tịch Campuchia của ngài đang được xử lý, ngài cho rằng ngài sẽ ở đây trong một thời gian nữa. Thế nhưng ngài hy vọng sẽ chuyển trách nhiệm này cho một giám mục Campuchia trong thập niên tới.
“Tôi đang nghĩ đến chuyện nghỉ hưu”, ngài nói.
UCAN
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Theo đạo Công giáo có thờ kính ông bà tổ tiên?
- Cảnh giác: Với tin giả liên quan đến nhóm lạc giáo sứ điệp từ trời
- Ở Ấn Độ, các học sinh nói rằng Đức Mẹ đã hiện ra giữa hương hoa nhài
- Một cầu thủ 26 tuổi thời danh, bỏ tất cả để đi tu làm Linh mục
- Các câu khẩu hiểu hành động trong Đại hội giới trẻ tại Hải Phòng
- Chúa Giêsu hiện diện bao lâu trong Bánh Thánh sau khi ta rước lễ?
- Thánh đường Peru ρhủ kín ảnh người qυa đời vì COVIᗪ-19