Thái Hà (02.05.2020) – Trong tuần này, Giáo hội Công Giáo kêu gọi cầu nguyện cho ơn kêu gọi sống Thánh hiến. Đây chính là lúc mà những bài báo, những status cổ võ ơn gọi được phổ biến nhiều nhất.
Mọi năm tôi cũng thường chia sẻ những điều tích cực như thế. Tuy nhiên, năm nay tôi chọn một thông điệp hơi chướng tai một chút: “Xin đừng đi tu làm linh mục.”
Có lẽ bạn đang nghĩ tôi có vấn đề gì chăng? Hoặc cũng có thể bạn nghĩ tôi đang câu like một cách rẻ tiền bằng một cái tựa đề giật gân? Không, tôi nói rất thật và rất chân thành đấy, mục đích của bài viết này thực sự không phải để khuyến khích nhưng là để khuyên can, cảnh báo một số bạn trẻ đừng nên dấn thân vào đời sống tu trì.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ lại một cha giáo đang trong giờ học, ngài dừng lại và nói với chúng tôi, những sinh viên thần học: “Anh em thân mến, khi anh em chuẩn bị chịu chức Thánh mà anh em không có một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ và nếu Đức Giê-su không phải là nền tảng của cuộc đời anh em; anh em hãy rời khỏi đời tu, vì chúng tôi không cần anh em đâu. Chúng tôi đã có quá đủ những linh mục không gương mẫu, họ bê trễ việc cầu nguyện, sống theo những giá trị của thế gian và dẫn người ta vào đường sai lạc. Nếu anh em chẳng tha thiết trở nên con người của sự cầu nguyện, chúng tôi mong anh em hãy đi tìm một nghề nghiệp khác thì tốt hơn.”
Lời nói của cha giáo khi ấy khiến lớp chúng tôi sửng sốt và rùng mình bàng hoàng. Ngài là một linh mục hiền lành, luôn nở nụ cười hiền tươi trên khuôn mặt, nhưng lại cho chúng tôi những lời chát đắng nhất mà chúng tôi từng nghe trong đời tu: “Chúng tôi không cần anh em.” Chính lời khuyên ấy đã khiến tôi thêm một lần thức tỉnh, nhận thức lại ơn gọi của mình và quyết tâm tiến tới trên đường nhân đức hơn nữa.
Tôi xin được mượn lời của cha giáo năm xưa để thêm lời khuyên cho những bạn trẻ đang phân định ơn gọi đời mình. Đời sống cầu nguyện nghèo nàn là một vấn đề, nhưng còn những nan đề khác hóc búa không kém. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ linh mục giống như một công chức hành chính, tắt điện thoại và phớt lờ những nhu cầu mục vụ của đàn chiên chỉ vì đã hết giờ làm việc và nửa đêm là lúc không thuận tiện; chúng tôi không cần bạn vì chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như thế.
Thứ chúng tôi cần là những người sống hết mình với sứ mạng của Đức Ki-tô, sống gắn bó với đàn chiên, coi đàn chiên của mình quan trọng chẳng khác chi bố mẹ và anh chị em ruột.
Chúng tôi cần những linh mục là những người “Cha tinh thần” đúng nghĩa, hi sinh cho đàn con, đáp ứng những nhu cầu của tha nhân không phải vì bổn phận nhưng bởi vì tình yêu thương.
Cũng vậy, nếu bạn coi linh mục là dấu chỉ của ơn Chúa, là người giữ cửa và là người trông coi các bí tích, luôn tìm những thiếu sót của giáo dân và đặt lề luật qui định cao hơn lòng thương xót và ân sủng, chúng tôi không cần bạn đi tu vì chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như thế.
Chúng tôi cần những người biết rằng họ cũng là những tội nhân; rằng họ cần ơn sủng của Thiên Chúa như mọi người khác. Chúng tôi cần những linh mục tự coi mình là những người hòa giải chứ không phải những ông quan tòa; những người biết từ bỏ ý riêng để dẫn đưa người khác về với Thiên Chúa.
Nếu bạn nghĩ chỉ vì Hội Thánh đang thiếu linh mục và bạn đã dám dấn thân cho đời dâng hiến nên bạn có vai trò rất quan trọng; bạn sẽ cứu Giáo Hội và bạn đang làm ơn cho Giáo hội thì chúng tôi không cần bạn, chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như thế.
Chúng tôi cần những linh mục là những khí cụ tình yêu chứ không cần những đấng cứu tinh, những tôi tớ hay kể cả là những ông vua. Đức Ki-tô là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại và sự thật là Ngài có thể biến những hòn đá cuội trở nên “con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham.”
Giáo hội chẳng phải là của tôi hay của bạn, nhưng Giáo hội thuộc về Đức Ki-tô.
Nếu bạn muốn đi tu làm linh mục chỉ vì bạn mong muốn một nơi chốn bình yên để tìm sự an nhàn; chúng tôi không cần những người như bạn, chúng tôi đã có quả đủ những linh mục như vậy.
Chúng tôi cần những người biết yêu thương cuộc đời và muốn dùng những tài năng, ân huệ Chúa ban để cống hiến, xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. Đi tu không phải là để trốn đời. Đời tu không phải là nơi chốn của những người ù lì nhưng là một lối sống giúp người ta dấn thân vào đời trọn vẹn hơn.
Cuối cùng, nếu bạn nghĩ bạn biết nhiều hơn giáo hoàng, hơn giám mục của bạn và hơn cả lịch sử 2000 năm khôn ngoan của Giáo hội, và tin rằng bạn có thể đặt ra những qui định cho riêng mình và sống theo tiêu chuẩn của cá nhân mà chẳng có đức vâng lời; chúng tôi thực sự không cần bạn đâu, chúng tôi đã có quá nhiều linh mục như thế rồi.
Chúng tôi cần những người biết suy nghĩ thấu đáo, sống theo lương tâm nhưng luôn hiểu rõ họ đại diện cho một thực thể lớn hơn họ. Là linh mục nghĩa là phục vụ một cách khiêm nhu. Linh mục không phải là những ông quan tòa hay những ông vua con. Linh mục không chọn đối tượng, chọn thời gian, chọn địa điểm để phục vụ. Linh mục cần bỏ lại những ham muốn cá nhân và chỉ ước ao thi hành ý Chúa, trở nên đôi tay và bàn chân của Đức Ki-tô nơi thế gian này.
Nếu bạn chẳng hề dám trở nên những tôi tớ phục vụ người khác theo gương Thầy Giê-su, chẳng dám chịu gian khổ và chết đi cho dân Thiên Chúa, thì rõ ràng, Thiên chức linh mục không dành cho bạn.
Xin làm ơn vì tình yêu Đức Ki-tô, vì lợi ích của dân Chúa, hãy tìm nghề nghiệp khác đi. Nhưng nếu thực sự bạn nhận ra ơn gọi dấn thân hi sinh đời sống của mình cho người khác, dâng hiến trọn cuộc đời nơi dương thế này, để loan báo về Đức Ki-tô đến mọi người, qua sự quảng đại, kiên nhẫn, yêu thương, hi vọng, và khiêm nhu, thì chắc chắn, bạn là người mà chúng tôi đang cần.
Thiên Chúa đã gửi lời kêu gọi, và chắc chắn ngài đang hỏi mỗi người trong chúng ta: “Con có yêu mến ta không?” Câu trả lời nằm ở chính bạn đó.
Tác giả: Augustine Mario Ninaji, MFV
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Cánh vạc mùa Vọng
- Tôi là ai mà còn trần gian thế?
- VTV9 Ngợi ca Linh mục Nguyễn Sang – Tiếng Hát Vì Người Nghèo
- Thánh Gioan Phaolô II: Giáo hoàng của giáo dân và lòng Chúa thương xót
- Vị Thánh Công Giáo Đầu Tiên Và Duy Nhất Từng 5 Lần Đặt Chân Đến Việt Nam
- “Chỉ những người ít học, mê muội, dốt nát mới tin vào đạo!”
- Ơn gọi của con đến từ nơi đâu?