Cám ơn Mùa xuân

Cuộc đời chúng ta được làm người là một niềm hạnh phúc khôn ví. Cả thiên nhiên này là những món quà vô giá mà Tạo Hóa đã ban tặng cho chúng ta miễn phí. Đơn giản nhất mà lại cần thiết nhất là không khí chúng ta hít thở từng giây. Thật tuyệt vời biết bao! Vậy sao lại không biết ơn?

Mỗi mùa mỗi thứ, mỗi mùa mỗi cảnh, mỗi mùa mỗi vẻ. Nhưng có thể nói rằng mùa Xuân là mùa đặc biệt nhất. Thế thì chúng ta không thể không biết ơn!

Không chỉ vậy, cuộc đời còn có nhiều thứ để chúng ta phải biết ơn, dù đó chỉ là điều nhỏ thôi. Tiền nhân cũng dạy chúng ta lòng biết ơn: “Ăn cây nào, rào cây ấy.” Quả thật, chúng ta không thể là một ốc đảo, có nhiều thứ phải nhờ cậy người khác, không điều này cũng điều khác, không điều lớn thì cũng điều nhỏ. Cuộc đời là thế!

Trong tâm tình biết ơn, NS Trịnh Lâm Ngân đã viết ca khúc “Cảm Ơn,” đặc biệt vào những ngày Xuân. Ông biết ơn người khác từ những điều nhỏ nhặt. Ca khúc này được viết ở âm thể Thứ, nhịp 2/4, tiết tấu nhịp nhàng và giai điệu da diết tình cảm. Ông viết ca khúc này với tâm trạng của người lính nơi tuyến đầu.

Là người xa nhà, người lính đang buồn vì nhớ nhà thì bất ngờ nhận được quà Xuân từ quê nhà: “Này là cánh thư nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò, này là bánh chưng, Mẹ già tự tay gói gửi cho con, này là áo len bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan, nay em gởi ra tới chiến trường, mang chút tình hậu phương thương mến.” Một cánh thư của người yêu, chiếc bánh chưng của Mẹ, chiếc áo len được kết bằng những mũi đan tình cảm. Thật quý biết bao!

Lặng ngồi mở thư, mở quà và mặc áo mà thấy lòng xao xuyến: “Ngồi đọc lá thư đơn sơ tha thiết văn chương học trò, nhìn cặp bánh chưng mà lòng chợt thương mẹ già xa xôi, mặc vào áo len, sao như tôi nghe trong lòng chơi vơi.” Vui đó mà cũng buồn đó, ngậm ngùi niềm thương nhớ khôn nguôi khi Mai vàng đã nở: “Xuân đang về trên khắp đất trời,” và rồi lòng tự nhủ: “Nhưng tất cả Xuân là ở đây.” Vậy cũng là may mắn và hạnh phúc lắm rồi, còn hơn những chiến hữu khác không được tận hưởng niềm vui giản dị thế này.

Niềm vui nào cũng là niềm vui, chẳng gì hơn là lòng biết ơn chân thành từ sâu thẳm trong tâm khảm: “Tôi xin cảm ơn người, cảm ơn ai đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính, cảm ơn ai khi Xuân về vui thật là vui, không quên người sương gió phương trời, âu yếm gửi tình đi muôn nơi.” Món quà vật chất có thể không mấy giá trị, nhưng khối tình “gói ghém” trong những món quà Xuân đơn sơ đó lại vô giá. Thật ấm lòng chiến sĩ xa nhà vì lý tưởng hòa bình của tổ quốc!

Người lính thấy mình phải biết ơn bằng mối tình cảm chân thật nhất dành cho Mẹ và những người đã gởi quà Xuân: “Thật nhiều mến thương, tâm tư tha thiết tôi xin gửi về, gửi Mẹ kính yêu vài lời của con chúc mừng năm nay, và gửi đến em bao nhiêu yêu thương anh dành cho em.” Và đặc biệt là niềm hy vọng hòa bình vào một ngày không xa: “Khi Xuân về, xin hãy yêu đời, ta đón đợi Xuân hồng ngày mai.”

Điều đó chứng tỏ sự cảm thông dành cho người lính xa nhà với bao tâm sự vui buồn. Ai cũng phải hy sinh, cả người trai nơi chiến trường, cả người mẹ già và người yêu hoặc người vợ. Sự hy sinh của người lính thật đáng trân trọng, vì họ quên chính bản thân mình để xông pha giữa làn tên mũi đạn, giữa khói lửa đầy hiểm nguy đến tính mạng.

Nói chung, lòng biết ơn luôn cần thiết trong cuộc sống đời thường, dù chúng ta chỉ hỏi đường, hỏi giờ, mượn tờ báo,… Tiếng cảm ơn thật ý nghĩa và quan trọng, vì điều đó thể hiện văn hóa, đồng thời chứng tỏ người biết nói lời cảm ơn là người được giáo dục đúng đắn.

Chúa Giêsu luôn đề cao lòng biết ơn, vì chính Ngài cũng biết ơn: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42) Chỉ một chén nước lã thôi, chẳng đáng gì, thế mà vẫn được Ngài ghi vào “sổ nợ’ để rồi Ngài sẽ hoàn trả, và coi như chúng ta có công trạng chỉ nhờ một chén nước lã.

Biết ơn người khác là điều cần thiết, nhưng biết ơn Thiên Chúa còn cần thiết hơn. Nhưng bằng cách nào? Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.” (Cl 3:16) Thánh nhân nói thêm: “Bởi vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người.” (Dt 12:28)

Phúc Âm kể chuyện mười bệnh nhân phong đều được Chúa Giêsu chữa lành. Tuy nhiên chỉ có một người biết trở lại tạ ơn Ngài, mà người đó lại là dân ngoại bang. Nghĩa là chín người kia là dân Chúa, dân “nhà đạo,” thế mà “phủi tay” ngon lành. Chắc hẳn chúng ta cũng đã nhiều lần “quên” như thế, “quên” một cách tinh vi!

Và Chúa Giêsu cũng đang gặng hỏi mỗi người trong chúng ta về động thái “dễ quên” như thế. Mùa Xuân về, ngày tết đến, đó là khoảng thời gian chúng ta cần xét lại đức tin của mình và lòng biết ơn của mình với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy cố gắng đừng để Chúa Giêsu nhắc lại: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18)

Lạy Chúa Xuân vĩnh hằng, chúng con xấu hổ quá! Chúng con thành thật xin lỗi Ngài, xin thương xót mà tha thứ cho chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết