Người Việt có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Còn người Công giáo, trước đại dịch do virus Corona, thường chạy đến với Đức Mẹ hay các thánh, cách riêng thánh Rôcô như một lẽ thường tình. Vì sao vậy ?
Trên mạng xã hội một số người chia sẻ Kinh ông thánh Rôcô (*). Tuy nhiên, thông tin về thánh nhân còn rất sơ sài. Thiết tưởng đây là cũng là dịp tìm hiểu thánh Rôcô là ai và vì sao người Công giáo lại cầu xin Ngài trước đại dịch virus corona này.
Cuộc đời của Thánh Roch
Thánh Rô-cô, trong tiếng Pháp là Roch, sinh khoảng năm 1350 tại quê cha, thành phố Montpellier, nước Pháp, mất vào khoảng năm 1378 ở quê mẹ, tại vùng Lombardia, nước Ý. Lễ kính Ngài vào ngày 16 tháng 8 trong Giáo hội Công giáo, là vị thánh bảo trợ cho những người lữ hành, cho các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ da liễu, cho động vật, nhất là trước cái cơn bệnh dịch.
Ngài sinh ra và lớn lên thời cuộc chiến Trăm Năm giữa Anh và Pháp (1337-1453), giữa trận dịch hạch đen lớn, kéo dài hai năm và tàn sát một phần ba dân số phương Tây.
Tên của ngài rất phổ biến ở Pháp và Ý, nhưng có vẻ như Ngài xuất thân từ gia đình Roch de La Croix, một dòng họ quan trọng ở thế kỷ XVI. Cha của Ngài, Jean Roch de La Croix, một chức sắc của thành phố. Mẹ Ngài, bà Liberia, đến từ thành phố Bologna, Lombardia, nước Ý.
Thánh nhân đã được lớn lên trong môi trường Kitô giáo đạo hạnh. Ngài đã được rửa tội tại Vương cung thánh đường Đức Bà, cũng là trung tâm của đời sống tinh thần, trí tuệ và xã hội của thành phố Montpellier.
Thời niên thiếu, có lẽ Ngài đã học nơi các cha Dòng Đa Minh trước khi theo học y khoa. Ngài đã trải qua các cơn dịch hạch khủng khiếp từ năm 1358 đến 1361. Tại Montpellier, đại dịch này đã cướp đi hàng trăm sinh mạng mỗi ngày.
Khoảng năm 17-20 tuổi, Rôcô mồ côi cha mẹ. Là người có học thức, lại được hưởng gia tài lớn của cha mẹ, Rôcô quyết định bán tất cả cho người nghèo. Ngài gia nhập Dòng ba Phan Sinh (dành cho giáo dân). Ngài mặc trang phục của những người hành khất, lãnh phép lành của Đức Giám mục Maguelone và lên đường hành hương sang Roma.
Ngài đến Viterbo, cách kinh thành vĩnh cửu (Roma) vài ngày, vào tháng 7 năm 1367. Ngài ở lại ba tháng vì bệnh dịch hạch đang hoành hành ở đó. Ngài áp dụng kiến thức y khoa, kết hợp với làm dấu Thánh giá và cầu nguyện cho những người đau khổ, và nhiều người đã được ơn khỏi bệnh.
Thánh nhân tiếp tục cuộc hành trình đến Roma dù biết rằng ở Cesena (gần Roma) dịch bệnh đang hoành hành. Ngài đến làm những gì Thiên Chúa mong đợi, và một lần nữa Ngài cứu giúp nhiều người khỏi bệnh. Cuối cùng Ngài đến Roma, vào đầu năm 1368 và có lẽ chăm sóc các bệnh nhân tại bệnh viện Chúa Thánh Thần. Một vị Hồng y được chữa lành nhờ sự chăm sóc của Ngài. Đó là người đã đưa thánh nhân gặp Đức Giáo hoàng Urban V và Đức Giáo hoàng đã thốt lên: «Ta tưởng hiền đệ về Trời rồi!», và Ngài được đấng kế vị thánh Phêrô ban ơn toàn xá.
Năm 1370, Rôcô rời Roma dự định trở về quê hương. Vào tháng 7 năm 1371, Ngài ở Plaisance, Bệnh viện Đức Bà ở Bethlehem, gần nhà thờ thánh Anna, nơi Ngài giúp đỡ, chữa lành và an ủi người bệnh.
Trên đường về, Ngài bị nhiễm dịch tả, nên đã tự lánh vào trong hang ở Sarmato, vùng Emilia-Romagna nước Ý . Chính nơi này, Ngài có suối nước để uống và nhất là có một chú chó mang cho Ngài bánh mì. Chủ nhân của chú chó có thể là ông quý tộc Gothard Pallastrelli, người sau này trở thành môn đệ của thánh nhân. Ông cũng là người viết tiểu sử đầu tiên về vị thánh và là tác giả của bức chân dung thực sự duy nhất của ông được bảo tồn ở Plaisance, trong nhà thờ thánh Anna. Chuyện kể lại một thiên thần đã giải cứu thánh Rôcô. Ngài đã hồi phục sức khỏe và trở lại Plaisance chăm sóc những người nhiễm bệnh dịch, thể hiện một lòng dũng cảm và tính nhân văn đáng kính.
Ngài lại lên đường, nhưng gặp cảnh chiến tranh kéo dài từ năm 1371 đến 1375. Ngài bị bắt vì tình nghi là gián điệp. Ngài có thể minh oan, nhờ người chú làm quan trong thành phố. Nhưng trung thành với mong ước mai danh ẩn tích, thánh Rôcô đã không tiết lộ danh tính và xin tiếp tục cuộc hành trình như một “đầy tớ khiêm nhường của Chúa”.
Yêu cầu của Ngài đã bị từ chối, và Ngài bị tống vào tù suốt 5 năm trời. Ngài chỉ tiết lộ danh tính của mình cho một linh mục, vào đêm trước khi qua đời, xảy ra vào thứ ba ngày 16 tháng 8 năm 1379.
Thánh nhân được mai táng ở Voghera vùng Lombardia, tây bắc nước Ý. Vào khoảng năm 1382, dân trong vùng đã cử hành lễ dâng kính Ngài cách công khai. Hài cốt của thánh nhân đã bị đánh cắp vào tháng 2 năm 1485 và được chuyển đến thành phố Venice, bắc Ý.
Phần lớn thánh tích vẫn còn ở Venice trong nhà thờ Scuola Grande di San Rocco. Năm 1856, một chiếc xương ống chân của Ngài đã được trao cho nhà thờ Saint-Paul ở Montpellier, phía sau thánh đường thánh Roch, ngày nay là nơi lưu giữ thánh tích và chiếc gậy lữ hành của Ngài.
Lòng sùng kính Thánh Rôcô
Thánh Rôcô là một trong những gương mặt được yêu thích nhất của thế kỷ XIV. Ngài không để lại một câu nói hay một chữ viết, nhưng ngay sau khi chết, Ngài đã được cầu khấn như một vị đại thánh. Nhiều vị giáo hoàng ủng hộ việc xây dựng các đền thánh dâng kính Ngài. Thành phố Montpellier dâng kính một nguyện đường cho Ngài vào năm 1420 và tổ chức lễ vào ngày 16 tháng 8. Vào năm 1629, Đức Giáo hoàng Urbano VIII xác nhận lòng sùng kính qua hai văn bản công nhận đời sống đạo đức và ơn làm phép lạ của Ngài.
Lòng sùng kính thánh Rôcô bắt đầu ở Ý rồi từ Montpellier quê hương, dần dần, thánh nhân được tôn kính khắp cả trong châu Âu, và vượt đại dương tới các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha của Mỹ, Tây Ấn. Hàng ngàn nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường dành riêng kính Ngài trên toàn thế giới: chừng 3.000 ở Ý, trong đó có 250 giáo xứ, 74 thành phố và 36 khu phố ở các thành phố lớn mang tên Ngài.
Bức họa thánh Rôcô
Thánh Rôcô là đấng bảo trợ và chữa lành bệnh dịch hạch, một vinh quang phi thường – mà hiếm có vị thánh nào giữa thế kỷ XV và XVIII –được như Ngài. Ngài đã thu hút hàng trăm tác phẩm nghệ thuật hội họa, và là một trong những vị thánh được tái hiện nhiều nhất trong nghệ thuật. Văn hào Pháp, Albert Camus (1913-1960) trong tiểu thuyết Dịch Hạch (La Peste) nổi tiếng, đã mô tả một đám rước lớn dân chúng tôn vinh thánh Rôcô.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, có lẽ hiếm có nhà thờ nào mang tước hiệu thánh Rôcô, ngoài một ngôi nhà nguyện nhỏ, ở trong quần thể nhà thờ Phát Diệm do cha Phêrô Trần Lục xây dựng. Đó là một trong bốn ngôi nhà thờ cạnh, được dựng năm 1895, ở phía đông nam nhà thờ chính tòa Phát Diệm, mang tên Nhà thờ Thánh Rôcô. Theo lịch sử truyền lại, nhà thờ này ban đầu dâng kính Thánh Gioan Tiền hô, đến năm 1923 có dịch tả, giáo dân kêu cầu Thánh Rôcô mà được khỏi, nên Nhà thờ cạnh này được đổi tên dâng kính Ngài.
Nhà thờ thánh Rôcô- Phát Diệm
Một điều liên tưởng thú vị là vị Giám mục đầu tiên của Phát Diệm (1901-1933), Đức Cha Alexandre Marcou Thành (1857-1939) cũng là người đồng hương với thánh Rôcô, quê ở thành phố Monpellier, miền nam nước Pháp. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà thánh nhân đã được vị chủ chăn của Phát Diệm bấy giờ dâng lời cầu khấn khi dịch tả xảy ra và sau này chính Ngài cho đổi tên nhà nguyện để kính nhớ thánh nhân ?!
Đôi lời tạm kết
Dù cách xa nhiều thế kỷ, dường như thánh Rôcô vẫn còn là gương mặt hiện đại và lôi cuốn phản chiếu dung mạo Đức Kitô, một tia hi vọng cho nhân loại đang hoang mang đối diện với dịch bệnh khôn lường do virus Corona gây ra.
Gương thánh nhân tiếp tục khơi dậy cảm xúc, và quy tụ mọi người thành tâm thiện chí xích lại với nhau, để cùng ra tay cứu giúp đồng loại và đối diện với đại dịch bằng tâm tình tin yêu, phó thác, cầu nguyện dâng Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Rôcô.
(*) Kinh Ông Thánh Rô-cô
« Lạy ông Thánh Rô-Cô là Đấng có lộc,
bởi Thánh Cả đã đặng công trọng trước mặt Đức Chúa Trời,
thì chúng con nương vì công nghiệp ấy
chắc sẽ đặng cứu khỏi thần khí hay lây và đặng bình an vô sự.
Xin ông Thánh Rô-cô cầu cho chúng con,
hầu cho chúng con thoát khỏi ôn dịch truyền nhiễm.
Lạy Chúa là Đấng đã sai Thiên Thần nuôi dưỡng Ông Thánh Rô-cô
và đã hứa cùng Người rằng: “Kẻ nào lấy lòng sốt sắng mà khẩn cầu ông Thánh Rô-cô,
thì chẳng hề mắc phải ôn dịch chút nào.
Vậy chúng con xin nhờ lời ông Thánh Rô-cô chuyển cầu cho chúng con,
dám xin Chúa vì công nghiệp Người,
khẩn cứu chúng con hồn xác đều khỏi ôn dịch hiểm nghèo,
vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen”
Đình Chẩn tổng hợp
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý: THÔNG BÁO V/v Trục xuất thầy Jacobus Hoàng Anh Tuấn
- Làm gì để giúp người nghèo?
- Mừng Tháng Mân Côi Bằng Thực Thi 3 Mệnh Lệnh Fatima
- 15 Ơn lành Đức Mẹ Maria hứa ban cho những ai lần Chuỗi Mân Côi
- Người Việt Nam Công Giáo với Tết Nguyên Đán
- Phép lạ của Cha Trương Bửu Diệp: Dòng nước Thánh không bao giờ cạn
- Quốc gia đầu tiên tuyên вố hết dịcн Coνid-19 nhờ cầu nguyện