Hỏi:
Thưa Cha, có những điều mà ho tới bây giờ, hai mươi mấy năm rồi nhưng con vẫn chưa cảm nhận được, chưa lý giải cho mình được. Nhiều khi ra ngoài giao tiếp, người ta thắc mắc với con mà con không sao giải thích cho họ. Con biết đây cũng là thắc mắc không riêng gì con mà với rất nhiều Kitô hữu khác… Con có một vài thắc mắc như sau:
1. Cuộc sống thường ngày, mọi người bảo rằng hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng. Mọi sự của mình Chúa đã lo, đã an bài hết: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi…” (Mt 10,30; Lc 12,7). Vậy nghĩa là cuộc sống của mình cũng đều được Chúa sắp đặt hết rồi. Chúa muốn người này học giỏi thì người đó học giỏi, muốn người này thông minh, thì người đó thông minh (chúng ta hay thấy những thần đồng mới 5 -7 tuổi mà giải được toán cấp II). Muốn người này thành đạt thì thành đạt.
Muốn người này giàu thì giàu, người này bại liệt, bán vé số… thì cũng do Chúa đã sắp đặt hết… Vậy thì chúng ta cố gắng làm gì trong khi Chúa đã sắp đặt cho mình là nghèo thì mình vẫn nghèo hoài, làm ăn không được. Hay là đã ngu thì học hoài vẫn vậy? Đã dở thì có cố gắng mấy cũng…dở?
Đôi khi con đặt câu hỏi và suy nghĩ một mình: không biết như vậy có lỗi hay không và Thiên Chúa đáng yêu hay đáng sợ? Thiên Chúa là Cha mà con thắc mắc điều gì đó không lẽ Cha lại… phạt con sao? Người ta nghèo khổ đau yếu, Cha đã “quan phòng” thì sao không cho họ mạnh khỏe một chút, may mắn một chút để họ đi làm?
Trong khi người giàu có, dư ăn dư mặc thì Cha còn cho họ được trúng số, giàu thêm nữa… Con thấy hình như thời đại bây giờ “ở hiền thì khó gặp lành”, “Thật thà thì thua thiệt”.
2. Con thấy Luật bên Công giáo còn nhiều điều khó hiểu… Tại sao hai người yêu nhau khác tôn giáo thì người còn lại phải nhập đạo Công giáo mình? Bên nhà gái là Công giáo thì còn khó xử hơn: người nam phải vào Công giáo chứ người nữ không được bỏ Công giáo theo người nam, nếu không thì không cho cưới nhau.
Tại sao “lấy chồng phải theo chồng” mà không chịu vào đạo của chồng trong khi muốn chồng theo đạo mình? Hơn nữa dưới Giáo phận Xuân Lộc của con áp dụng một luật mà sao con thấy khó hiểu quá: Một người Công giáo lấy người Phật giáo (hay tôn giáo khác) mà không được ban Bí tích Hôn Phối (vì đạo ai người nấy giữ), thì coi như người đó mắc tội vạ. Linh mục không có quyền giải tội này mà phải lên Tòa Giám mục giải.
Dưới con bây giờ vẫn còn áp dụng luật này và ngoài Giáo phận Xuận Lộc của con ra con không thấy ở giáo phận khác có… Nhiều khi con không biết luật này có từ đâu chứ mỗi lần có đám cưới là mọi người ở địa phương con, ngay cả ba mẹ con nữa cũng phải dè chừng… rất mệt mỏi. Chỉ làm cho người khác ghét và muốn bỏ Công giáo mình hơn là thích gia nhập. Họ nói sao mà rắc rối khó khăn quá.
Tại sao Hội đồng Giám mục không xóa luật này đi… hoặc chuẩn cho linh mục có quyền giải tội này chẳng hạn…
Con không biết phải hỏi ai… Kính mong Cha trong một giới hạn nào đó, có thể cho con một vài chia sẻ. Để giải đáp phần nào những khúc mắc của con cũng như con có thể giải thích cho người ngoài… Con cảm ơn Cha rất nhiều…!
(Đoan Quang Linh Vũ)
Trả lời:
Linh Vũ Thân mến,
Những thắc mắc của Linh Vũ cũng khá dài! Chắc là Linh Vũ muốn nói lên những bức xúc đã chất chứa nhiều năm tháng. Hy vọng là sau khi đã nói ra được thì Linh Vũ cũng cảm thấy nhẹ được phần nào.
Về điều thắc mắc liên quan đến Chúa quan phòng thì ta phải hiểu việc quan phòng của Chúa không có nghĩa là Chúa lo hết, ta không phải lo gì cả. Câu Lời Chúa ” Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi…” không có ý muốn nói “mọi sự Chúa đã an bài, sắp đặt hết ta sẽ không còn làm được gì nữa” như Linh Vũ diễn giải.
Đọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu và Luca ta sẽ thấy câu nói ấy của Chúa muốn bảo các môn đệ đừng lo sợ những sự đe dọa, những kẻ chỉ giết được thân xác vì chính Chúa gìn giữ họ, Ngài quan tâm cả đến những con chim sẻ lẽ nào lại không lo đến mạng sống của họ, sự sống vĩnh cửu của họ, “… ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,31).
Sự quan phòng của Chúa không phải là sự an bài theo thuyết định mệnh nghĩa là không thể nào thay đổi được mà phải hiểu rằng những gì Chúa chuẩn bị cho ta sẽ sinh ích cho ta nếu ta biết tận dụng như trong dụ ngôn các nén bạc chủ troa cho các đầy tớ. Mỗi người đều có phần của mình.
Chắc chắn không giống nhau vì người ít, người nhiều. Nhưng điều quan trọng là người ta làm lợi thế nào với những gì được trao ban. Người được đưa nhiều thì bị đòi nhiều, đưa ít thì đòi ít. Mỗi người sẽ phải trả lời về những gì mình nhận được. Nên những người đã giàu mà còn “bị”… trúng số! thì sẽ bị đòi hỏi rất nhiều chứ không hẳn là ngon lành đâu! Vì thế giàu-nghèo, sang-hèn, khôn-dại, đẹp-xấu… không phải là quan trọng mà tôi có hạnh phúc với những gì tôi có không? Tôi có tận dụng được những gì có hôm nay để sinh ích cho phần rỗi đời đời của tôi không? Đó mới là điều hệ trọng.
Thí dụ một người đi thi thì điều quan trọng nhất đối với người ấy là kết quả có đậu hay không chứ không phải cái xe anh đi đến trường thi có đẹp hay không? Bút anh viết có phải là bút đắt tiền không? Bàn ghế anh ngồi có sang trọng không? Áo quần anh mặc có ai khen ngợi không?
Vậy sự quan phòng của Chúa không nhắm đến những gì mau qua, chóng hết ở trần gian. Tất cả chỉ là phương tiện để chúng ta đạt đến ơn cứu độ là sự sống đời đời.
Còn việc Linh Vũ cho rằng phải theo đạo Công giáo mới được kết hôn là không đúng! Nếu như vậy thì tại sao lại có phép chuẩn khác đạo theo Giáo Luật Điều 1186 &2. Giáo Hội không cưỡng bách ai theo đạo cả mà vẫn tìm cách giải quyết những khó khăn trong hôn nhân. Có chăng là những bậc cha mẹ ép con dâu con rể của mình theo đạo thôi. Việc làm này không phải là điều đáng khuyến khích vì nghịch lại với sự tự do đón nhận của đức tin.
Luật của Giáo phận Xuân Lộc theo như tôi biết thì chỉ ban phép chuẩn cho những người đủ 25 tuổi, còn nhỏ hơn thì sợ không đủ chín chắn để kết hôn giữa hai người khác đạo. Có lẽ Linh Vũ chưa có kinh nghiệm về những khó khăn của những người không cùng một tôn giáo kết hôn với nhau đâu!
Quan niệm một vợ, một chồng và hôn nhân bất khả phân ly đâu phải là hiển nhiên đối với người ngoại giáo. Nếu hon nhân không êm ấm người ngoại bỏ đi thì người Công giáo có kết hôn được nữa không? Lúc đó người Công giáo sẽ sống ra sao? Có thể sống đơn thân khi còn trẻ tuổi không? Trong khi đó người ngoại họ không bị ràng buộc bởi tính bất khả phân ly?
Đó mới chỉ là một trong nhiều điểm không tương đồng giữa người Công giáo và người ngoại, chưa kể đến quan điểm khác nhau về luân lý còn chi phối thường xuyên đời sống hôn nhân mà người Công giáo phải đương đầu và họ không tiên liệu được.
Mỗi giáo phận có luật riêng tùy theo hoàn cảnh mục vụ chứ luật này không phải của tất cả mọi nơi. Có lẽ Linh Vũ chưa sống trong tất cả các giáo phận nên không biết được luật của mọi nơi.
Một người Công giáo lấy một người ngoại mà không có nghi thức hôn phối thì không phải là đạo ai nấy giữ như Linh Vũ nêu lên đâu. Trường hợp này người Công giáo sẽ không được xưng tội, rước lễ vì sống trong tình trạng rối hôn phối là tội trọng tỏ tường theo Giáo Luật Điều 915. Những ai tham dự là tỏ sự đồng tình, ủng hộ người hành động như vậy nên theo luật giáo phận họ bị phạt.
Phần riêng tôi, tôi nghĩ rằng những người kết hôn khác đạo không phép chuẩn thì đương nhiên không thể xưng tội, rước lễ được. Còn những người tham dự lại bị phạt không được xưng tội, rước lễ thì hơi nặng vì chỉ cần khiển trách răn đe nếu tái phạm mới nên ra hình phạt.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Giáo phận Hà Tĩnh: Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục 2019
- Nhược điểm tâm linh
- Dòng Chúa Cứu Thế: “Cây đại thụ đại phúc” đã về với Chúa
- Nghĩa cử đẹp của trái tim người triệu phú thợ mộc kín đáo
- Làm Sao Để Biết Được Linh Hồn Đã Được Lên Thiên Đàng?
- Kiиh cầu nguyện cho các bà мẹ đang mang тнαi
- Mọi điều bạn mơ ước đều nằm ở phía bên kia sự sợ hãi